22.10.2015

Tôi đã phục vụ với tư cách là Tùy Viên Quân Lực VNCH tại Đại Hàn - TĐP

"Tôi đã phục vụ với tư cách là
Tùy Viên Quân Lực VNCH  tại Đại Hàn"
TÐP

Phần I

Thưa quý thân-hữu,

Để duy trì truyền thống “sống lại” Ngày Quân Lực (19/6), tôi xin viết hiến quý vị hồi-ký về kinh-nghiệm cũng như các giai-thoại mà tôi đã thu lượm được trong thời-gian tham-dự khóa Tùy-viên Quốc-Phòng cũa Việt nam Cộng-Hòa, khóa độc-nhất và sau đó, đã phục-vụ  trong chức năng Sĩ-Quan Tùy Viên Quân Lực, đại diện cho QLVNCH tại Ðại-Hàn.

Ai đã ở trong quân đội đều nhận-thức rằng: quân đội là một trường học. Hễ muốn giữ một chức-vụ nào, hoặc muốn phục-vụ ở một ngành chuyên-môn nào, đều phải qua một giai đoạn huấn-luyện về lãnh-vực chuyên-môn liên-hệ... trừ những trường-hợp ngoại lệ.

Trong thời-gian tôi phục-vụ trong quân đội, tôi cũng phải đi qua cái cầu nầy. Một trong các khóa huấn-luyện mà tôi mơ-ước nhất là được tham-dự khóa Tùy-Viên Quốc-Phòng (TVQP) để có dịp phục-vụ tại ngoại-quốc. Tôi đã được cái may mắn đó.


Chức-vụ Tùy-Viên Quốc-Lực (TVQL) từ trước đến nay, thường được đặt ra ngoại-lệ: chỉ được chọn lựa do tùy hứng cũa Tổng thống, Ông Tổng Trưởng QP và không theo một tiêu-chuẩn nào cã. Nhưng kể từ khi Trung Tướng Nguyễn-văn-Vỹ lên làm Tổng-Trưởng QP, ông quyết định chấm-dứt sự bất-công nầy:
Ai muốn làm TVQL, phải qua một kỳ thi tuyển khó khăn, phải được huấn-luyện qua khoá TVQL và thi đỗ sau khi mãn khóa. Nếu muốn được phục-vụ sớm thì phải đậu cao đễ được nhận lệnh gọi sớm cũng như chọn được nhiệm sở vừa ý.

Vì mục-tiêu tối-hậu của tôi (và có thể đa-số sĩ-quan vào thời đó) là phục-vụ tại một tòa đại-sứ ở ngoại-quốc ... tránh xa chiến-trường một thời-gian, nghỉ xả-hơi và hầu như tối nào cũng đưa bà xã đi dự tiếp-tân, tiệc tùng.

Ngoài cuộc sống tương đối xa-hoa của một nhà ngoại-giao và cũng do đó, chúng tôi được lãnh lương bằng đôla theo quy-chế ngoại-giao, được mang vợ con và một gia-nhân theo, được quyền mua xe hơi riêng miễn thuế, các vật-dụng khác cũng vậy.. và quan-trọng nhất là sau khi đáo-hạn nhiệm-kỳ ngoại-giao thì được mang xe về VN để xữ-dụng.

Tôi còn nhớ câu chuyện truyền-khẩu giữa sĩ-quan trong quân đội vào thời đó là: Giấc mơ cũa Ðại Tướng Trần Thiện Khiêm (sau nầy là thủ-tướng chính-phủ) khi  còn mang lon cấp úy, cấp tá là chỉ mong làm sao đễ trở thành Sĩ-quan Tùy-viên Quốc-Phòng mà thôi...

Khóa TVQP độc-nhất nầy do Trung-tướng Vĩnh Lộc (VL)  phụ-trách (1969-70).
Vào giai đoạn nầy, Trung-Tướng VL làm CHT Trường Cao Đẳng Quốc-Phòng. Một trong các điều-kiện không thể thiếu được là phải có trình độ/khả-năng viết và nói Anh-ngữ hoặc Pháp-ngữ "hợp-lý" (lưu loát), có cấp-bậc từ thiếu-tá đến đại-tá.

Một trong những điều-kiện bất-thành-văn là: mặt mày phải sáng sủa, có chiều cao hợp-lý, biết khiêu-vũ, đã lập gia đình ..
Ðiều-kiện bất-thành-văn dành cho người phối-ngẫu cũng không kém phần quan-trọng là: ngoại-diện phải ... "ngó" cho được, biết ngoại-ngữ càng tốt, biết khiêu-vũ càng tốt, có khả-năng làm một bữa tiệc (sitting dinner) cho 50, 60 người...

Tôi còn nhớ bài thi tuyển là một đề-tài về chính-trị, phải được viết bằng Anh hoặc Pháp-ngữ, thời-gian là 3 giờ. Vào giai đoạn đó, Anh-ngữ đã bắt đầu phổ-thông và Pháp-ngữ thì bị mất ảnh-hưởng nhiều.

Một người bạn của tôi, Trung-Tá H, cũng dự thi vào khóa TVQL. Người này trước đây cũng đã phục-vụ với tư-cách là sĩ-quan thông-dịch-viên (SQ/TDV) như tôi tại trường Bộ-binh Fort Benning, GA vào những năm cuối thập-niên ’50. Tại đây, ban ngày thì chúng tôi làm việc cho ban giảng-huấn nhà trường hoặc đi theo các lớp huấn-luyện (dành cho các sĩ-quan được BQP/VN gởi qua huấn luyện và đặc-biệt là các tân sĩ-quan thuộc khóa 12& 13 Võ-Bị QG Ðà lạt) để làm công-tác thông-dịch; buổi tối, chúng tôi đều đi học trường Ðại-học Atlanta, chi-nhánh tại Columbus, GA.

Tôi còn nhớ  lúc xưa, Đại úy H là một người rất siêng năng, ngoài ba đêm trong tuần đi học như chúng tôi, hai đêm còn lại, anh xin trường Ðại-học để cho anh dạy toán tại đây, vì vậy, anh có bộn "xu" !

Tr. Tá H, khi khởi-sự làm bài thi thì làm bằng Pháp-ngữ .. nhưng độ nửa chừng, anh đọc lui, đọc tới .. coi bộ không vừa ý sao đó (hay là không muốn đi Tây chăng?) anh liền đổi ý, xin ban giám khảo cấp cho tờ giấy (4 trang có kẻ gạch ca rô) khác và xoay qua viết bằng tiếng Anh. Nhận thấy thời giờ không còn bao nhiêu nên anh chẳng viết nháp viết nheo gì nữa, cứ thế mà ngoáy, mồ hôi mồ kê vã ra như tắm .. chúng tôi đứng ngoài trông vào … thấy mà tội nghiệp. Cuối cùng..anh vẫn đậu.

Có độ 70, 80 sĩ-quan dự thi-tuyển, nhưng số SQ được nhận để nhập học thì vào quãng trên, dưới một nữa.

Khóa TVQL là một khóa đặc-biệt, tuy là quan-trọng nhưng nhu-cầu thì chỉ giới-hạn mà thôi vì vậy, không có phòng ốc riêng, BQP quyết định xử-dụng giảng-đường chính của Trường Quân-Y, nơi đào-tạo các bác-sĩ quân-y QLVNCH làm nơi giảng-huấn cho khóa nầy. Trường Quân-Y nằm cạnh Cục Công-Binh trên đường Tô-Hiến-Thành, Sàigòn.

Ðịa-điểm nầy, ngoài đặc-tính có vẽ rộng rãi tươm tất, còn có bãi đậu xe cho độ -/+ 40 chiếc (vừa xe du-lịch vừa xe jeep) vì học-viên cũng như giảng-viên với các cấp bậc ấy, ai ai cũng dùng xe hơi để di-chuyển trong suốt thời gian huấn-luyện.

Khóa nầy có đại-tá Châu, gốc Công-Binh, lúc bắt đầu khóa học thì ông dùng xe hơi nhưng trong thời gian sau, tôi thấy ông đi tắt, băng ngang cổng sau của BCH Công-Binh là đến giảng đường, thật tiện lợi.

Những môn học được thuyết-trình thường thường là có liên-quan đến nhiệm-vụ ngoại-giao như: chủ-nghĩa cộng sản, chủ-nghĩa tư bản, bang-giao quốc-tế, đặc-quyền đặc-miễn của một nhà ngoại-giao (đề-tài này được chúng tôi chiếu-cố kỹ nhất), bảo-mật, phản-gián, tình-báo quốc-tế, phương-pháp thu-lượm hợp pháp tin tức tình-báo (tuy vậy, toà Đại-sứ Mỹ cũng có cử các chuyên-viên phá ổ khóa, mở mật-mã địch đến biểu-diễn / hướng-dẫn chúng tôi..)

Chúng tôi cũng phải thực-tập làm thuyết-trình đều đều vì đó là một công-tác mà chúng tôi sẽ phải làm rất nhiều sau nầy.

Một trong các nhiệm-vụ chính của Sĩ-Quan TVQP là đại-diện cho QLVNCH một cách tốt đẹp trong mọi tình-huống vì vậy, vấn-đề thể-diện quốc-gia được đặt lên hàng đầu.

[Cái gì chớ ... như vụ nhà ngoại giao csVN đi mò sò bị cảnh-sát Mỹ bắt và nhốt (Ðại-sứ VC Lê văn Bằng tại LHQ NewYork); bị nhốt vì sờ mông phụ-nữ Chệt (Tổng-Lãnh-Sự VC Nguyễn Mạnh Hùng tại Hong Kong); bị bắt vì buôn lậu thuốc lá, kiện hàng lên đến 14 tấn, ngụy trang làm mì gói ăn liền tại Tiệp-khắc; hay bị bắt vì "cầm nhầm" hàng-hóa (vợ nhà ngoại-giao VC trong department store ỡ Âu-châu).. đó là các hành-động làm sỉ-nhục thể-diện quốc-gia .. về phía các SQ/QLVNCH là không có các vụ đó a nghen]

Ðối với SQ/QLVNCH, hễ vi-phạm về danh-dự cũa quân-đội tại ngoại-quốc là được xem như là một trọng tội.

Tôi còn nhớ một chuyện rất ư là tế toái sau đây mà một SQVN đã bị xử phạt kỷ-luật rất nặng:
Vào cuối năm 1956, một vị Trung-úy VNCH (Tr./uý K) được gởi qua thụ-huấn tại trường Bộ-Binh Hoa-Kỳ. Vì sống đã mấy tháng, ăn cơm Mỹ hoài, thèm cơm Vietnam quá, lợi-dụng vào ngày cuối tuần, anh mua thức ăn tươi đem về BOQ (bachelor ophphicer quarters) và tự nấu một bữa ăn Việt nam.
Qua sáng Thứ Hai, vị Thiếu-tá Sĩ-Quan Liên-Lạc gọi ông lên VP, giải-thích quyết-định và bảo hãy chuẩn-bị vali để hồi-hương trong vòng ba ngày.
Th/Tá SQLL hỏi: “Anh có điều gì muốn nói không?"
Tr/Úy K đáp: “Dạ thưa Thiếu-Tá, tôi đã làm như vậy là vì thèm cơm VN quá!"
Th/Tá SQLL: “Thế các SQVN khác ở đây thì sao? Tôi đã ở đây lâu rồi thì sao?"
Tr/Úy K: Lắc đầu ..thở dài ..

Tôi nghe kể chuyện lại là: khi vị Trung-úy nầy về đến phi-trường TSN, một Thiếu-úy Quân Cảnh với hai nhân-viên và chiếc xe jeep chực sẵn, vị Tr/Úy vừa xuống máy bay (PanAm), viên Thiếu-úy tiến đến, chào và tuyên-bố là có lệnh của TTM đón về trình-diện. Khi xe đến cổng TTM thì vị sĩ-quan trực đã chực sẵn, đưa giấy để Tr/úy K ký nhận lệnh phạt (30 ngày tù) và đưa đến nhà giam kỷ-luật sĩ-quan .. nhốt luôn.
Lý-do: làm mất thể-diện của sĩ-quan Vietnam tại hải-ngoại..

Phần II

Trong thời-gian huấn-luyện, chúng tôi được hướng-dẫn từ cách đi, đứng ngoài đường, khi đi một mình thì sao, khi cùng đi với phụ-nữ thì phải như thế nào, đi bên nào.
Cũng tùy theo thời-tiết, hoàn-cảnh, khi nào thì xử-dụng thường-phục, quân-phục mùa hè, mùa đông, quân-phục dạ hội, đại-lễ, tiểu lễ, v v ..

Chỗ nào trong xe là chỗ tốt nhất ..xếp thứ-tự theo đó... khi có tài-xế thì sao, khi phải tự lái xe thì sao, khi nào thì chính mình mở cửa xe cho phụ-nữ, cửa nào ... mặc dầu đã có tài-xế. Ðó chỉ mới là cái “đi” ...mà thôi.

Các việc khó khăn khác là khi mời một phụ-nữ khiêu-vũ, cách khiêu-vũ với một phụ-nữ không phải người phối-ngẫu cũa mình, cách hướng-dẫn họ ra sàn vũ, cách dẫn họ về chỗ ngồi và cám ơn.

Cách dự tiệc Tàu thì phải thết rượu như thế nào, nâng ly vào những lúc nào, Tây thì ra sao, Mẽo thì làm sao... những người không quen uống rượu mạnh như tôi thì phải xử-lý làm sao trong những trường-hợp tế-nhị như vậy; cách dùng muỗng, nĩa, napkin; giúp đỡ người phụ-nữ ngồi cạnh về các việc lặt vặt như lấy lọ tiêu/muối, gọi bồi bàn...

Khi thực-đơn có món ăn chính là beephsteak thì trả lời như thế nào khi bồi hỏi muốn prepare (nấu) (rare, medium hoặc well done)...; cách ăn măng tây (chỉ ăn độ 5 cm mà thôi ... phần còn lại dẫu thấy còn non cách mấy cũng đừng tiếc), artichoke thì sao, ăn cá thì uống rượu gì, thịt bò thì rượu gì, ăn ốc thì sao, các loại nuts thì sao..v v; khi ăn món salad thì dùng salad dressing loại nào..
Cũng may là hầu hết những học-viên đều đã du-học Hoa-Kỳ một vài lần rồi nên cũng cố gắng nhớ các loại sauce chánh như  French, Italian, Thousand Island ...

Về phần Nhà Tôi, tôi dặn là món beephsteak nếu bồi có hỏi phải nấu như thế nào thì cứ bảo với bồi là “well done” cho chắc ăn; còn việc chọn loại sauce nào cho salad thì dẫu cho bồi nó quảng-cáo cái list các loại dressing dài bao nhiêu cũng mặc kệ ... cứ đè cái Thousand Island mà order là ăn tiền, nếu phiêu-lưu gọi thứ dressing lạ, ăn không được thì ráng chịu ...

Cái khó nhất là cách tổ-chức thết tiệc ... nói không thể hết được nhưng cũng xin nói ra đây vài điểm quan-trọng: là tùy theo số khách mà chọn phòng, sắp đặt bàn tiệc theo hình chữ I, chữ U, chữ T, chữ V v..v ...

Trường-hợp mà  Sĩ Quan TVQL có thể bị BQP khiển-trách nặng nề và triệu-hồi v v...(ai ai cũng lo sợ) là thiết-kế "sitting plan" cho một buổi tiệc: nếu mà làm sai là có thể tạo ra diplomatic incident thì mệt lắm. 

Tôi xin đơn-cử một thí-dụ giả-tưởng trường hợp TVQL/VN khoản đãi:
Khi vị quan-khách (ông/bà TVQL Hoa-Kỳ) đến, sau khi bắt tay ông bà chủ-nhân (TVQL/VN) tại receiving line, thông thường, hai vị nầy sẽ tiến đến quầy rượu để gọi một ly appetider nào đó, tiếp theo là họ sẽ lướt qua cái giá dựng ghi sitting plan hầu có khái-niệm về vị-thế chỗ ngồi cũa mình để khi chủ-nhân ra hiệu mời tất cả quan-khách vào bàn tiệc thì ai nấy sẽ vào đúng vị-trí đã định sẵn. Lần nầy, khi vị SQTV Hoa-Kỳ bước đến chỗ của mình thì hỡi ơi ... vị nầy thấy name tag của người khác ... Vị TVQL Hoa-kỳ ngượng ngạo tiếp-tục tìm kiếm....và cuối cùng thì thấy chỗ ngồi của mình ở một vị thế thấp. Ông liếc qua chỗ của ông (theo sitting plan) thì thấy vị TVQL của Ailao đang ngồi. Vị nầy cũng đang ở trong trạng-thái ngạc nhiên nhưng thích thú vì chưa bao giờ ông được xếp vào vị-thế cao như thế vậy.

Vào thời điểm đó, niên-trưởng Tùy-Viên Đoàn tại Ðại-Hàn là Ðại Tá TVQL Thái-Lan. Theo truyền-thống ngoại-giao thì chức-vụ nầy dành cho vị có thâm-niên chức-vụ nhất (chớ không phải cấp bậc cao nhất …Đó là lý-do tại sao vào thời gian nầy, TVQL Sô Viết tại Hoa-Kỳ lại được duy trì lâu dài -- không ngoài mục đích là chiếm vị thế niên-trưởng cũa TVĐ to lớn tại quốc-gia đại diện cho khối tự do -- tại quốc-gia đang phục-vụ. Vinh-dự nầy cũng được áp-dụng trong mọi nghi-lễ ngoại-giao khi có vợ chồng vị niên-trưởng TVĐ tham-dự)
Trong trường-hợp giả-dụ trên, Ðại-Tá TVQL Thái-Lan ngồi chỗ danh-dự bên phải của phu-nhân TVQL/ Vietnam; vị-thế cũa TVQL Hoa-Kỳ là bên trái của nữ-chủ-nhân.
Sự việc nầy tạo ra một tình-thế rất ư là bối rối cho vị khách liên-hệ và lẽ đương-nhiên, vị chủ-nhân lại càng bị shocked nhiều hơn khi nhận-thức ra được là đã có bàn tay địch phá-hoại !
Nếu Phòng TVQP nào mà để xảy ra sự-cố như vậy thì chỉ có việc lo chuẩn-bị sẵn vali để bị triệu-hồi và lãnh “cũ” mà thôi, vì thế nào cũng sẽ có văn-thư ngoại-giao phản đối của Tòa Ðại-Sứ Hoa-Kỳ.

Lẽ đương-nhiên, chúng tôi được huấn-luyện cẩn-thận để ngăn-ngừa những trường-hợp như vậy xảy ra... nhưng tôi điên gì mà viết ra đây để dạy cho bọn CSVN.

Vào mỗi cuối tuần, Trung-Tướng Vĩnh-Lộc thường tổ-chức các buổi họp mặt riêng cho các vị phu-nhân tùy-viên tương lai để thuyết-trình về cách sống của người vợ một nhà ngoại-giao, sống làm sao để giúp cho phu-quân hoàn-thành nhiệm-vụ của BQP giao-phó. Ðể thực-hiện chương-trình nầy, nhà trường thường mời các phu-nhân của các TVQL bạn như  Hoa-kỳ, Anh, Pháp, Ðức, Gia Nã Đại, Úc, v v đến làm thuyết-trình.
Ðó cũng là một dịp để Trung-Tướng VL xem dung-nhan, ngoại diện của các bà TVQL tương-lai ..có tươi mát như mong mỏi không?
(vấn đề nầy đã tạo ra một sự-cố rất khôi-hài, tôi sẽ trình bày sau).

BQP cũng tổ-chức cho chúng tôi đi thăm các chiến-hạm hải-quân, các cuộc du-ngoạn ngoài khơi .

Trong dịp nầy, phái-đoàn được Đại tá hải-quân X, tư-lệnh đặc-trách khu-vực trách-nhiệm dùng "soái đỉnh" để đón tiếp và cũng trên chiếc tàu nầy, chúng tôi được mời dùng cơm trưa mà thực-phẩm đều là hải-sản.

Sau bữa ăn trưa thì cuộc câu cá bắt đầu. Điều mà mọi người thích thú nhất là các thủy-thủ đã dùng dụng-cụ câu cá rất ư là sơ sài thế mà kết-quả thì vô cùng khích-lệ: các thủy-thủ chuẩn bị sẵn bốn cuộn giây cước (nylon?) cỡ to bằng cây tăm tròn để làm giây câu. Thay vì dùng lưỡi câu thì họ dùng một đoạn nylon dài cỡ một thước và xoắn lại thành một cục rối (bòng bong) bằng quả cam ở vị thế lưỡi câu. Khi bắt đầu câu, họ chỉ việc ném quả rối xuống biển trong lúc soái đỉnh vẫn đều đều chạy. Bốn anh thủy-thủ, hai tay mang găng tay da, từ từ nới các sợi dây cước ra xa. Khi múi rối ở vào quãng 50 hoặc 75 mét thì mấy anh thủy-thủ cho hay là cá đã bắt đầu cắn mồi. Các bà hoan hỉ vui mừng khi thấy các anh thủy-thủ bắt đầu kéo dây câu về một cách nặng nhọc và cho biết là các con cá sẽ dài vào quãng 75 cm cho đến mét.
Khi các con cá được kéo lên bong tàu và đang nhảy ành ạch, tình trạng của phái-đoàn trên tàu thì giống như ong vỡ tổ....
Các anh thủy-thủ cho hay là đối với loại cá lớn như thế nầy, hễ chúng thấy cái gì di-động trước mặt chúng tưởng là mồi, đuổi theo và đớp ngay. Múi rối sẽ vướng quanh hàm răng cá, chúng không thể thoát được ...và cứ thế mà kéo lên bong tàu.
Hễ khi con cá nào được kéo lên khoang tàu, thì hai, ba bà ùa lại đè lên thân cá trong lúc đó thì một ông đè đầu con cá để lấy "lưỡi câu" ra .....hầu như tất cả đều phải dùng cái screwdriver để cạy miệng cá ra mới hòng lấy múi rối ra được.
Sau độ nửa giờ câu thì các anh thủy thủ nghỉ tay. Như vậy là mỗi gia-đình đều có một con (độ 35-40 con cho các gia-đình giảng-viên cũng như học-viên).

Các anh thủy-thủ tuy là nhọc mệt, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nhưng cũng vui lây khi thấy chúng tôi vui cười như một đám sinh-viên vui đùa trong một buổi sinh-hoạt dã-ngoại.
Đối với phái đoàn chúng tôi chưa bao giờ thấy con cá biển to, dài như vậy mà trong tình trạng còn sống ...nhảy ành ạch trước mặt !!

Sau buổi câu cá thì cuộc du-ngoạn chấm dứt. Chúng tôi về đến cảng Sàigòn thì đã sâm sẫm tối. Phần "nhà tôi" được chia một con khá lớn ... bà vui ra mặt nhưng chính tôi phải ì ạch lắm mới mang được con cá lên bờ. Cũng may là chú tài-xế cũa tôi đã chờ sẵn và khi thấy tôi khổ sở về việc khuân con cá, anh nhanh nhẹn chạy tới phụ giúp.

Nhận thấy gia-đình chúng tôi (hai người lớn và một đứa bé 3 tuổi) không thể nào tiêu-thụ hết con cá khổng lồ nầy và nếu muốn lưu giữ lại cũng chẳng biết làm sao vì ngăn làm đá và giữ đồ đông lạnh của cái tủ lạnh trong nhà chỉ có thể chứa 2 ngẫu nước đá, phần khoảng trống dư ra thì đã bị choáng mất bởi mấy miếng thịt có sẵn rồi chẳng còn chỗ trống nữa.
Khi về đến nhà, "nhà tôi" nhờ anh tài-xế lấy cái cưa sắt ... cưa cái đầu cá ra và xẻ làm 4 (vì biết tôi thích ăn cháo hoặc canh đầu cá) và lấy 3 lát cá (tôi giữ một lát, hai người láng giềng cạnh nhà mỗi gia-đình một lát), phần cá còn lại (7/10 con cá) nhà tôi biếu anh tài-xế .Tôi không biết anh ta đã thanh-toán như thế nào.

(nhưng than ôi, quần đảo Hoàng Sa/Trường Sa nầy, nay thì bọn CSVN đã hai tay dâng cho Quan thầy Tàu Phù của chúng từ lâu rồi ! Còn đâu nữa ... đau đớn thay !!)

Chúng tôi được đi thăm thị-xã Vũng-Tàu và tắm biển, lẽ đương-nhiên là có tiệc tùng và khiêu-vũ.

 Một lần khác, chúng tôi được đi thăm thành-phố Nha Trang (Ðại tá Lý Trọng Lễ làm tỉnh-trưởng tại đây). Một kỷ-niệm đáng ghi nhớ nhất cho cuộc du-ngoạn nầy là: chiếc phi-cơ do không-quân VNCH cung-cấp cho chuyến du-ngoạn, trong lúc đang bay và còn cách Nha-Trang độ nửa giờ bay thì bắt đầu … "trở chứng". Tất cả chúng tôi đều không hay biết gì cho đến khi thấy viên Trung-Úy phi-công mở cửa cabin buồng lái …đi về hướng chúng tôi …đôi môi mỉm cười. Khi viên trung-úy tiến đến giữa thân máy bay, nơi có cánh …anh cúi xuống và nhìn qua khung cửa sổ nhỏ … phía trái. …anh vừa quan-sát, vừa nói cho một mình anh nghe. Một ông trung-tá ngồi cạnh đó cũng ngước mắt nhìn theo, bỗng ông ta tái mặt ..tá hỏa tam tinh: bộ phận máy có cánh quạt, cách xa ông ta độ vài ba thước …đang rỉ nhớt !!! Viên trung-tá ngước mắt nhìn viên phi-công như ngụ-ý muốn biết phản-ứng của anh nầy. Anh phi-công, vẫn giữ thái-độ bình tĩnh và tuyên-bố lớn cho mọi người nghe:
"Xin quý vị SQ bình-tĩnh: tình-trạng nầy không đáng lo ngại vì chúng ta chỉ còn cách Nha Trang quãng 15 phút bay… nhớt chỉ rò rỉ mà thôi …nói tóm lại …dư sức qua cầu."

Mọi người nghe vậy cũng lộ nét vui ra mặt …tuy vậy, 15 phút trên không trong trường-hợp nầy … sao thấy dài vô tận !!
Đang khi máy bay đáp xuống, chúng tôi thấy có chiếc xe chữa lửa cũa căn-cứ đứng chực sẵn.

Sau khi đáp xuống, viên phi-công đứng cạnh cửa và ngỏ lời xin lỗi (mặc dầu anh chẵng có lỗi gì) vì đã làm cho chúng tôi một phen hú vía.
Chúng tôi, ai nấy đều tỏ lời khen ngợi thái-độ bình-tĩnh và chuyên-nghiệp của viên phi-công.

Một vị đại-tá học-viên, sau khi bắt tay khen ngợi ..cũng nói một câu than phiền về tình-trạng phi-cơ:
-"Tôi không hiểu ..Không-Quân cũa các anh, chán gì phi-cơ mà lại cấp cho chúng tôi chiếc máy bay cà tàng như thế nầy?"
-"Thưa Ðại-tá, tôi chỉ nhận được lệnh bay phi-vụ nầy sáng nay và trước khi bay, tôi đã thi-hành các thủ-tục thị-kiểm cần thiết trước khi cất cánh: không có gì khác thường".
-"Vậy thì anh tính sao về cái vụ trở về Sài-gòn?".
-"Thưa Ðại-tá, CHT căn-cứ Nha Trang đã được thông-báo khi máy bay còn trên không, nếu việc sữa chữa kéo dài hơn dự-định, căn-cứ sẽ xin BTL/KQ cung-cấp máy bay khác".

Ông đại-tá tươi cười, bắt tay viên phi-công một lần nữa trước khi bước xuống thang.
Vì chúng tôi dự-định lưu lại Nha Trang cho đến sáng thứ Hai, chiếc máy bay đã được sửa chữa xong từ lâu. Chúng tôi đã dùng chiếc máy bay nầy để trở lại Sàigòn.

Một lưu-niệm khác khá khôi-hài mà tôi vẫn còn nhớ: Ðể kết-thúc buổi tiệc chia tay, Ðại-tá Lý-Trọng-Lễ chơi sang, cho dùng phromage Camembert ..(ăn với cái gì đó tôi quên) cho món tráng miệng ...nhưng ít người biết thưởng-thức loại phromage nầy, vì nó có cái mùi (có phần nào offensive!!) rất ư là đặc-biệt.!! Chúng tôi nhớ mãi kỷ-niệm nầy.

Phần III

Thế rồi đến ngày thi mãn khóa, ban giảng-huấn ra một đề-tài chính-trị thật hóc búa. Chúng tôi liếc qua, ai ai đều lắc đầu ... nhưng cuối cùng cũng phải làm cho xong.

Phần thứ nhì cho kỳ thi mãn khóa là thuyết-trình: Một người bạn của tôi, Tr/Tá Ð (lúc xưa cũng làm thông-dịch-viên với tôi tại PHort Benning, GA) bảo:
"Phần thi viết của tôi không biết ra sao nhưng phần thuyết-trình thì tôi đã có bửu-bối".
Chúng tôi, ai nấy tò mò muốn chờ xem thử ông ta định dỡ trò gì: Theo thói quen, những người khác thì dùng phấn để vẽ và viết lên bảng đen ..nhưng tới phiên ông, ông không thèm chơi cái trò đó, ông xin phép ban giám-khảo cho ông đặt lên trên cái bàn đằng trước cái slide projector với remote control (RC) lúc đó vẫn còn sợi giây dính lòng thòng, tiếp theo....ông lên trên bảng đen, treo ngang cái ống màu đen, ông đưa ngón tay kéo cái vòng tròn xuống một cái rẹẹẹt ... từ trong cái ống đen hiện ra cái screen trắng. Thế là khi ông thuyết-trình, một tay bấm RC, tay kia cầm pointer vừa chỉ chỏ các hình màu thay đổi hiện lên màn ảnh vừa giải-thích.... trông rất ư là linh-động !!
Cả phòng từ ban giám-khảo đến học-viên tụi tôi, ai nấy lé con mắt luôn !!

Vì buổi thi thuyết-trình là vào sáng thứ Sáu, học-viên ai ai cũng hồi-hộp chờ đợi làm sao trong hai ngày cuối tuần qua mau để được biết kết-quả, nhưng riêng Tr/Tá Ð thì không: vừa xong phần thi thuyết-trình, ông ra xe thì đã thấy bà vợ ông ngồi chờ.

Tôi hỏi: "Anh làm gì mà để Chị theo như cái đuôi vậy?”.
Anh ta trả-lời tỉnh rót: “Tụi tôi định đi Cape St. Jacques (Vũng Tàu) và sẽ về vào tối Chủ Nhật" !!

Sau nầy, tôi mới nhớ ra là lúc anh ta làm việc tại Fort Benning , slide projector (loại 35 mm) vừa mới được tung ra thị-trường, anh mê thích quá, nên mua về xài ... và mười mấy năm sau, cái máy nầy đã giúp anh có điểm cao nhất về kỹ-thuật thuyết-trình.

(Khi viết về Trung Tá D, tôi liên tưởng đến một vụ xung đột do“nguyên  nhân không đâu” mà ra giữa anh D và anh Vĩnh Th mà hậu quả là bị phạt kỷ luật bởi bộ TTM. Vì câu chuyện tào lao nầy xảy ra giữa 2 người bạn đang phục vụ tại quân trường Bộ Binh Ft. Benning, GA, tôi sẽ mô tả chuyện nầy trong phần hồi ký: “Những kỹ niệm khó quên tại trường Bộ Binh Fort Benning , GA” để hầu quý độc giả.)

SQ trúng-tuyển còn lại vào quãng trên dưới 30 người. Thủ-khoa là Trung-Tá Viên (thuộc binh-chủng Truyền Tin).
Các bà cũng nhận được một mảnh văn bằng như là... recognition ... Các bà... khoái lắm, đem về lồng kính ... treo !!

Trung-Tướng Vỹ, Tổng-Trưởng QP vô-địch về kỷ-luật: Hễ ai mà không đủ điều kiện là Ông đánh hỏng ngay chớ không có nói un, deux gì cả:

-Một người bào-đệ cũa một ông cựu Tổng-Trưởng QP đi dự khóa học, cứ đinh ninh là thế nào mình cũng đỗ, nhưng vì thiếu điểm, bị đánh hỏng.

-Vì nể nang Vị Tư-lệnh Lực-Lượng Ðại-Hàn, một vị SQ Vietnam: Tr/Tá Th. được BQP đặc-cách cho phục-vụ như tuỳ-viên cạnh Trung-Tướng Chae Myung Shin, Tư-lệnh Lực Lượng Đại-Hàn tại Vietnam.
(Vị SQ nầy rất được Tư-lệnh LL/ ĐH tại VN yêu mến: tôi còn nhớ, khi vị SQ nầy lập gia-đình, Tướng Chae đã cung cấp địa-điểm, đài-thọ mọi chi-phí. Ví-dụ: một buổi tiếp-tân gần 500 quan khách, hầu hết là SQ Đại-hàn. Cô dâu, tuy là người Việt nam nhưng lại mặc y-phục phụ-nữ Đại-hàn làm quan-khách Đại-hàn vỗ tay như sấm dậy).

Vị SQ nầy cũng tham-dự khóa TVQP với bao mơ ước là sẽ qua phục-vụ tại Hàn-Quốc, nhưng bị đánh hỏng, mặc dù vị Tướng Tư-Lệnh Ðại-Hàn nầy đã can-thiệp xin xỏ hết lời với Trung-Tướng Tổng Trưởng ... nhưng vô-hiệu.

Mặc dầu tướng Chae Myung Shin bị từ chối trong việc đề-nghị cho vị-sĩ quan tùy-viên VN cũ của mình được phục-vụ với tư-cách là TVQL/VN tại Hán Thành, nhưng ông vẫn tiếp đãi trọng thể khi Toà ĐS Việt Nam tại Hán Thành tổ chức du-ngoạn thăm viếng ngôi chùa Bulguksa, ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất của Đại Hàn trong khu vực trách nhiệm của Tướng Chae: Tư lệnh một quân đoàn tại vùng nầy. Vì ngôi chùa nầy được xây trên một đỉnh núi cao, lẽ đương nhiên phái đoàn có thể di chuyển bằng xe để lên đến chùa, nhưng Tướng Chae cho một trực thăng đến đón phái đoàn tại chân núi và đưa phái đoàn toà ĐS Việt Nam lên đỉnh ngay sân chùa !! Đó là chưa kể còn mời phái đoàn về tư dinh để dùng bữa.

[Tướng Chae Myung Shin lúc chỉ–huy Lực lượng ĐH tại VN, cũng đã để lại một “hòn máu rơi”   trước khi hết nhiệm kỳ và hồi hương vào năm 1971(?)]

Số là một trong những nữ nhân viên VN phục-vụ tại BTL/LLĐH/VN (đại lộ Trần Hưng Đạo, trụ-sở cũ cũa MAC-V hoặc MAAG Hoa Kỳ, Chợ Lớn) có một cô gái vào tuổi 20-22 trông rất khả ái, dễ cảm. Cô Ph. là con gái cũa một dược-sĩ có một tiệm thuốc tây khá lớn tại Sàigòn. Những nhân viên khác, thường đi làm bằng xe Honda 2 bánh, nhưng cô Ph. thì luôn luôn đi làm bằng cách tự lái xe hơi bóng lộn đi về. Những nhân viên khác đi làm là để có thu nhập một đồng lương tương đối hậu hỹ do các lực lượng đồng minh tại VN thuê. Tôi không biết chính xác là bao nhiêu, khi các thanh niên nam nữ được gọi thi tuyển, cũng phải qua một kỳ thi khó khăn ”trầy da tróc vảy” mới được nhận vào làm việc.

Có một điều ai ai cũng thấy là những người được tuyển làm việc tại BTL/ĐH đều xem số lương như là căn bản chính cho cuộc sống nhưng riêng về cô Ph. không nói ra nhưng ai ai cũng có thể nhận thấy là việc cô đi làm là để giao du bạn bè cho vui mà thôi ..có vẻ là cô không lưu tâm gì lắm về đồng lương mình lãnh hằng tháng.

Ngày cô đi làm việc đầu tiên, cô cố lái xe đi tìm chỗ đậu xe cũa nhóm nhân viên dân chính VN, nhưng khổ một nỗi, khu vực dành riêng cho đám dân chính đậu, chỉ có đủ chỗ cho Honda 2 bánh đậu mà thôi. Thế rồi cô Ph. lại lái lòng vòng kiếm chỗ đậu. Cuối cùng, một SQ Đại Hàn chỉ cho cô Ph. đến đậu chung với đám xe jeep từ cấp đại tá trở xuống. Và cũng kể từ đó, motor pool dành cho cô Ph. chỗ đậu xe tốt nhất, rộng nhất. Nghĩa là khi cô Ph. vào doanh trại thì cái parking đầu tiên là của cô. Cô chĩ có việc lái tới đằng trước rồi backing up là xong.

Nhìn qua bên tay phải xa xa một chút là parking dành cho tướng Chae Myung Shin TL, Tư lệnh phó và tham mưu trưởng vv …

Việc cô Ph. đi làm một công việc tầm thường (thư ký văn phòng) mà tự lái xe hơi đối với binh sĩ ĐH vào thời-điểm ấy là chuyện hy hữu. Vì khi tôi nhận nhiệm vụ TVQP tại Đại Hàn, suốt trong 2 năm (1970-1972), tôi không bao giờ thấy bất cứ một phụ nữ ĐH nào lái xe hơi!.

 Đứng từ lầu 2 văn phòng tư lệnh, Tướng Chae nhìn xuống thỉnh thoảng bắt gặp người đẹp lái xe đến sở hoặc khi tan sở ra về, cầm lòng không đậu, tướng Chae (qua viên sĩ-quan tùy viên VN) đã mời người đẹp về tư dinh dùng bữa tối. Sự việc nầy xảy ra trong nhiều tháng (1968-69). Sau đó thì cô Ph. xin nghỉ việc.
Sau khi tôi đáo hạn nhiệm kỳ ngoại giao tại Đại-Hàn (1972) và trỡ về nuớc, tôi có dịp tiếp chuyện với vị tùy viên VN cũ của Tướng Chae và anh ấy cho biết như sau:
Cô Ph. sinh cho tướng Chae một đứa con trai, rất giống cha. Tướng Chae đã mua cho cô Ph. một ngôi biệt thự rất khang trang tại đường Công Lý, SG và sau đó cô Ph. đã lấy chồng. (ai đã sống tại SG đều phải hiểu: đất/nhà trên đường Công Lý có giá-trị hạng nhất).

<<<>>> 

Vào thời đó, các post TVQL được đánh giá theo thứ-tự sau đây: Hoa-Kỳ, Đài-Loan, Ðại-Hàn, …Ai Lao (?), Úc-đại-Lợi, Thái Lan, Nhật-Bản, Anh, Pháp, Gia-Nã-Đại, Tây-Đức, Ý, …(Ai Lao (?) v v

Việc đánh giá như vậy là căn cứ trên những yếu tố như sau:
-        Giá-sinh hoạt cho cuộc sống tại quốc gia nhiệm sở.
-        Chi phí cho cuộc sống tổng quát tại quốc gia nhiệm sở.
-        Giá-trị để có thể hưởng-thụ tại quốc gia nhiệm sở.
-        Sự quan hệ mật thiết giữa 2 quốc-gia.
-        Khoảng cách từ quốc gia nhiệm sở với Sàigòn.

Căn cứ vào những yếu tố trên, chúng ta có thể thấy việc đánh giá nhiệm sở tại Ai Lao --vừa được đánh giá cao và đồng thời cũng được đánh giá chót bẹt: Chi phí thuê mướn nhà cửa tại Vientiane có thễ rẻ gấp 2 hoặc hơn nữa so với giá mướn nhà tại Sàigòn. Vì Ailao là một quốc gia rất nhỏ nên hoạt động ngoại giao nói chung ở đây hầu như không có là bao nhiêu vì vậy vừa ít tốn kém đồng thời được rảnh rang rất nhiều. Một điều quan trọng nữa là vị Sĩ-quan TVQL tại Ailao thỉnh thoảng có thễ “dù” về Sàigòn bất cứ lúc nào, miễn là được Phòng đặc trách TVQL tại BQP đồng ý …không chính thức.

Từ đó suy ra, việc đánh giá Ai Lao cao/thấp là tùy theo sở-thích/quan-niệm của mỗi người: Nếu người nào có chủ trương là muốn dành dụm được nhiều tiền trong nhiệm kỳ ngoại-giao thì Ai Lao là một nhiệm sở lý tưởng vì qui chế lương bổng cho SQ/TVQL thì chỉ khác nhau về cấp bậc chớ không tùy theo vị-trí địa-dư của các quốc gia nhiệm sở.

Mỗi nhiệm-kỳ ngoại-giao là hai năm, không có cái vụ gia-hạn gia heo gì cả. Vị SQ kế-nhiệm đã được lệnh chuẩn-bị cả năm trước khi vị SQ đương-nhiệm mãn hạn.

Như đề-tài cũa bài hồi-ký nêu trên, tôi không muốn đi sâu vào các việc xảy ra trong thời-gian tôi phục-vụ tại ngoại-quốc, nhưng tôi cũng xin ghi thêm một vài giai-thoại để hầu quý vị.

Tôi được lệnh nhận nhiệm-vụ tại Ðại-Hàn (cuối/đầu ??) năm 1970.
Trên đường đi đến nhiệm-sở mới tại Hán-Thành, tôi có ghé qua Hồng kông để mua một ít vải dùng may đồ veste và ghé Nhật Bản để xem hội-chợ quốc-tế Osaka. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết Nhật Bản.

Đễ đi thăm hội chợ Osaka, tôi đã có dịp xử-dụng loại tàu lửa được mệnh danh là "bullet train" (xe lửa chạy nhanh như đạn bay) từ Tokyo đến Osaka. Tôi đặc-biệt lưu ý đến sự chính xác về giờ ĐI và giờ ĐẾN cũa loại tàu nầy: không sai một phút. Tôi thầm ngưỡng mộ khả-năng kỹ-thức cao của người Nhật.

Tôi háo hức đến thăm gian hàng của Việt nam Cộng hòa. Nói về phần trình bày tổng-quát thì tuy không qua mặt các nước lớn như Hoa-kỳ, Nga Sô và các nước Tây Âu nhưng chúng ta có vẻ trội hơn các nước Đông Nam Á khác.

Lần nầy, Tổng-cục/CTCT gởi Biệt-đoàn Văn-nghệ Trung-Ương khá hùng hậu qua trình-diễn và được khách du-lịch xem rất đông. Tôi còn nhớ là có những màn trình-diễn y-phục dân-gian của ba miền Việt nam cả nam lẫn nữ thì phải. Và đây cũng là lần đầu tiên các cô gái Việtnam trình-diễn cái áo dài kiểu cổ hở hình chiếc thuyền mà thời đó người ta thường gọi là kiểu “áo dài bà Nhu”. Cuối cùng là phần trình-diễn một màn đám cưới theo kiểu truyền-thống "dân tộc" quý phái VN (theo nghĩa cũa VNCH chớ không phải nghĩa của CS bây giờ đâu nghen).

Quá nhiều gian hàng đáng xem nhưng vì phải xếp hàng mất nhiều thì giờ, tuy vậy tôi cũng có xem hai gian hàng của Sô Viết và Hoa-kỳ. Hoa-kỳ đang chiếm thế thượng-phong vì vừa đặt người lên mặt trăng như TT Kennedy đã hứa là HK sẽ đáp lên Mặt Trăng trước khi thập-niên ’60 kết-thúc và cũng vì vậy, gian-hàng của HK trở thành cục nam-châm thu hút  mọi người.
Sô Viết bị yếu thế rõ rệt trong cuộc chạy đua về lãnh-vực thám-hiểm không gian, Sô Viết chỉ gây được tiếng vang sơ-khởi khi đưa vào quỹ-đạo trái đất vệ-tinh nhân-tạo sputnik vào ngày 4 tháng 10 năm 1957 thế thôi.

(Trong giai đoạn nầy thì tôi đang phục vụ tại Trường Bộ Binh tại Fort Benning, GA. Tin Nga Sô đưa vào quỹ đạo trái đất, vệ tinh nhân tạo -- nghe nói to đâu bằng trái ba lông --  đầu tiên làm cho HK và thế giới tự do ngỡ ngàng. Ngược lại, thế giới CS rất là hãnh diện).

 Sau đó thì tiến-triển của họ có vẻ chậm chạp.
Tuy vậy, "bước tiến nhảy vọt" trong lãnh-vực chinh-phục không gian cũa Hoa-kỳ đã không gây cho tôi một ấn-tượng lâu dài. Kỷ-niệm mà làm cho tôi ghi nhớ lâu nhất là của Nhật Bản:

Phần IV

Từ đâu không biết, người Nhật đã mang về địa-điểm hội-chợ một số lượng cây tre xanh độ trên dưới năm mươi cây cao vút, còn tươi, trồng một dãy dài cã 30 thước, tạo thành một lũy tre xanh giống như là mép một làng Việt nam với lũy tre xanh bao bọc chung quanh. Vì tôi vừa rời Việt nam có mấy ngày nên đứng nhìn lũy tre xanh mà nhớ nhà quá sá !!! Cây tre vẫn xanh tươi, thân cây tre cọ xát vào nhau gây nên tiếng èo ẹt cũng như lá tre xào xạt mỗi khi gió lộng. Tôi đã ngắm hằng giờ và suy nghĩ khả-năng và kỹ-thuật chuyên-chở của người Nhật: Nước Nhật là một nước đông dân, dất hẹp, vậy số tre nầy phải sống trong rừng hoặc vùng nhà quê...tôi không hiểu họ đã vận-dụng cơ-giới như thế nào để đào những cây tre nầy và vận-chuyển ra làm sao (mà các cây măng cả 10, 15 chục thước cao không bị gãy, ..lá tre không rụng..). Tre mọc/sống dính chùm với nhau hằng 5, 10 cây...không thể bứng đi từng cây một được ...trong khi di-chuyển, thời-gian có thể kéo dài hai, ba ngày.. biết đâu cả tuần ...số tre và măng nầy cần được nuôi dưỡng ...vậy thì họ phải làm sao? Cây tre cao 20, 25 thước, để chịu đựng sức gió lay lắc, gốc và rễ thường đâm sâu xuống đất 1, 2 thước... vậy, họ dùng kỹ-thuật gì để bứng đi từng khóm ??
Tại Mỹ, ngoài toa tàu ra, trên bộ không có loại xe gì dài hơn loại xe mà các nông trại dùng để di-chuyển súc-vật (cattle truck) nhưng xe nầy cũng không thể dài đủ để chuyên chở cây tre cả gốc lẫn ngọn...  Nhưng đây là Nhật Bản ???

Nếu người Nhật muốn di-chuyển bằng barge (thủy-vận) hay xe lửa ..thì ít nữa, cũng phãi có phương-tiện cơ-giới như đã nói trên để mang ra tới sông.. rồi việc bốc, dỡ v v.!! Rồi khi đến thành phố Osaka, một thành phố lớn đông-đúc, hệ-thống chuyển-vận là để di-chuyễn dân chúng. Vậy thì họ đã dùng phương-tiện cơ-giới gì để đưa số-lượng cây tre xanh đến vị-trí dự-trù ...rồi trồng lại ... duy-trì cho xanh tươi ....
Tôi càng nghĩ mà đau cái đầu luôn !!

Qua ngày tiếp theo, tôi theo một đám du-lịch có hướng dẫn (guided tour) đi thăm Tokyo. Chuyến du-lịch có hướng dẫn chiếm một phần buổi chiều lấn qua buổi tối luôn. Cuộc guided tour nầy gồm có độ một chục nơi thăm viếng, tuy nhiên, những nơi thăm viếng mà làm tôi còn nhớ đến bây giờ gồm có: đền thờ Shinto, một lần thăm viếng chớp nhoáng một nhà hát cổ điễn truyền thống cũa Nhật Bản, dùng cơm theo truyền thống Nhật Bản, phần mà mọi người …nhất là các cô các bà Mỹ thích thú …đó là địa điểm giới thiệu “hạt trai nhân tạo” do kỹ nghệ nuôi dưỡng hạt trai trình diễn.

Tôi cũng có dịp thăm gian hàng Úc Đại Lợi. Những gì tôi đã quan sát trong gian hàng nầy đã không lưu cho tôi một kỷ niệm đặc-biệt nào nhưng cái lối đi vào/ra của gian hàng thì đã tạo cho tôi kỷ-niệm lâu dài: Ở cả hai bên lối ra/vào, người Úc dựng lên hai bức tường bằng kiếng …cao và dài cả mấy chục mét. Khi người đi xem gian hàng nầy: vào hay ra đều trông thấy toàn bộ con người của chính mình …đang di chuyển chung –cả hai bên -- với đoàn du lịch. Ngay khi đó, tôi bỗng nảy ra cái ý kiến “ngộ nghĩnh” và thực hành ngay: tôi lấy máy hình ra và xây qua bên lối đi ra đối diện…nơi có hình tôi đang di chuyển vào gian hàng và chụp cho chính mình một bức hình “tôi đang chụp hình”. Tôi đã giữ bức hình đó lâu dài và mỗi  khi có bạn bè đến chơi, tôi lấy cuốn album có bức hình đó ra để hỏi: “Anh/chị có thấy cái gì đặc biệt về bức hình nầy không?”. Không  một ai có thể trả lời được.

Cho đến năm 1990, đúng 20 năm sau …khi thằng cháu gọi tôi bằng chú theo cha nó từ Paris qua Mỹ chơi, tôi lại lấy cái hình nầy để đố  nó như trên. Hắn nhìn một lúc rồi nói: “Có chi là khó đâu ! Chú chụp hình Chú “đang chụp hình” trong một dãy gương đối diện”.
 Thằng nầy có nhận xét …tinh tế  …khá thật !!

- - - - -

Nhiệm-vụ của tôi là thay thế  Trung-Tá V.Th. hiện đang làm TVQL tại Đại hàn. Tr/Tá Vĩnh Th. cũng là bạn cũ và đã cùng nhau phục-vụ với tư-cách là thông-dịch-viên tại Fort Benning, GA vào cuối thập-niên ’50.

Trước khi làm TVQL Ðại-Hàn, Tr/Tá V.Th là tùy-viên thân-cận/thân-tín của Ðại Tướng CVV, Tổng Tham-Mưu-Trưởng Bộ TTM/QLVNCH. Nghe nói… thầy trò rất là tương-đắc, vì vậy sự việc Ðại-Tướng CVV đưa anh VTh đi làm TVQL tại Đại-Hàn lẽ đương nhiên tạo ra nhiều dấu hỏi trong hàng sĩ-quan chúng tôi.

Tôi và anh Vĩnh Th. biết nhau từ thời còn học tiểu-học (École de Pellerin) tại Huế, hình như vào quân-đội cùng một lần (1953), hình như học chung cùng một khóa thì phải (?). Giữa chúng tôi, nếu khi nói chuyện mà có một đệ tam nhân (như cấp trên hoặc phụ-nữ) thì chúng tôi gọi nhau bằng anh, còn khi nào chỉ có hai chúng tôi ... thì muôn năm gọi nhau "tau mi" mà thôi.

Trong giai-đoạn sơ-khởi, tiền-lệ là người sắp mãn nhiệm có thói quen thường lo chỗ ăn chốn ở cho người kế-nhiệm, tôi lợi-dụng lúc chỉ có hai chúng tôi để tìm hiểu sự việc gì đã xảy ra giữa anh ta và đại-tướng CVV vì tôi vẫn chằm hăm muốn tìm hiểu lý do tại sao anh "bị" (những người khác như tôi – phãi thi tuyển, học cả khóa, rồi thi cuối khóa -- thì xem đây là "được") đại-tướng đưa đi làm tùy-viên.

Vì vấn-đề có tính cách tế nhị nên "nhập-đề” cũng hơi khó khăn. Tôi không có tật cà lăm, nhưng trong trường-hợp như thế nầy, tôi bỗng nói lắp bắp một chút.
Tôi bắt đầu:
- " Thai à..tau..tau nghe nói là mi à mi à ..bị bà Viên tống mi qua đây phải không ?"
Anh ta nhăn mặt ..trăn trở mấy giây rồi... trả lời một cách khó khăn.
- "Bà nghe tụi nó nói tầm bậy chớ... tau có làm chi mô".
Tôi cười và tiếp tục khơi mào ...
- " Tau tau nghe nói là .. à ..là... mi à làm mối làm lái mấy người đẹp cho đại-tướng sao đó và bị Bà Viên biết được nên Bà nổi tam bành lục tặc.. và đòi Ông không cho mi ở gần Ông nữa nên Ông ông  --cực chẳng đã -- tống mi qua đây phải không?"
-"Ðầụụ .. coo! Mi nghe tầm bậy không hà! Tau đâu có đi làm ba cái chuyện tào laooo nớ!  Mi biết tánh tau ... tau mà gặp được gái đẹp thì tau đâu có tha ... tau phãi dành cho tau đã chớ !"

Tôi cười và vẫn tiếp tục nói móc nói méo để phá anh.
Về vụ nầy, lẽ đương nhiên, tôi có phần kết luận riêng nhưng tôi không nói ra đây, tôi xin nhường phần kết-luận cho các độc-giả.

(Đối với Trung tá Vĩnh Th, khi còn phục-vụ tại PHt. Benning, GA (1958), có xảy ra một sự-việc khá khôi hài: đó là vụ xô xát giữa anh ta và Tru/Tá D (lúc đó cả 2 còn là tr/úy); sự việc nầy đã đem đến cho anh Vĩnh Th (và có thể là anh D) việc bị giam tại nhà kỷ luật SQ tại TTM. Tôi sẽ bổ túc câu chuyện khôi hài nầy vào hồi-ký “Những kỷ niệm khó quên tại trường BB Fort Benning”. Mời quý thân hữu đọc vào dịp “Ngày Quân Lực” (19/6) năm tới …nếu tôi còn sống để tiếp tục truyền-thống phổ biến “hồi ký” nhân Ngày Quân Lực.)

Sau nầy, một trong những điều-kiện đòi hỏi: muốn làm TVQL là phải trong tình-trạng đã có gia-đình để tránh tình-trạng ...lăng nhăng, nhưng Tr/Tá V Th. thì khỏi: vào thời-gian đó, anh là người độc-thân (ly-dị), khi anh phục-vụ tại ÐH, anh đã làm quen với nhiều phụ-nữ và cuối cùng, anh đã chung sống với một cô gái ÐH rất đẹp, họ có một đứa con trai. Vì trong thời gian họ chung sống là không chính thức, nên khi Tr/ tá V Th hồi-hương, ông đã không đem cô ĐH và đứa con theo được ....

Nhưng độ mấy tháng sau, trong dịp Trung Tướng Lữ-Lan đưa phái đoàn tướng-lãnh Việt nam gồm có Th/tướng Phan-trọng-Chinh, TCT/TC Quân-huấn, Ch/Tướng Giai, Tư-lệnh Sư-Ðoàn 3 qua ÐH (tham-dự lễ gì đó tôi quên), không biết anh V Th. vận động sao đó với Đại Tướng CVV mà đã được tháp-tùng theo phái-đoàn qua ÐH để đem vợ con về Việt Nam.

Luôn thể đây, tôi cũng nêu lên cái quan-niệm thông thường mà tất cả chúng tôi đều bị "hố" trong giấc mơ làm TVQP:
Làm TVQL thì sướng nhé ! Tối nào cũng dự tiếp tân / tiệc tùng bằng thích !
Thưa quý thân-hữu, ai đứng ngoài nhìn vào thì cũng thấy vậy ..nhưng trên thực-tế thì không phải như vậy.. vì vậy, chúng tôi bị hố nặng về cái điểm đó.

Lúc mới đáo-nhiệm, chúng tôi tới trình-diện ông Ðại-sứ (Trung Tướng PXC), việc đầu tiên ông khuyên là:
"Tôi biết nhiệm-vụ của Phòng Tùy Viên Quân Lực rất nặng nề, Anh Chị cố gắng đi dự tiếp-tân cho đều nghe !”
Nghe vậy thì chúng tôi cũng vâng dạ cho ông vui, nhưng ngồi tron g xe, trên đường về nhà, bụng bão dạ: “Quái, đi dự tiếp-tân mà bảo là nhiệm-vụ nặng nhọc ..với lại là cố gắng ?!"

Sau một tuần lễ được nghỉ xã hơi để lo nơi ăn chốn ở mới, đồng thời cũng để chờ quốc-gia chủ-nhân ghi vào danh-sách ngoại-giao-đoàn và phổ-biến.. Thế là từ đó, ngày nào hễ đến văn-phòng là đã có vài ba cái thiệp mời chờ sẵn. Có ngày nhận được đến 5, 6 cái thiệp mời: Từ Tổng-Thống-Phủ, Thủ-tướng Chính-Phủ, Tổng-Trưởng Quốc-phòng, Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, các Vị Tư-Lệnh các Quân-Chủng.. rồi đến Bộ Tư Lệnh Lực-lượng Liên-Hiệp-Quốc tại Ðại Hàn.. các Tòa Đại-Sứ, các Phòng TVQL Ðồng-Minh ..vào các dịp Quốc-Khánh, Ngày Quân-Lực, Ngày Sinh-Nhật cũa Nữ Hoàng Anh, Quốc-Vương Nhật, Quốc-Vương Thailand, Mã Lai, Iran v v …
.....
 
Vì Ðại-Hàn không duy-trì truyền-thống Á-Ðông trong việc mừng Tết Nguyên-Ðán mà chỉ  mừng Lễ Giáng-Sinh và Tết Dương-Lịch ..trong những trường-hợp nầy, chúng tôi cũng phải tham-dự. Như vậy là công có, tư có ... không biết phải đi cái nào.. kiếu cái nào ...
Về phần Viet Nam cũng phải theo một thủ-tục tương-tự ... Vì vậy, trong mỗi buỗi chiều/tối mà phải đi dự hai, ba cuộc tiếp-tân là chuyện thường.
Riêng Tùy-Viên-Đoàn lại có cái tục-lệ là hằng tháng, TVQL cũa mỗi quốc-gia phãi khoản-đãi một bữa tiệc ..
Không khoản-đãi thì không được rồi ... mà không đi dự tiệc cũa các Tùy-Viên bạn lại càng không được nữa. Chuyện dễ hiểu: mình không dự tiệc cũa người ta cất công khoản đãi mình thì ai mà bỏ công đi dự tiệc của mình !! Thế mới rắc rối chớ !!

Riêng phần Nhà Tôi thì cứ phàn nàn là "thiếu áo quần, cứ mặc đi mặc lại trông kỳ quá" (như được hướng dẫn trong khi dự khóa TVQL,  trước khi đi, bà sắm cả gần một chục bộ !! ..)

Mới qua vừa được 3 tháng, chưa dư dả được bao nhiêu mà đòi bỏ tiền mua vé máy bay về Viet Nam chỉ để may áo quần! Tôi vội cản.. và bảo là: hãy viết thư liên-lạc với nhà may cũ bên Sàigòn vì họ đã có kích-thước rồi, chỉ cần bảo họ gởi mẫu vải qua mà chọn thôi. Dẫu mình có gởi đi gởi về để sửa lại mấy lần, cũng rẻ hơn tiền bỏ ra để mua vé máy bay. May quá, bà nghe hợp-lý và đồng ý.

Từ trước cho đến nay, ngoài việc xử dụng xe quân-đội, chúng tôi cứ đi xe cũ hoài: Chiếc xe đầu tiên cũa tôi là hiệu Lincoln cũ …giá $250 thì phải, tôi mua và xài chung với Tr/uý S khi làm thông dịch viên tại trường Bộ Binh Ft. Benning, GA (1956-58). Vì lúc đó đang sống tại Mỹ, hơn nữa lại là độc thân, lãnh lương SQ/TĐV (chúng tôi thường nói đùa với nhau .. tự gọi là lương bao bố) và xài chung xe, nên chi phí về chiếc xe không có gì đáng kể tuy là chiếc xe nầy có 8 máy lớn .. uống xăng như rồng cuốn nước.

Cho đến khi mãn nhiệm kỳ SQ/TĐV về nước, tôi cũng tậu một chiếc xe cũ, hiệu Peugeot 203 .. mang bảng số rất dễ nhớ: NBJ-888. ..và xài 3 năm liền sau đó. Trong giai đoạn nầy, tôi chưa vợ con gì ..hơn nữa trong túi đang có sẵn tiền khá nhiều, tôi thường hay đi khiêu vũ tại các nightclub nổi tiếng như Grand Monde, Arc-en-Ciel,Văn Cảnh, vv vào các tối Thứ Bảy và Chủ Nhật. Qua tuần tới.. khi đi làm việc, tôi thỉnh thoảng một vài anh em cũng thường hay đi chơi “đêm” như tôi như anh Đỗ Hải (anh Đỗ Thọ.. tùy viên cũa cố TT Ngô Đình Điệm) thường điểm mặt tôi rồi cười: “Hôm Thứ Bảy vừa rồi, tụi moa  thấy xe NBJ- 3 số 8 của anh đậu ở Grand Monde phải không” ???

 Nhưng sau khi được lệnh ra Bình Định thành lập SĐ 9/BB và chiến đấu một thời gian, tôi được lệnh BQP gởi qua Fort Bragg, NC, USA, Trung Tâm Lực Lượng Đặc Biệt Hoa-Kỳ để làm huấn luyện viên cho 1st US Special Forces Group lúc đó đang được chuẩn bị để qua chiến trường Miền Nam thay thế cho 5th US Special Forces Group.

Sau khi hết nhiệm kỳ, dành dụm được thêm một ít đôla và hồi hương. Vì lúc đó tại VN vấn đề xăng nhớt đã trở nên đắt đỏ cho mọi gia đình, chúng tôi mua một chiếc xe cũ khác hiệu VW. Chiếc xe nầy tuy là cũ nhưng rất lý tưởng cho gia đình chúng tôi: việc tiêu thụ xăng nhớt không tạo ra chi phí lớn cho gia đình.

Sau khi mãn khóa TVQL (1969?) và nhận được lệnh qua Đại Hàn, điều mà chúng tôi chăm hăm trong trí là sẽ tậu một chiếc xe mới toanh mới ráp từ hãng ra, hiệu phãi là VW..xe lý tưởng của cái gia đình bé tí cũa chúng tôi.

Sau khi tới Hán Thành, tôi cũng giống như các nhân viên ngoại giao khác từ trước, họ cũng chia sẻ một quan-điểm với tôi: tất cả đều đang xài xe VW của Ðức. Thế là tôi gọi người đại-diện VW đến. Người nầy có nhiệm vụ ghi nhận tất cả các chi tiết tôi muốn liên quan đến chiếc xe (model 1970?). Tôi còn nhớ mang máng giá xe là vào quãng (+/-) $1750 thì phải. Người nầy cho biết là phải chờ 1 tháng vì đến tuần sau, xe của tôi mới bắt đầu vào assembly line !!
Trong thời gian đó, chúng tôi dùng chiếc xe chức-vụ -- chiếc xe Buick – của Phòng TVQL cho mọi trường hợp.

Thật ra, việc mua xe hơi cho chúng tôi tại ĐH là không cần thiết. Mua chiếc xe VW là dành cho mục đích chuẩn bị đem về nước để xài tại VN khi mãn nhiệm kỳ ngoại giao. Sau khi về VN, xe của chúng tôi được mang số  bảng xanh: được miễn đóng thuế.

Vietnam trong tình trạng chiến tranh, bất cứ một người nào, dân sự hay quân sự bất cứ ở vào chức-vụ hay cấp bậc nào mà nói đến chuyện mua một chiếc xe hơi mới toanh riêng tư là một chuyện vô tưởng.

Tuy vậy, một ít người giàu có, thường thường là Tàu Chợ Lớn, họ thường tìm cơ hội để mua lại xe hơi của một số rất ít sĩ-quan cấp tá Hoa Kỳ, những SQ nầy được may mắn giữ những nhiệm vụ ngay tại SG, tuy là họ đã có xe chức-vụ trong công việc, nhưng lại muốn mang xe  riêng theo để  tối tối đi du hý đó đây. Sau khi mãn nhiệm, họ không mang xe về nước mà bán lại cho những người có nhiều tiền cũa, những kẻ mà mục-đích là muốn xài một chiếc xe mới, đời mới, còn việc phải đóng một số tiến thuế kếch sù thì họ không xem là quan trọng vì không ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình họ là bao nhiêu.

Mỗi lần SQVN đi du-học hay đi thăm viếng một quốc gia ngoại quốc, đều được chính phủ  cho hoán đổi một số tiền dành cho mục-đích liên-hệ. Lẽ đương nhiên, khi chúng tôi đi nhận nhiệm vụ TVQL lại có mang theo gia-đình, chúng tôi được chánh phủ cho đổi một số tiền tương đối hậu hĩ (mà tôi không còn nhớ chính xác là bao nhiêu) để mua xe, ngoài ra số tiền lương hằng tháng khá thoải mái mà cấp bậc quân đội ngành TVQL được qui định tương-quan với qui-chế lương bổng cũa ngành ngoại-giao mà tôi chỉ nhớ là cấp bậc trung tá tương đương với hàng cố vấn trong ngạch ngoại giao vì chúng tôi hằng tháng phải tổ-chức một buổi tiệc “sitting dinner” cho đồng-liêu của chúng tôi trong Tùy-Viên Đoàn. Tuy vậy, số lương hậu hỹ đã giúp cho chúng tôi dành dụm dược một số tiền khá lớn.

Hầu như ai ai – quân đội hay dân chính ngạch ngoại giao – đều chung một ý nghĩ là đi phục vụ tại ngoại quốc cũng là dịp để dành dụm cho gia đình.

Điều đáng nói ở đây là hễ ai đến tòa Đại Sứ VNCH tại Hán Thành có việc gì, đều ngỡ ngàng khi nhìn thấy một dãy xe mười mấy chiếc VW của nhân viên sứ quán. Nhân viên sứ quán từ chức vụ Tham sự trở xuống, đều mua xe riêng để dùng.

Phòng TVQL có một trung sĩ nhất được xử dụng như thư ký/đánh máy …sau khi đã sống được tại ĐH một năm và đó cũng là lúc là Tòa Đại Sứ đổi lấy xe van (VW), anh ta xin Tòa Đại sứ “để” rẻ lại cho anh ta. Tòa ĐS bán rẻ cho anh ta với giá 700 đô (?). Thế là hầu như ai ai cũng có xe.

Tôi còn nhớ ông Đại Sứ có hai xe chức vụ: một chiếc xe Buick đời mới (1971?) và một chiếc xe Mercedes đời mới (?).
Tòa Đại Sứ còn 2 chiếc xe cũ để đón quan-khách từ VN thường qua thăm trong đó một chiếc xe “minivan” cũng hiệu VW.

Về xăng tiệu thụ hằng tháng cho cả xe công lẫn tư, đều được mua  xử  dụng miễn thuế.

Xin quý độc giả lưu ý là vào thời đó, Đại Hàn có một chánh sách rất khắc nghiệt đối với dân chúng Đại Hàn về chế độ nhập cảng: hầu như người Đại Hàn bị ngăn cấm tiêu thụ mọi sản phẩm ngoại quốc.
Tại Hán Thành, chính phủ ĐH có lập ra một vài gian hàng đầy ắp sản phẩm ngoại hóa như rượu, thuốc..vv nhưng chỉ để dành cho cộng đồng ngoại giao và quân đội Mỹ (quân đội HK có hệ thống tiếp tế riêng của họ) mà thôi và được tiêu-thụ bằng đôla.
Tôi còn nhớ là tại các địa điểm du hý như đại-tửu-lầu, phòng trà, hý-viện, dancing vv, mỗi khi chúng tôi lấy thuốc lá ra hút (thuốc lá hiệu Mỹ), thường có thói quen mời những người chung quanh. Nếu họ là người ĐH kể cả những cô gái  …họ rất dè dặt khi nhận điếu thuốc của chúng tôi mời, vì nếu bị bắt quả tang, sẽ bị phạt rất nặng.

Vào những dịp Tết Dưong Lịch, hay Xmas, một vài SQ Đại Hàn quen thân với chúng tôi thường nhờ chúng tôi mua giùm một vài chai rượu ngoại quốc để biếu “xếp” cũa họ. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ.

Thật ra vào giai đoạn đó, ĐH đã sản xuất được xe bus và xe du-lịch cho dân chúng xử dụng nhưng chỉ đủ cho dân chúng nội địa tiêu thụ.

Phần V

Một trong những khó khăn nhất mà chúng tôi phải gặp là nghiên cứu kế hoạch đi dự tiếp tân trong ngày Quốc-Khánh của quốc-gia sở-tại. Cùng một ngày mà nhiều cơ-quan đều tổ-chức tiếp-tân lớn và không thễ bỏ sót nơi nào, vì vậy trong ngày trước đó, hai thầy trò (tôi và viên tài xế ĐH) phải xem bản đồ, nghiên cứu làm sao để di-chuyển mà ít mất thời giờ nhất.

 Buổi tiếp-tân cũa T T Park Chung Hee phải được xem là ưu-tiên một. Cái khôi hài là thời-gian mà chúng tôi dành riêng cho buổi tiếp-tân quan-trọng nầy là con zero:
Quan-khách của các buổi tiếp-tân lớn đều phải dùng xe có tài-xế: Khi xe chúng tôi đến thì phải nối đuôi rất dài, nhích chích từng tí.. cho đến khi cách receiving line (vị-trí tổng-thống và phu-nhân đứng để đón khách) độ 20 mét thì có người chận xe lại, một nhân-viên đặc-trách trao cho chúng tôi 2 tấm vé mang số giống nhau (một dành cho quan-khách và một dành cho tài-xế).

Trong khi chúng tôi xuống xe và đang tiến đến receiving line thì hệ-thống phóng-thanh loan-báo là TVQL của VNCH đang chào mừng Ngày Quốc-Khánh lên TT Park Chung Hee và phu-nhân...

Sau khi bắt tay Tổng Thống và phu-nhân, nói đôi lời chúc mừng nhân-dịp Quốc-Khánh Ðại-Hàn, chúng tôi tiến vào phòng khánh tiết rộng thênh thang đầy dẫy quan khách đang tụm năm tụm ba, đứng nói chuyện với nhau. Trong lúc một số thanh niên Đại Hàn, trong âu phục gọn gàn có mang biển tên, đến từng nhóm để hỏi xem thử quan khách muốn dùng loại rượu gì thì họ sẽ đi order và mang tới thì các cô gái Đại-Hàn trong quốc-phục phụ-nữ cổ-truyền lòe loẹt, lượn qua lược lại mang các khay đầy thức nhắm (canapés đũ loại) đến các nhóm quan khách đứng riêng biệt trò chuyện.
Nói một cách khác, ban tổ-chức buổi tiếp tân tạo ra mọi sự thoải mái cho quan khách trong lúc đang nói chuyện với nhau.

 Cũng trong lúc nầy, nhạc khiêu vũ nhẹ vẫn trổi lên, một số nhà ngoại giao trẻ, độ mười mấy cặp thì họ vẫn khiêu-vũ ..

Tôi quan sát tình hình một lượt và ngay sau đó, kéo tay Nhà Tôi băng nhanh qua phòng khánh-tiết mênh mông để đến nối đuôi vào số quan-khách đang chờ người đặc-trách dùng hệ-thống PA có loa phát thanh đặt tại bãi đậu xe (không biết ở đâu) để gọi xe mình trở lại đón và lẽ tất nhiên xe chúng tôi cũng phải nối đuôi các xe được gọi trước ..

 Chúng tôi thiết nghĩ ..có lẽ nhiều quan khách khác cũng đang làm như chúng tôi.

Cứ như thế, chúng tôi lại tiếp-tục đi đến các buổi tiếp-tân khác như Tổng Tham mưu Trưởng Liên Quân và 3 Tư Lệnh Quân chủng !!! ...

Chúng tôi định dừng lại cái tiếp tân cuối cùng hơi lâu lâu một chút để ăn cái gì dằn bụng nhưng chỉ sợ khuya quá thường lệ, 2 đứa nhỏ ở nhà trông

Khi về đến nhà thì chúng tôi đói meo, Nhà tôi bảo bà ajima  nấu cái gì ăn. Bà ajima trợn mắt …ngạc nhiên. Thế rồi Nhà tôi và bà ajima làm dấu hiệu để nói chuyện với nhau.. cuối cùng bà ajima cũng hiểu “qua loa rờ măng” lý do sao đó …và bà nhanh nhẩu nấu cho chúng tôi mỗi người một tô ramiêng …may là có kèm thêm được mấy con tôm mà bà ta thường làm sẵn để nấu canh hằng ngày còn lại.

Mặc dầu tất cả Tùy-Viên-Đoàn (TVĐ) đều là thuộc khối Tự-Do nhưng cũng chia phe, chia nhóm để trao đổi / liên-lạc: Các TVQL thuộc vùng Á-châu, Trung-Đông, Nam Mỹ và Phi-Châu thuộc một nhóm và liên-lạc với nhau thân mật. Các TVQL như Hoa-Kỳ, Anh, Ái-Nhĩ Lan,  PHáp, Ý, Gia-Nã Đại, Úc, TTLan..v.v thì hòa mình giao-hảo với mọi người, chỉ riêng viên TVQL Tây Đức (TĐ) thì đứng một mình và thường hay ôm bó các TVQL Hoa-Kỳ cũng như giao-du với các TVQL Âu-Châu.

Ðối với các quốc gia thuộc khối chúng ta, hễ mỗi lần có cuộc họp mặt trong Tùy Viên Ðoàn, ngoài lúc bắt tay sơ-khởi, ông Tây Ðức thường tìm các TVQL Hoa-Kỳ (là quốc-gia lớn, HK thường có đủ TV của 3 quân-chủng đại-diện) để đấu láo. Khối chúng tôi cũng nhận thấy điểm nầy nên sau cái bắt tay lạnh lùng, chúng tôi trở về nhóm của chúng tôi để ba hoa, đấu láo.
Các TV Hoa-Kỳ cũng như Âu-Châu đều nhận thức sự việc nầy nên họ thường tránh TVQL Tây Đức…vì nhiệm-vụ ngoại giao là càng có nhiều bạn càng tốt… nhưng nếu cứ để cho ông Tây Đức bám riết thì sợ làm phật lòng phe chúng tôi ..vì vậy, TVQL/TĐ thường trở nên "người hùng cô đơn".
Tại sao lại có sự việc như vậy ? Chúng tôi lý-luận ...chắc là ông nầy đang cố sống lại trong giấc mơ quá khứ huy-hoàng chăng ? (thời Hitler và phe Trục trong thế-chiến thứ II).

Một sự kiện trớ trêu là TVQL Nhật Bản (lúc xưa thuộc phe Trục: Ðức, Ý và Nhật Bản) là người tỏ vẻ bất-bình ra mặt đối với cách xử-sự của ông Tây Ðức.

Trong một buổi du-ngoạn do Tùy Viên Đoàn tổ-chức, (chúng tôi thường có chương-trình thăm-viếng các nơi như: Bộ Tư Lệnh LHQ, Bàn-Môn-Điếm, các đại-đơn-vị Ðại Hàn, các danh-lam thắng-cảnh ..vv…có khi chúng tôi phải đi bằng máy bay và chương-trình kéo dài 3, 4 ngày), TVQL/TĐ định chơi trội:  Sau khi mọi người đến nơi đã định, ông TÐ cho người từ Phòng TVQL/TĐ tại Hán-Thành lái một chiếc xe jeep (dã-chiến…vừa được Tây-Đức sản-xuất) đến….mục-đích để khoe với Tùy Viên Đoàn là quân-đội Tây-Đức có khả-năng sản-xuất quân-cụ cho quân-đội TÐ và không bắt buộc phải dùng chiến-cụ, quân-dụng của Hoa-Kỳ như các nước thuộc khối Tự Do khác.

Ngay chiều hôm đó ông TÐ mời chúng tôi "lái thử" chiếc xe jeep. Tất cã chúng tôi đều từ chối…lấy cớ là vừa mới tới …mệt mõi. Qua ngày hôm sau, TVÐ dùng mấy chiếc xe bus để cho phái-đoàn di-chuyển, riêng ông TÐ thì đi xe jeep có tài-xế lái theo … Bà vợ ông thì vẫn đi xe buýt với mọi người. Ðến tối khi trở về khách-sạn, nghe đâu ông TÐ bị bà vợ cự nự quá xá, ông "quê độ" nên cho tài-xế lái chiếc jeep về Seoul, đường dài cả trăm miles. Cũng trong tối hôm đó bà vợ thông-báo – qua bà vợ đại-tá TVQL Thái-lan: niên- trưởng TVĐ – cho toàn phái-đoàn hay là vì không được khỏe nên không thể tiếp-tục được cuộc hành-trình ..xin lỗi mọi người vì sáng mai sẽ về trước bằng máy bay…

Trong nhóm Tùy Viên, tôi đặc-biệt quen thân với vị Ðại-Tá TVQL Trung-Hoa Dân-Quốc (thuộc quân-chủng Không-Quân). Sự-kiện nầy cũng không lạ vì VNCH và THDQ đồng cảnh-ngộ chính-trị. Ngoài các dịp gặp gỡ chính-thức, chúng tôi thường đến thăm nhau tại tư-thất. Trong một buổi chén tạc chén thù, ông hỏi tôi là phục-vụ ở đâu vào những năm cuối thập-niên ’50. Tôi cho ông hay là tại Sàigòn. Thế là ông xin lỗi tôi vì ông đã làm cho tôi và dân Sàigòn dựt mình vào một ngày nào đó trong thời-gian nầy.
Tôi thấy chuyện có vẻ lạ lùng, bất thường và xin giải-thích.
Ông bảo: "Trước ngày D một tuần, lúc đó, tôi mang cấp trung-úy, phi-đội cũa chúng tôi gồm 4 chiếc PH 86 (?) được lệnh bay qua Việt nam và sẽ vượt bức tường âm-thanh trên không-phận thủ-đô Sàigòn. Thế là vào một buổi sáng (trưa), phi-đội chúng tôi đã tạo tiếng nổ (sonic boom) lạ lùng trên không-phận Sàigòn khi  vượt bức tường âm-thanh tại đây. Mong mõi không nhà nào vỡ chén, ly …và không ai chửi rủa chúng tôi".
Ông tiếp-tục phân bua: "Hình như là cả hai chánh-phủ đã thỏa-thuận để cho chúng tôi làm như vậy". Ông nói xong ..cười khoái trá.

Mỗi lần chúng tôi đi dự tiếp-tân, hai gia-đình chúng tôi thường chuyện trò với nhau lâu hơn. Cũng trong những dịp đó, ông thường dẫn tôi đi nếm các món ăn lạ.

Phải nói là tòa Ðại Sứ Nhật Bản thường hay chơi trội hơn các nhiệm-sở ngoại-giao khác trong lãnh-vực tiếp-tân: Hễ mỗi lần toà Ðại-Sứ Nhật tổ-chức, quan-khách tham-dự cảm thấy một sự đặc-biệt khi mới bước chân vào phòng khánh-tiết: Phòng tiếp-tân rộng thênh thang, quan-khách đông đúc. Ngoài cái quầy rượu lớn lao có cả trăm loại rượu mạnh …cạnh bức tường chính trên có hình của quốc-vương hay hoàng-hậu Nhật được treo tùy theo dịp, ở ngay trung-tâm phòng tiếp-tân, một bàn lớn hình chữ I hay chữ thập đầy ắp các loại thức ăn/nhắm khác nhau. Tại bốn góc phòng khánh-tiết, họ còn set up mỗi góc một cái quầy có thực-phẩm tươi, có bếp gad và đặc-biệt là có một người đầu bếp (mặc đồng-phục trắng, đội mũ nồi trắng) chờ phục-vụ quan-khách. Tôi rất muốn “thử” các món ăn do những ngưòi đầu bếp Nhật này prepare, nhưng không biết phải order như thế nào …nếu order rồi có chắc là sẽ ăn được hay không ?

Một hôm, tại một bữa tiếp-tân do Sứ-Quán Nhật khoản-đãi, tôi tâm-sự với ông bạn TVQL Trung-Hoa QG và ngỏ ý bày cho tôi ý-kiến để cho tôi “test” (ăn thử) món ăn nào độc-đáo nhất của Nhật.
Ông cười và nói: “Tôi biết anh muốn nói món ăn gì rồi, chắc anh muốn test món cá sống chớ gì?"
Tôi cười, nhưng vẫn làm bộ phản-đối và bảo: "Sợ mùi cá tanh …e  ăn không được”.
Ông cười và bảo: “Chính tôi cũng đã quan-niệm sai lầm như anh…anh hãy gạt bỏ quan-niệm đó đi. Không hôi hám gì cả…và rất ngon".
Nói xong, ông kéo tay tôi tới một quầy gần nhất. Người đầu bếp Nhật thấy chúng tôi tiến đến, cúi đầu thật thấp..chào. Ông Ðại Tá THQG xổ một tràng tiếng Nhật, cuối cùng, xòe ra hai ngón tay. Người đầu bếp Nhật tỏ vẻ hiểu biết.. gật gật cái đầu.

Chúng tôi lui vài ba bước đứng chờ và cũng để quan-sát. Người đầu bếp Nhật bắt đầu trổ tài múa dao !!! Sau độ vài, ba phút, người đầu bếp, hai tay cầm hai cái dĩa nhỏ có thức ăn vừa prepare kềm theo cái nĩa nhỏ, cúi đầu .. trao cho chúng tôi …miệng nói gì, tôi không hiểu. Riêng phần tôi, chỉ có việc "thank you" rối rít !!!
Ông Ðại tá THQG bảo: "Taste  it".
Tôi nhìn ông, nhìn món món ăn..lấy cái nĩa, xiêng miếng (thịt) cá trắng/trong và hơi đục…quệt vào một loại sauce gì đó trong đĩa (dám là loại mustard lắm a nghen) …bỏ vào miệng …nhai một cách lưỡng-lự. Tôi không thấy hôi tanh gì cã …mà cảm thấy ngon miệng. Ông Ðại-tá chờ tôi nuốt xong miếng đầu tiên, ông mới bắt đầu ăn ..và ăn rất tự nhiên.
Ông vừa ăn vừa nở một nụ cười thoải mái, chứng tỏ là ông đã thành công.

                                                        <<<>>>

Ðã từ lâu, qua báo chí, chúng tôi được biết là Bàn Môn Ðiếm là địa-điểm “nóng hổi”, ai ai cũng mong muốn đi xem cho biết.
Vào một ngày đẹp trời, ba chiếc xe buýt rời Hán-Thành chở chúng tôi đi về hướng Bắc. Ði chưa được nửa giờ thì đã đến. Với các công-sự phòng-thủ đồ sộ (các trụ bê-tông cốt sắt khổng-lồ) từ Ðông sang Tây, để chống xe tăng tạo ra cho chúng tôi một cảm-giác khẩn-trương.

Chúng tôi được dẫn đến xem phòng họp (thường được đại-diện LHQ (HK) và Bắc-hàn họp). Tại đây, chúng tôi được hướng-dẫn-viên kể lại một giai-thoại khôi-hài như sau:
Vào những năm đầu của thập-niên 50, sau khi vừa có thỏa-thuận "ngưng bắn" [ceasephire, chiến-tranh Triều-Tiên không có thỏa-hiệp đình-chiến (armistice)], phòng hội nầy được thiết-lập. Phòng họp đơn-giản có cái bàn dài, rộng và mỗi bên có dãy ghế mà số lượng đã được thỏa-thuận. Sau buổi họp ngày đầu tiên, – tuy là xử-dụng ghế giống nhau – nhưng sau khi báo-chí đăng hình phổ-biến về buổi họp, bọn CS Bắc-hàn thấy sao mà các đại-diện của chúng …tên nào cũng thấp thua các đại-diện Mỹ cả một cái đầu !!!
Chúng bèn chơi trò ma-giáo (CS nào mà chẳng vậy …cái gì chớ các trò lưu-manh thì đâu có thua CSVN) bằng cách …ngay đêm hôm đó, chúng cho lâu-la lẻn vào …cưa cụt bớt (một phần nào) các chân ghế của phía LHQ !!.
Báo chí Nam Hàn & HK vào thời đó có đăng tin nầy làm phe Bắc Hàn ê cái mặt một thời gian ngắn  …

Tiếp đó, chúng tôi được hướng-dẫn ra đứng đằng trước phòng họp (thuộc khu-vực LHQ) để quan-sát ranh-giới ngưng bắn bằng cách xử-dụng các loại viễn-vọng-kính (ống nhòm) được thiết-trí trên ba chân (tripod) có độ phóng-đại cực mạnh. Chúng tôi thấy một tòa nhà bằng bêtông to lớn để Bắc-Hàn tiếp quan-khách cũa thế-giới CS như các nước khối Sô-Viết, các nước Ðông-Âu, Trung-Cọng, Bắc-Việt, Cuba, v v.

Qua ống nhòm, phía Bắc Hàn cũng đang có phái đoàn thăm viếng khi phi-quân sự, chúng tôi thấy một người Á Châu đang đứng trước micro nhìn về hướng Nam (phía chúng tôi) la lối…múa chân múa tay như người điên…tuy là hệ-thống phóng-thanh của Bắc-hàn dùng cho mục-tiêu tuyên-truyền cũng cực mạnh, nhưng chúng tôi bên nầy vẫn không nghe gì ngoài các các tiếng "down, down with.." (đả đảo … đả đảo..) lặp đi lặp lại ..Chúng tôi đoán là tên nầy đang đả đảo.. có thể là Ðế-quốc Mỹ !!
(Biết đâu tên nầy là Ðồng hay Duẫn gì đó cũa CS Bắc Việt chăng?)

Trong phái-đoàn của chúng tôi, không khí đang có vẻ nghiêm trang thì bỗng nhiên …trở nên khôi hài !! Các cặp vợ chồng TVQL của Hoa-kỳ tỏ vẻ thích thú nhất về trò tuyên-truyền rẻ tiền nầy.

Chúng tôi nâng ống nhòm cao hơn một chút thì thấy…xa xa hơn cách ngôi nhà "tình-nghĩa CS" nầy độ 500 mét về hướng Bắc, một số nhà nhỏ (20-30 cái) làm bằng gạch, mái ngói đỏ, quét vôi trắng rải rác như một cái làng.

Dẫu cho người quan-sát có trình-độ hiễu biết thấp đến đâu cũng nhận thức rằng: đó là số nhà mà Bắc-hàn xây làm kiểng để lòe với thế-giới anh em CS là dân Bắc hàn sống sung sướng như vậy đó, riêng chúng ta, qua báo chí thì đã hiểu biết …cuộc sống cơ cực của thế-giới CS nói chung như thế nào rồi…chúng đói khát hằng ngày là chuyện “cơm bữa”.

Chúng tôi nhìn hướng-dẫn-viên (sĩ-quan Ðại-hàn) cười và hỏi đùa: "Khi nào thì các anh xây cái làng tương tợ?"
Anh ta cũng hóm hĩnh cười đáp: “ Tomorrow”.

Phần VI

Khi viết đến giòng chữ nầy, người viết nghĩ đến bài tường-thuật cũa ông John Powell, giám đốc phân bộ Á Châu của Chương Trình Thực Phẩm Thế Giới/ LHQ, tôi xin trích một đoạn ngắn:

"Ông John Powell nói: đi suốt dọc Bắc Hàn từ Nam tới Bắc, đố quý vị tìm ra được một ô đất cỏn con nào mà không trồng trọt. Thật thế, giải đất nhỏ xíu bên hông nhà, hoặc miếng đất phía trước cửa ra sát lộ, đều được đào lên, trồng khoai trồng sắn hay rau. Sườn đồi dốc không thích hợp chút nào cho việc trồng trọt nhưng túng quá, dân chúng cũng cứ trồng, được gì thì được. Thậm chí, họ rải đất lên trên cã mái nhà đễ trồng, hy vọng mọc lên ít hạt đậu, sống qua ngày" !!!

Sự việc tôi đang mô-tả là vào thời-điểm 1970-72, nay thì "ngôi nhà tình-nghĩa" không biết dùng để làm gì khi mà CS trên toàn thế-giới đã tan rã, những nước CS còn lại như Trung Cộng, Việt cộng thì ngày đêm lo làm ăn với Mỹ …chán ngấy ông bạn CS Bắc-Hàn  Kim Jong Il, tên "hề" này ngày nào cũng hù dọa thiên-hạ với chương-trình nguyên-tữ của mình nhưng trong lúc đó thì để cho dân Bắc-hàn đói meo …hằng ngày vào rừng đào rễ cây mà ăn.

Một hôm, ông Ðại-sứ cho biết là trong tuần qua, một người Đại-hàn đến xin gặp và bày tỏ mối liên-hệ lịch sử của gia-tộc ông tại Đại-hàn và Đời Nhà Lý ngày xưa.
Tiếp theo, ông Ðại-sứ thông-báo là: trưa hôm nay, tất cả các nhân-viên ngoại giao của toà đại-sứ sẽ đi dùng bữa tại một khách-sạn sang trọng bậc nhất ở Hán Thành do vị tộc-trưởng hậu duệ xx đời (1225?) cũa hoàng-thân Lý Long Tường (LLT) thuộc Đời Nhà Lý (VN) khoản-đãi.

Trong buổi cơm trưa vừa sang trọng vừa thân mật mà phái-đoàn hậu-duệ của hoàng-thân LLT khoản-đãi, có mang theo một cô gái rất đẹp ngồi đối diện với trung tá MBD, chánh-văn-phòng của trung-tướng đại-sứ. Trung-tá MBD - tuy là đã có vợ con đang ở VN - nhưng cứ nhìn qua và đá lông nheo hoài ... làm chúng tôi cười muốn chết luôn...

Ông tộc trưởng kể: theo gia-phả là: Sau khi Nhà Lý bị nhà Trần dẹp bỏ, vì lo sợ bị tiệu diệt, hoàng thân Lý Long Tường liền bí mật cho tổ chức một (vài, ba ?) chiếc thuyền với đầy đủ thức ăn, nước uống cho cả tháng, đem gia-đình và một đám gia-nhân thân tín xuống thuyền để chạy trốn. Họ cho thuyền đi về hướng Bắc, cặp theo ven bờ bể. Sau nhiều ngày lênh đênh trên mặt bể, tất cả đã đáp vào đất liền, nơi mà thời đó người Việtnam gọi là Triều Tiên. Dân địa phương ở vùng nầy nhận thấy người đứng đầu đoàn thuyền, với cách phục-sức, có vẻ như là quan gia của một nước láng giềng, họ liền báo lên quan sở tại địa-phương, vị nầy tống đạt tin trên về triều đình. Nhà vua bèn cho vời người lạ nầy đến để tường trình tự sự, hoàng-thân Lý Long Tường cứ ngay lành mà tấu trình. Sau khi biết được người đối-diện là hoàng-thân của Nhà Lý Việt nam gặp nạn, hoàng thân Lý long Tường liền được quốc-vương Triều Tiên đương thời trọng dụng. Số người theo ông được cấp đất đai để khai phá sinh sống.

Trong một giai-đoạn lịch-sử tiếp theo, quân Mông Cổ, sau khi tràn xuống chiếm toàn bộ nước Trung Hoa, cũng ồ ạt xuống chiếm Triều Tiên, quốc-vương Triều Tiên liền vời hoàng-thân LLT vào để vấn kế chống quân Mông Cổ, hoàng thân LLT đã hiến kế hữu-hiệu cũng như tham gia nỗ-lực chung để chống quân xâm-lăng tích cực, được quốc vương Triều Tiên ban cho nhiều ân sủng.

Sau khi hoàng thân Lý Long Tường qua đời, Triều Tiên đã dựng tượng để tưởng nhớ công ơn ông.
Hiện nay con cháu của hoàng-thân LLT sanh sôi nẩy nở đông đảo, phần lớn sinh sống lập nghiệp ở Bắc Triều Tiên.
Tôi còn nhớ: vào mùa Thu 1972, tôi đã có dịp đưa gia-đình đến làm picnic tại một công viên ở ngoại-ô Hán Thành trong đó có tượng bằng đồng đen của hoàng-thân Lý Long Tường..

Trong quãng thời gian từ 1991-1993, trong dịp tôi về Việt Nam lo vấn-đề cá-nhân, tôi được biết là đại-diện tộc-trưởng Nhà Họ Lý (VN) tại Hại Hàn, có về thăm quê-hương. Theo tôi nhận thấy: cuộc thăm viếng chỉ có tính cách thuần túy "tìm lại nguồn gốc" chớ không phải do một động-cơ chính-trị nào.

Ðã sống tại Ðại-hàn thì phải nói đến củ sâm …và may thay, chúng tôi đã có một dịp đi xem vụ thu-hoạch củ sâm.
Trung Tướng PXC làm Ðại-sứ tại Ðại Hàn có quen một tướng lãnh Ðại-Hàn về hưu. Vị nầy thường có giao-tình rất mật thiết với ông Ðại Sứ. Một ngày cuối tuần, vị nầy mời ông Ðại-Sứ và PHòng TVQL đi thăm trại trồng sâm và sẽ thu-hoạch vào ngày chúng tôi đến thăm.

Tôi có cảm tưởng là trại sâm của người nầy nằm trên một bán-đảo nhỏ cách thủ-đô Hán-Thành vài chục miles.
Khi đến nơi thì chúng tôi được mời dùng bữa trưa. Sau khi dùng bữa xong, ông tướng Ðại-Hàn mời chúng tôi đi đến trại sâm: tổng diện-tích trồng sâm độ vào quãng 4 sào đất ta.
Khi khởi sự thu-hoạch, một số người thợ gặt đứng hàng ngang giăng qua sào ruộng, mỗi người cầm một cái cuốc chĩa nhỏ và bắt đầu cuốc móc bụi sâm lên, tránh phạm vào thân củ sâm. Họ luôn luôn duy-trì một hàng ngang. Cứ đào xong bụi nầy thì đến bụi khác. Các củ sâm đào được, để trên mặt đất, sẽ có 3, 4 người mang giỏ đi qua đi lại thu và trút vào mấy cái thúng lớn. Ðàng sau những người nầy thì có một người cầm một cái tu-huýt, luôn luôn nhìn xem thử những người thu-hoạch có nhặt hết sâm đào lên không … đồng thời người nầy còn có nhiệm-vụ ngăn chận một đám dân nghèo đi theo sau các thợ gặt để …mót sâm như bên xứ ta (ở miền Trung) đi mót lúa vào các ngày gặt lúa.

Theo ông tướng Ðại-Hàn giải-thích thì sâm của trại ông thuộc về hạng tốt (thu-hoạch mỗi 6 năm) và thường được processed thành hồng-sâm. Ông giải-thích là .. sâm được processed ra thành hai loại: hồng sâm và bạch sâm. Hồng sâm được cấu tạo bởi sâm thu-hoạch sau 6 năm trồng và bạch sâm được processed bởi sâm thu-hoạc sau 3 năm. Hồng sâm thì dùng để xuất-cảng. Bạch sâm thì để tiêu-thụ trong nội-địa.

Vậy sơn sâm (wild ginseng) là gì?

Một hôm tôi đang làm việc, ông Đại-Sứ gọi vào văn-phòng để xem loại sâm lạ cho biết: Trong phòng khách có ba người Đại-hàn tuổi vào quãng lục-tuần đang trình bày sáu, bãy củ sơn sâm được gói trong khăn lụa đỏ cho ông Đại-sứ xem. Cách họ cầm (handle) củ sâm trông có vẻ trịnh trọng, nhẹ nhàng như sợ nó vỡ. Trông thân mình mấy củ sâm nầy có vẻ khác hẳn loại sâm mà tôi đã có dịp quan-sát ỡ trại trồng sâm: Thân nhõ, hình thù khẵng khiu ... vào cỡ ngón tay cái là to nhất, mấy củ còn lại thì cỡ bằng ngón tay chỏ hoặc ngón tay út, đen diu và có vằn ...
Để tìm hiểu, ông Đại-Sứ hỏi họ là do đâu mà kiếm được loại sâm nầy?
Họ đáp là chỉ nhờ cơ-duyên mà gặp chớ không thể tự-nhiên mà kiếm ra được. Ví-dụ như một người tiều-phu thường vào núi kiếm củi hoặc hái nấm ...có thể là vì ăn hiền ở lành, làm lụng vất vả nhưng vẫn kiếm không đủ sống ...thì trong một đêm nào đó, thần nhân hay ông bà về báo mộng cho người nầy biết để đến một địa-điểm hẻo lánh nào đó mà ít người đặt chân đến thì sẽ gặp. Đối với một gia-đình nghèo mà kiếm được một củ sâm như vậy thì cuộc sống thường được khả quan hơn.

Ông Đại Sứ cũng hỏi làm sao để biết số tuổi cũa mỗi củ sâm?
Họ cũng giải-thích là: cây sâm mỗi năm chỉ trức ra hai lá vào đầu xuân, lá ôm thân cây sâm và sẽ rụng vào cuối thu ...và cứ thế năm nọ qua năm kia, hễ cây sâm còn sống thì củ sâm được bao thêm cái vòng mỗi năm. Vậy muốn biết cũ sâm già bao nhiêu, ta chỉ cần đếm số vòng. Có người may mắn tìm được củ sâm sống lâu năm, các vòng xoắn sít với nhau, cần phải dùng kính lúp để đếm tuổi. Những củ sâm như vậy rất đắt vì hiếm.
Vì thấy người ta cất công đem báu sản đến trình bày, mời mọc...hơn nữa, để giữ thể-diện quốc-gia, ông Đại-Sứ quyết-định mua một củ ...loại trẻ nhất có tuổi già là ...35 năm!

Sơn sâm là thần dược?
Xin các thân-hữu hãy đọc câu chuyện sau đây.
Trung Tướng Đại Sứ PXC có giao-thiệp rộng với các vị tướng-lãnh hồi-hưu cũa Đại Hàn, một trong những vị đó là tổ-sư cũa phái võ cổ-truyền Taekwondo (nghĩa là sau một thời gian làm chưỡng môn, ông nhường chức lại cho một vị trẻ hơn. Nghe nói trong hệ-thống võ Taekwondo, mức võ thượng-thừa là đẳng thứ 10, nhưng vì kính trọng tài-nghệ siêu việt cũa ông tướng nầy, "họ" nâng ông lên một cấp nữa ...có nghĩa là ông đạt được đẵng cấp đai đen 11).

Trong một bữa tiệc do ông Đại-Sứ VN khoản đãi tại tư-thất mà tôi được tham-dự, vị sư-tổ môn võ Taekwondo của Đại-hàn đã kể một câu chuyện về sơn sâm như sau:

Một người tiều-phu được thần-nhân báo mộng là hãy đến một địa-điểm hẻo lánh nào đó để đào một củ sơn sâm quý. Sáng sớm, sau khi thức dậy, ông mang dụng-cụ đào sâm đi theo sự hướng-dẫn của thần báo mộng. Ông phải đi mất hai ngày, băng qua nhiều triền núi cho đến một ngôi cổ miếu đổ nát vì quá lâu đời và không có người chăm sóc. Ông vào lễ bái thổ thần địa-phương như đã được hướng-dẫn. Sau đó ông lấy lương khô mang theo ra ăn. Ăn xong, ông đánh một giấc cho tới chiều và định đi tiếp nhưng cảm thấy đau bụng, ông bèn đi ra sau ngôi miếu cổ và kiếm chỗ kín đáo thuận tiện đễ xổ bầu tâm-sự. Trong khi ông ngồi thì nhìn đằng trước cách chỗ ông độ 10 thước, thấy một con rắn mun đang quấn tròn quanh một cây sâm. Ông nghĩ có lẽ đây là cây sâm mà thần đã báo mộng chăng? Khi ông tới thì con rắn tự-động trường đi nơi khác. Ông cẩn thận đào củ cây sâm lên và đem về. Dân làng biết được tin, chạy đến để mừng ông. Vì đây là sâm quý, ông không cho ai đụng đến.

Trong làng vào lúc đó có một thanh-niên bị bệnh thần kinh nặng, điên điên, tàng tàng.. tên nầy thấy người ta chạy đi xem, anh ta cũng chạy theo. Ai ai cũng đứng xa xa xem, riêng anh nầy thì chạy ùa lại, giựt mạnh củ sâm và chạy đi. Trong lúc chạy thì anh ta dùng móng ngón tay cái...bấm mạnh vào củ sâm, một ít nước sâm ngấm vào móng tay, anh ta ném củ sâm về đằng sau để cho người chủ sâm không đuổi theo mình nữa, đồng thời, anh đưa móng tay có dính chất sâm vào miệng và mút: anh cảm thấy một nguồn kình-lực, dồi dào đang tuôn vào thân thể. Anh cảm thấy khan khác trong người và dừng lại... không chạy nữa.

Người chủ, tuy đã thu-hồi được củ sơn sâm nhưng quan-sát thấy củ sâm bị trầy trụa, biết ngay là tên gian hùng đã dở trò mờ ám để đánh cắp một phần linh-dược, ông ta nộ khí xung thiên, lấy cán cuốc đánh tên lưu manh 5, 6 hèo, một chuyện lạ đã xảy ra: tên nầy chỉ đứng cười... Thì ra... tuy chỉ ngậm một chút linh-dược nhưng anh ta đã thành người bất-tử !!

Đễ kết-luận, vị tổ-sư phái võ cổ-truyền Taekwondo nói: "Tôi là sư tổ của phái võ Taekwondo, tôi có thể giao-đấu và "hạ đo ván" 5, 7 kình địch trong nháy mắt, nhưng tôi không dám quả-quyết là tôi có thể giết được người nầy !!" Nói xong, ông nhìn quan-khách cười thoải mái...

Và cũng từ đó, quan-niệm của tôi đối với sâm Đại-Hàn hoàn toàn thay đổi.
Sau nầy, trong những buổi trà dư tửu hậu, các thực-khách thường đem các chuyện sơn hào hải vị hoặc các linh-được truyền-thống của người Á-Đông như sâm, nhung vv để bàn cãi, thảo-luận, tôi thường tránh tham-gia mà chỉ ngồi gật đầu đồng-ý mặc dầu trong thâm tâm muốn cười ra tiếng để tỏ sự bất-đồng quan-điểm ...vì tôi nhận thấy thật rất khó để đánh đổ một thành-kiến đã lưu-truyền hàng ngàn năm nay...

Trong những dịp đi thăm viếng hoặc du ngoạn, tôi thường để ý quan-sát cuộc sống của người Ðại-hàn.
Xin lưu ý độc-giả là tôi đang mô-tả cuộc sống của người Ðại-Hàn vào thời-điểm 70-72.

Nếu so sánh sự dinh-dưỡng giữa người Việt và người Ðại-Hàn thì người Việt có phần trội hơn. Một bữa ăn của chúng ta thường lấy cơm làm chuẩn sau đó người Việt còn dùng thịt, cá và các loại rau, cho bữa ăn, cùng các loại hoa quả, người Ðại-hàn cũng lấy cơm làm chuẩn và hầu như quanh năm, họ dùng một loại dưa gọi là kim chi để ăn với cơm. Việc dùng thịt, cá, kèm theo trong buổi ăn thỉnh thoảng xảy ra đối với các nhà giàu có; các món kim chi của những người giàu có cũng đặc-biệt hơn.

Phần VII (Kết)

Trung Tướng Vĩnh Lộc, CHT Trường Cao-Đẳng Quốc-Phòng, trong một dịp (1972 ?) đem phái-đoàn sinh-viên đi thăm viếng Đại-Hàn (sinh-viên trường CĐQP hỗn-hợp gồm có quân-sự và dân-sự: quân-sự thì toàn sĩ-quan cấp bậc từ Đại Tá trở lên; bên dân-sự thì toàn các giới-chức từ cấp giám-đốc, tổng-giám-đốc trở lên), đã tổ-chức một bữa tiệc mà thực-đơn phần lớn là các loại dưa kim-chi, một đặc-sản của Đại-Hàn. Nhân dịp nầy, tôi cũng xin lưu-ý quý độc-giả là những loại kim-chi nầy rất đặc-biệt, chỉ dành cho giới thượng-lưu của Đại-Hàn mà thôi, người dân Đại-Hàn thông thường không thể với tới. Trong bữa tiệc nầy, ngoài các món thịt, cá phần còn lại là bảy hay tám món kim-chi trong đó tôi đặc-biệt lưu-ý đến món kim-chi làm bằng dưa chuột trộn hến nhỏ...mùi vị thật đặc-biệt.

Tôi có một kỷ-niệm nhỏ về vấn-đề dinh-dưỡng của người Đại-Hàn làm tôi liên tưởng đến cuộc sống cơ cực của đồng-bào Miền Bắc trước khi CS cưỡng chiếm Miền Nam:

Cũng như các nhân-viên ngoại-giao khác của tòa Đại Sứ VNCH ở đây, chúng tôi cũng mướn một bà Đại-Hàn để giúp việc. Thông lệ cũng giống như tại Việt nam, sau khi chúng tôi dùng bữa xong thì bà giúp việc mà chúng tôi thường gọi là "ajima", bà ấy bắt đầu dùng bữa một mình. Một bữa sáng, bà ajima cho hay là người chồng và đức con gái 15 tuổi cũa bà ngỏ ý muốn đến thăm. Chúng tôi đề nghị là hãy đến vào buổi trưa vì chúng tôi thường phải đi dự tiệc vào mỗi bữa tối. Vào một buổi trưa đã hẹn, ông Xã và đứa con gái đến. Ông Xã, người cao ráo mạnh khỏe ăn mặc theo lối cổ truyền, đứa con gái trông rất xinh xắn, ăn mặc đồng-phục như các nữ sinh. Để nói chuyện, chúng tôi thường dùng hiệu bằng tay, nhưng cũng hiểu nhau dễ dàng. Chúng tôi ngỏ ý là muốn mời người cha và đứa con gái ngồi dùng cơm với chúng tôi. Họ từ chối nhưng chúng tôi nài nỉ mãi và họ chỉ nhận lời sau khi họ lo sợ là sẽ làm phật lòng chúng tôi nếu họ không ngồi chung bữa. Trước khi bắt đầu, bà ajima lấy một ít kim-chi mà bà thường mang theo mỗi ngày để vào một cái dĩa trước chỗ hai cha con ngồi. Trong khi ăn thì hầu như họ chỉ ăn cơm và kim-chi của họ mà thôi. Chúng tôi thỉnh thoảng làm dấu hiệu mời họ dùng các món ăn thịt, cá khác mà bà ajima vẫn làm cho chúng tôi dùng, ông chồng tỏ vẻ hết sức miễn cưỡng mới gắp một vài miếng thịt, cá. Riêng cô con gái thì nhất định không đụng đũa vào bất cứ món đồ ăn gì cũa chúng tôi dẫu là có mẹ nó đến bảo. Sau bữa ăn, hai cha con lưu lại cho đến hai giờ chiều khi bà ajima làm hiệu cho ông chồng hay là tôi sắp phải trỡ lại văn-phòng. Hai cha con đứng lên cung kính cúi chào đồng thời lí nhí nói gì mà tôi đoán chắc là lời cầu chúc cho gia-đình chúng tôi được bằng an trong thời gian lưu trú tại Đại Hàn. Trước khi từ-giã, chúng tôi dí vào tay người cha một số tiền ngụ ý như là tiền xe, nhưng ông nhất định không lấy. Tôi xây qua đưa cho bà vợ thì bà nhận ngay.

Sau khi người chồng và con gái cũa bà ajima đi rồi, tôi muốn hỏi bà ajima tại sao trong lúc dùng bữa trưa, hai người nầy chỉ ăn cơm và kim chi ... nhất là cô gái chẳng ăn một chút gì đồ ăn cũa bà làm cho chúng tôi ăn? Bà ajima suy nghĩ một lúc rồi gượng gạo cho biết là: trong các bữa ăn hằng ngày, họ hầu như không dùng thịt hay cá vì vậy, riêng đứa con gái thì chưa bao giờ có dịp dùng thịt, cá nên không dám đụng đũa vào vì sợ không ăn được !!!

Sự kiện nầy làm tôi nhớ lại vào đầu 1976, khi mới đến đất Mỹ, một vài tờ báo lá cải tiếng Việt đăng tin-tức Việtnam. Trong mục "Người Rừng Về Thành Phố" có kể câu chuyện một gia-đình ngoài Bắc, sau khi Miền Nam được "giải-phóng", một người cha và đứa con gái quyết xuôi miền Nam để tìm kiếm bà con (người anh di cư vào lúc đất nước bị chia cắt vào năm 1954) mà họ được CS tuyên truyền là dân Miền Nam đã chịu đói khát cùng cực vừa được giải thoát khỏi tay Mỹ Ngụy. Tuy là chiến-tranh vừa chấm dứt nhưng chiếc xe đò vừa vượt sông Bến Hải để vào Miền Nam, hai cha con đã có cảm-tưởng như đang di-chuyển trong một quốc gia khác chớ không phải Việt nam. Càng di-chuyển sâu xuống Miền Nam, tuy chỉ quan-sát qua cửa sổ cũa chiếc xe đò hoặc mỗi khi xe dừng để tiếp-tế nhiên-liệu hoặc để cho hành-khách mua thức ăn hay đồ uống, họ càng lấy làm ngạc nhiên về sự thịnh-vượng cũa Miền Nam. Khi tìm được địa-chỉ của người bà con tại một tỉnh ở Miền Nam, cũng sắp đến bữa cơm chiều, bà chủ nhà bắt một con gà trong đám gà vịt đang kiếm mồi đằng sau vườn làm thịt để thết hai cha con người em chồng. Trong bữa ăn, người cha thì ăn uống như chưa bao giờ được ăn ... nhất là món gà rôti, một mình ông ăn sạch. Riêng đứa con gái 12 tuổi thì cũng ăn uống thoải mái nhưng nó tránh không ăn món gà ...dẫu cho bà Bác mời mọc bao nhiêu, nó cũng nhất-định không đụng đến.

Sau khi ăn xong, người chị dâu lo ngại là cách làm món ăn gà của mình chắc e không được như mẹ con bé ngoài Bắc làm vì vậy mà nó nhất quyết không chịu ăn (bà nghĩ: vì vậy mà cha nó vì sợ chị dâu buồn nên ăn nhiều thịt gà ..thế cho con gái) nên có dò hỏi cha nó. Người em mới nháy mắt ra hiệu cho hai anh chị ra ngoài sân và ứa nước mắt mà tâm sự: "Không dấu gì anh chị, kể từ sau năm 1954, cuộc sống của chúng tôi ngoài Bắc vô cùng cơ cực, chỉ ăn ngô, khoai như vậy mà còn bữa đói bữa no thì nói gì đến chuyện thịt cá. Từ khi nó sinh ra cho đến bây giờ, con bé chỉ quen ăn dưa, mắm mà thôi, chưa bao giờ thấy miếng thịt gà vì vậy xin hai bác đừng chấp trách cháu"
Sau khi nghe vậy, ba người chỉ ôm nhau mà nghẹn ngào!!!

Người Việt còn hơn người Ðại-hàn về phương-diện nhà ở: Vấn-đề nầy cũng không lạ khi chúng ta quan-sát lãnh-vực địa-dư và thời-tiết của Ðại-Hàn: đất đai đồi núi, cằn cỗi, chật hẹp, thêm vào đó, khí hậu thật là khắc-nghiệt; rất lạnh vào mùa đông. Nhà cửa của người Ðại-Hàn gồm có một gian phòng chính được xem như là đa-dụng (multi-purpose): vừa dùng để tiếp khách, sinh-hoạt gia-đình, chỗ ngồi ăn và cũng là chỗ ngủ; phía sau là cái bếp và cũng là cái lò sưởi cho toàn gia-đình. Hệ-thống sưởi ấm tuy đơn-giản nhưng rất hữu-hiệu: từ dưới nền bếp, họ xây một kênh dẫn nhiệt bằng sành tới phòng gia-đình.

Tình trạng người Việt nam lấn lướt người Ðại-Hàn có thể ngưng lại đó: mọi lãnh-vực khác, người ÐH đều vượt xa chúng ta:

Người ÐH khi sống tại gia hay ra đường, ăn mặc rất sạch sẽ chãi chuốt: đàn ông mặc complet, thắt cravate là chuyện thưòng. Ví-dụ như những người tài-xế làm việc cho Sứ-quán Việtnam, họ đi làm đều mặc complet. Nữ giới đa số ăn mặc theo thời-trang phụ-nữ tây phương. Các học-sinh tiểu-học, trung-học thì mặc đồng-phục bắt buộc; phương-tiện di-chuyển công cộng là xe bus, taxi và xe hơi, không có dùng xe hai bánh.

Vào giai-đoạn đó thì họ cũng như Miền nam VN chưa có TV màu nhưng hầu như nhà nào cũng có một cái để giải-trí cho gia-đình.

Về phương-tiện liên-lạc bằng điện-thoại thì người ÐH vượt xa chúng ta: trong giai-đoạn nầy, tại Sàigòn, ngoài một số gia-đình sĩ-quan cấp tá trở lên thì không nói làm gì, trong dân-sự thì chỉ có một số gia-đình thật giàu mới xử-dụng điện-thoại, nhưng tại Ðại Hàn thì hầu như nhà nào cũng có điện-thoại. Riêng tại Hán-Thành và các thành-phố thì dân chúng xài điện-thoại tự-động.

Ở nông thôn thì sao?
Trong trường-hợp nầy thì tôi không được rõ cho lắm ngoại trừ dịp đi theo ông Ðại hàn, bạn cũa ông Ðại sứ mời xem thu hoạch sâm. Trên đường đi vào làng gần trại sâm, tôi thấy hai bên đường, trước nhà dân chúng, mỗi nhà có nêu bảng số nhà và số điện-thoại. Số điện-thoại được ghi..tỷ-dụ.: 55 hoặc 108 v.v.. Ông bạn của ông Ðại-sứ có giải-thích như sau: các gia-đình nầy liên-lạc qua một tổng-đài điện-thoại. Ví-dụ nhu-cầu liên-lạc cho một nhóm 100 cái điện-thoại, người đặc-trách thuê bao độ 10 đường giây điện-thoại, như vậy trung-bình một đường giây dành cho 10 người (gia-đình) xử-dụng, nếu có nhu cầu tăng thì dân làng họp lại để thảo-luận việc thuê bao thêm đường giây, đó là chưa kể việc tăng tiền xử-dụng đối với những gia- đình xài nhiều cũng như dịch vụ liên lạc viễn liên.

Qua sự giải-thích về phương-cách xử-dụng điện-thoại như vậy, tôi thấy phương-pháp nầy cũng đã được áp-dụng tại Việt nam (Sàigòn và Huế) thời xa xưa trước khi có hệ-thống điện-thoại tự-động.

Hệ-thống giao-thông thì hơn ta rất nhiều: đường trong thành phố rộng rãi, có hệ-thống cao tốc để di-chuyển nhanh từ đầu thành phố đến cuối thành phố. Các con đường từ Seoul ra phi-trường Kimpo, hoạc từ Seoul đi xuống Pusan, thành-phố cực nam, đều xây dựng theo kiểu freeway tại Hoa-kỳ (đã vào freeway là không phãi giảm tốc-độ..)

Rất lấy làm tiếc là Việt nam chúng ta chưa có một đoạn đường nào dẫu ngắn một cây số mà thôi, được thực-hiện theo tiêu-chuẩn xa-lộ cao tốc đúng nghĩa của nó mặc dầu chiến-tranh đã chấm dứt gần 30 mươi năm rồi.

Các khách-sạn, quán ăn, hí-viện đều vượt xa Việt Nam. Ở tại Hán-Thành, người Ðại-Hàn còn lập các khu thương-mãi hoặc giải-trí sầm-uất ở dưới mặt đất. Họ cũng dùng đường hầm để đi băng từ một đại-lộ nầy qua đại-lộ khác ở tại mỗi ngã tư để tránh cản trở giao-thông.

Nói về an-ninh dân-sự, theo tôi thì xã-hội Đại-Hàn vượt hẳn Việt Nam rất rất xa: Trong suốt hai năm tại Đại-Hàn, tôi chưa bao giờ thấy có vụ bắn nhau, cướp dựt hay ẩu-đả nào tại Đại Hàn.

Tại Hán Thành, sinh-hoạt ban đêm cho giới trẻ cũng như giới thừa tiền ăn chơi có vẻ tấp nập, đông đảo, vì vậy các đại-tửu-lâu, có các cô "ki-seng" phục-vu (gái ki-seng của Đại-hàn phục-vụ khách-hàng cũng giống như gái gei-sa của Nhật-Bản), hý-viện và nhất là các nightclub, vũ-trường, phòng trà v v... làm ăn rất là thịnh vượng. Các nơi ăn chơi thường thường đóng cửa vào lúc hai, ba giờ sáng. Vào những giờ nầy, sinh-hoạt thương-mãi thì đã đóng cửa từ lâu và những người đi ngoài đường phố phần đông là các cô gái như "ki-seng" (ăn mặc theo truyền thống Đại-hàn), ca-sĩ, vũ-nữ, gái phòng trà v v...lần lược đi đến các trạm xe buýt hoặc địa-điểm đón xe taxi để về nhà. Từ chỗ họ làm việc cho đến các địa-điểm nầy ...có khi họ đi lẻ tẻ từng người và phải di-chuyển cả một vài trăm thước. Việc đáng nói là vấn-đề di-chuyển rất an-ninh vì vậy, họ đi đứng rất tự-nhiên chẳng có mặc-cảm hay lo lắng gì.

Chúng tôi, thỉnh thoảng cũng có đi khiêu-vũ sau các buổi tiệc nên cũng có dịp để nhận xét về "Seoul By Night".

Có một lần, vào tiết mùa đông, khách ăn chơi tương-đối ít hơn mùa hè, trên đường về chúng tôi để ý thấy một cô gái 19, 20 tuổi rất xinh đẹp, ăn mặc tuy là hở hang nhưng theo mốt tân thời mùa đông vào thời đó tại Hán Thành: đầu đội mũ kiểu âu-phương có gắn cái lông chim, cổ quấn hờ một cái "phula", vai mang một cái ví có quai dài, thân trên mặc một cái sweatshirt có hình tài-tử Mỹ James Dean bó sát thân thể để tạo ra các đường cong rất khiêu gợi, hai tay mang đôi găng satin/bạch nhung dài tận nách, ngang lưng thì mang cái nịt da trắng với cái buckle kiểu cowboy, phần mông thì mang một cái váy đỏ dài vừa đủ để che bàn tọa, cuối cùng là đôi chân mang một đôi ủng cao gót bằng da trắng toát bó sát hai đùi lên tới gần hết vế trên. Từ chỗ làm việc đến trạm xe buýt, cô vừa đi vừa nhai kẹo chewing gum... đi độ mươi thước thì trước mặt cô là hai thanh-niên mặc đồ veste, đang dìu nhau đi chầm chậm...có lẽ là vì quá chén...vừa đi vừa hát nghêu ngao. Khi họ nhận-thức ra là có người muốn vượt qua, hơn nữa đó là một cô gái, bỗng dưng họ ngưng hát và tự-động tránh qua một bên để cho cô ấy vượt qua, chẳng có ai trao đổi một lời. Chờ cho cô ấy vượt qua xong, họ lại bá cổ nhau vừa đi và tiếp tục hát nghêu ngao.. Riêng cô gái trẻ thì vẫn tiếp tục đi như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Một đêm khác, cũng vào giờ tan việc tại các khu ăn chơi, chúng tôi lái xe đi trên một con đường lớn mà có hai tụ-điểm xe buýt (bus stop) đi ngược chiều đối-diện. Ỡ bên kia, một nhóm thanh-niên độ 5, 7 người ăn mặc toàn veste, đang ca hát, nói chuyện lớn tiếng, rõ ràng là họ vừa nhậu nhẹt xong từ một tửu-lâu nào đó ra và đang chờ xe buýt để về nhà, đối diện bên kia đường là một cô gái độ 20, 22 tuổi cũng đang chờ xe buýt. Cô gái trẻ đẹp nầy, mặt hoa da phấn trong y-phục thời-trang âu-phương, đứng ghễnh một chân dựa vào trụ điện để đọc sách (tiểu-thuyết) miệng nhai kẹo chewing gum một cách vô tư..

Cái đặc-biệt mà tôi lưu ý là những chàng thanh-niên đối-diện tuyệt nhiên không lưu-tâm đến cô gái ... mà về phần cô gái cũng vậy, cũng chẳng để ý gì đến tiếng ồn ào cũa nhóm thanh-niên đối-diện mà chỉ chú-ý đọc sách mà thôi !!

Hình ảnh "Seoul By Night" nầy, chúng tôi nhận thấy là khá đặc-biệt vì hình ảnh nầy cho thấy người Đại-Hàn được sống trong môi-trường an-toàn bất cứ ở đâu và lúc nào, chúng ta không thể tìm thấy tại Sàigòn được.

À, Trung-Tá Nguyễn-Linh-Tuyên, bào-đệ cũa ÐHY Nguyễn-văn-Thuận, người vừa mới tạ-thế tại Houston vào đầu năm 2002, cũng đã theo học khóa nầy. Trung Tá Tuyên là người kế-nhiệm cũa tôi sau khi nhiệm-kỳ ngoại-giao tại Hán-Thành vào cuối 1972.
Bà Tuyên là một phụ-nữ có tài tổ-chức tiệc tùng và có khiếu nấu ăn rất ngon..
Ðể kết-thúc bài hồi-ký nầy, tôi xin kể lại câu chuyện khôi hài nhưng có thật mà tôi đã đề-cập trên:

Trong thời-gian thụ-huấn, vấn-đề nhà trường mời các phu-nhân cũa các TVQP tương-lai đến sinh-hoạt hằng tuần với mục-đích là để Ban Giảng-Huấn xem ngoại-diện ..nhưng trên thực-tế, rất khó mà thi-hành cho được vừa ý vì hễ mỗi khi tụ họp vào một chỗ là các bà tự-động tìm nhau, đứng chung một nhóm mà đấu hót và các ông cũng vậy, nên chẳng ai biết bà nào là sở-hữu cũa ông nào...

Có vị Đại-tá X ...tự cảm thấy ... ngoại-diện phu-nhân của mình .. coi bộ e không có vẻ khả-quan cho lắm nên thường dẫn bồ nhí của mình ..trẻ hơn, đẹp hơn, đi thay thế. Sự việc này vẫn đều đặn tiếp-diễn mà không bị phát-giác. Khi ông chính-thức được bổ-nhiệm làm TVQP tại một quốc-gia Á-Châu, thay vì đem vợ con theo, ông chỉ đem người tình-nhân cũa mình theo mà thôi với tư-cách là gia-nhân. Kế-hoạch nầy êm xuôi đâu được độ 6 tháng thì bị bể vì tại quê nhà (chắc có ai vẽ khôn vẽ dại gì cho bà vợ của ông ta), bà Đại-tá biết chuyện, lên BQP khiếu-nại.

Điều khôi-hài đáng nói ở đây là nhiệm-sở ngoại giao nầy lại do cụ Nguyễn văn Kiểu, bào huynh của Tổng thống Nguyễn văn Thiệu làm trưởng nhiệm sở!!)

Ba ngày sau, ông Đại-Tá X nhận được một công-điện từ BQP với nội-dung như sau:

"Theo quy-chế hiện-hành áp-dụng cho Phòng TVQP, Sĩ-quan TVQL chỉ được đem theo một gia-nhân -- chớ không phải giai-nhân. Nay quyết-định:

1- Đại- Tá X cho hồi- hương cô B trong vòng 3 ngày kể từ khi nhận C.Đ nầy. Mọi phí-tổn đều do Đại-Tá X đài-thọ.

2- Trong thời-hạn sớm nhất mà không gây trở ngại cho công-vụ, Đại-Tá X hồi-hương để trình-diện BQP, đồng thời lo thủ-tục cho gia-đình đoàn-tụ tại nhiệm-sở mới.

3-Mọi chi-phí liên-quan đến việc di-chuyển & an-cư của gia-đình sẽ do ngân-sách BQP đài-thọ. Riêng chi-phí khứ-hồi của Đại-Tá X thì sẽ do đương-sự tự liệu lấy."

Kỷ Niệm Ngày Quân lực 19/6 
TÐP