30.11.2017

EU và Mỹ tiếp tục kêu gọi Việt Nam thả Mẹ Nấm - BBC

EU và Mỹ tiếp tục kêu gọi Việt Nam thả Mẹ Nấm


Liên minh châu Âu (EU) nhắc lại mong muốn Việt Nam thả bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh "ngay lập tức và vô điều kiện" sau phiên phúc thẩm giữ y án 10 năm tù.


Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xử bà Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) hôm 30/11, một 
ngày trước khi có Đối thoại Nhân quyền hàng năm giữa Việt Nam và EU ở Hà Nội.
Chiều 30/11, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ra thông cáo.
"Bản án này hoàn toàn trái với Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự mà Việt Nam là một bên tham gia."
"Gia đình của cô Quỳnh nên được phép tham dự phiên xét xử diễn ra trong phòng xử án, nhưng điều này đã không xảy ra."
Đại sứ Bruno Angelet cũng nói: "Việc chính quyền Việt Nam không cho phép đại diện Phái đoàn EU và các ĐSQ thành viên EU tham dự phiên toà đã đưa ra những câu hỏi về tính minh bạch trong quá tình xử án."
Ông nói EU sẽ nêu lại trường hợp Mẹ Nấm và một số người khác tại phiên họp ở Hà Nội.
Hồi cuối tháng Sáu, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên án 10 năm tù vì tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước" trong phiên sơ thẩm.
Tuy "vụ án được xét xử công khai" nhưng có ghi nhận bà Nguyễn Tuyết Lan, mẹ của bà Như Quỳnh, không được ngồi trong phòng xử mà chỉ được theo dõi diễn biến phiên tòa qua TV.
Luật sư Võ An Đôn, người bị Đoàn Luật sư Phú Yên xóa tên nên không thể tham gia bào chữa cho bà Như Quỳnh, được ghi nhận ngồi gần khu vực tòa án.

'Không tranh luận lại'

Hôm 30/11, trả lời BBC từ Tòa án Nhân dân cấp cao tỉnh Khánh Hòa, Luật sư Nguyễn Khả Thành, một trong ba luật sư còn lại tranh tụng cho Mẹ Nấm trong phiên phúc thẩm (cùng với các ông Hà Huy Sơn và Nguyễn Hà Luân), nói: "Tòa y án sơ thẩm 10 năm tù giam."
"Bản án này không nằm ngoài dự đoán của luật sư. Chúng tôi đã cố gắng bảo vệ thân chủ nhưng bản án tuyên thế nào là do Hội đồng Xét xử quyết."
"Trong phiên tòa, các luật sư đưa ra một số chứng cứ cho thấy bà Như Quỳnh vô tội nhưng có cái thì Viện Kiểm sát tranh luận yếu ớt, cái thì không tranh luận lại."
Luật sư Thành cho biết thêm: "Trước tòa, bà Như Quỳnh nói rất rạch ròi, nhận một số hành vi và nói bà chỉ thể hiện quyền công dân chứ không có ý chống lại nhà nước."
"Bà cũng nói rằng nếu xử những người nêu ý kiến bất đồng thì quê hương sẽ không được phát triển."

Hôm 30/11, thông cáo của bà Caryn McClelland, Đại biện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam gửi đến BBC viết: "Tôi quan ngại sâu sắc trước việc Tòa án Việt Nam giữ nguyên bản án 10 năm tù đối với nhà hoạt động ôn hòa, được trao giải thưởng Phụ nữ can đảm quốc tế, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn gọi là Mẹ Nấm) với cáo buộc mơ hồ "Tuyên truyền chống nhà nước."
"Tất cả mọi người đều có các quyền tự do cơ bản như bày tỏ chính kiến, hội họp và lập hội một cách ôn hòa."
"Bà Như Quỳnh là một trong sáu cá nhân, trong đó có bà Trần Thị Nga, đã bị kết án trong năm nay vì thực hiện các quyền này. Xu hướng gia tăng các vụ bắt bớ và xét xử với những bản án nặng dành cho những nhà hoạt động ôn hòa và sinh viên từ đầu năm 2016 rất đáng lo ngại."
"Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả bà Như Quỳnh cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác ngay lập tức, và cho phép tất cả cá nhân ở Việt Nam bày tỏ quan điểm của họ và hội họp một cách tự do mà không lo sợ bị trả thù."
Báo Thanh Niên cùng ngày tường thuật: "Bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của vụ án, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị xử phạt với mức án 10 năm tù là tương xứng với hành vi và hậu quả do bị cáo gây ra. Tại phiên tòa phúc thẩm, không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, giữ nguyên bản án sơ thẩm. "