24.10.2017

Vì sao Việt Nam bị EU ‘rút thẻ vàng’ đối với hải sản?



Vì sao Việt Nam bị EU ‘rút thẻ vàng’ đối với hải sản?


Một tàu đánh cá Việt Nam bị cho là đánh bắt bất hợp pháp bị lực lượng chức năng bao vây gần bãi đá ngầm Saumarez trong Khu bảo tồn biển Coral Sea của Úc. (Bộ Di trú và Bảo vệ Biên giới Úc)

Trong thông cáo báo chí ngày 23/10, Liên hiệp châu Âu (EU) cho biết đã chính thức rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam, đồng thời cảnh báo có thể cấm nhập các mặt hàng hải sản từ Việt Nam, nếu Hà Nội không “làm nhiều hơn” để giải quyết tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU).

Thông cáo dẫn lời Ủy viên EU phụ trách các vấn đề về Môi trường, Hàng hải và Thủy sản của EU, ông Karmenu Vella, nói:
“Với hành động này ngày hôm nay, chúng tôi thể hiện cam kết mạnh mẽ chống lại tình trạng đánh bắt trái phép trên toàn cầu. Chúng tôi không thể bỏ qua các tác động do hoạt động bất hợp pháp của tàu cá Việt Nam gây ra đối với hệ sinh thái biển ở Thái Bình Dương. Chúng tôi yêu cầu nhà chức trách Việt Nam đẩy mạnh cuộc chiến để chúng tôi có thể nhanh chóng đảo ngược quyết định này”.
Theo thông cáo của EU, hình thức cảnh cáo “thẻ vàng” là một trong các bước quy định trong bộ quy tắc áp dụng cho quy trình giải quyết tình trạng đánh bắt hải sản lậu được EU thông qua năm 2010. “Thẻ vàng” không đi kèm các biện pháp trừng phạt, nhằm để cho quốc gia bị cảnh cáo có thời gian “khắc phục tình hình”. “Thẻ xanh” sẽ được ban hành nếu vấn đề được giải quyết. Ngược lại, “thẻ đỏ” sẽ được đưa ra kèm theo một loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm thương mại đối với các mặt hàng hải sản của quốc gia đó.
EU ước tính trong một năm, có từ 11 triệu đến 26 triệu tấn cá Việt Nam là đánh bắt bất hợp pháp, trị giá từ 8 tỷ - 19 tỷ euro.
“Là nhà nhập khẩu cá lớn nhất thế giới, EU không muốn gặp rắc rối khi nhận các sản phẩm này vào thị trường của mình”, thông cáo nói.
EU cho biết kể từ năm 2012, EU đã có các cuộc đối thoại không chính thức với Việt Nam trước khi đưa ra quyết định rút “thẻ vàng”, nhưng Hà Nội đã không có hành động hiệu quả trong việc thể hiện cam kết chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp.
Ủy viên Karmenu Vella cho biết EU đang hỗ trợ cho Hà Nội về mặt kỹ thuật để ngăn chặn tình trạng này. Việt Nam có 6 tháng để khắc phục tình hình và EU sẽ ban hành “thẻ xanh” hay “thẻ đỏ” tùy theo hành động từ phía Việt Nam.
Chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp là một phần trong cam kết của EU nhằm đảm bảo sử dụng bền vững biển và tài nguyên đã được nêu trong chương trình nghị sự Quản lý Đại dương Quốc tế của EU.
Hồi cuối tháng trước, tại một hội nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), báo Tuổi Trẻ dẫn lời Trưởng hiệp hội cho biết “thẻ vàng” của EU “thực sự là một thiệt hại nặng nề đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU, và tiếp theo là ở nhiều thị trường quan trọng khác như Mỹ”.