22.06.2017

Việt – Phi: Tư bản Nông hay Tư bản Đỏ đều lạc hậu, kém thịnh vượng

„Từng bước một, Việt Nam đang đi vào con đường của Phi Luật Tân, đúng hơn là trở thành một bản sao hoàn hảo nhất của Phi tại khu vực Đông Nam Á.“

Việt – Phi: Tư bản Nông hay Tư bản Đỏ đều lạc hậu, kém thịnh vượng

Anh Văn

Nhiều người Việt yêu nước khi nhìn qua Phi Luật Tân tự nhủ: Việt Nam còn tốt chán so với Pinoy, dân chủ hay tư bản chủ nghĩa không phải lúc nào cũng phù hợp. Nhưng thực tế, Việt Nam đang trở thành bản sao của Phi Luật Tân.
Trẻ em vô gia cư bao quanh các trung tâm thương mại lớn là một đặc trưng xã hội rất... Phi Luật Tân!


Tư bản Phi Luật Tân: hổ lốn

Phi Luật Tânnơi một Tổng thống có quyền đạp lên Tòa án, Quốc Hội và nhân quyền để tiến hành một chiến dịch chống ma túy tàn bạo; nơi quốc phòng bị tham nhũng đến mức,… xe tăng dùng để chống phiến quân IS phải… bọc gỗ; nơi mà khoảng cách giàu nghèo mở rộng đến mức – cạnh một 7 Eleven là những trẻ em mồ côi, xin ăn; và là nơi mà nạn kẹt xe đang diễn ra khủng khiếp.


Một bài viết của tác giả Richard Javad Heydarian trên Huffingtonpost vào năm 2016 cho hay, Phi Luật Tân Âu hóa đến mức, người bên kia bờ Đại dương tìm đến đều nhận ra bản “sao chép” này giống đến kinh ngạc với với kiến trúc; lối sống; ngôn ngữ và những trung tâm thương mại lớn, những chung cư cao cấp, những nhà bán lẻ có tiếng ở Manila, Makati.

Nhưng tất cả chỉ có thế, đằng sau nó, là sự thật tồi tệ hơn rất nhiều. Khi tăng trưởng kinh tế không đem lại sự thịnh vượng chung cho người dân, mà chỉ cung cấp cho các doanh nghiệp và các quan chức nhà nước; đất nước vẫn bị kiềm kẹp bởi một hệ quyền lực tư bản bè phái với hình thức bầu cử “nửa mùa” – chỉ làm đẹp thêm cho tầng lớp cai trị; nhà thờ mọc lên khắp nơi – đẹp đẽ, hoành tráng,… nhưng quanh nó được bao bọc bởi khu nhà chỗ chuột và chỗ em vô gia cư.

Chưa kể, Phi Luật Tân là nơi xuất khẩu… osin hàng top trong khu vực (Điều này khiến cho lượng kiều hối từ lao động Phi Luật Tân ở nước ngoài đã cùng với dịch vụ cấp thấp và các lĩnh vực đầu cơ như bất động sản trở thành xương sống của tăng trưởng kinh tế gần đây). Nhà nước Phi Luật Tân bị chi phối bởi các gia tộc giàu có. Trong khi giáo dục quốc gia đang bị tụt hậu nghiêm trọng; việc vay nợ nước ngoài đang tăng cao.

Trong bài viết, tác giả Richard Javad Heydarian cho hay, có những bất công rõ nét như lĩnh vực bất động sản Phi Luật Tân ngày càng sôi động, trong khi các không gian công cộng lại bị thu hẹp bởi sự không quan tâm từ chính quyền hay bởi chính người dân. Để bù đắp sự “căng thẳng” do cuộc sống hối hả mang lại, Nhà nước Phi Luật Tân đã giao trách nhiệm lại cho khối doanh nghiệp và họ đã dựng lên các trung tâm mua sắm để người dân… xả stress!

Tư bản đỏ Việt Nam: không khác gì!

Việt Nam không còn là một quốc gia XHCN, mà trở thành một nền chính trị - kinh tế “tư bản đỏ”. Ở một góc nhìn nào đó, có thể thấy rằng Việt Nam đang đi vào con đường của Phi Luật Tân.

Tuần vừa qua, thị trường bán lẻ nóng lên câu chuyện thương hiệu nổi tiếng H&M, Zara, 7 Eleven tràn vào Việt Nam để đáp ứng chủ nghĩa tiêu thụ đang nổi lên, nhất là giới trẻ thành thị. Việc người Việt Nam chi tiền không tiếc tay cho các thương hiệu lớn đã là một hiện tượng trong nhiều năm trở lại đây, và nó cho thấy nguồn tiền sinh ra để chi trả cho các tiện ích “xả tress” đang trở thành xu hướng dài trong tương lai. Times City - tổ hợp đô thị phức hợp tại Hà Nội được đầu tư bởi tập đoàn Vingroup có đầy đủ trường học, bệnh viện, khu mua sắm,… tọa lạc tại phường Vĩnh Tuy (Minh Khai – Hai Bà Trưng – Hà Nội), nhưng nếu bước ra khỏi khu phức hợp này, thì sẽ nhận ra đường đầy khói bụi, nhà lô nhô và tầng lớp cư dân nghèo.

Cũng như vậy, bắt đầu từ 2000, với sự xuất hiện của Phạm Nhật Vượng, đầu cơ bất động sản và địa ốc trở nên sôi động hơn. Và đến nay, hàng tá trung tâm vui chơi, trung tâm thương mại, chung cư cao cấp mang thương hiệu “Vin” đã trải dài từ Bắc chí Nam, chiếm lĩnh những khu đất vàng. Bất hợp lý nằm ở chỗ, những khu đất vàng là những nơi mà dân cư đông đúc, và khi doanh nghiệp nào đặt vị trí đã gây sức ép mạnh lên cơ sở hạ tầng giao thông, buộc nhà nước phải chi ngân sách để giải tỏa. Đúng theo phong cách lấy “ngân sách” nhằm phát triển “doanh nghiệp bất động sản”. Nhưng hơn ai hết, ông Phạm Nhật Vượng cùng với nhóm đại gia Bất động sản khác thường được lựa chọn là nhóm nhà thầu cho các khu nhà hành chính tại các tỉnh thành hoặc các công trình quốc gia. Điều đó cho thấy, sự liên kết giữa nhà nước và doanh nghiệp tư này sâu đậm đến mức nào. Tương tự như ông Vượng, ông Dương Công Minh – ông chủ giàu có và đầy bí ẩn của Him Lam và là chủ của 1 sân golf nằm sát cạnh sân bay Tân Sơn Nhất cũng có mối quan hệ thiết thân với chính quyền (hay giới quân đội) như vậy, và ông này cũng đi lên từ mối duyên “bất động sản” (một trong các yếu tố làm cho tầm nhìn quy hoạch đô thị lệch lạc, khiến hạ tầng các cơ sở đô thị lớn luôn trong tình trạng chờ…sụp).

Sài Gòn, cạnh những cao ốc hiện đại là những khu nhà ổ chuột.

So với Phi Luật Tân, Việt Nam cũng xuất hiện những gia tộc chi phối mạnh mẽ chính trị Việt Nam để tạo ra lợi nhuận. Gia tộc của Đại gia Trương Mỹ Lan gắn với tập đoàn Vạn Thịnh Phát là một trong số đó. Bất động sản trung tâm TP. Sài Gòn hầu như là tài sản chính thức của gia tộc này. Một trong số những mối làm ăn được tiết lộ trong thời gian qua liên quan đến vụ án Vinalines - khi ông Dương Chí Dũng khai ra bà Trương Mỹ Lan đã hối lộ cho lãnh đạo bộ công an cả triệu USD để mua Tân cảng! (đây cũng là lý do vì sao trong danh sách người xin thôi quốc tịch Việt Nam vào tháng 5/2014 có cả bà Trương Mỹ Lan; con gái là Trương Huệ Vân;…) Tất nhiên, gia tộc này có người là vợ của ông Bí thư thành ủy Tp. Sài Gòn - Lê Thanh Hải.

Cũng như Phi Luật Tân, tăng trưởng kinh tế Việt Nam không dựa vào phát triển kỹ nghệ trong nước, bởi các ngành từng được kỳ vọng sẽ nội địa hóa trên 50% nay đã tuyên bố… phá sản (trong đó có ngành oto). Và cũng như vậy, nguồn tiền kiều hối, với phần lớn là những người đi xuất khẩu lao động chính là động lực của tăng trưởng kinh tế. Năm 2015, lượng kiều hối lên đến 13,25 tỷ USD, đứng sau Trung cộng và Phi Luật Tân ở khu vực Đông Á- Thái Bình Dương, bằng 8% GDP quốc gia. Và một vị ĐBQH đã cho biết, đây là ‘mỏ vàng’ giúp thúc đẩy kinh tế không kém FDI. Cũng chính vì như vậy mà công tác xuất khẩu lao động được coi là trọng tâm của việc góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương. Và Việt Nam đang cạnh tranh với Phi Luật Tân trong lĩnh vực xuất khẩu… osin này!

Bầu cử giả hiệu, hạ tầng giao thông và mức độ ô nhiễm môi trường đang diễn ra nghiêm trọng. Từng bước một, Việt Nam đang đi vào con đường của Phi Luật Tân, đúng hơn là trở thành một bản sao hoàn hảo nhất của Phi tại khu vực Đông Nam Á.

Manila là hệ kinh tế - chính trị tư bản, Hà Nội là hệ kinh tế - chính trị tư bản đỏ, cả hai không hẹn mà gặp ở cùng một bài ca: Âu hóa, nhưng thịnh vượng không dành cho tất cả. Bất công, nghèo nàn, lạc hậu trở thành một dịch bệnh len lỏi vào trong xã hội ở cả hai nước.

Đúng như tác giả Richard Javad Heydarian nhận xét, “hiện đại” hay điều kiện đi tới thịnh vượng không phải là việc nói rành tiếng Anh (hay ngôn ngữ chung) nào đó, không phải trung tâm mua sắm lớn, chung cư cao cấp hay rao giảng những giá trị tự do chính trị - xã hội. Bởi đó chỉ là “biểu hiện” của sự hiện đại hóa. Cốt lõi của nó phải nằm ở cách trọng dụng nhân tài, chọn lọc văn hóa truyền thống; và thực hành một chính sách chi tiêu tiết kiệm; phát triển kỹ nghệ nội địa và một nền dân chủ cởi mở.

Điều này, cả hai quốc gia tuy xa mà gần đều không làm được.

Anh Văn (VNTB)