20.04.2016

​​THÔNG BÁO Về “Vietnam War Summit” (Hội Thảo Thượng Đỉnh Chiến Tranh Việt Nam) tại Thư Viện LBJ, Austin, Texas


(cập nhật ngày 25.04.2016)
 ​​THÔNG BÁO
Về “Vietnam War Summit”
(Hội Thảo Thượng Đỉnh Chiến Tranh Việt Nam)
tại Thư Viện LBJ, Austin, Texas
Kính thưa:
-       Quý vị Lãnh Đạo các Tôn Giáo, Cộng Đồng, Đoàn Thể,
-       Quý Thân Hào Nhân Sĩ, Truyền Thông Báo Chí và
-       Toàn thể Đồng bào tại Hoa Kỳ, hải ngoại.

Ngày 5 tháng 4, 2016, Thư Viện Lyndon Baines Johnson (LBJ) ở Austin, Texas thông cáo sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam được mệnh danh “Vietnam War Summit” (tạm dịch “hội thảo thượng đỉnh chiến tranh Việt Nam”) từ 26 đến 28 tháng 4, 2016, được Đại Học University of Texas bảo trợ nhằm đưa ra một “cái nhìn thật sự và rõ ràng về chiến tranh Việt Nam”.


Trong buổi hội thảo còn có sự hiện diện của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry với tư cách diễn giả chính. Ông sẽ trình bày sự quan hệ giữa chính phủ Hoa Kỳ và CS Việt Nam, về sự thay đổi kinh tế và xã hội của Việt Nam so với thời kỳ Ông phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Buổi hội thảo được tổ chức nhân dịp ngày 30-4 sắp tới và 1 tháng trước khi TT Obama đến thăm Việt Nam.

Ngoài ra, còn có các diễn giả khác như TS Henry Kissinger, cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ thời TT Nixon; Ô. Phạm Quang Vinh, đương kim đại sứ CSVN tại Hoa Kỳ và Ô. Ken Burns, một nhà làm phim sẽ thực hiện bộ phim tài liệu gồm 10 phần về cuộc chiến tại Việt Nam.

Theo Ông giám đốc thư viện Mark K. Updegrove, mục đích buổi hội thảo nhằm vinh danh các nam nữ chiến binh Hoa Kỳ đã chiến đấu anh dũng tại Việt Nam đồng thời nghiên cứu sự phức tạp của cuộc chiến, để “soi ánh sáng vào cuộc chiến tranh Việt Nam, bài học và di sản của nó” ("Our goal is to shed definitive light on the Vietnam War, its lessons and legacy.")

Đặc biệt trong danh sách những nhân vật tham dự, còn có một số cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, một số nhân vật  phản chiến nổi tiếng như Tom Hayden (chồng cũ của Jane Fonda cũng là một người phản chiến), ông Peter Arnett, một ký giả phản chiến.

Điều đáng ngạc nhiện là một cuộc hội thảo quan trọng về cuộc chiến tại Việt Nam lại không có một người Việt nào được mời tham dự để góp tiếng nói về vận mệnh của đất nước mình, ngoại trừ Dân Biểu Texas Hubert Vo, một người Việt Nam còn trẻ không trực tiếp tham gia cuộc chiến, như thế, đây có thể là một môi trường thông tin một chiều, thiếu trung thực, để các thành phần phản chiến và thân cộng có cơ hội tuyên truyền cho đảng CSVN hiện nay.

Để đáp ứng sự kiện này, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ đề nghị:

1-       Người Việt tỵ nạn chúng ta cần có tiếng nói trong dịp này dưới nhiều hình thức, nêu rõ lập trường, lý do và những nguyên nhân đưa đến cuộc chiến tại Việt Nam. Ai đã gây ra cuộc chiến kéo dài 30 năm (1945-1975), làm thiệt mạng gần 4 triệu người dân Việt Nam, để cuối cùng một chế độ cộng sản vô thần tàn bạo ngự trị đất nước Việt Nam trên 40 năm qua.

2-       Chúng ta không chống cuộc hội thảo nhằm tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam, mà chỉ chống luận điệu một chiều, xuyên tạc của các tên phản chiến, thân cộng và những kẻ bán đứng miền Nam Việt Nam, và đại sứ CSVN tại Hoa kỳ đại diện cho một chính quyền không do dân bầu, hiện đang tiếp tục đàn áp và khống chế dân tộc Việt Nam bằng một chế độ độc tài toàn trị, đưa đất nước đến bờ vực thẳm.

3-       Chúng ta sẽ phải lên tiếng trước công luận đòi hỏi nhân quyền, tự do dân chủ cho Việt Nam, đòi thả tất cả các tù nhân chính trị hiện đang bị cộng sản giam cầm.

Để đạt mục tiêu này, chúng tôi đề nghị:

1-    Cùng ký vào bản lên tiếng của cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ và trên thế giới dưới hình thức tuyên cáo đăng  trên website, phổ biến trên báo chí và gửi cho ban tổ chức và Ngoại Trưởng John Kerry.

2-    Tổ chức và tham gia biểu tình trước thư viện LBJ trong những ngày có hội thảo.

- Đề nghị cộng đồng tại Austin đứng ra tổ chức và làm phối trí viên.

- Các cộng đồng Việt Nam tại Texas, các tiểu bang lân cận cùng hợp tác và tham dự.

- Đồng bào Việt Nam khắp nơi hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất.

Cộng Đồng Người Viêt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác cùng tất cả cộng đồng, đoàn thể, tổ chức, nhân sĩ và đồng bào tại Hoa Kỳ và hải ngoại nhằm phản bác bất cứ sự kiện phản chiến và thân cộng nào.

Trân trọng.

BS Võ Đình Hữu, Chủ Tịch Hội Đồng Đại Biểu, 714-928-3038
BS Đỗ Văn Hội, Chủ Tịch Hội Đồng Chấp Hành , 407-234-3596
Ông Lưu Văn Tươi, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Sát, 407-491-9299


Đính kèm chi tiết về cuộc hội thảo.




cập nhật ngày 25.04.2016


CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA HOA KỲ
The Vietnamese American Community of the USA
 16204 Viki Lynn Pl., Pflugerville, TX 78660
vacusa.wordpress.com
TEL : (703) 980 9425 – (512) 800-7227
________________________________________________________

Ngày 22 tháng 4, 2016
Kính gửi quý Hội đoàn, quý Đồng hương Việt Nam Tị nạn Cộng Sản.

Thông Cáo về việc Tham Dự Hội Thảo Chiến Tranh Việt Nam tại Austin


Kính thưa quý vị,
Trong ba ngày 26, 27, 28 tháng 4, 2016, Trường Đại Học Texas tại Austin và Thư Viện Lyndon B. Johnson sẽ tổ chức một chương trình “hội thảo thượng đỉnh” về Chiến Tranh Việt Nam (The Vietnam War Summit) ngay tại Thư Viện LBJ ở Austin, Texas với mục đích tìm hiểu những diễn biến quan trọng trong cuộc chiến về các lãnh vực quân sự, chính trị, truyền thông…

Họ đã mời các diễn giả là những người có liên quan đến chiến tranh Việt Nam, trong đó có Cựu Ngoại Trưởng Henry Kissinger và một số nhân vật phản chiến khác như Ngoại Trưởng John Kerry, các nhà truyền thông Dan Rather, Tom Hayden… Đặc biệt có sự mời Đại Sứ Việt Cộng Phạm Quang Vinh đến đọc diễn văn. Phía Người Mỹ gốc Việt, theo bà Amy Barbee, Giám Đốc Điều Hành Thư Viện LBJ, thì có sự tham dự của Dân Biểu Tiểu Bang Hubert Võ và ông Tommy Hodinh (tức Hồ Đình Thanh) một doanh gia ở Austin có công ty Mac Rabbit tại Softech Đà Nẵng, Việt Nam. Cũng trong ngày Thứ Năm, Đại sứ Việt Cộng sẽ tiếp xúc và ăn trưa với Phòng Thương Mãi Austin để kêu gọi việc đầu tư tại Việt Nam trước khi đến nói chuyện tại LBJ Library..

Do biết tin hơi muộn, chúng tôi chỉ có thể liên lạc với Ban Tổ Chức để phàn nàn và yêu cầu tham dự. Ban Tổ Chức thuận cấp 12 vé với tư cách dự thính mà thôi. Do đó, chúng tôi đã gửi email mời các nhân vật Cộng Đồng trong vùng Texas và lập một đoàn chính thức 12 người (Xin xem danh sách ở cuối trang). Chúng tôi có gửi điện thư mời Cộng Đồng Dallas, nhưng ông Chủ Tịch Phạm Quang Hậu, cho biết không tham dự vì không kiếm được người đi.

Mục đích tham dự của chúng tôi là chuẩn bị hai bài nói chuyện trong trường hợp được chấp thuận vào giờ chót (1) Nhân cách và tinh thần yêu nước của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, (2) Đại hoạ mất nước của Việt Nam ngày nay.  Ngày 15/4/2016, chúng tôi được phúc đáp của Ban Tổ Chức là không có thì giờ để thêm phần trình bày của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi dự trù những câu phát biểu nhằm giải độc các luận điệu xuyên tạc ác ý về Chính phủ và Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà nếu các diễn giả đề cập đến.

Vì đây là môi trường đại học, trong một xứ sở tự do ngôn luận, nên chúng tôi chọn cách đối phó theo chiều hướng thích ứng song song với một cuộc biểu tình vào trưa ngày 28 tháng 4, 2016 do Cộng Đồng Houston tổ chức để phản đối sự có mặt của Đại sứ VC tại Hội Thảo Vietnam War và cuộc họp với Austin Chamber of Commerce. Sau ngày Hội Thảo, chúng tôi cũng sẽ đăng một Thông Cáo Báo Chí trên tờ báo Austin American Statesman để đánh động công luận Hoa Kỳ. Tùy thái độ sắp tới của LBJ Library, chúng tôi sẽ bày tỏ thái độ thích nghi. Nhưng chắc chắn sẽ yêu cầu họ phải mời Cộng Đồng Việt tị nạn trong các hội thảo có liên quan đến Việt Nam. Đồng thời yêu cầu Hoa Kỳ đặt vấn đề nhân quyền là điều tiên quyết trong các bang giao với Việt Cộng, đòi ngụy quyền Cộng Sản thả các tù nhân lương tâm, và cũng kêu gọi các doanh gia không nên đầu tư vào Việt Nam là nơi bất ổn và đầy tham nhũng hối lộ.

Chúng tôi sẽ tường trình đến quý đồng hương những diễn biến quan trọng trong ba ngày hội thảo.

TUN Hội Đồng Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ

Đoàn Trọng Hiếu           
Trưởng Khối Truyền Thông      

Danh sách 12 thành viên Cộng Đồng tham dự chính thức:

1.-  Ông Đỗ Văn Phúc, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ.
2.-  Tiến Sĩ Phan Quang Trọng, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia San Antonio.
3.- Ông Châu Kim Khánh, cựu Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Austin
4.- Ông Nguyễn Linh Huy, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Austin.
5.- Ông Nguyễn Kinh Luân, cựu Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tarrant County.
6.- Nha Sĩ Chu Văn Cương, Cố Vấn Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston.
7.- Ông Huỳnh Thanh, Cộng Đồng Tarrant County
8.- Bà Thu Nga, Giám Đốc Đài SBTN Texas và Đài Phát Thanh Saigon Dallas 1600 AM.
9.- Ông Đỗ Hạnh, Phụ tá Đài SBTN Texas.
10.- Ông Tôn Thất Viễn, Cộng Đồng San Antonio.
11.- Ông Trần Đan, Sáng lập viên và Thành viên của tổ chức CFDVN
12.- Ông Nguyễn Văn Tần, Chủ Tịch HĐ Quản Trị, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ

____________________________________

Michael Do (Do Van Phuc)
Chairman of the Board of Executives.
The Vietnamese American Community of the USA


Vietnamese Communists must render FREEDOM, DEMOCRACY and HUMAN RIGHTS to the people before a political defeat would cost them their livelihood and even their lives.





TUYÊN BỐ (dự thảo)
Về “Vietnam War Summit”
tại Thư Viện LBJ, Austin, Texas
Của Người Việt tại Quốc Nội và Hải Ngoại

Một cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam “Vietnam War Summit” (tạm dịch “hội thảo thượng đỉnh chiến tranh Việt Nam”)  sẽ được tổ chức tại Thư Viện Lyndon Baines Johnson ở Austin, Texas từ ngày 26 đến 28 tháng 4, 2016.  Theo Ông giám đốc thư viện Mark K. Updegrove, mục đích cuộc hội thảo nhằm vinh danh các chiến binh Hoa Kỳ đã chiến đấu anh dũng tại Việt Nam đồng thời nghiên cứu sự phức tạp cuộc chiến và để “soi ánh sáng vào cuộc chiến Việt Nam, bài học và di sản của nó”
Trong buổi hội thảo có sự hiện diện của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry với tư cách là diễn giả chính; TS Henry Kissinger, cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ thời TT Nixon; Ô. Phạm Quang Vinh, đương kim đại sứ CSVN tại Hoa Kỳ; Ô. Ken Burns, người sẽ thực hiện bộ phim tài liệu gồm 10 phần về cuộc chiến Việt Nam; một số cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam, và một số nhân vật  phản chiến nổi tiếng như Tom Hayden (chồng cũ của Jane Fonda) và ông Peter Arnett, một ký giả phản chiến.
Điều đáng ngạc nhiên là cuộc hội thảo quan trọng về cuộc chiến tại Việt Nam lại không có một người Việt Nam từng tham dự trong chiến tranh Việt Nam được mời để góp tiếng nói về vận mệnh của đất nước mình, ngoại trừ Dân Biểu Texas Hubert Vo, nhưng ông chỉ có 4 phút để phát biểu.
Trong dịp này, chúng tôi ký tên dưới đây đại diện một số cộng đồng, đoàn thể, tổ chức người Việt tại hải ngoại cũng như trong nước xin được nêu lên một quan điểm như sau về chiến tranh Việt Nam:
NHẬN ĐỊNH:
1-      Chiến tranh Việt Nam (Vietnam War) mà Hoa Kỳ tham dự chỉ là sự tiếp nối của cuộc đại chiến thế giới thứ II, khi thế giới bước vào cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối đối đầu nhau: Tự Do và Cộng Sản. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia lãnh đạo khối Tự Do, mục tiêu nhằm chận đứng sự lan tràn của chủ nghĩa Cộng Sản, giúp đỡ và xây dựng nền dân chủ và thịnh vượng của các quốc gia đồng minh trong đó có Việt Nam,.
2-      Năm 1945, thế chiến thứ hai kết thúc, xu hướng giải trừ các chế độ thực dân được chấp nhận qua hội nghị Yalta ngày 11-2-1945 (bao gồm Mỹ, Nga và Anh). Nhiều quốc gia bị trị lần lượt được độc lập mà không phải đổ máu và không cần áp dụng chủ nghĩa Xã Hội (Cộng Sản), một vài thí dụ:  Indonesia (1945); Phillipines, Jordan, Syria (1946); Ấn Độ (1947); Palestine, Burma, Nam  Bắc Triều Tiên (1948); Bhutan, Lào, Netherlands (1949); Lybia (1951); Palestine (1952); Cambodia (1953); Ai Cập (1954, Anh rút khỏi kênh đào Suez); Sudan (1955); Tunisia, Marocco (1956); Ghana, Malasia (1957); Guinea (1958); Nigeria, Somalia (1960).
3-      Tại Việt Nam, ngày 11-3-1945 vua Bảo Đại tuyên bố độc lập từ tay quân Nhật, thành lập chính phủ Trần Trọng Kim. Kể từ ngày này Việt Nam là một nước độc lập, chấm dứt sự đô hộ của Pháp từ năm 1883. Hồ Chí Minh, một đảng viên Cộng Sản từ năm 1920 ở Pháp, lợi dụng tình hình hỗn loạn đã cướp chính quyền từ vua  Bảo Đại, thành lập chính phủ liên hiệp VNDCCH mà đa số là theo cộng sản. HCM đã cho phép Pháp vào miền Bắc Việt Nam theo hiệp định Sainteny ngày 6-3-1946, để chống lại quân Trung Hoa Quốc Gia sang giải giới Nhật, cùng đi có các tổ chức quốc gia trở về nước, nhờ đó Pháp có dịp phản công, tiếp tục ở lại cai trị Việt Nam.
4-      HCM qua tổ chức Việt Minh chủ trương truyền bá chủ nghĩa CS vào Việt Nam theo đường lối  của CS Quốc Tế nên triệt hạ các lực lượng yêu nước không cộng sản. Cũng vì vậy, Hoa Kỳ đã không giúp tổ chức Việt Minh do HCM lãnh đạo. Cơ hội Đất Nước thoát khỏi ách thực dân đã bị đánh mất. Năm 1949, sau khi Trung Cộng thành công tại Trung Hoa, Việt Minh dựa hẳn vào Trung Cộng, kể từ đó, chiến tranh tại Việt Nam biến thành cuộc chiến một bên là phe cộng sản, một bên là phe Quốc Gia. Trong khi đó Pháp dần dần phải trao trả độc lập cho Việt Nam.
5-      Hiệp đình Geneve năm 1954 được ký kết tạm thời chia đôi Việt Nam, buộc các bên phải rút quân và vũ khí ra khỏi phần đất không phải của mình. CS đã gài cán bộ và vũ khí ở lại Miền Nam  chuẩn bị cuộc chiến chiếm miền Nam sau này. Hoa Kỳ thay thế Pháp giúp chính phủ mới tại miền Nam xây dựng dân chủ và kinh tế trong hoàn cảnh khó khăn phức tạp, những đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp. Năm 1959, đảng Lao Động VN (tức đảng Cộng Sản trá hình) ra nghị quyết dùng võ lực đưa quân chính quy vào chiếm miền Nam.
6-      Năm 1963, trước sự xâm nhập và gia tăng phá hoại của quân đội CS Bắc Việt, Hoa kỳ đưa quân trực tiếp tham chiến để bảo vệ chính thể VNCH, Quân đội VNCH và Hoa Kỳ chiến đấu rất anh dũng. Do phong trào phản chiến lên cao và tình hình chính trị rối ren tại Hoa Kỳ, tình hình quốc tế thay đổi (Hoa Kỳ bắt tay TC, dầu hỏa trở phát triển tại Trung Đông), và nhất là HK cần hồi hương các tù binh bị giam giữ tại Bắc Việt, nên phải ký hiệp định Paris ngưng chiến tại Việt Nam.
7-      Do sự cắt giảm giảm viện trợ quá nhiều đưa đến thiếu phương tiện, quân đội VNCH mặc dù chiến đấu anh dũng nhưng phải yếu thế, trong khi khối Cộng Sản quốc tế tiếp tục viện trợ quân sự cho Bắc Việt, đưa đến việc sụp đổ của miền Nam ngày 30-4-1975.
HẬU QUẢ
1-      Trên 3 triệu người Việt đã chết kể từ 1945 đến 1975 do chiến tranh gây ra. Hoa Kỳ đã mất 58,000 chiến sĩ, nhiều người mang thương tật, một số còn mất tích.
2-      Sau 1975, CS trả thù tàn bạo, trên hai triệu người đã bỏ nước ra đi tỵ nạn tại các nước trên thế giới, khoảng nữa triệu người đã chết trên biển. Một chế độ độc tài, toàn trị được áp đặt tại Việt Nam, đất nước kiệt quệ, không có nhân quyền, và Việt Nam ở dưới sự kiềm tỏa của TC, nhiều lãnh thổ và lãnh hải đã bị mất.
3-      Nhiều người đã đánh giá sai lệch hoặc thiên kiến về cuộc chiến bảo vệ chính nghĩa tự do và sự chiến đấu của quân lực VNCH cũng như quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Trước hoàn cảnh như vậy và nhân dịp hội thảo về chiến tranh Việt Nam, chúng tôi xin tuyên bố:
1-      Nếu không có Hồ Chí Minh và Cộng Sản tại Việt Nam, Việt Nam đã được độc lập từ năm 1945 mà không cần hao tổn xương máu, mà cho đến nay Việt Nam vẫn không có tự do, dân chủ.
2-      Chiến tranh Việt Nam (Vietnam War) chỉ là hệ lụy của sự bành trướng chủ nghĩa CS đến Việt Nam, biến Việt Nam thành chiến trường đẫm máu. Hoa Kỳ muốn giúp miền Nam Việt Nam xây dựng dân chủ, phát triển kinh tế, chận đứng sự phát triển CS. Đây là mục tiêu cao cả đáng ca ngợi, người dân Việt Nam biết ơn nhân dân Hoa Kỳ.
3-      Chính sách ngoại giao thay đổi của HK (nhất là đối với Bắc Kinh), tinh hình chính trị nội bộ, là những nguyên nhân khiến cho HK phải rời bỏ Việt Nam để lại hậu quả tai hại dưới chế độ CS. Phong trào phản chiến và thân cộng đã góp phần rất lớn, trở thành phương tiện giúp cho cộng sản thành công nhuộm đỏ Việt Nam.
4-      Sau 40 năm kể từ năm 1975, Hoa Kỳ đã trở lại Việt Nam với tư thế của một quốc gia đứng đầu thế giới về kinh tế và quân sự, có thể giúp Việt Nam và các quốc gia ĐNA phát triển để đối đầu với sự bành trướng của TC nếu Việt Nam là một nước dân chủ, không lệ thuộc vào TC.
5-      Chính sách Hoa kỳ hiện nay đặt nhẹ nhân quyền là điều kiện tiên quyết khiến CSVN vẫn tiếp tục duy trì chế độ toàn trị, không có thay đổi về nhân quyền, vẫn đản áp tôn giáo và tước bỏ các quyền tự do  của nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi xin đề nghị:
1-      Cuộc hội thảo nên có cái nhìn công bằng, khách quan và chính xác hơn về chiến tranh Việt Nam, về các chiến sĩ Hoa Kỳ tại Việt Nam và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Chính nghĩa bảo vệ tự do của miền Nam phải dược vinh danh.
2-      Hoa kỳ nên đặt nặng vấn đề nhân quyền trong chính sách ngoại giao, thương mại đối với cộng sản Việt Nam.
3-      Thế giới nên đặt quyền lợi của 90 triệu người dân Việt Nam lên trên quyền lợi của đảng CSVN bằng cách trợ giúp nhân dân Việt Nam được tự do và dân chủ.
Ngày 20 tháng 4 năm 2016
Ký tên:
TẠI VIỆT NAM

TẠI HOA KỲ
ÚC CHÂU
ÂU CHÂU
CANADA