01.09.2017

Hậu quả vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Quốc khánh VN tại Đức năm nay tẻ nhạt, không có quan khách Đức!

Hậu quả vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Quốc khánh VN tại Đức năm nay tẻ nhạt, không có quan khách Đức!
Bản quyền hình ảnh OTHER Image caption Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng trong Lễ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam được tổ chức hôm 31/8/2017

Hậu quả của việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến những hoạt động ngoại giao quan trọng của tòa Đại sứ Việt Nam tại Đức.


Lễ kỷ niệm quốc khánh Việt Nam tại tòa Đại sứ tại Berlin tổ chức năm nay kém tưng bừng so với các năm trước có lẽ do "căng thẳng ngoại giao sau vụ Trịnh Xuân Thanh", theo các nguồn tin từ cộng đồng người Việt Nam tại Đức.

Không có người Đức nào có mặt tại lễ kỷ niệm quốc khánh Việt Nam, được tổ chức hôm 31/8/2017.

Trong buổi lễ năm ngoái, khoảng 400 khách Đức và quốc tế có mặt.
"Cho đến ngày 1/9, các doanh nghiệp của người Việt cũng như các hội đoàn và đoàn ngoại giao, và doanh nghiệp của Đức chưa hề nhận được giấy mời tới dự Quốc khánh 2/9 của Việt Nam. Có lẽ việc này diễn ra sau khi có những căng thẳng ngoại giao sau vụ 'bắt cóc' ông Trịnh Xuân Thanh," nhà báo Lê Trung Khoa của thoibao.de nói với BBC.

Cũng theo ông Khoa, ông Reiner Háeloff, Thủ hiến bang Saxony-Anhalt, một bang rất lớn của Đức và "có quan hệ hợp tác rất sâu rộng với Việt Nam" đã có lịch làm việc với ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Đức hôm 18/8.

Tuy nhiên, sau đó ông thủ hiến đã hoãn cuộc gặp này và hiện chưa biết bao giờ mới có lịch mới, ông Khoa nói.

Bản quyền hình ảnh OTHER Image caption Trong lễ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam do Sứ quán VN tại Đức tổ chức hôm 31/8/2017, khách nước ngoài vắng bóng, không đông như những năm trước

Tờ Thoibao.de bình luận: „Vụ “cướp người “ tại Berlin đã đem đến cho những người dân Đức cảm giác ngạc nhiên khi họ phát biểu “Vụ bắt cóc này tôi có nghe đài và báo chí Đức có đưa tin. Thật là một động thái khó chấp nhận được!”  Nhiều kiều bào cảm thấy hổ thẹn và khó giải thích cho những người bạn Đức của mình khi Tổng Công tố viên Liên bang Đức đưa ra cáo buộc “Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc nhốt trong Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin““. 

Không chỉ người dân Đức biểu lộ sự bất bình và e ngại trước cách thức Việt Nam hành xử bất chấp luật pháp quốc tế và địa phương mà  mối quan hệ của tòa Đại sứ với người dân Việt tại Đức cũng như các hoạt động cộng đồng gần như “ đóng băng ´´. Tòa Đại sứ đột nhiên trở thành một ốc đảo tại Đức trong lòng những công dân của mình.

Các nguồn tin từ Đức cho hay thời gian qua, cơ quan an ninh Đức và Cộng Hoà Séc (Czech thuộc Tiệp Khắc cũ) đã liên tiếp điều tra, hỏi chuyện nhiều người Việt ở Berlin và ở Prag về vụ Trịnh Xuân Thanh và cách thức hoạt động của những nhóm người Việt, liên kết bên trong và bên ngoài của họ.
Báo chí Đức gần đây đưa tin về mối liên hệ giữa ông Hồ Ngọc Thắng, người từng làm việc cho Văn phòng Liên bang về Nhập cư và Tỵ nạn (viết tắt là BAMF) với vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Truyền thông Đức thậm chí còn đặt nghi vấn về 'cuộc sống nhị trùng' của ông, người mà báo DW coi là 'ban ngày làm việc cho Đức, ban đêm phục vụ Đảng Cộng sản Việt Nam'.

Ông Hồ Ngọc Thắng chính thức bị cho nghỉ việc từ ngày 1/9/2017.

Mới đây nhật báo Aktuálně.cz của Czech đưa tin Bộ Ngoại giao nước này đã mời đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Prague tới và thông báo rằng nếu như có nhân viên ngoại giao nào của Tòa Đại sứ có liên quan tới vụ bắt cóc, Czech sẽ trục xuất người đó.

Giới truyền thông tại Cộng Hoà Séc cho rằng trong số những người tham gia vụ việc có thể là công an Việt Nam.

Trang domaci.ihned.cz trong bài viết cập nhật lần cuối hôm 29/8 dẫn nguồn tuần báo Respekt và nhật báo Aktualne.cz nói rằng một trong những hướng điều tra tập trung vào khả năng những người này thuộc nhóm công an từng được Czech mời sang hồi hai năm trước để phối hợp phát hiện các hoạt động tội phạm có tổ chức của người Việt, chủ yếu ở Trung tâm Thương mại Sa Pa, thủ đô Prague.

Cảnh sát cũng xem xét khả năng là có một số điệp viên Việt Nam đã có mặt trong nhóm đó từ ban đầu mà phía Czech không biết.



 Theo tin BBC và thoibao.de