01.07.2017

Từ Orange County nhìn sang Đông Á - Andrew Đỗ

„…trong cương vị giám sát viên, chúng tôi kêu gọi đồng hương, mỗi cá nhân chúng ta tùy hoàn cảnh và trường hợp làm sống lại tinh thần yêu nước của tiền nhân chúng ta bằng cách phản ảnh lời nói và nguyện vọng của chúng ta đến những thành phần lãnh đạo dân cử trong các ngành lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ. Chúng ta phải gióng lên những tiếng nói về nguy cơ của một chủ nghĩa “tân thực dân“ của nhà cầm quyền Trung cộng.“

Từ Orange County nhìn sang Đông Á

Giám Sát Viên Andrew Đỗ
Bộ Trưởng James Mattis nói chuyện tại Singapore. (Hình: sg.usembassy.gov)

So sánh với các quốc gia khác, tiểu bang California của Hoa Kỳ có tổng sản lượng kinh tế đứng hàng thứ 6 của thế giới, sau Hoa Kỳ, Trung cộng, Nhật, Đức, và Anh, nhưng cao hơn sản lượng của nhiều nước như Pháp, Nga, Ý, Ấn Độ, Canada, v.v… Về lãnh thổ, Orange County, California, với hơn 3 triệu dân cũng có nhiều ưu thế hơn 22 tiểu bang trong nước Mỹ về dân số, kinh doanh, thương mại và canh nông, nhưng nổi tiếng với người Việt chúng ta vì được gọi là “thủ đô tị nạn.”


California và Orange County vì nằm bên Thái Bình Dương có buôn bán rất nhiều với các nước Đông Á, chưa kể Trung Mỹ và Nam Mỹ, và khi nói đến Thái Bình Dương thì người Việt ở Orange County không khỏi bùi ngùi, vì vùng biển Đông Á và Việt Nam vẫn chưa có thái bình.

Mới đây, trong buổi điều trần trước một tiểu ban của Hạ Viện Hoa Kỳ, Ngoại Trưởng Rex Tillerson cho biết ông đã cảnh báo ngoại trưởng Trung cộng rằng chính sách ngoại giao hiện nay của Bắc Kinh “sẽ đưa chúng ta đến xung đột trên khu vực Thái Bình Dương.”

Qua lời nói này, chúng ta không thể coi nhẹ lời cảnh cáo của ngoại trưởng Hoa Kỳ. Ông Rex Tillerson trình bày với giới lập pháp tại Hạ Viện rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung cộng đang đi vào thời nguy hiểm. Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhận định như vậy khi được một dân biểu hỏi về nguy cơ chiến tranh giữa một cường quốc vững mạnh như Hoa Kỳ với một cường quốc mới nổi là Trung cộng. Giới nghiên cứu về lịch sử có thể coi hiện tượng chiến tranh đó là một “Chiến thắng Pyrrhic” (Pyrrhic Victory), khiến thắng bại gì thì cũng thiệt hại.

Ông Tillerson còn nhận định rằng “chúng ta không thể cản trở đà tăng trưởng của họ (Trung cộng) và phải dung hợp với thực tế ấy. Nhưng khi mức tăng trưởng kinh tế ấy lại dẫn họ tới sự bành trướng vùng ảnh hưởng và bắt đầu đe dọa an ninh của chúng ta thì nó bắt đầu phá vỡ những điều kiện khiến hai nước đã không có xung đột trong 50 năm qua.” Phát biểu này phù hợp với suy nghĩ của Tổng Thống Donald Trump là sự tăng trưởng kinh tế của Trung cộng đạt được qua những lợi dụng kinh tế và bóc lột không công bằng trong những thập niên qua.

Một giới chức đứng đầu ngành ngoại giao của Hoa Kỳ mà nhận định như vậy thì làm sao chúng ta không quan ngại? Vì Việt Nam nằm trong khu vực Thái Bình Dương đó và tiếp cận với lãnh thổ Trung cộng, có nền kinh tế đang buôn bán trong thế bất lợi với nước láng giềng nhiều tham vọng và đã ngang nhiên tước đoạt nhiều quần đảo và lãnh hải của Việt Nam. Nếu xung đột bùng nổ giữa Hoa Kỳ và Trung cộng, Việt Nam sẽ đứng ở đâu giữa hai lằn đạn?

Và người Việt chúng ta tại Hoa Kỳ, California, hay Orange County có thể làm gì?

Hiện nay, Hoa Kỳ đang là một siêu cường và có lẽ là siêu cường duy nhất sẽ giữ thế mạnh này trong nhiều thập niên nữa, trong khi các nước kia, kể cả Trung cộng hay Nga, mới chỉ là cường quốc thôi. Hoa Kỳ có những quyền lợi kinh tế và an ninh lẫn lý tưởng của các dân tộc mong muốn tự do cần được bảo vệ. Chúng ta, là quốc dân Mỹ, phải tự nhắc mình là giới dân cử cao cấp nhất của xã hội Hoa Kỳ tại hành pháp và lập pháp liên bang được bầu lên để bảo vệ những giá trị đó.

Trong lãnh vực này, họ có thể bất đồng hoặc tranh luận về những phương cách tốt nhất để hoàn thành mục tiêu, chứ mục tiêu ấy không thể dời đổi.
Khi quyền lợi an ninh và kinh tế của Hoa Kỳ bị Trung cộng đe dọa, như ông Tillerson phát biểu trước Hạ Viện, chúng ta nên theo dõi các cuộc tranh luận này. Và khi theo dõi thì vẫn không quên được số phận của nước Việt Nam chúng ta ngày nay, đang nằm trong vòng sinh sát của Bắc Kinh vì cái đảng độc tài, hèn hạ ở Hà Nội.

Ai sẽ nói ra sự thật đó cho giới lãnh đạo Hoa Kỳ nếu không là người Mỹ gốc Việt? Rồi làm sao để tiếng nói đó lan xa và có kết quả trong hệ thống lãnh đạo rất phức tạp của Hoa Kỳ? Bản thân chúng tôi là một giám sát viên Orange County rất trông đợi sự góp ý của bà con về chuyện này.

Chúng tôi không đi vào cuộc tranh luận của một số người khi nói là chính quyền của Tổng Thống Donald Trump sẽ vì quyền lợi kinh tế, hoặc vì nguy cơ khủng hoảng tại Bắc Hàn, mà thỏa hiệp với Bắc Kinh nên hy sinh các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nếu nhìn vào thực tế, qua lời nhận định của Ngoại Trưởng Rex Tillerson, hoặc Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis tại Singapore, có thể thấy thái độ cương quyết và dứt khoát của Hoa Kỳ với Trung cộng. Và quyền tự do lưu thông ngoài vùng biển Đông Nam Á, nơi có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, là một ưu tiên không thể thỏa nhượng của Hoa Kỳ. Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nên an tâm hơn qua sự khẳng định ấy của lãnh đạo Hoa Kỳ.

Chúng ta tại California cũng vậy!

Nhìn vào tương lai ngắn hạn, Tháng Mười Một này, tổng thống Hoa Kỳ có chuyến công du tại Đông Nam Á, để tham dự hai thượng đỉnh. Ông tới Phi Luật Tân vì thượng đỉnh của Hoa Kỳ với Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), và tới Việt Nam vì thượng đỉnh của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng. Không phải ngẫu nhiên mà Phi Luật Tân và Việt Nam đang có tranh chấp với Trung cộng về chủ quyền trên các quần đảo và lãnh hải. Chắc chắn là ông Donald Trump sẽ có những phát biểu về chánh sách ngoại giao của Hoa Kỳ tại khu vực đang mất thái bình này.

Nhưng chúng ta không chỉ nên theo dõi những phát biểu đó mà theo đúng quy cách dân chủ Hoa Kỳ, nên cho chính quyền biết quan điểm của mình. Đây là điều có lợi cho người Việt vì vậy trong cương vị giám sát viên, chúng tôi kêu gọi đồng hương, mỗi cá nhân chúng ta tùy hoàn cảnh và trường hợp làm sống lại tinh thần yêu nước của tiền nhân chúng ta bằng cách phản ảnh lời nói và nguyện vọng của chúng ta đến những thành phần lãnh đạo dân cử trong các ngành lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ. Chúng ta phải gióng lên những tiếng nói về nguy cơ của một chủ nghĩa “tân thực dân“ của nhà cầm quyền Trung cộng.

Nên nhớ, chúng ta có nhiều việc làm thực tiễn để lên tiếng chống lại nhà cầm quyền này chẳng hạn như tự chế trong việc mua sắm sử dụng các hàng hóa chế tạo từ Trung cộng, hạn chế việc du lịch đến Trung cộng, hãy nói cho những người láng giềng bản xứ về nguy cơ độc hại của những hàng hóa Trung cộng đang xâm lấn dần dần thị trường tiêu thụ Hoa Kỳ và tạo ra những ảnh hưởng nguy hại về lâu về dài lên những thế hệ của người dân Hoa Kỳ trong nhiều lãnh vực.


(Người Việt)