31.07.2017

Quốc gia Ba Đình, và Hà Nội - Lê Lô

Quảng trường Ba Đình không phải là chỗ chơi của người Hà Nội. Không ai tới đó để ‘thư giãn’, để ngồi tâm tình dù nó rộng rãi, ít khói xe. Nó là cõi riêng của một xác chết, và cũng là cõi riêng của một nhúm người sống theo người đã chết.…

Người Hà Nội không biết nói… Con người Việt Nam giữa lòng thủ đô đang định hình để trở thành những người vô tư như người máy, chỉ biết chơi đùa, cợt nhã lẫn nhau.“

Quốc gia Ba Đình, và Hà Nội

Lê Lô

Tôi từng ra Hà Nội sống và làm việc một năm đầu thế kỷ 21. Tôi quen sống ở Sài Gòn, thích cái không khí tưng tưng ngang dọc (và ngang ngạnh) của trời Nam, nay phải đến một nơi mà đối với tôi không khác gì mấy một nước ngoài, nên không khỏi có phần hồi hộp. Thật ra, những người từng đi nhiều thì đến một nước khác họ cũng không hồi hộp. Ở Paris qua New York làm việc, hay ngược lại, bất quá chỉ cần làm quen với phố xá dăm bữa nửa tháng là đâu vào đó. Lối sống ở các nước phương Tây không khác nhau mấy, quan trọng nhất là lối hành xử và suy nghĩ của họ cũng na ná, không nếu không na ná thì người ta cũng tôn trọng sự khác nhau. Làm việc ở Hà Nội có khác. Đó là nơi mà có lần, nhà văn Tưởng Năng Tiến viết như thế này: “Tôi chưa bao giờ đến Hà Nội, và cũng chưa bao giờ cảm thấy có chút xíu nào hào hứng khi nghĩ đến thành phố này. Đường thì xa, vé tầu thì đắt, thủ tục thì lôi thôi rườm rà, và lỡ mà kẹt luôn thì … chết mẹ.

Quả thật, Hà Nội đại để cũng cho một thằng dân miền nam cái cảm cảm giác đó. Không phải tôi tưởng tượng mà có kinh nghiệm đàng hoàng với nó ít nhất là hai lần. Lần đầu, năm 1993, mới chân ướt chân ráo đến Hà Nội thì đúng 11 giờ đêm, hai công an chìm đến gõ cửa phòng khách sạn, nói là đến “hỏi thăm và bảo vệ khách”. Sáng hôm sau tôi đổi vé máy bay và dông tuốt về Sài Gòn. Lần thứ hai theo một công ty nước ngoài về làm việc hai ngày. Trong hai ngày đó tiếp xúc với mấy đảng viên cở trung trung đang phụ trách công tác tư tưởng của cả nước, sau hai ngày thì tôi bịnh đúng một tuần vì căng thẳng. Tóm lại, trong cuộc đời bá láp này, tôi đã học rất nhiều tốt đẹp từ sách vở về thủ đô Thăng Long, nhưng học ở thực tế Hà Nội thì toàn là chuyện chó má. Hai kỷ niệm ‘sâu sắc’ về Hà Nội ấy khiến tôi đã lẩm bẩm thề với cụ rùa nơi Bờ Hồ, buổi chiều trước khi ra phi trường Nội Bài, “vĩnh biệt cha nội, một đi không trở lại.”

Ấy vậy mà không biết ai xúi bậy hay sao mà lần này, tôi lại… hướng về Hà Nội! Mà lại chịu ở đến một năm trời.

Trong một năm trời đó, tôi đã đi hầu hết các tỉnh thành miền Bắc (trừ Điện Biên Phủ), rồi lần vào Bắc Trung Việt, qua Thanh Hóa, Vinh, vào Quảng Bình. Hết một năm, chuyển vào Nam làm việc ở Sài Gòn tiếp hai năm nữa. Lần này, lại đi khắp Nam kỳ lục tỉnh. Không phải đi không mà là làm việc ở các tỉnh đó. Vì lý do công việc, tôi không đi khơi khơi để cưỡi ngựa xem hoa mà thực sự là ở và làm việc, trên nhiều miền đất nước trong suốt thời kỳ quá độ từ thời đại Hồ Chí Minh (quang vinh) đến thời đại @ (a-còng) láng cóng, dưới ách cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quốc gia trong lòng thủ đô
Hà Nội có một quốc gia trong một quốc gia.

Quốc gia ở đây không như cách định nghĩa hàn lâm của các nhà làm luật – phân biệt quốc gia-nhà nước (nation-state) – mà theo cách hiểu thông thường: quốc gia là một nước có biên giới địa lý riêng (có hoặc không có chủ quyền).

Khi bạn đến một nước lạ, cảm giác như thế nào? Có phải có cái cảm giác tưng tưng, nghĩa là mình không thuộc vào đâu cả, mình thuộc những người đứng bên bờ giậu ngó qua nhà hàng xóm đang sinh hoạt (buồn tẻ hay náo nhiệt), mình có cái cảm tưởng không ai biết đến mình và đồng thời như tất cả đang ngó mình chăm chẳm, mình có cái cảm giác lành lạnh khi ngồi lủi thủi nhai cơm một mình, hoặc chông chênh dù đang trò chuyện với người bản xứ, và rất thường xuyên là thấy là lạ dửng dưng khi ngắm nhìn một cảnh nào đó, một di tích hay một cơ ngơi nào đó, của xứ người.

Chính Hà Nội đã cho tôi cảm giác đó, không phải được (hay bị) coi là người ngoại cuộc, mà chính nhiều người Hà Nội, những thường dân và ngoại dân (sống ngoài pháp luật), cũng có cảm tưởng đó, trong đời sống thường ngày của họ. Cái khác giữa họ và những người ở phương khác tới là, họ đã sống quen với cảm giác đó nên không buồn đặt tên, hoặc quá mệt mỏi với đời sống nên không muốn đào xới những gì không thuộc về hay làm nên cơm ăn áo mặc.

Hà Nội là một thành phố. Thành phố còn xa lạ với rất nhiều người miền Nam theo nhiều nghĩa dù đã gần ba mươi năm thống nhất. Nhưng lạ hơn nữa là nó cũng, ở một chừng mực nào đó, xa lạ ngay với những người ở miền Bắc. Không phải lạ đường lạc phố. Người ta có thể thông thuộc hết mọi ngả đường, các ngõ ngách, những địa hình đặc biệt của Hà Nội. Người ta có thể thông thuộc những cái ngõ luồn lách chật hẹp đằng sau và xuyên qua những phố cổ, những căn nhà chỉ có một phòng nằm ngay những địa chỉ danh tiếng gần bờ Hồ nhưng thực ra là khuất và rất sâu trong kiệt (hẻm). Nhưng người ta, những thường dân và phó thường dân Việt Nam, vẫn thấy nó không thực sự là thành phố của mình.

Nếu lấy lăng ông Hồ làm tâm điểm của Hà Nội, vạch một vòng tròn có bán kính một cây số để bao gồm những cơ ngơi của nhà nước như hội trường và quảng trường Ba Đình, các bộ, thì bầu khí xa lạ đậm đặc dần khi càng tới gần trung tâm. “Vị cha già dân tộc” nằm trong cái lăng được xây theo kiểu kiến trúc nổi tiếng xấu nhất thế giới: kiến trúc Liên Xô. Các cột đứng to và cao, đen lủi thủi, những khối đá xám lạnh chồng lớp nặng nề và mệt nhọc chương ứ lên bầu trời tuồng như muốn tạo một sự sừng sững kiêu hãnh và lạc điệu. Con người đó khi sống được ca tụng là gần gũi nhân dân, khi chết càng được tụng ca dữ dội hơn. Thế nhưng trừ những dịp lễ lạc để người ta vào tham quan xác, sự sừng sững của lăng ông Hồ chỉ tô đậm sự lạnh lẽo của một khối đá trơ trụi, chìm trong bầu khí lạnh, nó như sự ngất ngưỡng xa cách của một người làm xiếc đi trên đôi nạng cao nhìn xuống những thưa thớt người qua kẻ lại: người đi trên nôi nạng xiến không với xuống được người đi bên duới, mà người đi dưới cũng chẳng mó được người làm xiếc. Chỉ ngó nhau chơi vậy thôi.

Đại lộ giữa lăng và hội trường Ba Đình là đại lộ rộng nhất nước. Nó là quảng trường. Nơi đây đã diễn ra vài biến cố lịch sử, nơi làm nên lịch sử Việt Nam hiện đại từ giữa thế kỷ 20. Đây là nơi tập họp của đám đông, quảng trường Ba Đình, mỗi khi có biến cố lịch sử ngườI ta hay tập họp để làm lịch sử. Các cuộc tập họp không phải thôi thúc bởi tính hiếu kỳ, mà do sự đồng lòng của dân với những chuyển biến của đất nước, thí dụ như ngày tuyên bố Độc lập 2 tháng 9 năm 1945. Quảng trường Ba Đình đúng là quảng trường lịch sử, từng chứng kiến đám đông từ nhiều nơi đổ về.

Ngày hôm nay, từ ba mươi năm qua, quảng trường Ba Đình không làm nhiệm vụ truyền thống của nó. Nó trở thành một nơi tịch mịch, một nơi sang trọng và tách biệt với đám đông của nhiều thành phần của đất nước. Từ phía bên hội trường Ba Đình nhìn sang, ta sẽ thấy một bức tường đen chạy từ hướng chùa Một Cột đến mặt tiền lăng, kéo dài gần mút tầm mắt phía bên kia. Có ba bực cấp từ lòng đường, một hàng cây cảnh, và hai hàng khẩu hiệu lớn treo trên tường phía hai bên lăng. Các bực cấp đó không phải dành cho người đi bộ. Nó là bực cấp để làm kiểng. Có lần một giáo sư Chính trị học trọng tuổi người Ý đi tham quan quảng trường, đã tưởng như bên nước ông, bước lên bực cấp sát lề đường. Ông mới dợm vài bước đã nghe một tiếng quát rùng rợn vang lên từ phía anh lính đứng gác lăng, nghe cả tiếng đạn lên nòng súng. Ông sợ hãi nhảy xuống lòng đường, và hiểu ngay mình vừa làm một hành động lầm lẫn. Buổi sáng đó, ông kể lại, dù ông đi đâu loanh quanh gần đó cũng có một gã thường phục lầm lì theo sau.

Nếu so sánh quảng trường Ba Đình và khuôn viên hồ Gươm (nguời Hà Nội chỉ gọi là bờ Hồ), sẽ thấy một sự đối lập rất rõ. Bờ Hồ là nơi tập họp của người (dân) Hà Nội, sáng sớm là nơi chạy bộ, tập dưỡng sinh, chiều và tối là nơi của các cặp tình nhân, của những người lớn thủng thỉnh đi dạo hay ngồi đọc báo, cũng là nơi người (dân) Hà Nội liệng bao rác xuống lòng hồ, đi tiểu tiện hay khạc nhổ, cũng là nơi gây ra nhiều cuộc tranh luận làm sao bảo tồn cụ rùa có một không hai trên thế giới, hay những cãi cọ về tiêu chuẩn kiến trúc xung quanh bờ Hồ để không phá vỡ cảnh quanh thơ mộng. Nói chung, hồ Gươm phản ảnh đời sống của xã hội Hà Nội. Nó sống động, vừa sạch sẽ vừa dơ bẩn, thơ mộng trong đêm trăng hay ồn ào chứng kiến những trận đua xe của thanh thiếu niên.

Bờ Hồ là của Hà Nội, của người Hà Nội. Nó là Hà Nội.

Quảng trường Ba Đình thuộc về Hà Nội nhưng không phải của Hà Nội.


Quảng trường Ba Đình ngày nay tách biệt hẳn bờ Hồ dù cách nhau vài con đường. Quảng trường Ba Đình không phải là chỗ chơi của người Hà Nội. Không ai tới đó để ‘thư giãn’, để ngồi tâm tình dù nó rộng rãi, ít khói xe. Nó là cõi riêng của một xác chết, và cũng là cõi riêng của một nhúm người sống theo người đã chết. Xung quanh trung tâm xác ông Hồ là các bộ, hội trường Ba Đình, những còn đường sạch sẽ tươm tất, những tàng cây xanh, nhưng người ta không qua lại ngắm nghía dù khó kiếm một nơi sạch đẹp như vậy trong lòng thủ đô chật chội. Tự cái lăng, tự các bộ, tự quốc hội, tự những công an chìm nổi đứng gác, đã tự tạo cho khu vực này một biên giới, một quốc gia riêng. Trong cõi riêng đó ban xuống những mệnh lệnh để cai quản cả quốc gia bên ngoài.

Tại sao có một không khí tách biệt và một lực lượng trang bị phòng vệ cẩn mật Ba Đình như vậy, dù đã là thời bình, và ngay cả trong khi thế giới đang đối đầu với khủng bố thì dù Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng, nơi đây, quanh quảng trường Ba Đình, vẫn có cái không khí hâm hấp của khủng bố trong lòng người dân thường mỗi khi phải đi ngang qua.

Hà Nội không sợ khủng bố, các quan to cũng không sợ bị ám sát. Mà có lẽ, và chắc là, do vị trí và truyền thống làm lịch sử (hiện đại) đều đã diễn ra ở quảng trường Ba Đình cho nên nó có một chỗ đứng đặc biệt. Giáo sư Mandy Thomas thuộc trường đại học Tây Sydney (Úc), trong một tham luận (*) đọc ở Đại học Quốc Gia Úc tại Canberra hồi tháng 6 năm 2002, có một nhận xét sâu sắc: những địa chỉ lớn như quảng trường Ba Đình thường là nơi dễ xảy ra các bất ổn chính trị, vì nó có một không gian rộng rãi, lại nữa các biến cố do chính quyền tổ chức ở quảng trường chỉ tiêu biểu cho chế độ chứ không hề phản ảnh ước muốn của quần chúng.

Nghiên cứu các cuộc biểu tình hay nổi dậy đông người trên thế giới, chúng ta thấy những cuộc tụ tập lớn đều diễn ra (hay kéo về) ở thành phố, kéo về những nơi có khuôn viên (không gian) rộng rãi, thường là chỗ tụ tập đầu não của chính quyền. Quảng trường Ba Đình có tất cả các điều kiện địa lợi đó. Một cuộc tràn ngập người ở Ba Đình chắc chắn có ý nghĩa rất lớn – dù có thể chỉ là sự tràn ngập của những cuộc… đua xe máy! Nhưng chúng ta thấy những năm qua (mười năm qua), thanh niên Việt Nam thường tự tổ chức các cuộc đua xe hay tràn ra đường mỗi khi có một biến cố thể thao như các trận túc cầu có Việt Nam tham dự. Nhưng đám đông chỉ đua khu vực loanh quanh gần bờ Hồ, nơi mà không gian không lấy gì rộng lắm. Đám đông chưa bao giờ nghĩ tới việc đua xe ngay quảng trường, một địa điểm cực kỳ lý tưởng của tốc độ.

Trước nhất là họ sợ. Quảng trường là cấm địa. Tử Cấm Thành của Việt Nam triều đại cộng sản.

Thứ hai là họ cảm thấy lạ xa với khu vực Ba Đình. Khu vực đó không hề thể hiện hay phản ảnh cuộc sống của những người dân thường. Đua xe ở đó chỉ sướng ở tốc độ nhưng không có cái sung sướng được chia sẻ cảm giác với người xem, không cảm thấy được ở giữa lòng đám đông (dù bị đám đông có thể reo hò tán thưởng hay phản đối), vì Ba Đình không thuộc về nhân dân, nó thuộc về một thiểu số cầm quyền và độc quyền. Ba Đình rộng rãi nhưng ích kỷ, nó thoáng đảng nhưng lạnh lẽo. Nó to nhưng bụng rỗng. Nó mát mẽ nhưng là cái mát của tử khí!

Dân xa lạ với chính quyền vì chính quyền, qua biểu tượng là quảng trường Ba Đình, tự đào giao thông hào cố thủ bằng tất cả phương tiện dồi dào từ sức dân. Một trong những câu khẩu hiệu cũng là phương châm hành xử của nhà nước phản ảnh sự xa cách giữa quốc gia Ba Đình và thường dân đa số: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. “Nhà nước” là một thực thể; “nhân dân” là một thực thể đối lập, nếu hai là một thì không cần hô “cùng làm”.

Ba Đình giờ đây chỉ nhộn lên khi có một quan to chết và được làm quốc tang, hay khi có quốc khách đến viếng lăng, những buổi lãnh đạo sắp hàng vào lăng trước khi khai mạc các kỳ họp lớn như Quốc hội hay Đại hội Đảng. Nó là nơi tụ tập của lãnh tụ, của quốc khách, của quốc lễ, của người đã chết.

Ba Đình, khu vực Ba Đình, là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Ba Đình là một quốc gia. “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” chính là khẩu hiệu đúng đắn nhất áp dụng cho quốc gia Ba Đình. Nơi đây cai trị cả nước nhưng hoàn toàn độc lập với cả nước. Nơi đây bắt cả nước theo ý nó nhưng riêng nó thì hoàn toàn được tự do muốn làm gì thì làm. Và hạnh phúc, tất nhiên, chỉ riêng mình nó biết. Một hạnh phúc riêng biệt như một hòn đảo dành riêng cho những cặp trăng mật!

Khu cấm địa đó đã lạnh lẽo từ ba mươi năm qua theo nghĩa đen. Nhưng nếu lịch sử là sự lập lại thì chắc rằng khu vực quang đãng đó sẽ chứng kiến và chứa đựng một cuộc tập trung lớn để lịch sử lại tiếp diễn.

Vi hiến

Trung tâm đầu não của quốc gia Ba Đình không phải là hội trường Ba Đình, nơi quốc hội họp, mà ở số 5 Nguyễn Cảnh Chân, tổng hành dinh của ĐCSVN.

Số 5 Nguyễn Cảnh Chân đưa ra mọi quyết định liên quan đến đất nước Việt Nam.

Quốc hội, cơ quan lập pháp, xương sống của mọi nền dân chủ trên thế giới, nhưng ở Việt Nam là tiểu đơn vị có mục đích hợp pháp hóa các quyết định đã được nhất trí từ tổng hành dinh Nguyễn Cảnh Chân.

Chủ tịch nước là người không có trách nhiệm nào cả trừ nhiệm vụ ký các đạo luật đã được tiểu đơn vị quốc hội thông qua. Vì vậy chủ tịch nước không bao giờ phạm sai lầm (trừ một số sai lầm là đã không kín đáo trong việc kinh doanh riêng).

Thủ tướng và các bộ, cũng bắt chước người ta gọi là hành pháp nhưng thực ra cũng là một tiểu đơn vị, thực thi đường hướng từ số 5 Nguyễn Cảnh Chân.

Nếu mọi quốc gia đều có hai vấn đề lớn là đối nội và đối ngoại thì quốc gia Ba Đình cũng vậy, chỉ có cách ‘đối’ là khác.

Đối nội thì tiểu đơn vị quan trọng nhất là Bộ Công an. Bộ Công an sẽ tổ chức ruồng bố, canh gác (và tất nhiên là bắt giữ) tất cả các tiểu đơn vị khác không chịu, hay làm không đúng, chỉ thị từ số 5 Nguyễn Cảnh Chân. Trong hệ thống cai trị của quốc gia Ba Đình, cũng như các nước khác, đều có ngành tư pháp với hệ thống tòa án từ thấp lên cao. Cái khác của các nước khác và quốc gia Ba Đình là ở chỗ, trong khi nước khác dùng lực lượng công an hay cảnh sát là biểu tượng bảo vệ pháp luật hay thi hành mệnh lệnh của tòa án thì ở quốc gia Ba Đình, qui ước này được thực hành ngược lại. Ở tầm vĩ mô, tòa án có nhiệm vụ thực hiện chỉ thị từ tổng hành dinh Nguyễn Cảnh Chân. Ở tầm vi mô, công an giữ trật tự để tòa án làm theo sự chỉ đạo từ tổng hành dinh. Nếu có một quan tòa – trong lịch sử cầm quyền của ĐCSVN chưa hề có – lỡ phán xét một phiên tòa theo lương tâm thì cầm chắc công an sẽ đóng vai quan tòa và ‘xử ‘ ông ta hay chị ta tại chỗ.

Về đối ngoại, trên nguyên tắc là Bộ Ngoại giao, nhưng thực ra là Ủy ban Đối ngoại Trung ương (Đảng). Thí dụ cũng không thiếu (cái siêu việt của cộng sản là cái gì cũng thực, cũng có cơ sở, đều dễ chứng minh vì toàn là … hiện thực xã hội chủ nghĩa không hà). Trong Bộ Ngoại giao có một tiểu-tiểu đơn vị là Ủy ban về người Việt Nam ở Nước ngoài. Như tên gọi, nhiệm vụ của Ủy ban này là lo “mọi khâu liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài”. Thế nhưng do nguyên tắc riêng của quốc gia Ba Đình, Ủy ban này, và cả tiểu đội trưởng của tiểu đơn vị Ngoại giao, đã không dám làm nhiệm vụ của mình. Vì nhiệm vụ này đã được thực thi từ số 5 Nguyễn Cảnh Chân, do một người không dính dáng gì đến Bộ Ngoại giao, cũng không nằm trong tiểu đơn vị hành pháp hay lập pháp gì ráo trọi.

Thí dụ điển hình là ông Phan Diễn. Ông Diễn là Thường trực Ban Bí thư, tức phó Tổng bí thư Đảng, nhưng quyền nhiều hơn vì ông quyết định các vấn đề quan trọng hàng ngày (“thường trực”). Ông Diễn đã làm công việc của Bộ Ngoại giao là ký (đại) cái Nghị quyết (số) 36 về người Việt Nam ở nước ngoài.

Hà Nội nói họ cũng dân chủ, gọi là dân chủ tập trung. Ông Phan Diễn, dù quyền hành bao trùm, nhưng không có nhiệm vụ gì trong hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhiệm vụ của ông là “tập trung” đứng đằng sau giựt dây cho những người đã xuất đầu lộ mặt làm việc. Vậy mà ông không yên tâm, ông ló mặt ra ký (luôn) một nghị quyết không thuộc phần vụ của mình, vì ông, và đồng chí của ông, đã làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ riêng của quốc gia Ba Đình.

Cái đáng phiền là nguyên tắc riêng đó được áp đặt trên cả nước chứ không chỉ dùng riêng trong bán kính một cây số từ tâm điểm cái lăng.

Người Hà Nội không biết nói.

Người Hà Nội không hẳn là phải sinh và lớn lên ở Hà Nội. Người Hà Nội bây giờ là dân tứ xứ và tứ chiếng, quê quán loanh quanh ở miền Bắc nhưng sống lâu ở Hà Nội thì thành người Hà Nội. Ông Nông Đức Mạnh, thí dụ, không sinh ở Hà Nội nhưng thuộc về người Hà Nội. Nói chung, người Hà Nội ở đây phải là người có gốc gác ở các tỉnh phía Bắc vì họ có nhiều điểm chung, đặc biệt nhất là thích nói. Còn người Nam bộ mà có sống lâu ở Bắc thì vẫn là Nam bộ, như ông Phan Văn Khải chẳng hạn, vì giọng lưỡi Nam bộ rất khác.

Hà Nội của thời Thạch Lam, thời chiến tranh không biết ra sao nhưng cái vẻ bên ngoài chắc vẫn là nét e ấp kín đáo. Người Hà Nội có vẻ như lịch thiệp, ăn nói thâm trầm, và người Hà Nội vẫn tự hào về điều đó, cái tự hào của phần lớn dân thủ đô ở nhiều nước khác.

Thực ra, ở chung với Hà Nội thời hiện tại thì thấy cái rõ nhất là người Hà Nội thích xài bạc giả. Họ nói khác những gì họ nghĩ. Nếu bản chất của tiếng Việt là thiếu chính xác, và bản sắc của người Việt là nói vòng quanh chủ đề, thì Hà Nội là đại diện chân chính của hai yếu tố này. Họ ưa nói lòng vòng mặc cho người nghe đoán ý. Điều đó không hẳn là không hay nhưng nó hoàn toàn không phù hợp với tốc độ của thời hiện tại, khi con người và thế giới chạy đua với thời gian để bắt kịp lẫn nhau.

Người trung lưu Hà Nội sống giả dối, không biết điều đó có phải là phế phẩm của bảy mươi năm đời ta có đảng không. Họ đãi tiệc, làm đám cưới với bề ngoài cực kỳ linh đình long trọng nhưng món ăn thì lỏng chỏng bình dân. Họ thích tiền nhưng cứ làm vẻ dửng dưng. Họ bắt tay người này nhưng mắt hướng về một người khác đứng ở gần đó có chức vụ cao hơn. Họ nói năng thưa gửi, nói sông dài biển rộng nhưng sau một giờ thì không ai hiểu ý họ muốn tán cái gì hay muốn gì.

Ai nói người Hà Nội có tài… nói, lập luận và lập ngôn, giỏi biện bác là không hiểu Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh. Thực ra, người Hà Nội ngày nay không có tài ăn nói. Cái mà chúng ta tưởng họ giỏi trong khoa ăn nói thực ra là sự huyên thuyên mà nổi bật nhất, đáng chú ý nhất trong rừng huyên thuyên đó là sự phóng đại. Họ phóng rất to, nhưng một đặc điểm nữa là họ chỉ giỏi phét giữa người Hà Nội với nhau, giữa người trong nước với nhau; đụng đến “yếu tố nước ngoài”, họ cụp đuôi, lí nhí, hoặc nếu dỏ trò phét như phét với người trong nước thì thường là phét trật bậy, để lộ trình độ thấp kém.

Một bằng chứng cực đoan là năm 2000 khi Lê Khả Phiêu gặp Bill Cinton ở Hà Nội, cụ Phiêu ta dở trò bốc phét nói với Bill là Mỹ đã thua trận. Cái “tài” đó ngoài việc chứng tỏ cách đối xử (ăn ở) mọi rợ của một người chỉ sống trong lũy tre làng, không quen đối đáp người ngoài, còn hé lộ bản chất và trình độ sơ đẳng của người đứng đầu quốc gia Ba Đình và đất nước Việt Nam.

Một bằng chứng khác: trong các cuộc thi hùng biện (tiếng Anh) quốc tế, chưa nghe nói người Hà Nội có ai tham dự, không phải tại họ chưa quen với tiếng Anh mà do lối diễn đạt không rõ ràng, trong khi hùng biện (quốc tế) kỵ nhất là ba hoa chích chòe, nói trông trổng như cái đài phát thanh. (Tất nhiên chỉ có thể đem tiêu chuẩn quốc tế để so, chứ thi hùng biện trong nước, như thi hùng biện về “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, thì có khác gì con nói cha nghe, làng nói xã nghe, và tiêu chí chấm không nói ai cũng biết.)

Người Hà Nội của ngày trước ra sao, tôi không biết, nhưng chắc là cũng cự phách trong làng nói năng thưa gửi, nếu không thế thì Hà Nội nổi tiếng… oan sao! Đọc các nhà văn gốc Hà Nội, còn ở lại hay đã vào Nam từ những trước và sau 1954, ai cũng công nhận họ thuộc hàng tiền bối (và tiền đạo) trên sân vận động chữ nghĩa.

Hà Nội ngày nay khác. Tệ nhất là những người được phép nói trước công chúng. Nghe một lúc chỉ có nước đoán là ngay chính họ cũng không biết mình đang nói gì. Tôi có lần than phiền với một ông bạn vong niên hàm thứ trưởng đã nghỉ hưu (nghỉ hưu thì mình mới chơi đuợc), làm trong ngành tư tưởng văn hóa lâu năm. Ông cười ruồi: “Đảng nói hết rồi!”

Đảng nói hết. Sáng tản bộ trên Bờ Hồ, hay trên phố Hàng Than, trên đê Yên Phụ, tiếng loa phóng thanh từ một trạm phát thanh của phường cứ oang oảng. Dân cứ ăn phở, đạp xích lô, phì phèo thuốc lá, nhổ khạc, đổ nước rửa ra đường, loa cứ làm việc của loa kêu gọi nếp sống văn mình đô thị, dân cứ đái xoành xoạch.

Hậu quả không biết nói là hậu kỳ của nguyên tắc tập trung ở biệt khu Ba Đình trong lòng Hà Nội. Một câu của lãnh đạo nói ra là hệt như một nút bấm, toàn bộ hệ thống thông tin lên đồng và lắc lư. Mới đầu, cái nút bấm ấy thay dân nói, tưởng là vô hại. Lâu ngày, thói quen dân không dám nói khiến đầu óc luời suy nghĩ, dần dần trở nên chậm lụt, ù lỳ.

Mấy năm đầu thế kỷ 21, chính lãnh đạo Ba Đình nhiều lần than phiền thanh niên thời nay không có lý tưởng, thiếu năng động, hoặc chỉ nuôi lý tưởng làm giàu. Thì đó là sản phẩm do việc dành nói hết của Đảng, cấm ai nói khác Đảng. Đảng chỉ cho phép nói thoải mái về kinh doanh thì dân nói về kinh doanh. Đảng cấm nói chuyện chính trị thì dân tránh nói chuyện chính trị. Những người bất chấp Đảng vẫn cứ nói chuyện chính trị, như Nguyễn Vũ Bình, Dương Thu Hương, thì Đảng dùng ngay đòn ruột là bạo lực cách mạng.

Mấy chục năm, bao nhiêu thế hệ trôi qua trong bầu khí khủng bố và thiếu thông tin khiến người thủ đô nổi tiếng lịch lãm, để sống còn, đã tự ‘sáng tạo’ ra cách nói không rõ nghĩa, nói vòng vo tam quốc ai hiểu sao cũng được.

Tưởng như vô hại mà kỳ thực, thói quen ‘thức thời” ấy dần tạo nên một não trạng khiến cả một khối người trở nên lẩm cẩm, thiếu tự tin, tập thành thói quen lừa người và dối mình, tự mình đánh lạc hướng để được sống yên. Người ta đã không bàn chuyện đất nước giữa đám đông, người ta chỉ nói chuyện nắng mưa, giá cả, giá xăng dầu, các quán karaoke, những nhà hàng mới mọc, những quan to hiếp dâm chơi gái, các chương trình lễ hội, những tượng đại kỷ niệm chiến tranh, hay những hình ca sĩ trần truồng phóng trên mạng.

Con người Việt Nam giữa lòng thủ đô đang định hình để trở thành những người vô tư như người máy, chỉ biết chơi đùa, cợt nhã lẫn nhau. Trừ một thiểu số quá ít còn tất cả, những người ở ngoài chính quyền và cán bộ cấp trung như đang sống theo một thỏa hiệp bất thành văn, là không động đến chuyện chính trị, đến cơ chế cầm quyền, đến những phi lý trong cuộc sống.

Con người không có quyền trăn trở về vận mệnh của dân tộc mình nữa. Sự thỏa hiệp ngầm đó do một cơ cấu lộng quyền sắp đặt, nhưng sự sắp đặt đó sẽ không tồn tại nếu không được một tầng lớp xương sống của đất nước đang ra sức bảo vệ nó. Đó là lớp cán bộ cấp trung của chế độ, cái xương sống và đầu tàu đang giữ cho guồng máy chạy êm và lâu được chừng nào hay chừng nấy.


Lê Lô

(*) Thomas, Mandy (2002). Public spaces/ public disgraces: crowds and the state in contemporary Vietnam.
Canberra:ANU.