07.07.2017

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 07.07.2017)

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung cộng 
(ngày 07.07.2017)

Việt Nam gia hạn cho Ấn khai thác dầu ở Biển ĐôngPhát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Cảnh Sảng
Việt Nam gia hạn việc nhượng quyền khai thác dầu mỏ cho Ấn Độ tại Biển Đông và bắt đầu khoan thăm dò tại một khu vực khác đang tranh chấp với Trung cộng, các động thái có thể làm gia tăng căng thẳng tranh chấp chủ quyền tại vùng biển trọng yếu này.

Việt Nam tuyên bố chủ quyền một số nơi trên Biển Đông và Ấn Độ vừa mới phái chiến hạm theo dõi Eo biển Malacca, nơi hầu hết nguồn cung cấp năng lượng và thương mại của Trung cộng đi qua.
Việt Nam gia hạn cho công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh thêm hai năm nữa để thăm dò khu vực 128 trong một văn thư gởi đến công ty tuần này, giám đốc điều hành công ty quốc doanh ONGC Videsh cho Reuters biết.
Một phần của khu vực này nằm trong đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Đây là thủy lộ với hơn 5.000 tỉ đô la hàng hóa qua lại mỗi năm mà Phi Luật Tân, Brunei, Mã Lai và Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền.
Một giới chức cao cấp của ONGC Videsh, yêu cầu được dấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề, nói khu vực này được chú trọng về chiến lược hơn là thương mại, bởi việc khai thác dầu tại đây được xem là ‘năm ăn năm thua’ vì trữ lượng trung bình.
“Việt Nam cũng muốn chúng tôi có mặt ở đây vì sự can thiệp của Trung cộng tại Biển Đông,” giới chức này nói.
Công ty quốc doanh PetroVietnam từ chối bình luận về vụ việc. Việt Nam cấp phép cho công ty Ấn lần đầu tiên vào năm 2006, nhưng giấy phép hết hạn vào giữa tháng 6 năm nay.
Xa hơn về phía nam của lô 128, công tác khoan dò đã khởi sự tại một lô cùng sở hữu bởi công ty quốc doanh dầu khí của Việt Nam, công ty Repsol của Tây Ban Nha và công ty Mubadala Development Co của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Công ty Deepsea Metro I, do Odfjell Drilling Ltd điều hành đã bắt đầu khoan tìm tại đây từ giữa tháng trước nhân danh công ty Repsol SA của Tây Ban Nha, công ty này cũng có quyền khai thác tại khu vực kế cận 07/03.
Odfjell từ chối bình luận về vị trí rõ ràng của giàn khoan, nhưng dữ liệu về hàng hải cho thấy đây là lô 136/3, cũng nằm trong khu vực mà Trung cộng có tuyên bố chủ quyền.
PetroVietnam không đưa ra lời bình luận.
Tướng Trung cộng Phạm Trường Long đã cắt ngắn chuyến đi thăm Việt Nam và một hội nghị hữu nghị tại biên giới Việt-Trung đã bị hủy bỏ vào thời điểm việc khoan dầu bắt đầu.
Tranh chấp chủ quyền trên biển càng chứng tỏ sự thiếu tin cậy lẫn nhau kéo dài nhiều thế kỷ giữa Trung cộng với Việt Nam, dù hai nước cùng chia sẻ ý thức hệ cộng sản và thương mại song phương đang gia tăng.
Reuters (VOA)


Trung Cộng phản đối Việt Nam khai thác dầu ở Biển Đông
Trung Cộng hôm Thứ Năm 6 tháng 7 tuyên bố cương quyết chống lại mọi hoạt động khai thác dầu khí trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, sau khi có tin một chi nhánh của một công ty dầu quốc tế tại Việt Nam đang khoan dầu trong một khu vực cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.


Theo tin của BBC hôm Thứ Tư, một tàu khoan có hợp đồng với liên doanh Talisman-Việt Nam đã bắt đầu khoan dầu từ ngày 21 tháng 6 tại lô 136-03 thuộc khu vực bãi Tư Chính, khoảng 400 km ngoài khơi tỉnh Khánh Hòa.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Cảnh Sảng trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh hôm Thứ Năm tuyên bố rằng: “Trung Cộng kiên quyết duy trì chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải của mình ở Biển Đông, và phản đối không nhân nhượng bất cứ một quốc gia, công ty hay tổ chức nào thực hiện những hoạt động dầu khí đơn phương và bất hợp pháp trong vùng biển mà Trung Cộng có thẩm quyền”.
Tuy không nhắc đến Việt Nam, nhưng ông Cảnh Sảng nói rằng, Trung Cộng “hy vọng quốc gia có liên quan có thể hành động trên căn bản duy trì hòa bình và ổn định khu vực, và không làm bất cứ điều gì làm phức tạp tình hình”.
Được biết lô 136-03 của Việt Nam được phía Trung Cộng gọi là lô Vạn An Bắc 21. Lô này đã được Bắc Kinh bán quyền khai thác cho công ty Brightoil. Công ty này có hai thành viên trong hội đồng quản trị là đảng viên cao cấp của đảng cộng sản ở Trung Cộng.
Cũng liên quan đến dầu khí Biển Đông, Việt Nam vừa gia hạn hợp đồng cho một công ty Ấn Độ thăm dò và khai thác dầu ở Biển Đông, trong một bước đi có thể gia tăng căng thẳng thêm nữa với Trung Cộng.
Reuters hôm Thứ Năm 6 tháng 7 cho hay, Việt Nam đã gia hạn thêm 2 năm hợp đồng với công ty dầu khí quốc doanh Ấn Độ ONGC Videsh để thăm dò tại lô 128. Giám đốc quản trị của ONGC Videsh -ông Narendra K. Verma- nói với Reuters là thư thông báo gia hạn của phía Việt Nam được gửi đến công ty vào đầu tuần này.
Một phần của lô 128 nằm trong “đường đứt khúc chín đoạn”, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, đánh dấu khu vực rộng lớn mà Trung Cộng đơn phương vẽ ra nhằm chiếm gần trọn Biển Đông.
SBTN

Phi Cơ Mỹ-Nhật Tập Trận Đêm Biển Đông

Máy bay ném bom B-1B. Ảnh: airplane-pictures

Lần đầu tiên trong lịch sử, Không quân Hoa Kỳ và Không quân Nhật Bản tập trận ban đêm trên Biển Đông...

Trang web quốc phòng Hoa Kỳ cho biết như trên.

Bản tin từ cơ quan Pacific Air Forces Public Affairs cho biết rằng sử dụng căn cứ không quân Andersen Air Force Base, tại đảo Guam, một chiến đấu cơ B-1B Lancer bổ sung cho Phi Đoàn Thám Kích 9th Expeditionary Bomb Squadron, nguyên từ căn cứ Dyess Air Force Base, Texas, đã bay chuyến hành quân trên Biển Đông cùng với các chiến đấu cơ Nhật Bản.

Đây là chuyến tập trận hỗn hợp đầu tiên tập trận đêm, và có chiến đấu cơ B-1B Lancers cùng với chiến đấu cơ Nhật Bản.

Thiếu tá Ryan Simpson, Trưởng phòng hành quân không quân Vùng Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nói bay và tập trận ban đêm với đồng minh trong phương cách an toàn, hiệu quả là tăng lực cho cả Không quân Mỹ và Nhật Bản.


Oanh tạc cơ Mỹ lại bay trên Biển Đông 
 Oanh tạc cơ B-1B Lancer của Mỹ.Reuters
Theo thông báo của Không lực Hoa Kỳ hôm nay, 07/07/2017, hai oanh tạc cơ B-1B của Mỹ đêm qua đã bay trên không phận Biển Đông để xác quyết rằng đây là lãnh thổ quốc tế, cho dù Trung cộng khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng này.
Trước khi bay đến Biển Đông, hai chiếc oanh tạc cơ nói trên đã tập huấn cùng với các chiến đấu cơ phản lực của Nhật tại vùng biển Hoa Đông, nơi mà Tokyo đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung cộng. Đây là lần đầu tiên không quân của hai nước thao dượt chung vào ban đêm.
Hành động biểu dương sức mạnh của 2 oanh tạc cơ Mỹ diễn ra ra vào lúc căng thẳng gia tăng sau khi Bắc Triều Tiên thông báo thử nghiệm thành công một tên lửa liên lục địa có thể bắn tới lãnh thổ lục địa của Hoa Kỳ. Washington hiện đang gia tăng áp lực để đòi Bắc Kinh giúp chặn đứng chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Cũng hôm nay, Hạm đội 7 của Mỹ cùng với hàng không mẫu hạm USS Nimitz bắt đầu các cuộc tập trận chung mang tên Malabar 2017 với quân đội Ấn Độ và Nhật Bản ở vùng Vịnh Bengal. Cuộc tập trận chung sẽ diễn ra trên biển và trên bờ biển.


Trung cộng bực tức vì oanh tạc cơ Mỹ bay qua Biển Đông
Trung cộng lên tiếng phản đối sau khi Mỹ điều hai phi cơ ném bom chiến lược B-1B bay qua Biển Đông.

Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng, hôm nay cho rằng chiến dịch tự do hàng không của Mỹ là cái cớ xâm phạm điều gọi là “an ninh và chủ quyền” của nước này, theo Reuters.
Ông Cảnh tuyên bố sau khi không quân Mỹ thông báo hai oanh tạc cơ chiến lược siêu thanh B-1B hôm 6/7 bay qua Biển Đông, khẳng định quyền coi khu vực này là vùng biển quốc tế, trước tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung cộng.
Trước khi bay qua Biển Đông, hai chiếc B-1B đã lần đầu tiên tham gia diễn tập ban đêm cùng chiến đấu cơ Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Mỹ điều phi cơ bay qua Biển Đông trước cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung cộng bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hamburg, Đức.
Mỹ đã thực hiện hai chiến dịch tự do hàng hải trên Biển Đông dưới thời của Tổng thống Donald Trump. Hôm 2/7, Mỹ điều một tàu chiến áp sát đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung cộng chiếm đóng Tri Tôn trái phép từ năm 1974 và tiến hành các hoạt động xây dựng phi pháp tại đây trong vài năm qua.
Hồi cuối tháng 5, Mỹ cũng cử một tàu chiến áp sát đảo nhân tạo Trung cộng bồi đắp phi pháp ở đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế. Lập trường nhất quán của Việt Nam là tất cả các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Theo VnExppress



Biển Đông : Hải Quân Mỹ – Việt diễn tập tại cảng Cam Ranh

Chiến hạm Mỹ, USS Coronado (LCS 4) tại Biển Đông. Ảnh chụp hồi tháng 2/2017.U.S. Navy/MC2 Amy M. Ressler
Theo trang mạng stripes.com ngày 05/07/2017, sau khi vào gần vùng đảo có tranh chấp giữa Việt Nam, Trung cộng và Đài Loan tại Biển Đông, tàu chiến Mỹ đã tới quân cảng Cam Ranh để tiến hành các cuộc thao dượt với Hải Quân Việt Nam.
Hải Quân Mỹ cho biết, hai chiến hạm USS Coronado và USNS Salvor cập cảng Cam Ranh, bắt đầu các hoạt động diễn tập khuôn khổ hoạt động hợp tác thường niên. Trong 5 ngày, Hải Quân hai nước sẽ tiến hành các bài tập như tiếp liệu, cứu hộ và xử lý các tình huống va chạm bất thường trên biển. Qua các bài tập trên, đôi bên sẽ trao đổi với nhau về kỹ năng kiểm soát các tai nạn, sự cố và luật lệ trên biển.
Trong thông cáo, Don Gabrielson, tư lệnh Task Force 73, đơn vị hậu cần tác chiến của Hải Quân Mỹ tại Tây Thái Bình Dương, tuyên bố Hoa Kỳ đánh giá cao quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam và mong muốn thắt chặt mối quan hệ đó qua các hoạt động giao lưu Hải Quân giữa hai nước kiểu như thế này.
Trong cuộc gặp mới đây với tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh hợp tác an ninh song phương chiếm một vị trí quan trọng trong các cuộc thảo luận giữa hai nước.
Hoạt động diễn tập giữa Hải Quân Mỹ- Việt đã trở nên thường niên từ năm 2010, nhưng đây là lần đầu tiên quân cảng Cam Ranh được lấy làm căn cứ cho các hoạt động diễn tập. Năm ngoái cuộc thao dượt diễn ra ở cách bờ biển phía bắc Đà Nẵng 300 hải lý.
Trang tin stripes.com nhắc lại, trong chuyến thăm vịnh Cam Ranh hồi năm 2012, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ khi đó là Leon Panetta đã ngỏ ý muốn Hải Quân Mỹ có thể vào cảng Cam Ranh, một vị trí được ông đánh giá như là « bộ phận mấu chốt » trong quan hệ Mỹ-Việt.
Cuộc diễn tập Hải Quân Mỹ-Việt lần này diễn ra trong bối cảnh hôm Chủ Nhật (02/07/2017) vừa qua, chiến hạm mang tên lửa Mỹ USS Stethem đã đi vào trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, trong quần đảo Hoàng Sa hiện Trung cộng đang chiếm của Việt Nam từ ba chục năm nay. Bắc Kinh coi đó là hành động « khiêu khích », « xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và đe dọa an ninh của Trung cộng ».
Anh Vũ (RFI)



Châu Âu cần làm gì trước sức mạnh hải quân Trung cộng ?
Việc Trung cộng quân sự hóa Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế gây lo ngại. Trong ảnh, tàu Trung cộng bảo vệ giàn khoan 981, hoạt động hồi đầu năm 2014, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.Ảnh chụp màn hình thanhnien.com

Căng thẳng tại Biển Đông với việc Trung cộng không ngừng quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa không chỉ khiến các láng giềng châu Á hay Hoa Kỳ lo ngại. Sức mạnh trên biển của Trung cộng có tham vọng vượt khỏi các vùng nước bao quanh quốc gia này gây lo ngại cho cả châu Âu. 

Trong bài viết « Cần làm gì trước sức mạnh hải quân Trung cộng ? », đăng tải ngày 03/07/2017, nhà chính trị học Pháp Mathieu Duchatel (1), nhấn mạnh đến mối đe dọa lớn về dài hạn mà châu Âu cần phải đối mặt. Đó là ỷ vào sức mạnh hải quân và hàng hải, Trung cộng có thể « trực tiếp thách thức hơn nữa » hệ thống luật pháp quốc tế về biển. Tăng cường hợp tác hải quân với Trung cộng, đồng thời nỗ lực cách tân công nghệ hàng hải, được tác giả đề xuất như các biện pháp để hóa giải mối đe dọa này. RFI giới thiệu góc nhìn của nhà nghiên cứu Mathieu Duchatel.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu của European Council on Foreign Relations lưu ý, thay vì coi phán quyết này là « một yếu tố quan trọng » bảo đảm sự ổn định quốc tế, thì Bắc Kinh lại ngày càng có xu hướng coi luật pháp quốc tế về biển như là « một công cụ thống trị của phương Tây ». « Việc Trung cộng quyết định không công nhận phán quyết của tòa để lại một tình thế nguyên trạng gây khó xử cho tất cả các bên ».Chiến lược quân sự chính thức của Trung cộng được công bố năm 2015 coi các đại dương như lĩnh vực trọng yếu về an ninh, cũng như không gian và tin học. Chiến lược này đưa ra khái niệm « bảo vệ các vùng biển xa » (open seas protection), phối hợp với « phòng ngự biển gần » (offshore defense), vốn là trục chính trong chiến lược quân sự của Bắc Kinh cho đến lúc đó.

Ỷ sức mạnh, thách thức luật pháp quốc tế

Nhà chính trị học Mathieu Duchatel nhấn mạnh « kịch bản tồi tệ nhất đối với châu Âu » là một nước Trung Hoa ngày càng dựa vào sức mạnh hải quân bất chấp luật pháp quốc tế về biển, không cần chú ý đến hợp tác quốc tế. Điều này đặc biệt thấy rõ với phán quyết của một tòa án quốc tế trong vụ Phi Luật Tân kiện Trung cộng về Biển Đông, đưa ra hồi tháng 7/2016. Vụ kiện được coi là một thắng lợi của Manila được đông đảo các nước trên thế giới ủng hộ.

Nhà chính trị học giải thích : Thái độ của Trung cộng phơi bày sự « rạn nứt quốc tế » (clivage international) trong việc giải thích công ước Montego Bay, tức Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, gọi tắt là UNCLOS (United Nations Convention on the Law of the Seas). Tác giả khẳng định là lờ đi mối rạn nứt này không phải là giải pháp, bởi vấn đề không những sẽ trở lại, mà có thể còn trở nên « nghiêm trọng hơn », với « những thách thức trực tiếp hơn của Bắc Kinh đối với luật pháp quốc tế về biển ».

Châu Âu đã chứng kiến các đảo nhân tạo mà Trung cộng bồi đắp và quân sự hóa tại Trường Sa, Biển Đông, kể từ năm 2015, nguy cơ đụng độ giữa quân đội Trung cộng và liên quân Mỹ-Nhật. Trong tình hình này, nhận xét có thể rút ra là trong hiện tại châu Âu rất khó mang lại « một ảnh hưởng tích cực đối với vấn đề an ninh hàng hải châu Á ».

Hàng không mẫu hạm – bề nổi của tham vọng Trung cộng

Hậu thuẫn cho thái độ bất chấp luật pháp quốc tế của Trung cộng là sức mạnh hải quân mà nước này đang có kế hoạch phát triển, trước hết là các tàu sân bay. Theo nhà chính trị học Pháp, châu Âu không nên « giả đò ngạc nhiên », trong năm năm nữa, khi một trong các tàu sân bay của quân đội Trung cộng thả neo tại Djibouti (đông Phi), nơi Bắc Kinh đang xây dựng một căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài.

Trong hiện tại, rất ít có khả năng Trung cộng tiến hành một cuộc không kích tại vùng Vịnh hay miền đông châu Phi. Tuy nhiên, điều này không phải là không thể, nếu một quốc gia yêu cầu Trung cộng can thiệp để giành lại một phần lãnh thổ, như kiểu chính quyền Syria cầu viện Nga, hay việc tham gia vào một chiến dịch của liên quân quốc tế, được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm. Việc sở hữu hàng không mẫu hạm cho phép Trung cộng dễ dàng thực hiện mục tiêu này.

Hàng không mẫu hạm vừa được dùng để giành ưu thế trong chiến tranh trên biển, cũng như là điểm tựa cho sức mạnh không quân, nhưng đồng thời cũng là một vũ khí răn đe, và phương tiện gây áp lực về ngoại giao. Một chuyên gia quân sự Trung cộng coi hàng không mẫu hạm là « phương tiện gần nhất với binh pháp của Tôn Tử (Sun Tzu), cho phép khuất phục đối phương mà không cần chiến tranh ». Cụ thể là, Bắc Kinh có thể tổ chức rầm rộ một cuộc sơ tán thường dân Trung cộng khỏi một khu vực nguy hiểm tại một quốc gia khác, với sự hỗ trợ của một nhóm tàu chiến, với tàu sân bay làm trụ cột.

Theo nhà nghiên cứu Mathieu Duchatel, kể từ năm 2012, Bắc Kinh đã công khai nói đến «các chiến dịch quân sự không phải là chiến tranh », nhằm phục vụ cho « các lợi ích ở nước ngoài» của Trung cộng, trong đó có việc bảo vệ kiều dân và đầu tư Trung cộng.

Hải quân : Trọng tâm trong chiến lược toàn cầu

Ông Mathieu Duchatel nhấn mạnh là các hàng không mẫu hạm chỉ là bề nổi của sức mạnh hải quân mà Trung cộng đang phát triển. Truyền thông Trung cộng coi đây là biểu tượng của uy lực. Tuy nhiên, đây chỉ một phần « không đáng kể » trong các khoản đầu tư khổng lồ của Trung cộng cho ngành đóng tàu và các khoa học và công nghệ về biển.

Năm 2012, tại Đại hội 18 của đảng Cộng Sản, Bắc Kinh chính thức đưa việc phát triển « sức mạnh hải quân qui mô lớn » vào hàng các mục tiêu chiến lược quốc gia. Trong Đại hội thứ 19, mùa thu năm nay, chắc chắn mục tiêu này sẽ được tái khẳng định. Hải quân sẽ tiếp tục được coi như một « phương tiện chính » để bảo đảm an ninh cho « giai đoạn toàn cầu kinh tế mới » của Trung cộng, với đặc điểm là đầu tư mạnh ra nước ngoài.

Nhà chính trị học Pháp đặt ra một loạt câu hỏi về chiến lược quân sự của Trung cộng trong tương lai, mà châu Âu cần hiểu rõ. Bắc Kinh sẽ ưu tiên phát triển sức mạnh quân sự trên biển hay trên bộ ? Chiến lược « biển xa » liệu có trở thành « chủ trương chính » của hải quân Trung cộng ? Liệu Trung cộng sẽ ưu tiên tàu ngầm nguyên tử trong hệ thống răn đe hạt nhân nói chung ? Phải chăng mục tiêu bảo vệ Con đường Tơ lựa trên biển sẽ quyết định đường hướng phát triển của hải quân Trung cộng ? Và đặc biệt là vấn đề mối liên hệ giữa chiến lược Con đường Tơ lụa trên biển của Trung cộng và các căng thẳng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông hiện nay.

***

Để hóa giải những thách thức của Trung cộng, nhà chính trị học Mathieu Duchatel ủng hộ việc Liên Hiệp Châu Âu gia tăng các hợp tác về hải quân với Bắc Kinh. Hiện tại các hợp tác mới chỉ giới hạn trong một số cuộc diễn tập chống hải tặc quy mô nhỏ tại vùng vịnh Aden, hay việc hộ tống các đoàn tàu biển của Chương Trình Lương Thực Liên Hiệp Quốc tới Somalia. Theo tác giả, Bruxelles hiện đã có kế hoạch nâng cấp các hợp tác.

Bên cạnh việc hợp tác hải quân, công nghệ đóng tàu và hàng hải nói chung của Trung cộng cũng là « một thách thức kinh tế » đối với châu Âu. Công nghệ hàng hải là một trong 10 lĩnh vực ưu tiên của chương trình « Made in China 2025 », nhằm đưa Trung cộng vươn lên dẫn đầu thế giới trong một số lĩnh vực then chốt.

Tác giả cảnh báo là trong hiện tại, nhiều người vẫn còn « khinh rẻ » trình độ công nghệ của Trung cộng, nhưng về dài hạn châu Âu rất có thể sẽ phải cạnh tranh với Bắc Kinh trong hàng loạt lĩnh vực như xuất khẩu tàu chiến, tàu du lịch hạng sang, công nghệ thăm dò, khai thác đáy biển. Các tiến bộ của Trung cộng trong lĩnh vực này buộc châu Âu phải có các chính sách hỗ trợ « cạnh tranh công nghiệp » một cách thích đáng.

—-

(1) Nhà nghiên cứu Mathieu Duchatel là trợ lý giám đốc chương trình Châu Á và Trung cộng, thuộc Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Châu Âu (European Council on Foreign Relations)

RFI