21.05.2017

Hiệp Định Tự Do Thương Mại TPP không có Hoa Kỳ

Hiệp Định Tự Do Thương Mại TPP không có Hoa Kỳ
Bộ trưởng kinh tế Tân Tây Lan, Todd McClay trong buổi họp báo chung bên lề cuộc họp APEC cấp bộ trưởng tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 21/05/2017.REUTERS/Hoang Dinh Nam

Trong phiên họp bên lề các hội nghị của Diễn Đàn Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương APEC tại Hà Nội, 11 thành viên còn lại trong hiệp định tự do thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP vào ngày, 19/05/2017, đang nỗ lực đàm phán về một bản tuyên bố nhằm khẳng định quyết tâm thúc đẩy thực hiện thỏa thuận này, bất chấp sự rút lui của thành viên quan trọng nhất là Hoa Kỳ.


Nhật Bản - nước đầu tiên trong nhóm - đã phê chuẩn TPP, là động lực đi đầu với nỗ lực làm « hồi sinh » bản hiệp định tự do mậu dịch này, vốn bị tân tổng thống Mỹ Donald Trump khai tử ngay sau khi nhậm chức, nhân danh chủ trương « nước Mỹ trên hết » của ông. Nhật Bản đã được Tân Tây Lan tiếp sức sau khi Wellington phê chuẩn hiệp định này.

Các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cùng đồng ý nghiên cứu các phương thức để duy trì TPP dù Hoa Kỳ quyết định rút khỏi hiệp định. Bộ trưởng Tân Tây Lan và Mễ Tây Cơ hôm nay 21/05/2017 thông báo như trên sau phiên họp Diễn đàn Hợp tác Kinh châu Á-Thái Bình Dương (APEC) cấp bộ trưởng diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam.

Bản đồ 12 nước trước đây tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương -TPPNguồn : Freemalaysiatoday.com

Phát biểu trước báo giới, bộ trưởng Thương Mại Tân Tây Lan, Todd MacClay, cho hay các thành viên còn lại trong hiệp định TPP "tập trung nghiên cứu các phương thức nhằm thúc đẩy hiệp định. Các nước này sẽ gửi đề xuất vào tháng 11 tới". Đây cũng là phát biểu của bộ trưởng Kinh Tế Mễ Tây Cơ Ildefonso Guajardo.

Một nguồn tin từ Reuters cho rằng bản tuyên bố có hai điểm chính : Một là làm sao để hiệp định sớm có hiệu lực cho khối TPP-11, mà thời điểm dự trù là vào năm 2018. Điểm thứ hai cần chú ý là tạo điều kiện để cho một nước đã ký kết thỏa thuận, nhưng sau đó rút ra, có thể quay trở lại. Điểm này được cho là nhằm để ngỏ cửa cho Hoa Kỳ trở lại vào khối nếu chính quyền Donald Trump thay đổi ý kiến.

Theo lời của trưởng đại diện Thương Mại Hoa Kỳ, Robert Lighthizer, trong một buổi họp báo khác, cũng tại Hà Nội,  thì Hoa Kỳ vẫn kiên quyết không quay lại hiệp định TPP và khẳng định "không gì có thể thay đổi được quyết định này“ .

Để có hiệu lực, hiệp định TPP phải được các nước thành viên phê chuẩn từ giờ đến tháng 03/2018. Hiện mới có Nhật Bản và Tân Tây Lan thông qua. Một trong những khó khăn hiện nay là phải thuyết phục Việt Nam và Mã Lai tiếp tục ở lại, do mục tiêu chính tham gia TPP của hai nước này là muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ.

Một khó khăn thứ hai liên quan  đến Nhật Bản và Tân Tây Lan. Cho đến nay, Nhật Bản được biết là không muốn mở cửa TPP đón Trung Quốc. Trong lúc đó, Tân Tây Lan - một nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Hoa lục địa - lại muốn lôi kéo người khổng lồ này vào TPP.


Tuy nhiên, theo nhận xét của Reuters, Trung cộng chắc chắn sẽ không muốn thấy TPP hồi sinh, kể cả khi không có Mỹ, vì thỏa thuận đó cạnh tranh với Hiệp Định Đối Tác Kinh tế Toàn Diện Khu Vực RCEP mà Bắc Kinh muốn thúc đẩy.

Theo tin RFI