14.07.2017

Người nhận giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba qua đời

Người nhận giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba qua đời
Các nhà dân chủ Hồng Kông tưởng niệm Lưu Hiểu Ba, trước Văn Phòng Liên Lạc của Trung Hoa lục địa. Ảnh ngày 13/07/2017.Reuters

Bị giam tù từ năm 2009, sau đó được trả tự do có điều kiện vào cuối tháng 06/2017 vì lý do sức khỏe, nhà ly khai Trung cộng  Lưu Hiểu Ba đã qua đời hôm nay, 13/07/2017, tại một bệnh viện ở Trầm Dương (Shenyang), tỉnh Liêu Ninh (Liaoning), do bị ung thư gan.


Bắc Kinh có cho hai bác sĩ nước ngoài, một từ Hoa Kỳ và một từ Đức, vào Trung Quốc thăm bệnh cho ông Lưu Hiểu Ba vào ngày 8 tháng 7 vừa qua. Lúc đó hai vị bác sĩ nước ngoài phát biểu vẫn còn kịp thời gian để đưa ông Lưu Hiểu Ba ra nước ngoài chữa chạy. 

Ông Joseph Herman (Hoa Kỳ) và Markus Buchler (Đức) đến thăm ông Lưu Hiểu Ba tại bệnh viện bệnh viện Thẩm Dương, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 8 tháng 6 năm 2017.  EyePress/ AFP

Kể từ khi tham gia vào việc soạn thảo dự án cải cách Hiến Pháp Trung cộng, giải Nobel Hòa Bình 2010 đã trở thành nhà ly khai đáng thù ghét nhất trong con mắt của Bắc Kinh.

Tên tuổi Lưu Hiểu Ba không xuất hiện trên báo chí Hoa lục kể từ ngày 08/10/2010. Tất cả các phương tiện truyền thông chính thức Trung cộng không hề nhắc đến tên ông. Hồi mùa thu năm 2010, thông báo trao giải Nobel Hòa Bình cho Lưu Hiểu Ba bị Bắc Kinh đánh giá là « xấu xa ».

Lật đổ chính quyền Nhà nước

Từng tham gia phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Thiên An Môn, bị đưa đi trại cải tạo trong thời gian 1996 – 1999, rồi bị sa thải khỏi trường đại học, nhà văn Lưu Hiểu Ba đã tiếp tục xuất bản các tác phẩm của mình thông qua ngả Hồng Kông, cho dù vẫn bị các nhân viên công an theo dõi chặt chẽ. Vào tháng 12/2008, Lưu Hiểu Ba bị bắt và bị tống giam tại một nhà tù ở phía bắc Trung Hoa với lý do « kích động lật đổ chính quyền Nhà nước ». 

Tội của ông là đã dám đòi áp dụng Hiến Pháp Trung cộng và các quyền ghi trong Hiến Pháp, và các đòi hỏi này được ghi trong một tài liệu dựa theo khuôn mẫu « Hiến Chương 77 » của nhà ly khai Tiệp Khắc Vaclav Havel.
Quả thực là Lưu Hiểu Ba đã tham gia vào việc soạn thảo « Hiến Chương 08 », ban đầu có tới 303 trí thức ký tên, sau đó có rất nhiều người khác tham gia.

Bình thường ra, người Hoa coi số 8 là số mang lại niềm may mắn. Thế nhưng, Bắc Kinh đã nổi giận với « Hiến Chương 08 » nhưng không làm nhụt chí nhà ly khai. Là người đấu tranh không mệt mỏi cho dân chủ, cực kỳ lạc quan, Lưu Hiểu Ba, lúc còn sức lực, vẫn tiếp tục chạy mỗi ngày một giờ ở trong tù, người thân của ông cho biết như vậy.

« Giết gà dọa khỉ »

Cái chết của Lưu Hiểu Ba ngày hôm nay 13/07, đánh dấu sự chấm dứt một « mùa xuân » đối với các nhà tranh đấu cho dân chủ tại Trung cộng. Được đăng tải nhân dịp một trăm năm Hiến Pháp Trung cộng và kỷ niệm 60 năm bản Tuyên bố phổ quát về nhân quyền, bản « Hiến Chương 08 » đã gây tiếng vang trong một thời gian dài. Ví dụ như vào thời điểm Thế Vận Hội Olympic Bắc Kinh, giới trí thức Trung Hoa đã nuôi hy vọng có cải cách. Thế nhưng sau đó đã có nhiều đợt trấn áp trong xã hội dân sự. Hàng chục ngàn luật sư và nhà tranh đấu cho nhân quyền đã bị bắt hoặc bị bắt buộc phải im lặng.

Trung Hoa có ngạn ngữ : « Giết gà dọa khỉ ». Trong nhiều năm trời, các luật sư của Lưu Hiểu Ba đã đòi trả tự do cho ông vì lý do sức khỏe và trị bệnh. Ngược với Đà Lai Lạt Ma, một kẻ thù khác của Bắc Kinh, Lưu Hiểu Ba chưa bao giờ lên tiếng từ trong tù.

Nhà ly khai có cùng triết lý về bất bạo động với lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, sống lưu vong tại Dharamsala, Ấn Độ. Trong phiên tòa xét xử ông năm 2009, Lưu Hiểu Ba tuyên bố : « Tôi muốn nhắc lại với cái chế độ đã tước quyền tự do của tôi là tôi không có kẻ thù, tôi không thù oán ».

Cái chết của Lưu Hiểu Ba nói lên tầm mức của sự áp bức

Phản ứng trước cái chết của Ông Lưu Hiểu Ba, 61 tuổi, khôi nguyên giải Nobel hòa bình năm 2010 trong lúc bị nhà cầm quyền Trung Quốc cầm tù và cưỡng bức vì cổ xúy chế độ dân chủ, Freedom House đưa ra một tuyên bố tại thủ đô Whasington vào ngày 13.07.2017.

Ông Michael J. Abramowitz, chủ tịch Freedom House, nói: "Cái chết của ông Lưu thể hiện một mức tồi tệ  mới trong chính sách đàn áp của nhà cầm quyền Trung cộng và hoàn toàn không để ý đến sức khoẻ và tính mạng của các tù nhân chính trị và tôn giáo ở Hoa lục.  Nhà chức trách đã cưỡng bức Ông ta trong nhà tù, từ chối những yêu cầu khẩn cấp cần được chăm sóc y tế, tiếp tục giam giữ  vợ của ông trong tù, đó là những dấu hiệu của một nhà nước độc tài toàn trị, không tôn trọng quyền của công dân và không khoan nhượng đối với những bất đồng quan điểm chính trị. Nhà nước Trung cộng làm đủ mọi cách không thương tiếc bịt miệng ông Lưu, nhưng họ không thể ngăn được hàng triệu người Trung Hoa khác tiếp tục hành động để bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người ".

Thông điệp của thế giới gửi cho ông Lưu Hiểu Ba

Sau khi có tin chính thức ông Lưu Hiểu Ba qua đời từ phía chính quyền Trung cộng, Ủy Ban Nobel Hòa Bình ra thông cáo nói rõ chính quyền Trung cộng phải chịu trách nhiệm về cái chết của tù nhân chính trị, Khôi nguyên Hòa Bình Lưu Hiểu Ba.

Bà Berit Reiss-Andersen, lãnh đạo của Ủy ban Hòa Bình Na Uy, cho rằng tù nhân Lưu Hiểu Ba không được chuyển đến một cơ sở điều trị thích hợp để chữa chạy trước khi bệnh trạng trở nên quá nặng.

Ông Thorbjorn Jagland, Chủ tịch Hội đồng Nobel ngồi kế tấm ảnh của ông Lưu Hiểu Ba trong buổi trao giải Nobel Hoà bình năm 2010 ở Oslo.  Photo by AFP

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm thứ Năm 13/7 lên tiếng về cái chết của nhà tranh đấu cho nhân quyền Trung Quốc Lưu Hiểu Ba.
Hôm nay tôi cùng với người dân ở Trung Hoa lục địa và trên khắp thế giới để tang Khôi nguyên giải Nobel hòa bình năm 2010 Lưu Hiểu Ba. Ông qua đời trong khi đang thọ án tù lâu năm chỉ vì đã lên tiếng thúc đẩy cải cách dân chủ một cách ôn hòa. Ông Lưu đã cống hiến trọn đời mình ra tranh đấu để đất nước và nhân loại được tốt đẹp hơn, theo đuổi công lý và tự do.”
Sophie Richardson, Giám đốc đặc trách Trung Hoa lục địa của Tổ chức Human Rights Watch nói:
"Ngay giữa lúc căn bệnh của Lưu Hiểu Ba trở nặng, chính phủ Trung cộng vẫn tiếp tục cách ly ông với gia đình, đồng thời không cho ông được tự do chọn cách điều trị. Sự kiêu ngạo, sự độc ác, và sự cố chấp của nhà nước Trung cộng thật sự gây sốc, nhưng sự nghiệp tranh đấu của ông Lưu cho một nước Trung Hoa cộng sản tôn trọng nhân quyền và dân chủ sẽ tiếp tục."Người đứng đầu Tổ chức Nhân quyền LHQ, Hoàng Thân Zeid bin Ra’ad Zeid al-Hussein, bày tỏ "nỗi đau buồn sâu sắc" trước cái chết của ông Lưu Hiểu Ba, nói rằng phong trào nhân quyền đã mất đi một "nhà vô địch kiên định."Ông Salil Shetty, Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói ông Lưu Hiểu Ba đã để lại một di sản vô tận cho Trung Hoa và cho cả thế giới. 
Ông Vương Đan, một trong những người lãnh đạo phong trào phản kháng dân chủ năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh, kêu gọi các chính phủ và người dân trên toàn thế giới phải lên tiếng để bà Lưu Hà, vợ của ông Lưu Hiểu Ba được rời Hoa lục, nơi bà đang bị quản thúc tại gia. Hãng thông tấn AP trích lời ông Vương viết, "Lưu Hiểu Ba, người thầy đáng kính của tôi, anh trai yêu dấu của tôi, bạn đã chịu quá nhiều khó khăn, hãy yên nghỉ.”
Thủ lĩnh phong trào dù vàng Hồng Kong, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) đăng trên trang tweeter của anh lời cam kết: “Chúng tôi sẽ tiếp bước con đường của ông, tranh đấu cho nền dân chủ của Hồng Kong và Trung Hoa lục địa.
Nghệ sĩ, nhà hoạt động nổi tiếng thế giới Ngải Vị Vị đã viết: "Hãy yên nghỉ, chúng tôi ở đây, và Lưu Hiểu Ba cũng ở đây với chúng tôi."
Nhà đấu tranh Nguyễn Chí TuyếnĐối chiếu với những nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam, ví dụ như thầy Đinh Đăng Định, thầy cũng bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt và bỏ tù. Đến lúc thầy gần chết thì người ta mới đưa ra khỏi nhà tù, về nhà một thời gian sau thì thầy chết.

Với ông Lưu Hiểu Ba thì nhà cầm quyền Trung Quốc đối xử với ông cũng chả khác gì.

Thế nhưng cái nguyện vọng cuối đời của ông ấy là ông ấy nói nếu chết thì ông ấy mong muốn được chết trên một đất nước tự do, tức là ông ấy không muốn chết trên đất nước Trung Hoa, không muốn chết trên chế độ bạo tàn của Cộng sản.”

Nhà đấu tranh Trần Bang, từ Sài Gòn: Đúng là có sự tương đồng giữ Trung Quốc và Việt Nam trong việc phản ứng với những người bất đồng chính kiến, đấu tranh cho dân chủ nhân quyền.

Nhiều nhà bất đồng chính kiến thường liên hệ rằng "nếu phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Bắc Kinh thắng lợi thì Trung Quốc đã chuyển hoá sang dân chủ như Liên Xô, Đông Âu... thì độc tài Cộng sản Việt Nam cũng đã sập."

Trung Cộng được đánh giá là một nước “không tự do” trong “báo cáo về tự do thế giới năm 2017”, “không có tự do” trong báo cáo tự do báo chí năm 2017 và không tự do trên mạng năm 2016.​

Theo tin RFA, RFI, VOA