24.08.2017

Vì sao Bộ Ngoại giao VN quyết tâm né vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’?

Vì sao Bộ Ngoại giao VN quyết tâm né vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’?

Đến ba tuần lễ sau thời điểm bùng nổ cơn khủng hoảng ngoại giao Việt – Đức cùng lời cáo buộc “trên cả nghiêm trọng” của Bộ Ngoại giao Đức về việc mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào ngày 23/7/2017, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn kiên định “Hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành điều tra. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Đức”.
Trinh Xuan Thanh, Foto: Privat/dpa


Cũng ba tuần lễ sau khi Chính phủ Đức thẳng tay trục xuất viên bí thư thứ nhất Nguyễn Đức Thoa – được biết là một cán bộ tình báo – của Tòa đại sứ Việt Nam tại Đức, phía Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ hành động trả đũa tương tự nào, vẫn để yên cho các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, trong lúc lại mở một chiến dịch tuyên giáo trên hệ thống báo đảng về “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú”, còn giới dư luận viên thì tha hồ tung ra các xảo biện và vu khống về “Thủ tướng Đức muốn kiếm phiếu bầu cử quốc hội”, “Đức hồ đồ”, thậm chí còn sống sượng đến mức “chấp nhận trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội”.

Nhưng nếu căn cứ đúng theo “tinh thần” trên của giới tuyên giáo và dư luận viên, tại sao Bộ Ngoại giao Việt Nam lại “hiền” thế?

Không khó để nhận ra rằng có một điểm chung quan trọng nhất đã không hề hiện ra trong hai sự kiện “phản ứng nhanh” cấp tập của phía Việt Nam diễn ra vào cùng ngày 3/8/2017: không có bất kỳ từ ngữ “bắt cóc” nào được nói đến trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào chiều ngày 3/8 và trong đoạn “tự thú” kèm hình ảnh của Trịnh Xuân Thanh trên Đài truyền hình Việt Nam vào buổi tối cùng ngày.

Không chỉ Bộ Ngoại giao, mà cả Bộ Công an cũng có vẻ muốn né từ ngữ “bắt cóc”. Nhưng vô hình trung, thái độ né tránh như thế đã cho thấy phía Việt Nam chẳng hề có phản ứng “phẫn nộ” nào đối với cáo buộc “Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc” của phía Đức. Nói cách khác, đó là một thái độ thừa nhận không tuyên bố về hành vi bắt cóc mà mật vụ Việt Nam đã hành xử bất chấp luật pháp trên đất Đức.

Từ đó đến nay, trong khi phía Việt Nam vẫn chưa đưa ra thêm được bằng chứng nào về “Trịnh Xuân Thanh phủ nhận việc bị bắt cóc”, “Trịnh Xuân Thanh đã vượt biên khỏi Đức và cả châu Âu, chịu kham khổ vượt qua hàng chục quốc gia để về nước tự thú”, thì cảnh sát Đức, Séc và Interpol quốc tế đã tuần tự tiến hành điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, mà mới đây đã bắt giữ một người Việt là Nguyễn Hải Long với nghi vấn người này tham gia vào đường dây mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Trong khi đó, bất chấp nhiều câu hỏi của báo giới quốc tế trong cuộc họp báo thường kỳ hàng tháng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn khăng khăng “đọc bài” về mối quan hệ hữu hảo giữa Việt Nam và Đức.
Có những dấu hiệu và biểu hiện cho thấy vào lần này, Ủy viên bộ chính trị, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đã hết sức kiên định về “bằng chứng ngoại phạm” đến mức tối đa của ông và của cơ quan này. Cũng có những tin tức ngoài lề và dấu hiệu cho thấy Bộ Ngoại giao Việt Nam dường như ít được tham khảo hoặc ít được biết đến “chiến dịch Trịnh Xuân Thanh”.

Và cũng có những dấu hiệu và biểu hiện cho thấy từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao Việt – Đức cho đến này, ông Phạm Bình Minh có vẻ đã không nhận được một chỉ thị rõ ràng nào từ những cấp trên của ông nhằm đối phó rốt ráo cuộc khủng hoảng này.

Hình như chưa bao giờ hai giới ngoại giao và công an lại phân hóa sâu sắc như hiện thời, theo đúng tinh thần “hồn ai nấy giữ, thân ai người đó lo” và trên hết “ai làm người nấy chịu”.

Nhất là trong bối cảnh cuộc chiến tranh giành quyền lực và lợi ích nhóm giữa các phe phái chính trị ở Việt Nam đang trên đà lên đỉnh cao dữ dội và tàn nhẫn.

Ngay vào lúc này và còn có thể kéo dài đến Hội nghị trung ương 6 – dự kiến sẽ diễn ra vào quý tư năm 2017, có vẻ một lý cớ mới đang hiện hình trong không khí tranh đấu nội bộ: “ai phải chịu trách nhiệm làm đổ vỡ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA)?” – được móc xích với vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”.

Giờ đây với Bộ Ngoại giao Việt Nam có thể chỉ là “tranh thủ đàm phán” và “câu giờ” với Bộ Ngoại giao Đức, còn “trả Trịnh Xuân Thanh” theo đòi hỏi của Đức thì đừng bao giờ nói tới.

Cũng bởi thế, giới phóng viên quốc tế sẽ hoài công khi đặt ra những câu hỏi với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam về vụ “Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc” và “xử lý khủng hoảng ngoại giao Việt – Đức”.

Thiền Lâm

VNTB