11.09.2017

Để chặn đứng tham vọng của Kim Jong-Un, TC cần một phần thưởng: toàn bộ Biển Đông

Để chặn đứng tham vọng của Kim Jong-Un, TC cần một phần thưởng: toàn bộ Biển Đông

Panos Mourdoukoutas  (Forbes)
Trần Ngọc Cư dịch

Rõ ràng là, Trung cộng (TC) có thể chặn đứng việc Kim Jong-un tiếp tục thử tên lửa. Một lần dứt khoát và tránh phiền phức cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ — và cho cả các nhà đầu tư vào thị trường châu Á.

Nhưng để làm việc này, TC cần đến một phần thưởng to lớn, Biển Hoa Nam [Biển Đông Việt Nam]. Phải là toàn bộ Biển Hoa Nam, để Bắc Kinh có thể chính mình viết ra các luật lệ thông thương trên biển, khai thác toàn bộ các tài nguyên bên dưới và thỏa mãn tình cảm dân tộc mà TC nuôi dưỡng từ trước đến nay.


Bán đảo Triều Tiên nằm cách xa Biển Hoa Nam. Nhưng cuộc khủng hoảng Bán đảo Triều Tiên hiện nay không tách rời với những gì đang diễn ra tại Biển Hoa Nam, vì có một diễn viên quan trọng đằng sau mỗi cuộc xung đột: đó là Trung cộng.

Trên thực tế, Kim Jong-un dần dần lộ diện là một cò mồi [decoy] của TC trong các cuộc tranh chấp tại Biển Hoa Nam. Trong khi cả thế giới đang tập trung sự chú ý vào các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa của Kim, thì TC vẫn tiếp tục xây các đảo nhân tạo tại Biển Hoa Nam, bắt nạt mọi nước láng giềng dám thách thức tham vọng của TC muốn thống trị hải lộ bao la này. Tương tự như việc đe dọa Phi Luật Tân bằng một cuộc chiến tranh thực sự nếu nước này thực thi phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế, một phán quyết khẳng định rằng TC không có chủ quyền lịch sử trên hải phận Biển Hoa Nam.

TC cũng đòi Việt NamẤn Độ ngưng tìm kiếm dầu lửa trong khu vực này; nếu không, họ sẽ đối đầu nguy cơ bị tấn công vào các căn cứ dầu khí đang được khai thác. Ngoài ra, TC còn đòi hỏi Nam Dương hủy bỏ quyết định đặt lại tên vùng biển của Nam Dương trong khu vực Tây Nam của Biển Hoa Nam là “Biển Bắc Natuna.” Đòi hỏi này là cách TC quyết đoán chủ quyền của mình tại vùng biển nói trên.

Nhưng TC không dừng lại ở đó. Bắc Kinh còn đòi hỏi một đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á là Nhật Bản phải tránh xa Biển Hoa Nam “của mình”.

Trong khi đó, thương mại song phương của TC và Bắc Hàn đã gia tăng gần 20% năm ngoái, như Apostolos Pittas, giáo sư trợ giảng tại Học viện Post của Đại học Long Island, nhận xét.

Cho đến nay, các thị trường châu Á thường dao động nhiều hơn trước cuộc khủng hoảng Bán đảo Triều Tiên, mất khoảng 2% chỉ số mỗi khi Kim bắn một tên lửa và mất ít hơn mỗi khi TC lên tiếng hù dọa tại Biển Hoa Nam.

Đấy là lý do tại sao TC không có thực tâm kiềm hãm tham vọng của Kim Yong-un – trừ phi Mỹ và các đồng minh sẵn sàng để Bắc Kinh kiểm soát toàn bộ Biển Hoa Nam và gia tăng các chiến thuật bắt nạt các nước láng giềng.

Mỹ và đồng minh có sẵn sàng trả một giá to lớn như thế không?


P. M.

Panos Mourdoukoutas là Giáo sư và Chủ nhiệm Khoa Kinh tế tại Học viện Post, Đại học Long Island, New York. Ngoài ra còn giảng dạy tại Đại học Columbia. Từng cộng tác với các tạp chí Barron’sThe New York TimesJapan TimesNewsdayPlain DealerEdge SingaporeEuropean Management ReviewManagement International Review, và Journal of Risk and Insurance. Tác phẩm gồm có Collective EntrepreneurshipThe Ten Golden Rules, WOM and Buzz MarketingBusiness Strategy in a Semiglobal EconomyChina’s Challenge: Imitation or Innovation in International Business, và New Emerging Japanese Economy: Opportunity and Strategy for World Business. (Forbes)