08.09.2017

Giáo dục sai cách, con người có thể thành thú vật - Nhân Thế Hoàng

Giáo dục sai cách, con người có thể thành thú vật
     
Nhân Thế Hoàng

Tôi đi xem xiếc thú, tôi lấy làm lạ là tại sao người ta có thể khiến cho con Voi, con Khỉ hay thậm chí là những con vật hung dữ như Cọp, Sư Tử làm được những trò mà chúng ta đây thấy rất thán phục và ngạc nhiên. Và tôi cũng đã có ngay câu trả lời, đó chính là nhờ giáo dục mà ra.

Khi giáo dục đúng cách, anh có thể khiến cho con thú trở thành người; ngược lại, con người cũng sẽ thành thú nếu anh làm sai cách.


Anh dạy lũ trẻ về sự công bằng nhưng chúng sẽ học được gì nếu biết anh từng im lặng trước bất công?

Anh dạy chúng về sự trung thực nhưng sẽ ra sao nếu chúng biết anh làm ngơ trước những điều giả dối?

Anh dạy chúng đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp nhưng sẽ thế nào nếu chúng thấy anh đứng yên nhìn các giá trị văn hoá lần lượt bị phá huỷ?

Chúng sẽ chẳng học được gì bởi khi ra giữa đời, chứng kiến hiện thực phủ phàng khác xa với những điều tốt đẹp mà mình từng được dạy thì tự khắc chúng sẽ phải thay đổi theo hướng tiêu cực để thích nghi với môi trường đó.

Anh tạo ra một xã hội lộn xộn thì anh không thể có những công dân ngăn nắp. Anh tạo ra một xã hội bất công thì sẽ nhận lại đầy đủ những bất công. 

Anh gieo gió thì anh sẽ gặt bão, hay anh trồng lau thì anh không thể thu về mía.

Chung quy lại, anh đặt lợi ích của anh lên trước lợi ích quốc gia - dân tộc thì anh sẽ có những công dân khôn lỏi, chỉ tiến thân và làm giàu bằng cách chơi ăn gian. Và thay vì chung sức cùng nhau xây dựng thì chúng sẽ tranh nhau để xâu xé cái tổ quốc mà cha ông chúng đã đổ biết bao máu xương mới có được này.

Chúng sẽ làm, thậm chí là còn làm tốt hơn cả cha ông chúng ngày xưa.


***

Đọc thêm:

VN dạy nhân quyền từ mẫu giáo đến đại học
Bản quyền hình ảnh OLIVIER POLET Image caption Giáo dục Việt Nam có tham vọng bắt kịp thế giới

Theo tin từ BBC thì một đề án vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt sẽ đưa nhân quyền vào chương trình giáo dục từ mẫu giáo tới đại học. Dự định sẽ  dạy thí điểm trong chương trình giáo dục cấp tiểu học giai đoạn 2017-20, và sau đó sẽ dạy toàn bộ các cấp trung học và đại học từ năm 2025.

BBC bình luận, việc giáo dục nhân quyền đã được đưa vào rất nhiều văn bản pháp luật ở Việt Nam - có tài liệu nghiên cứu ở Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ra 13 nghìn văn bản - nhưng vấn đề không phải là số lượng mà là phẩm chất của nhận thức và tuân thủ cụ thể các Công ước quyền con người của Liên Hiệp Quốc.

Có vẻ như quan điểm về giáo dục nhân quyền tại Việt Nam sẽ vẫn không thể tách khỏi một chủ thể bao trùm và giám sát các lĩnh vực xã hội là Đảng Cộng sản.