10.04.2017

Vấn đề Formosa đã bị nhà nước chính trị hóa - Trương Nhân Tuấn

„Ông Trọng, ông Phúc muốn chính trị hóa vấn đề Formosa thì nhà nước sẽ đối đầu với hệ quả của đấu tranh chính trị.“

Vấn đề Formosa đã bị nhà nước chính trị hóa

Trương Nhân Tuấn

Đã một năm sự việc Formosa xả thải gây ô nhiễm nặng nề trải dài qua các tỉnh miền Trung, từ Nghệ An, Hà Tĩnh qua tới Quảng Bình, Quảng Trị, Huế... gây thiệt hai vật chất dài lâu không chỉ cho ngư dân các tỉnh này, mà còn làm cho toàn bộ sinh hoạt đánh cá,  du lịch, cũng như các hoạt động kinh tế liên hệ bị tê liệt. Người dân trắng tay, sự nghiệp mất mát, công ăn việc làm cũng mất. Trong khi sức khỏe người dân thì bị đe dọa. Nhưng điều tệ hại vẫn chưa đến. Chừng 10, 20… năm nữa, biển chết. Đất ngậm độc chất. Cá độc, cây trái cũng độc. Dự liệu sẽ có hàng triệu người sẽ phải rời bỏ quê hương đi tìm đất mới.

Dân chúng miền Trung xuống đuờng khiếu nại và đòi bồi thường xứng đáng


Nhưng cái cách giải quyết của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhận 500 triệu đô "tiền bồi thường" của Formosa rồi "khóa hồ sơ", không cho người dân khiếu nại, bất kể sự tình thế nào, đã làm cho người dân phẫn nộ.

Hàng chục cuộc biểu tình lớn nhỏ của dân chúng các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh... đã lần lượt tổ chức trong năm qua. Mục đích duy nhứt các cuộc biểu tình này là khiếu nại. Có nơi khiếu nại vì đã bị "bỏ sót" trong danh sách các vùng bị ô nhiễm. Có nơi khiếu nại vì chờ tiền bồi thường mà không thấy. Có nơi khiếu nại vì tiền bồi thường không tương xứng...

Lý do khiếu nại của dân chúng có xác đáng hay không ?

Cả làng tôi đang bình yên sinh sống bằng các nghề đánh cá, nuôi hải sản, về du lịch sinh thái... từ nhiều thế hệ nay. Bỗng nhiên một hôm xấu trời, có bọn chó đẻ từ đâu tới xả một loạt chất thải độc địa ra biển. Toàn bộ khu vực biển của 5 tỉnh miền trung, trên 200 cây số bề dài, trở thành biển độc. Cá chết nổi đầy mặt nước. Những bè cá, bè nuôi tôm... cũng chết hàng loạt. Cá, tôm, mực... còn sống sót, trở thành các loại thực phẩm có chất độc. Cả làng chúng tôi đều nhiễm độc. Nếu chất độc chưa bộc phát trong lúc này thì tiềm ẩn chờ đó vài năm sau, hay vài thế hệ sau mới phát tác.

Điều làm chúng tôi càng thêm phẫn nộ, là nhà nước đã qui chụp các tội "phản động", "phá rối trật tự, an ninh công cộng" để bắt bớ và bỏ tù chúng tôi (và con em chúng tôi).

Từ nạn nhân, của Formosa và các chính sách ngu xuẩn của chính phủ, chúng tôi trở thành những kẻ chống phá chế độ.

Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, không biết nhân danh ai và cái gì, dựa trên những dữ kiện nào, đã "ký tắt" với lãnh đạo Formosa để nhận 500 triệu đô tiền bồi thường.

Biển Việt Nam hết cá, ngư dân phải đánh trộm cá ở những biển khác và bị bắt, tàu cá bị phá hủy

Một năm qua, 500 triệu đô không nạn nhân nào thấy mặt. Nhà nước giải quyết bằng cách cho các nạn nhân vài thùng mì, vài chục ký gạo mốc meo với một số tiền mặt tương trưng. Rồi hết. Trong khi chúng tôi đến nay vẫn không ra biển đánh cá. Vì biển gần không còn cá. Mà nếu còn cũng không ăn được vì cá bị nhiễm độc. Ra biển xa, hoặc là chúng tôi không có phương tiện. Hoặc chúng tôi bị "người lạ" đánh đuổi, bắn giết.

Chúng tôi đã bị mất tất cả mọi phương tiện sinh sống.

Chúng tôi phải làm gì để duy trì sự sống, nếu không phải là đi khiếu nại, để công lý được thiết lập ?

Bao nhiêu lần dân chúng khiếu nại lên huyện, rồi huyện đá lên tỉnh. Nhưng tỉnh lại chỉ về phường. Rốt cục không ai đứng ra giải quyết.

Không một ai đưa lý do giải thích vì sao người dân không thể đi kiện Formosa lên tòa Hà Tĩnh, tòa Nghệ An.

Không một ai đưa lý do giải thích vì sao sự mất mát lớn lao và lâu dài của chúng tôi, đe dọa đến sự sống còn của chúng tôi, đến sự sống của đời con, đời cháu... lại không được sự bồi thường thỏa đáng ?

Bây giờ chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lại qui tội "phá rối trật tự, an ninh công cộng" để bắt bỏ tù chúng tôi.

Mới hôm trước, nhà nước đã qui chụp cho cậu Nguyễn Văn Hóa, là người "nhận tiền ngàn đô" để viết bài, quây clip video để khích động người dân biểu tình. Báo chí bất lương nhân dịp này cũng lên án giáo dân, những người chăn chiên... đã xúi dục người dân biểu tình chống lại chính quyền.

Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc thể hiện sự ngu xuẩn và bất tài của họ bằng cách "chính trị hóa" vấn đề gây ô nhiễm của Formosa.

Xử lý khủng hoảng không xong, ông Trọng và ông Phúc biến một vấn đề "tranh chấp dân sự" thành một vấn đề "chính trị".

Hà Tĩnh, Nghệ An được mệnh danh "cái nôi của cách mạng"

Trong cuộc "kháng chiến chống Mỹ xâm lược", người dân các tỉnh Thanh hóa, Nghệ an và Hà Tĩnh là các nơi đóng góp máu xương nhiều nhứt. Công cuộc "giải phóng miền Nam", những người dân vùng này đã lập công đầu. Màu đỏ của lá cờ hôm nay là màu máu của dân ba tỉnh. Vùng này đã được mệnh danh "cái nôi của cách mạng".

Chính trị hóa một khủng hoảng dân sự là hai ông Trọng, Phúc chơi dao hai lưỡi.

Hà Tĩnh, Nghệ An sẽ trở thành "cái nôi cách mạng". Cách mạng kỳ này là cách mạng "tả trắng thắng cờ hồng", của những người ngư dân cùng đinh nổi dậy chống tham nhũng bất công, chống độc tài bạo ngược.

Người dân biểu tình bắt đầu bước sang giai đoạn mới. Một số trương lá cờ vàng ba sọc đỏ. Lá cờ biểu tượng của chế độ quá cố Việt Nam Cộng Hòa.
Ý nghĩa lá cờ, màu vàng kế thừa nhà Nguyễn, một dãi giang sơn gấm vóc từ ải Nam Quan đến mũi Cà mau với Biển Đông đại ngàn cùng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ba sọc đỏ biểu hiện "ba miền Trung, Nam, Bắc".
Ông Trọng, ông Phúc muốn chính trị hóa vấn đề Formosa thì nhà nước sẽ đối đầu với hệ quả của đấu tranh chính trị.

Chỉ cần "cái nôi nuôi dưỡng", bất kỳ cuộc cách mạng nào cũng sẽ thành công. Vấn đề là cái giá phải trả, không phải cho Đảng Cộng sản Việt Nam, mà cho đất nước và dân tộc này.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb/nhantuan.truong, 10/04/2017