19.05.2017

Nhân ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2017 tại München

Nhân ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2017 tại München

Con Rồng cháu Tiên” luôn là câu nói tự hào trên môi của mỗi người Việt Nam dù là ở đâu. Tuy nhiên, không phải người nào  cũng biết hoặc quan tâm đến ý nghĩa của câu nói này cũng như nguồn cội cao quý của bản thân mình. Nhất là ngày nay tại nước nhà, cái thuyết vô thần của cộng sản đầu độc tâm thức người Việt với cái lịch sử đậm tính quốc tế của đảng, thì câu nói đó lại càng trở nên bị quên lãng hoặc chỉ còn chăng là câu nói đầu môi.  Đã từ lâu lắm rồi, csVN đâu còn biết chi đến cội nguồn dân tộc, chúng lặng lẽ bỏ ngày lễ các vị anh hùng lịch sử, các chương trình lễ Giỗ Quốc Tổ trên cả nước trong một giai đoạn dài.


Không những thế, với sách lược để cho văn hóa bá quyền phương bắc ngày càng lấn lướt, lan tỏa dần vào đời sống, văn hóa, giáo dục thường ngày tại Việt Nam và bỏ dần sách sử dân tộc, thế hệ Việt trẻ trong và ngoài nước ngày càng không biết gì hoặc thờ ơ với những ngày quốc lễ.  Trẻ con hôm nay có thể biết tên một diễn viên điện ảnh Trung Hoa hay thuộc sử Tàu qua các bộ phim tập, hơn là nhớ đến, biết được một danh nhân trong sử Việt. Rất nhiều người đang đặt câu hỏi rằng việc cố tình làm quên lãng nguồn cội cha ông, quên lịch sử của dân tộc Việt biết đâu là một trong những hình thức thực thi thoả ước bán tổ quốc Việt Nam  cho bọn tàu cộng phương bắc.


Làm lễ giỗ các Đức vua Hùng là tìm nhớ về nguồn gốc “Con Rồng cháu Tiên” của dân tộc Việt. Một cội nguồn dù có thể là huyền thuyết, huyền sử nhưng với người Việt mình theo dòng thời gian vẫn là những bằng chứng đích thực về sự lập quốc, giữ gìn đất nước và sự độc lập sống còn của dân tộc, lúc nào cũng mang hy vọng vươn sức mạnh, ngẩng cao đầu  bên cạnh cái bóng to lớn dữ dằn của kẻ láng giềng phương bắc.

Làm lễ giỗ các Đức vua Hùng là thể hiện ngày hội chung của toàn dân Việt. Một ngày trong năm, toàn dân Việt, từ bắc chí nam, cùng nhau hướng về đất tổ, thành kính tưởng niệm và tri ân các vị vua đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì sơn hà xã tắc xả thân giữ nước.Trong bầu không khí đó, với tinh thần đó, nên dù ngày lễ Quốc Tổ chính thức Mùng Mười Tháng Ba âm lịch đã qua đi, Cộng  Đồng Người Việt Tự Do München Bayern vẫn cố gắng thực hiện buổi lễ giỗ và bà con đồng hương München, phụ cận vẫn rủ nhau tề tựu về tham dự, lễ Tưởng niệm Quốc Tổ năm thứ 4896 vào ngày 13.05.2017 tại trụ sở Caritas München Nord.



Con cháu các vua Hùng từ mọi nơi về dự lễ;  Có cả khách từ xa xôi như Áo quốc vẫn cố gắng đến hoặc một cách tình cờ như những vị khách đến từ Hoa Kỳ. Lễ vật trịnh trọng là đây:

Hương đăng hoa quả,
rượu trà, xôi bánh,
các thức truyền thống,
bài vị cung nghinh,
lính lệ theo hầu,
dưới cờ ngũ sắc,
ban tế nghiêm trang,
nam phụ lão ấu,
khấu đầu bái lạy.
Quốc Tổ chứng chi

Chương trình bắt đầu lúc 16 giờ 30 với màn cung nghinh rước bài vị lên bàn thờ Quốc Tổ.  Sau đó là phần tế lễ theo nghi thức cổ truyền với bài Văn tế xưng tụng công đức QUỐC TỔ và những bậc Tiền Hiền có công với đất nước. Tiếp đến là nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, phút mặc niệm và phần các quan khách dâng hương trước bàn thờ Quốc Tổ.


Nghi lễ trang nghiêm, trọng thể. Văn tế trầm hùng nhắc đến tinh thần quật khởi, kiên cường của các thế hệ người Việt Nam, đánh thức truyền thống yêu nước và lòng biết ơn sâu sắc của con dân đất Việt với các vị vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước và lên án cộng sản VN chối bỏ cội nguồn, phản bội những hy sinh của tiền nhân, phụ lòng dân tộc.



Trong dịp lễ giỗ năm nay, Ban tổ chức có đưa vào phần thuyết trình hội thảo với 3 đề tài:

-         Địa lý, lãnh thổ nước Việt Nam (Văn Lang) thời lập quốc triều đại Hùng Vương.    

-          Người Việt cổ và cuộc sống lưu vong: Kinh tộc Tam Đảo trên đất Trung Hoa lục địa ngày nay;   Hậu duệ Hai Bà Trưng trên đảo Sumatra, Nam Dương?  

-         Thời sự VN:  Hiểm họa Bắc thuộc (Sự xâm lấn của Trung cộng tại Việt Nam ngày nay)


Cả ba đề tài đều mang đến sự hứng thú cho mọi người có mặt. Các bài thuyết trình không phải do những bậc thức giả, chuyên gia trình bày, mà là do tâm huyết của các thành viên Cộng Đồng Người Việt Tự Do, tìm tòi tài liệu, hình ảnh, hướng dẫn người nghe, theo dòng lịch sử, cùng nhìn lại quá khứ dựng nước oai hùng của dòng Lạc Việt. Trải qua bao thăng trầm điêu linh, nhiều phen nguy khốn vì giặc ngoại xâm phương bắc, phải bỏ bờ cõi lùi (tiến) dần về phía nam, nhưng vẫn luôn hào hùng, quật cuờng, khi cương khi nhu, lúc tiến lúc lùi, bảo vệ biên cương xã tắc  với bao dòng máu đỏ nhuộm thắm núi sông.

Bài thuyết trình và những hình ảnh về địa lý, lãnh thổ xa xưa thời lập quốc tạo cho mọi người có dịp hiểu hơn về các giá trị văn hóa, nếp sống, ngôn ngữ đặc thù của người Việt hình thành từ những ngày đầu dựng nước mà không thể lầm lẫn được với nền văn hoá của người Hán phương bắc. Chúng ta từng nghe nói rằng, từ xa xưa một dải giang sơn mênh mông từ nơi phía nam sông Dương Tử (Trường Giang) bên bờ hồ Động Đình chính là nơi các tộc dân Việt (bách Việt) sinh sống và phát triển thành một nền văn minh lúa nước rực rỡ nhưng rồi sau đó lại trở thành lãnh thổ và giang sơn của người Hán du mục. Riêng dòng Lạc Việt, sau hơn 1000 năm bắc thuộc, vẫn giữ được bản sắc và nền văn hóa Việt, cuối cùng thì giành được độc lập và trở thành Lĩnh Nam, Văn Lang, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Nam Việt và Việt Nam đến tận ngày nay. Đó là một trường hợp duy nhất mà Trung Hoa không thể Hán hóa một dân tộc bị trị được.

Chi tiết quan trọng này đã được thể hiện một cách rõ ràng hơn trong bài thuyết trình thứ hai: Hiện có một cộng đồng rất nhỏ người Kinh (Việt) sống ở vùng Quảng Tây Trung Hoa lục địa. Vùng da961t họ cư ngụ đã bị mất vào tay Trung Hoa (thời nhà Thanh) cách đây cả 500 năm mà vẫn cố gắng duy trì bản sắc văn hóa dân tộc Việt trước sức đồng hóa rất mạnh của người Hán. Họ vẫn giữ tiếng Việt (1 thứ tiếng Việt cổ), vẫn giữ nếp sống, nền văn hóa của người Việt cổ.

Về dòng Kinh Tộc Tam Đảo này, theo như người Hoa gọi tên một sắc tộc Việt cổ, hiện đang sinh sống nơi vùng 3 hòn đảo Vạn Vỹ, Vu Đầu và Sơn Tâm, mọi sách vở, tài liệu phổ biến tại Việt Nam đã viết sai:

Theo dòng lịch sử dưới mắt nhìn của nhà cầm quyền cs tay sai cho Tàu cộng thì: Hơn 500 năm trước,, vào thời Lê sơ (1511) theo những phả hệ được viết bằng chữ Nôm vẫn được lưu giữ trong đình làng, tổ tiên họ đã từ vùng Đồ Sơn (Hải Phòng, Việt Nam) đến định cư tại vùng đất tam đảo tên gọi là Trường Bình này. 100 người đầu tiên, thuộc 12 dòng họ, đã đến định cư tại đây, để rồi sau này trở thành 3 làng lớn: Vạn Vỹ, Vu Đầu và Sơn Tâm.

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu độc lập ( trong đó có ông Trương Nhân Tuấn) đã bác bỏ luận thuyết này. Theo họ tìm hiểu ra thì vùng đất này từ xưa vẫn thuộc Việt Nam, chỉ toàn người Việt Nam sinh sống ở đó. Vùng đất đó bấy giờ thuộc Đại Việt nhưng theo Công ước Pháp-Thanh ký năm 1887 giữa Pháp và nhà Thanh thì Trường Bình bị sáp nhập vào nước Trung Hoa, thuộc huyện Giang Bình. Khi Trung cộng lên nắm chính quyền thì đặt khu vực này thuộc vào thành phố Đông Hưng, khu tự trị Choang tỉnh Quảng Tây.

 Tất cả cho thấy quả thật rất có vấn đề trong định nghĩa thế nào là nguồn gốc người Việt theo như lý luận của đảng và người cộng sản, luôn sửa đổi, bóp méo sự thật.



Bài thuyết trình thứ ba đặc biệt của một vị cao niên của CĐ München đã trình bày cặn kẽ, báo động hiểm họa của sự Hán hóa từ phương bắc:

Tôi rất lấy làm đau xót khi viết bài này, khi nghĩ đến cái ngày nước Việt Nam bị xóa sổ. Tất cả đền đài lăng miếu đều bị phá hủy, dân tộc Việt Nam bị tuyệt diệt, đảng csvn dĩ nhiên cũng không còn...

Chúng ta không thể im lặng đứng nhìn tổ quốc và dân tộc bị diệt vong trong khi đất nước bị Việt gian bán đứng cho Trung cộng mà dân tộc thì bị bịt mắt, bịt miệng và trói tay…

Kính mong tất cả mọi người Việt Nam yêu nước ở quốc nội và ở hải ngoại cũng như toàn thể đảng viên csVN yêu nước cùng đứng về phía đồng bào tranh đấu để cứu đất nước và bảo vệ dân tộc.“



Xen kẽ với những bài thuyết trình là các tiết mục văn nghệ của các nghệ sĩ cây nhà lá vườn với các bài ca đấu tranh, thấm đậm tình quê hương: “Trả lại cho dân”,  „Vùng lên dân tộc tôi ơi!“,     „Mẹ Việt Nam ơi, chúng con vẫn còn đây“, „Hương sắc Việt Nam“, „Đêm trăng nhớ Sài Gòn“,  „Mẹ tôi“, Quán Trọ Trần Gian    



Trư ớc khi vào phần cuối của chương trình là ngồi lại bên nhau trong  tiết mục thảo luận thì mọi người đã tuần tự thắp nến nguyện cầu cho đất nước phú cường, sớm thoát khỏi chế độ cộng sản bạo hành, dân tộc Việt Nam lại được an bình, hạnh phúc.  Phần thảo luận, trao đổi, góp ý thật là sôi nổi của những người còn lại tuy không còn được nhiều.


Phần ẩm thực buổi lễ giỗ cũng rất phong phú và ngon mắt ngon miệng với sự tiếp tay nấu nướng đầy đủ món ăn đặc biệt của các vị  thành viên cũng thân hữu của Cộng Đồng. Đặc biệt vì là lễ giỗ Quốc Tổ nên có cả một con heo sữa quay ăn với bánh mì và bánh hỏi. Buổi cơm họp mặt trong ngày lễ giỗ tổ đã  có được một bầu không khí đại gia đình ấm cúng.

Mỗi năm lễ giỗ Hùng Vương
München mở hội, đồng hương kéo về
Ai đâu quản ngại nhiêu khê
Dặm ngàn đất khách, lời thề nước non

Người Munich 


Một số hình ảnh buổi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2017: