27.06.2017

Hồng Kông : Thất bại của «Một đất nước, hai chế độ»

Hồng Kông : Thất bại của «Một đất nước, hai chế độ»

Hoàng Chi Phong (giữa) và các bạn hô khẩu hiệu sau khi trùm vải đen lên "Hoa lan vàng", biểu tượng việc trao trả Hồng Kông để đòi dân chủ, 26/06/2017.REUTERS/Tyrone Siu

Le Monde số đề ngày hôm nay nói về « Trung cộng và Hồng Kông : Thất bại của ‘một đất nước, hai chế độ’ ». Sắp đến dịp kỷ niệm 20 năm Hồng Kông được trao trả cho Trung cộng với sự tham dự của ông Tập Cận Bình vào ngày 1/7 tới, bàn tay can thiệp của Bắc Kinh ngày càng lộ liễu. Ngày càng nhiều người dân Hồng Kông đặt câu hỏi về tương lai của đặc khu hành chính (RAS) này.


Cách đây vài tuần, luật sư Lý Trụ Minh (Martin Lee), 79 tuổi, người khai sinh ra phong trào dân chủ Hồng Kông có mặt tại Washington cùng với lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), 20 tuổi trong buổi điều trần trước Hạ Viện Hoa Kỳ. Từ Luân Đôn, thống đốc người Anh cuối cùng của Hồng Kông là ông Chris Patten, 73 tuổi, cũng tham gia. Ba khuôn mặt biểu tượng của lịch sử Hồng Kông đều bày tỏ cùng một mối quan ngại sâu sắc : quyền tự trị và nhà nước pháp quyền của Hồng Kông sẽ bị đè bẹp dưới búa liềm của Trung cộng cộng sản.

Dịp kỷ niệm 20 năm Hồng Kông được trao trả, sau 150 năm dưới quyền quản lý của Anh quốc, là thời điểm quan trọng đối với 7 triệu dân tại đây : lần đầu tiên chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình sẽ đến thăm cựu thuộc địa.

Lập luận của Đặng Tiểu Bình về thời hạn 50 năm

Theo Tuyên bố chung Anh-Trung năm 1984, Hồng Kông được duy trì hệ thống chính trị, kinh tế và tư pháp riêng cho đến năm 2047, có được « quyền tự trị ở mức độ cao » trừ ngoại giao và quân sự. Đó là công thức « Một đất nước, hai chế độ » do Đặng Tiểu Bình đưa ra. Theo các biên bản được giải mật năm 2014 về cuộc hội đàm giữa ông Đặng và thủ tướng Anh Margaret Thatcher tại Bắc Kinh ngày 19/12/1984, « bà đầm thép » cho rằng đây là « một cú bậc thầy ».

Ông Đặng giải thích với bà rằng kỳ hạn 50 năm là để Trung cộng có thời gian hiện đại hóa, sau những năm dài bị cô lập vì chủ nghĩa mao-ít. Sau đó, « Trung cộng và các nước khác có thể trở nên lệ thuộc lẫn nhau, thế nên không có lý do gì để thay đổi hệ thống ở Hồng Kông ».

Luật sư Lý Trụ Minh giải thích : « Đặng Tiểu Bình coi Hồng Kông là một mô hình tư bản chủ nghĩa ổn định và thành công, ông ta muốn Trung cộng cũng đi theo. Đó là thời kỳ Trung cộng mở cửa cho đầu tư nước ngoài ». Sự thực dụng của ông Đặng khiến những ai sợ cộng sản trở nên an tâm. « Tuyên bố chung Anh-Trung ngày 26/09/1984 đã tái lập lòng tin nơi người dân Hồng Kông, sau nhiều năm lo ngại và nhiều người đã chọn lựa di cư sang các nước khác ».

Hồng Kông : « Một đất nước, một chế độ rưỡi »

Nhưng ngày nay Hồng Kông đang lo sợ. Phe thân Hoa lục thao túng chính quyền Hồng Kông, chiếm đa số trong Quốc Hội (Legco), và Bắc Kinh toàn quyền chọn trưởng đặc khu. Một trong những điểm nóng là điều 23 Hiến Pháp (tức Basic Law, Luật căn bản) về các luật trừng phạt tội phản quốc, ly khai và tiết lộ bí mật Nhà nước. Nửa triệu người Hồng Kông đã xuống đường hôm 01/07/2003 để phản đối dự luật đầu tiên về « mưu toan lật đổ chế độ » và « sự can thiệp của các thế lực thù địch ».

Hai mươi năm sau khi trao trả, Trung cộng đã trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới, và tỉ trọng nền kinh tế Hồng Kông từ 18% chỉ còn 3% GDP. Trung cộng của Tập Cận Bình lao vào cuộc tranh giành ảnh hưởng toàn cầu, không ngần ngại tung hô mô hình toàn trị của mình. Hồng Kông với các ngân hàng lớn và các tập đoàn đa quốc gia vẫn là một tủ kính trưng bày, nhưng ông Tập muốn duy trì sự thống trị của đảng Cộng Sản, không hề có ý định cho Hồng Kông vượt thoát khỏi tầm tay mình.

Báo chí Hoa lục không bỏ lỡ một cơ hội nào để đả kích các lực lượng ly khai. Tuổi trẻ Hồng Kông, đang trong cơn sốt xác định bản sắc, bị mô tả là « ngốc nghếch và vô ơn ». Hôm 27/5 tại Bắc Kinh, ông Trương Đức Giang (Zhang Dejiang) tuyên bố việc Hồng Kông được tự trị rộng rãi « không thể được dùng làm cái cớ để chống lại chính quyền trung ương, trong bất kỳ tình huống nào ».

Cũng như những người trẻ khác cùng thế hệ, Chu Đình (Agnès Chow), 20 tuổi, một trong những lãnh đạo đảng Hương Cảng Chúng Chí (Demosisto) của Hoàng Chi Phong, nhận định : « Không còn là một đất nước, hai chế độ nữa mà một đất nước, một chế độ rưỡi ». Cô nói với Le Monde : « Chính quyền Trung cộng đã chọn thay chúng tôi, trong khi chúng tôi có quyền chọn lựa định mệnh của mình ».

Chính quyền Hồng Kông bis

Sau « cái tát » năm 2003, Bắc Kinh áp dụng chiến lược mới, một « đội ngũ cán bộ đảng » nằm trong Văn phòng liên lạc tại Hồng Kông, đã trở thành một « chính quyền Hồng Kông bis » - theo tiết lộ của một nhà nghiên cứu Trung cộng trong một cuốn sách của Trường Đảng Trung ương. Văn phòng này có đến hàng mấy chục ban bệ, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chọn lựa các ứng cử viên. Các đảng thân Bắc Kinh như đảng Dân Chủ Hiệp Tiến (DAB), một loại « đảng Cộng Sản ủy nhiệm » giựt dây các mạng lưới từ giới bình dân đến doanh nhân. Bị cấm hoạt động dưới thời Anh cai trị, đảng Cộng Sản Trung cộng đến nay vẫn không hiện diện hợp pháp tại Hồng Kông.

Trong những năm 2000, Trung cộng đã giúp vực dậy Hồng Kông sau đại dịch SARS, nhưng tuần trăng mật đã kết thúc khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Còn ông Lương Chấn Anh, được cho là đảng viên cộng sản bí mật, ngay trước khi trở thành trưởng đặc khu đã công bố ý định áp đặt chương trình « giáo dục ái quốc ». Một học sinh mới 14 tuổi là Hoàng Chi Phong đã thành lập phong trào Học Dân Tư Triều (Scholarism) để tố cáo việc « tẩy não ». Chỉ trong vài tháng, hàng mấy chục ngàn người biểu tình phản đối khiến Lương Chấn Anh phải rút lại quyết định.

Từ Cách mạng Dù vàng, đến những khuôn mặt trẻ trong Quốc Hội

Hai năm sau, trước phong trào đòi phổ thông đầu phiếu đe dọa « chiếm lĩnh Trung Hoàn »,Bắc Kinh công bố « Sách Trắng » tháng 6/2014 cứng rắn với Hồng Kông : chỉ có hai, ba ứng cử viên do Trung cộng lựa chọn mới được ứng cử. Dân chủ « theo kiểu Trung cộng » này khiến nổ ra phong trào « Cách mạng Dù vàng », làm tê liệt nhiều khu phố trung tâm Hồng Kông suốt 79 ngày – một sự kiện chưa từng thấy.

Rốt cuộc, Hồng Kông vẫn phải theo chế độ bầu cử cũ. Nhưng các đảng dân chủ vẫn giữ được quyền phủ quyết trong Quốc Hội. Trong cuộc bầu cử lập pháp tháng 9/2016, có những khuôn mặt trẻ đã vào được Legco, tuy nhiên đa số bị đe dọa sẽ bị loại vì không chịu tuyên thệ trung thành với Trung cộng.


Trước Hạ Viện Mỹ, Hoàng Chi Phong khẳng định : « Cho dù phong trào phản kháng có ra sao đi nữa, chúng tôi sẽ giành lại được nền dân chủ và tiếp tục cuộc chiến. Bởi vì thời gian là người bạn tốt nhất của chúng tôi ». Le Monde nhắc nhở, đến năm 2047, lãnh tụ sinh viên này chỉ mới có 50 tuổi.

Thụy My (RFI)