26.09.2017

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 26.09.2017)

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung cộng 
(ngày 26.09.2017)


Báo Trung cộng cảnh cáo Úc chớ xen vào tình hình Biển Đông 
Biển Đông. Ảnh tư liệu

Một hạm đội gồm 6 tàu chiến Úc đang trực chỉ Biển Đông để thực hiện một cuộc hành trình dài 2 tháng bao gồm các cuộc diễn tập quân sự và các chuyến đi ghé thăm các hải cảng trong khu vực. Động thái này chưa gì đã bị truyền thông nhà nước Trung cộng đả kích như một hành động nhằm ‘vây hãm’ Trung cộng.


Báo Daily Telegraph tường thuật rằng chính phủ của Thủ Tướng Malcolm Turnbull đã xúc tiến kế hoạch đã ấp ủ từ lâu, là điều hải quân Úc tham gia các cuộc tập trận quy mô trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được coi là nhiệm vụ tác chiến lớn nhất của Úc trong hơn 30 năm qua.

Dẫn đầu hạm đội Úc gồm các tàu chiến HMAS Melbourne, HMAS Darwin, HMAS Toowoomba, HMAS Parramatta và HMAS Sirius, là tàu đổ bộ trực thăng lớp Canberra HMAS Adelaide, tàu chiến lớn nhất được chế tạo cho Hải quân Hoàng gia Úc. Tàu này được hải quân Úc miêu tả là “một trong những tàu chiến không - thủy - bộ lợi hại nhất trên thế giới, giúp Úc củng cố khả năng chiến đấu trên các vùng biển lớn quanh lục địa Úc Châu.

Với trọng tải 27.000 tấn, chiều dài 230 m và chiều rộng 32 m, ngoài thủy thủ đoàn 325 người, tàu có thể chở theo 18 trực thăng, hơn 1000 binh sĩ được trang bị vũ khí đầy đủ cùng 110 xe tải, xe bọc thép và xe tăng. HMAS Canberra còn có cả một bệnh viện 3 tầng với 56 giường.

Tàu được hạ thủy vào thời điểm căng thẳng đang lớn dần ở Biển Đông sau những hành động hung hăng của Trung cộng để khẳng định tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Trong một bài phân tích về sức mạnh của Hải quân Úc cách đây vài năm đăng trên trang mạng chinamil, Tiến sĩ Hùng Chí Vĩnh, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Nam Hải của Trung cộng, cảnh giác về sự lợi hại của các chiến hạm lớp Canberra. Ông Vĩnh nói khi hai chiếc tàu đổ bộ chiến đấu lớp Canberra của Hải quân Úc đi vào hoạt động, nó sẽ trở thành “mối đe dọa lớn nhất đối với chiến lược của Bắc Kinh trên Biển Đông”.

Chiến lược Biển Đông của Úc

Các chi tiết về lộ trình của hạm đội Úc khởi hành từ hôm 4/9 trong một sứ mệnh kéo dài 2 tháng, vẫn chưa được công bố. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cho biết nhiệm vụ của hạm đội này là “chứng minh khả năng của Lực lượng Quốc phòng Úc tiến hành một loạt hoạt động quân sự, từ chiến tranh chống tàu ngầm, cho tới các hoạt động cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ thiên tai.”

Ý nghĩa chiến lược sâu xa hơn của động thái của Canberra, điều hạm đội Úc đến Biển Đông, điểm nóng của thế giới nơi xung đột quân sự có thể xảy ra, là để chứng tỏ quyết tâm của Úc muốn duy trì sự hiện diện tại Tây Thái Bình Dương, theo tinh thần các bạch thư quốc phòng Úc từ năm 2009. 2013 và 2016.

Báo Daily Telegraph của Anh mới đây tường thuật rằng đã có các cuộc thảo luận cấp Bộ trưởng để xác định lập trường của Canberra về các cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, và. bàn về những giải pháp chiến lược của Úc cho khu vực Tây Thái Bình Dương.

Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung cộng nói từ trước tới nay, nước Úc vẫn chú trọng tới vấn đề ngăn chặn di dân và tị nạn, nhưng các cuộc diễn tập quân sự và các chuyến cập cảng của hạm đội Úc trong sứ mệnh lần này, là “tự nguyện và bất thường”.

Tờ Hoàn cầu Thời báo nói: “Rõ ràng Canberra muốn chứng tỏ sức mạnh của mình, củng cố quan hệ với các nước láng giềng, và đóng một vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực”, tuy nhiên tờ báo cảnh cáo rằng khi sử dụng các lực lượng quân sự của mình trong khu vực hay xa hơn, “Canberra tự đẩy mình vào thế chấp nhận vai trò thứ yếu, theo chân Hoa Kỳ, rập khuôn theo lập trường của Mỹ”.

Nước Úc từ trước tới giờ vẫn tự coi mình như một cường quốc bậc trung, không hoàn toàn độc lập về mặt an ninh. Nhưng tình hình thế giới đã thay đổi từ khi Tổng thống Trump lên nhậm chức tại Hoa Kỳ. Có dấu hiệu cho thấy Mỹ không tha thiết với việc đóng một vai trò tích cực trong các vấn đề an ninh khu vực, thậm chí có thể triệt thoái khỏi khu vực Á Châu-Thái Bình Dương nếu làm như vậy có thể phục vụ các lợi ích chiến lược riêng của mình.

Các nhà chiến lược Úc tin rằng một nước Trung cộng hùng mạnh, quyết đoán hơn, có thể mang lại một số bất định cho khu vực. Mặc dù không có cách nào có thể thay thế được cường quốc số 1 thế giới, Canberra muốn tập hợp các nước láng giềng để cùng nhau, cưỡng lại chính sách bành trướng của Trung cộng.

Bài viết của Tờ Hoàn cầu Thời báo trích lời Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull phát biểu tại cuộc Đối thoại Shangri-La hồi đầu năm nay, ví von trật tự mới tại vùng Á Châu-Thái Bình Dương là “Cá lớn nuốt cá bé, cá bé nuốt tôm tép”, để bình luận rằng Canberra không dấu giếm ý định muốn trở thành phát ngôn nhân của “các con cá bé và tôm tép.”

Tác giả bài viết, một nhà nghiên cứu tại Học viện Quốc phòng Quân đội Nhân dân Trung cộng, lưu ý rằng trong thời gian gần đây, Úc đã tìm cách ve vãn Nhật Bản và Ấn Độ để mưu tìm một vai trò lớn hơn trong ASEAN và khu vực. Úc tỏ ý muốn độc lập khỏi Hoa Kỳ, và sẵn sàng hành động một mình dù cho Mỹ có mặt hay không, tác giả đặt câu hỏi: “vấn đề là liệu vai trò đó có tính xây dựng hay không”?

Tác giả cảnh báo “Canberra cần phải thận trọng để tránh bị sa lầy trong các cuộc tranh chấp khu vực ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tác giả bài viết kết luận: “Nước Úc nên duy trì sự trung lập của mình thay vì “kết bè kết đảng” với các nước khác. Dù gì đi nữa, Úc cũng nằm bên ngoài khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông.”

Ngân sách quốc phòng của Úc trong năm tài chính 2017-2018, là 27,4 tỷ đô la. Bộ Quốc phòng Úc cho biết trước năm 2021, sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên tới 2% GDP. Và như vậy, Úc sẽ là một trong những nước có tỷ lệ tăng ngân sách quốc phòng nhanh nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

VOA



Việt Nam nêu vấn đề Biển Đông tại Liên Hiệp Quốc 
Ông Phạm Bình Minh phát biểu tại Liên Hiệp Quốc năm 2016.

Đại diện Việt Nam hôm 22/9 phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong đó kêu gọi “kiềm chế” ở Biển Đông.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói rằng “Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ cùng các nước ASEAN ứng phó với các thách thức chung”.

“Về tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam và ASEAN kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý”, ông nói tiếp.

Ngoài Biển Đông, theo tin từ LHQ, ông Minh cũng nhắc tới sự tin tưởng của Việt Nam vào “vai trò nền tảng của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc về tôn trọng chủ quyền quốc gia, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không đe doạ hay sử dụng vũ lực và giải quyết hoà bình các tranh chấp”.

Tổng thống Hoa Kỳ Trump phát biểu tại Liên Hiệp Quốc hôm 19/9.

​Đại diện chính phủ Việt Nam còn kêu gọi “cần có những hành động cụ thể, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, nhằm ngăn ngừa các xung đột, xây dựng lòng tin và giải quyết hoà bình các xung đột, tranh chấp, kể cả các xung đột, tranh chấp ở Trung Đông, Châu Phi và kêu gọi phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên”, đồng thời nói rằng “việc bao vây cấm vận đơn phương Cuba là không phù hợp và phải được dỡ bỏ ngay”.

Ông Minh lên tiếng tại LHQ ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu với ngôn từ mạnh, trong đó ông cũng nhắc tới Biển Đông.
Chúng ta phải bác bỏ các mối đe dọa đối với chủ quyền từ Ukraine cho tới Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]”, ông Trump phát biểu, đồng thời nói thêm rằng “chúng ta phải tôn trọng luật pháp, tôn trọng biên giới, tôn trọng văn hóa và sự giao tiếp hòa bình”.

Dù ông Donald Trump không trực tiếp nhắc tới Việt Nam trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị tổng thống Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc, bóng dáng Việt Nam vẫn hiển hiện trong các vấn đề tỷ phú Mỹ nêu lên như Bắc Hàn và các thỏa thuận thương mại đa phương bị cáo buộc đã lấy đi việc làm của người Mỹ, theo giới quan sát.

VOA


Phi Luật Tân sẽ điều tra vụ ngư dân Việt bị bắn chết 
Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam.

Manila ngày 25/09/2017 thông báo hai ngư dân Việt Nam thiệt mạng, năm người khác bị bắt giữ, trong vụ đụng độ với tàu tuần tra của Hải Quân Phi Luật Tân hôm 23/09/2017 trong vùng mũi Bolinao, tỉnh Pangasinan, phía tây bắc Phi Luật Tân.

Hãng tin Pháp AFP, trích dẫn nguồn tin từ bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân, thông báo đụng độ giữa lực lượng tuần tra Phi Luật Tân với các thuyền viên Việt Nam diễn ra ngoài khơi thị trấn Bolinao, cách bờ khoảng 56 cây số. Trong cùng ngày Ngoại Trưởng Phi Luật Tân Peter Cayetano đã báo tin với vị tương nhiệm Việt Nam bên lề một buổi họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York. Ông Cayetano hứa với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh rằng chính phủ nước ông sẽ thực hiện một cuộc điều tra công bằng.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao công bố ở Manila dẫn lời ông Cayetano nói với ông Minh: “Chúng tôi xin chia buồn về những mất mát sinh mạng đáng tiếc này và chúng tôi sẽ tiến hành một cuộc điều tra công bằng và đầy đủ vào sự cố này.”

Vẫn theo tin AP, ông Cayetano còn trấn an rằng 5 ngư dân Việt Nam khác đang bị chính quyền Phi Luật Tân câu lưu sẽ được đối xử tử tế, và các giới chức Việt Nam được tự do tiếp xúc với họ.

Báo Nikkei Review dẫn lời Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân ở Manila cho biết một chiếc tàu tuần tra của hải quân Phi Luật Tân phát hiện 6 tàu đánh cá Việt Nam cách Mũi Bolinao, tỉnh Pangasinan của Phi Luật Tân, khoảng 63 km, sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (370 km) của Phi Luật Tân.

Tin AP biết các tàu của người Việt đã dùng đèn pha chiếu sáng để thu hút cá, là điều bị pháp luật Phi Luật Tân nghiêm cấm.

Phía Phi Luật Tân nói khi tàu Phi đuổi theo các tàu cá Việt Nam, một chiếc tàu Việt Nam đã có “động thái nguy hiểm”, tông vào mạn trái tàu tuần duyên Phi Luật Tân, buộc các thủy thủ Phi Luật Tân phải nổ súng cảnh cáo, và khi lên tàu, phát hiện hai ngư dân đã thiệt mạng, 5 thuyền viên khác trên tàu đầu hàng và bị câu lưu.”

Báo Nikkei của Nhật Bản nói thông báo của Phi Luật Tân không nói rõ liệu các phát súng cảnh cáo đã giết chết các ngư dân người Việt hay không. Ngoại Trưởng Cayetano cho biết các nhà điều tra của Hải quân, Đội Tuần Duyên và Cảnh sát Quốc gia Phi Luật Tân đã được phái tới Pangasinan để tiến hành điều tra. 

Binh sĩ Phi Luật Tân  canh gác tại một tàu cá Việt Nam, neo tại thị xã biển Sual, tỉnh Pangasinan, phía bắc Manila. Ảnh chụp ngày 2/11/2016.TED ALJIBE / AFP 

Phía Phi Luật Tân khẳng định là chiếc tàu hải quân của họ đã tuân thủ các quy định đòi hỏi trong các vụ chạm trán trên biển.

Một chức chức Phi Luật Tân còn nói với hãng tin AP rằng sự việc xảy ra gần bờ biển của Phi Luật Tân, chứ không phải trong vùng lãnh hải tranh chấp trên Biển Đông.

Về phía Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã yêu cầu tòa đại sứ Việt Nam tại Phi Luật Tân liên hệ với các cơ quan chức năng của Phi Luật Tân, để xác minh thông tin và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

Báo điện tử của chính phủ Việt Nam cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã “phản đối việc sử dụng vũ lực đối với ngư dân và đề nghị Phi Luật Tân điều tra, làm rõ vụ việc”.

Theo AP, vụ chạm trán gây tử vong nêu bật nguy cơ tiềm ẩn của các sự cố tương tự do các tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong một khu vực nơi có nhiều cạnh tranh để tranh bắt hải sản, khai thác dầu và khí đốt cùng những tài nguyên khác.Trong những năm trở lại đây, không chỉ Phi Luật Tân, mà ngày càng có nhiều nước trong khu vực như Nam Dương, Thái Lan, Mã Lai hay thậm chí Úc, bắt giữ các ngư dân Việt đánh bắt trái phép.

Bản quyền hình ảnh REUTERS Image caption Giới chức Nam Dương cho nổ 81 tàu cá nước ngoài hôm 01.04.2017

Hồi tháng Bảy, hồi tháng bảy vừa qua, Việt Nam cũng đã đề nghị Nam Dương điều tra vụ hải quân Nam Dương bắn tàu cá Việt Nam, Ngoại trưởng Nam Dương cho hay hải quân nước này cung cấp "thông tin khác" và nói việc ngư dân Việt đánh bắt bất hợp pháp "là vấn đề dài hạn", Reuters tường thuật.

Trước đó, truyền thông Việt Nam đưa tin Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Nam Dương điều tra vụ hải quân Nam Dương bắn tàu cá làm bị thương hai ngư dân Việt Nam.

 BBC, RFI, VOA 



Với Tứ Sa, Trung cộng đang tiến tới đòi chủ quyền toàn bộ Biển Đông
Bản đồ cho thấy những tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông  AFP

Chính phủ Trung cộng mới đây đã đưa ra một chiến thuật mới về pháp lý để đẩy mạnh đòi hỏi chủ quyền của mình ở khu vực biển Đông.

Theo trang tin Washington Free Beacon của Mỹ, chiến thuật này được ông Mã Tân Dân, Phó Tổng Giám đốc Cục Hiệp định và Pháp luật, Bộ Ngoại giao Trung cộng, đưa ra trong một cuộc họp kín với các giới chức Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 28 và 29 tháng 8 ở Boston, Mỹ.

Chiến thuật được nói đến gọi là ‘chiến tranh pháp lý’ bao gồm một sự dịch chuyển từ cái goi là đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung cộng vẽ ra ở biển Đông, vốn chiếm đến 90% diện tích vùng biển này.

Chiến tranh pháp lý sẽ áp dụng đối với 4 vùng đảo và thực thể trên biển Đông hiện đang có tranh chấp giữa các nước bao gồm Nam Sa (Trung cộng gọi là Nansha) tức Trường Sa, Tây Sa (Xisha) là Hoàng Sa, Đông Sa (Dongsha) và Trung Sa (Zhongsha). Trung cộng gọi các khu vực này chung là Tứ Sa.

Ông Mã nói rằng Trung cộng khẳng định chủ quyền đối với Tứ Sa qua nhiều các đòi hỏi về pháp lý. Ông cũng tuyên bố đây là vùng nước lịch sử của Trung cộng và là một phần trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này. Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền đối với Tứ Sa như một phần của thềm lục địa mở rộng của mình.

Giải thích về đòi hỏi chủ quyền đối với Tứ Sa của Trung cộng, Đại tá về hưu thuộc Hải Quân Mỹ Jim Fanell, người đã từng đứng đầu đơn vị tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương cho rằng đây là một bước tiếp theo trong chiến lược ‘lát cắt salami’ được Trung cộng áp dụng từ trước đến nay ở biển Đông, dần dần lấn tới và cuối cùng là đòi chủ quyền toàn bộ biển Đông.

Theo Washington Free Beacon, các giới chức  Bộ Ngoại giao Mỹ đã tỏ ra ngạc nhiên về kế hoạch mới của Trung cộng. Tuy nhiên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Justin Higgins sau đó đã không đưa ra một bình luận nào với báo chí về cuộc họp này. Ông chỉ khẳng định lập trường của Mỹ từ trước đến này là không đứng về bất cứ bên nào trong đòi hỏi về chủ quyền ở khu vực biển Đông.

Chính sách ba chiến tranh là gì?

Chiến tranh pháp lý thực ra là một trong 3 chiến thuật trong chính sách ‘3 chiến tranh’ của Trung cộng bao gồm chiến tranh tâm lý, chiến tranh thông tin và chiến tranh pháp lý đã được Quân Ủy Trung ương Trung cộng đưa ra từ hồi năm 2003.

Trên thực tế, đây là chính sách đã được Trung cộng áp dụng rất rõ ràng để đối phó với phán quyết của Tòa Trọng tại Quốc tế trong vụ kiện giữa Phi Luật Tân và Trung cộng được bắt đầu hồi năm 2013. Theo Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, Trung cộng sử dụng các chiến thuật này nhằm làm phân tán sự chú ý của quốc tế vào quyết định mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, vốn yêu cầu các bên tham gia Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) phải tuân thủ. Trung cộng là một thành viên của Công ước này.

Hồi tháng 7 năm 2016, tòa Trọng tài Quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ tính pháp lý của đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung cộng vẽ ra trên biển Đông. Trung cộng sau đó cũng đã lên tiếng bác bỏ phán quyết của tòa.

Mỹ cần phải có hành động đối phó

Tờ Washington Free Beacon trích lời của chuyên gia cao cấp Michael Pillsbury thuộc Viện Hudson ở Mỹ nhận định rằng chính phủ Mỹ hiện đang thiếu cả hai khả năng về chiến tranh pháp lý và đối phó với chiến tranh pháp lý của Trung cộng. Ông nói “Trung cộng dường như được tổ chức tốt hơn để thiết kế và thực hiện các chiến thuật pháp lý khôn ngoan để thách thức các quy tắc quốc tế mà không bị chế tài trừng phạt’. Ông Pillsbury cũng nói rõ hơn là có thể việc Trung cộng áp dụng chiến thuật chiến tranh pháp lý ở biển Đông sẽ khiến Quốc hội Hoa Kỳ cho phép chính phủ xây dựng một khả năng tốt hơn để đối phó với Trung cộng và khi Mỹ có được một đơn vị như vậy thì sẽ dễ dàng hơn để đối phó với chiến tranh pháp lý của Trung cộng, nhất là khi có sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc.

Quốc hội Mỹ hiện vẫn chưa phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) vì cho rằng Công ước sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Mỹ trên biển. Trung cộng từ trước đến nay trên các diễn đàn quốc tế và kênh báo chí vẫn tuyên truyền rằng Mỹ là đạo đức giả khi không phê chuẩn Công ước.

Chuyên gia Pillsbury cũng cho rằng Mỹ nên triển khai một hàng không mẫu hạm hoặc một nhóm tàu viễn chinh vĩnh viễn ở biển Đông để cho Bắc Kinh thấy là những lời nói của Mỹ được củng cố bằng hành động chứ không chỉ là lời nói đơn thuần.


RFA