27.04.2017

Phan Thanh Giản (1796-1867): 150 Năm Nhìn Lại

Phan Thanh Giản (1796-1867): 150 Năm Nhìn Lại

Bài thuyết trình của Ts Trần Mỹ Vân trong buổi Hội thảo tại Sydney ngày 09.04.2017 vừa qua với đề tài “Phan Thanh Giản (1796-1867):   150  năm nhìn lại”

Kính chào quý vị, các Anh Chị và các bạn,

Trước tiên, xin chân thành cám ơn ban tổ chức, nhất là Giáo sư Nguyễn văn Chấn, đã cho Mỹ-Vân (MV) được hân hạnh đứng nơi đây để trình bày về Cụ Phan Thanh Giản, một nhân vật lịch sử vô cùng quan trọng của thế kỷ 19, có một không hai, khi Pháp bắt đầu chiếm đóng miền Nam Việt nam (lúc ấy gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh) bằng võ lực.



Đây cũng là duyên may cho Mỹ-Vân vì Cụ Phan Thanh Giản (PTG) là một vị tiến sĩ đầu tiên của miền Nam, một đại thần triều Nguyễn, và cũng là một danh sĩ, biết nhìn xa hiểu rộng mà mình rất khâm phục và ngưỡng mộ. Phải nói, đây là một đề tài rất đặc biệt mà Mỹ-Vân đã ấp ủ qua nhiều năm tháng, và từ khi nhận lời mời của ban tổ chức để nói, Mỹ-Vân còn thao thức, mất ngủ nữa. Ngày xưa khi còn ở Sàigòn, trong suốt 7 năm trường, Mỹ-Vân đã đi trên con đường mang tên cụ Phan Thanh Giản để đi đến trường Nữ Trung Học Gia Long thân yêu, nơi có không ít chàng trai trồng cây si lấp ló. Ôi bao kỷ niệm đẹp thời thơ ấu!

Ngày hôm nay, Mỹ-Vân có cơ hội nói lên cảm nghĩ chân thành của mình về Phan Thanh Giản , trong một hội trường trang trọng như thế nầy, nhân dịp phát hành Tập San số 11 của nhóm nghiên cứu văn hóa Đồng Nai & Cửu Long Úc châu. Quý vị quan khách ngồi dưới đây tòan là những người có tấm lòng với quê hương, lịch sử và văn hoá dân tộc.  Vì thì giờ có hạn, Mỹ-Vân không thể đi vào chi tiết thân thế, sự nghiệp và các cuộc bàn cãi, đàm phán về PTG, nên chỉ xin chú trọng vào 7 điểm sau đây:

1.      Thời điểm 1850s - 1860s vùng Đông Nam Á Châu và Việt Nam.
2.      Vua Tự Đức và Trách nhiệm được giao phó của cụ Phan Thanh Giản.
3.      Chuyến Đi Sứ sang Pháp & Cái nhìn của Phan Thanh Giản về Pháp.
4.      1867: Pháp tấn công - Cáí chết bi thương của 1 đại thần.
5.      Phản ứng đương thời: Pháp và Việt và sau đó.
6.      Phê phán của hậu thế miền Bắc - cả trăm năm sau.  
7.      Kết luận

1.Thời điểm 1850s - 1860s vùng Đông Nam Á Châu và Việt Nam:
Phần này rất, rất quan trọng nhưng nhiều người lại không quan tâm, để ý đến. Đó là thời điểm High Colonialism  và Gunboat Diplomacy  (tạm dịch Cao trào của chủ nghĩa thực dân và Ngoại Giao bằng súng đạn và tàu chiến): Các nước Âu Châu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hoà Lan, Mỹ, Anh, Pháp, sau cuộc ‘Cách mạng Kỹ Nghệ’ (Industrial Revolution) tranh giành, xâu xé lẫn nhau đi tìm thuộc địa ở Châu Á. Ba từ ‘for Gold, God and Glory’ (Vàng, Thượng Đế, Quang Vinh) nói lên và gói ghém tất cả ước vọng, lý do, lẫn ý đồ muốn xâm chiếm và làm bá chủ của họ cùng với việc truyền đạo.


Vào giữa thế kỷ 19 (thời điểm 1850s- 1860s): xin lấy Nhật và Trung Hoa làm thí dụ: Hai nước nầy đã phải cúi đầu/ quỳ gối trước sức mạnh của phương Tây.

Nhật Bổn, năm1853, phải đối phó với 4 chiến hạm đen của Mỹ, cập bến ở Edo Bay, và Commondore Perry mang thư của Tổng Thống Mỹ Fillmore, đề nghị Nhật giao thương; và xin trở lại năm sau để nhận sự trả lời của Nhật Hoàng. Khi chiến hạm ra đI, họ cho nhả khóI đen mịt mù, và nổ súng “không đạn” (bắn mã tử) lên trời ầm ỷ, làm Nhật kinh hoàng (kiểu Cow Boy Texas). Chỉ 6 tháng sau, năm 1854 Commondore Perry đã trở lại, lần nầy với 8 tàu chiến có trang bị thêm cannon (đại bác dài). Shogun vội vã ký hiệp ước giao thương vớí Mỹ, và cũng phải mở cửa cho quốc tế vào, sau gần 200 năm bế quan toả cảng.

Trung Hoa, to lớn như thế đó đã thua thê thảm trong 2 trận chiến tranh Nha  Phiến (Opium wars). Chẳng hạn trận đánh Opium war lần hai, thời khoảng 1856-1860, Anh và Pháp kết hợp nhau. Trong các trận đụng độ nẩy lửa, nhất là tại Taku, cổng chánh vào Peking, Anh Pháp từ các chiến hạm dội cannon vào thành, sau đó đổ bộ, rồi leo thang, trèo tường vào các thành lũy, vào cả cung điện Mùa hè (Summer palace) lúc ấy Hoàng Thái Hậu Từ Hi đang ở, lấy trăm ngàn báu vật. Buồn cười nhất là cáí bô (chamber pot) của Từ Hi, đẹp và lạ lắm, bằng vàng, có nấp đậy, mà còn ấm nữa, chứng tỏ bà vừa được cõng đi tháo chạy không lâu.  Một quân sĩ Anh chụp liền, lấy làm quà tặng cho Hoàng hậu Victoria. Sau trận quyết liệt này, Trung Hoa đầu hàng và phải ký thêm nhiều hiệp ước không bình đẳng (Unequal treaties) để các nước Âu Châu đi lại buôn bán, ăn ở và truyền đạo.


Sau đó, để đối phó với sự bành trướng của Anh trong vùng Đông Nam Á Châu (SE Asia), (vì Anh Quốc đã chiếm một phần Ấn Độ, Miến Điện và Mã Lai),  Pháp dồn lực lượng xâm chiếm miền Nam VN – vì đó là cửa ngõ (gateway) để vào Cao Miên, Lào và cả Thái Lan. Các tàu chiến mà Pháp đã cùng với Anh đánh Trung Hoa, lần lượt được đem xuống miền Nam để tấn công Đà Nẵng, Saigon, Gia Đinh,  Định Tường (Mỹ Tho), Biên Hòa, Vĩnh Long,v.v…  [Thái Lan nhờ tài ngoại giao của vua Mongkut và nhờ nằm giữa Việt Nam và Mã Lai, nên trở thành ‘buffer zone’ (vùng trái độn) để Pháp và Anh không đụng độ nhau].


Vì thua Pháp nên hoà Uớc năm Nhâm Tuất 1862 mới ra đời. 


2. Vua Tự Đức và Trách Nhiệm được giao phó của Phan Thanh Giản:

Trong việc đối phó với tình hình đất nước thời ấy, nhất là trước áp lực của ngoại bang, thì chỉ có vua Tự Đức, triều đình Huế, và Phan Thanh Giản.  Đây là 3 yếu tố đóng vai trò chịu trách nhiệm trước lịch sử.

Vua Tự Đức là một nhà thâm nho, lấy Tứ Thư, Ngũ Kinh làm mẫu mực; đặc biệt Vua lấy đạo hiếu làm đầu, đúng theo tinh thần Nho Giáo. Suốt 36 năm trị vì, Vua dành ngày chẵn để hầu mẹ, nghe lời dạy bảo của mẹ là Đức Từ Dụ; và ngày lẻ thì mới ngự triều. Từ thời Gia Long, nước ta xem là một chư hầu của Trung Quốc, luôn có sứ sang Tàu và nhận ấn tín của Hoàng Đế nhà Thanh. Đặc biệt vua Tự Đức nghĩ là phương Tây kém văn minh.  Giữa triều Tự Đức, trước sự áp đảo của phương Tây, nhà vua càng trông mong vua nhà Thanh giúp đỡ, nên cho đi sứ sang Tàu thường xuyên, mang nhiều báu vật để triều cống. Tốn kém hơn nữa, là việc phải bồi thường cho Pháp và Tây ban Nha theo hoà ước Nhâm Tuất ký năm 1862. Trong nước có nhiều nội loạn, dân tình khổ sở, mà Vua còn cho xây Khiêm Lăng, kiến trúc vô cùng vĩ đại khiến dân chúng phải đóng góp rất nhiều (1864-1867). Khiêm Lăng còn có tên ‘Vạn Niên, vì lẽ: Vua có 103 Vợ và thứ phi mà vẫn không có con để truyền ngôi, nên vua nghĩ là chỉ có chết mới trường cửu.  Dân tình ta thán lắm, nên có câu ca dao:"Vạn niên là vạn niên nào. Thành xây xương lính, đào hào máu dân". Còn dân miền Nam, văn chương mộc mạc hơn, thì hát “Chiều chiều bắt két nhổ lông. Két kêu bớ Tự, sao mầy bất nhân!’’ 

Nói về triều đình Huế, phần nhiều các quan không chịu nghe và thấy kịp thời những biến chuyển rung động toàn thế giới, nhất là vùng Đông Nam Á. Họ không thấy bài học của Nhật, Tháí Lan, đã khéo léo tiếp nhận Tây Phương, để tránh cảnh đao binh, tổn hại sinh mạng, tài sản, và được học hỏi thêm để tiến bộ. (Cả Cambodge đã có liên hệ mật thiết với Pháp từ năm 1863). Trong việc đối đầu với Pháp, Triều đình Huế chia làm 2 phe rõ rệt: hòa và chiến; chiến nhiều hơn, cũng có lúc vừa hòa vừa chiến. Cụ Phan thuộc nhóm hòa.

Cụ Phan Thanh Giản, đã làm quan từ đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, rồi qua Tự Đức. Cụ Phan đóng vai trò rất đăc biệt, vừa làm quan trong triều, vừa là một nhân chứng lịch sử, đi xa, thấy nhiều, hiểu rộng, và tài giỏi. Cụ lại có tính rất trung thực của người miền Nam, mà “trung ngôn thì nghịch nhĩ“, không phù hợp vớI nếp truyền thống vua chúa thời phong kiến. Cụ được vua Tự Đức ban thưởng một tấm kim khánh trên khắc 4 chữ: "Liêm, Bình, Cần, Cán’, chứng tỏ Cụ là người có tư cách như thế nào. Cụ nổi tiếng thanh liêm, đạo đức, yêu nước thương dân. Cũng vì thế cuộc đời quan lộ đã trải qua nhiều thăng trầm, cũng như chịu nhiều ganh tị.

3. Chuyến Đi Sứ sang Pháp (4/7/1863- 18/3/1864) và cái nhìn của Cụ Phan Thanh Giản:

Sau Hoà ước Nhâm Tuất (1862), vào năm 1863, để tìm cách chuộc lại 3 tỉnh Miền Đông, Vua Tự Đức cử Cụ Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp, dẫn đầu phái đoàn 63 người, trong ấy có 19 quan thần, và rất nhiều phẩm vật, để điều đình với Hoàng Đế Napoleon III. Cùng đi với Cụ có Tôn thọ Tường làm ký lục và có Trương Vĩnh Ký làm thông dịch viên.

Phái Bộ đáp tầu L'Européen qua Pháp. Cuộc hành trình dài khoảng 2 tháng, đầy gian khổ, vì sóng gió, và phải qua nhiều nước. Khi đến Toulon, đất Pháp, phái đoàn được đón tiếp trịnh trọng, có 17 súng bắn chào, và tàu chiến Pháp có treo cờ Đại Nam. Sau đó pháí bộ chuyển tàu nhỏ đến Marseilles và được thăm viếng hải cảng, cơ xưởng đóng tàu sắt, rồi tiếp tục đi xe lửa lên Paris (ngày 13/9). Chuyến hành trình từ Toulon đến Paris, cũng đủ để cụ PTG nhận xét sự phát triển đẹp đẽ, ngăn nắp và tiến bộ, từ đường xá, cầu cống, đèn nước, cơ sở, hải cảng, đến tàu khí của Pháp, khi so sánh với VN thời đó.

Để được tiếp kiến Hoàng Đế Napoleon Đệ Tam, Phái bộ phải ở nán tại Thủ Đô Paris, thêm 4 tuần nữa, ngụ trên đường Lord Byron, gần Arch de Triomphe. Và cũng được đi thăm viếng nhiều nơi như đại hí viện opéra, xưởng làm pha lê, hot air ballon.(nghĩ cũng sướng thiệt!). Suốt tháng nầy, Cụ đã nhận thấy nhiều hơn nữa, rõ ràng hơn nữa sự tiến bộ, văn minh, và phát triển của Pháp. (Hình Cụ Phan Thanh Giản mà chúng ta có được ngày hôm nay đã được chụp tại Paris là do nhiếp ảnh gia hoàng gia Philippe Potteau).



Tài liệu Pháp cho biết: “tại cung điện Tuileries lộng lẫy, nơi Pháp Hoàng cùng Hoàng hậu và quần thần, long trọng tiếp đón phái bộ, Cụ Phan Thanh Giản chấp tay cung kính lạy Napoleon 3 lạy, trước khi đọc bài diễn văn thật súc tích, có khi lấy tay chậm nước mắt, khiến Hoàng Hậu Eugenie cũng mủi lòng và nhỏ lệ.” Trong dịp nầy Napoleon có hưá sẽ trả lời trong năm sau và hy vọng việc buôn bán qua lại được tiến hành êm thắm. Dù mập mờ…nhưng phái bộ cũng tạm yên trí. Sau đó, Phái bộ đi Tây ban Nha, và về đến Saigon ngày 18 tháng 3, 1864.

Gabriel Aubaret, nhân viên ngoại giao, rất giỏi tiếng Hán và Việt, làm thông dịch viên cho Pháp, đã để lại một ấn tượng rất tốt về PTG là ‘một cụ già quắc thước, phong cách, thâm sâu’.  Còn Thiếu tá Henri Rieuneir, người đã tham chiến khắp nơi, từ Trung Hoa đến Nam Kỳ, được Thống Đốc Bonard bổ làm hướng dẫn phái bộ từ lúc đi đến lúc về, cũng khen và nể trọng PTG. 

“Phan Thanh Giản đã gần 70 tuổi; ông ăn nói nhẹ nhàng và bóng gió, dưới sắc diện tươi cười, ông được phú cho một năng lượng phi thường... suốt chuyến hải hành sóng gió vượt biển Trung Hoa tới Toulon, được hỗ trợ chỉ bằng nhiệt tình yêu nước và lòng mong muốn phục vụ cho đất nước của mình. … Trên đường đi, nhiều lần qua những cảnh thiên nhiên hùng vĩ tuyệt vời .. Ngài Chánh sứ lo âu đến ngồi cạnh chúng tôi ở phòng lái trên tầu Européne, đưa cuộc nói chuyện về mục đích của sứ mệnh của ông. ...

Sau đó chúng tôi nói chuyện về tương lai của đất nước của ông, về năng lực của người dân Việt Nam, và những lợi ích mà họ – người dân và quan lại Việt Nam – sẽ thu nhận được từ nền văn minh của chúng tôi. Hơn bất cứ đồng bào nào của ông, ông đánh giá cao giá trị của nền văn minh ấy; và ông luôn luôn kết thúc cuộc nói chuyện với những lời này: ‘Chúng ta vẫn phải chờ cho đến khi hai nước chúng ta sẽ không còn coi nhau là thù nghịch nữa.” 

Khi về lại triều đình Huế, cụ Phan Thanh Giản tấu trình Tây Hành nhật ký, tường thuật chuyến đi và những quan sát của cụ. Nhiều vị quan cười và bảo là cụ nói xạo. (Note: Tây Hành nhật ký là một tài liệu quí, vừa là bản tấu của sứ bộ lên nhà vua, vừa là một tập du ký ghi chép thật tỉ mỉ và tinh tế những chuyện mắt thấy tai nghe trong suốt cuộc hành trình. Còn hấp dẫn hơn Tây Du ký, thưa quí vị)  


Qua bài Tự Thán ngắn ngủi sau đây chúng ta thấy tâm sự của Cụ vừa ngán ngại phương Tây, vừa buồn bã, lẻ loi khi đứng giữa một triều đình yếu kém, hủ lậu, không có đầu óc thức thời, canh tân.

Tự Thán

Từ ngày đi sứ đến Tây Kinh
Thấy việc Âu Châu phải giựt mình
Kêu rú đồng ban mau thức dậy
Hết lời năn nỉ chẳng ai tin.

Còn vua Tự Đức, tuy vẫn tín nhiệm cụ, nhưng lại xem thường lợi thế khoa học kỹ thuật của Pháp. Nhà vua cho rằng Khổng giáo học như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín mới đáng sợ hơn. 

Trong khoảng thời gian 1865-1866: Việc chuộc lại 3 tỉnh miền Đông bất thành, vì nhiều nhân vật Pháp kịch liệt phản đối, nhất là các Đề Đốc, tướng lãnh đã có mặt xâm chiếm Nam Kỳ. Họ viết thẳng cho Hoàng đế Napoleon: ‘Xin đừng bán xương máu của công dân Pháp đã đổ, để phụng sự Hoàng Gia’. Còn ông Bộ Trưởng Hải Quân và Thuộc địa, Chasseloup Laubat, trong một thư cho Napoleon hăm dọa từ chức và khẳng định: ‘Việc chinh phục dứt điểm Nam Kỳ sẽ mở rộng ảnh hưởng của Pháp… và làm thông thương với Cao Miên dễ dàng ’. Hoàng đế Napoleon phải nhượng bộ.  Cũng vì thế, mọi thương thuyết giửa PTG và Aubaret bị đình chỉ. [Aubaret được gởi sang Thái Lan làm lãnh sự]. Hoà Ước Nhâm Tuất tiếp tục đựơc duy trì. Đó có nghĩa là Pháp hoàn toàn làm chủ 3 tỉnh miền Đông.

Năm 1866, cụ Phan Thanh Giản xin về hưu lúc 70 tuổi. Nhà vua không chấp nhận mà còn bổ Cụ làm Kinh Lược sứ 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Vì lo sợ, và nghĩ xa dân mình không có cách chi đối đầu với Pháp lúc ấy, và vì Pháp đã khai triển 3 tỉnh miền đông, nên cụ đã trình lên vua:   

Giờ đây người Pháp đã đến, với những phương tiện chiến tranh hùng hậu, gieo rắc nỗi khổ ải cho chúng ta. Chúng ta ở thế yếu khi chống lại họ. ..Người Pháp có những thuyền chiến khổng lồ, chở đầy binh sĩ và trang bị những khẩu đại bác rất to. Họ xâm nhập bất cứ nơi nào họ muốn, những tường thành vững chắc nhất cũng đổ sụp trước mắt họ.’”

Trong khi giao một trọng trách cho PTG đối phó với Pháp, nhà Vua không đưa ra một quyết định rõ ràng nào, mà chỉ ban ngự tửu và cho cụ PTG 4 câu sau, viết bằng tiếng Hán, đại để “Lấy trung tín làm đầu thì cọp dữ cũng phải tránh qua; con cá sấu hung bạo cũng bơi xa. Mọi người đều phải nghe theo điều nhân nghĩa”.

4. Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ và cái chết bi thương cuả 1 đại thần (1867)

Sáng ngày 20/6/1867: với 17 chiến hạm đầy trọng pháo, 1,800 thuỷ quân lục chiến, và nhiều binh sĩ trang bị đầy súng ống, Pháp kéo đến vây thành Vĩnh Long, và đưa Phan Thanh Giản tối hậu thư, bảo nạp thành để tránh xương máu. Qua một phiên họp khẩn cấp và ngắn ngủi với quan chức thành, Cụ Phan cùng Án sát Võ Doãn Thanh liền vội vã gặp Đề đốc De la Grandiere trên chiến hạm Ondine để thương lượng.  Nơi đây Cụ khẳng định: ‘Ta chỉ có quyền giữ đất chứ không có quyền giao đất’ và xin chờ lệnh của vua. Tài liệu báo cáo của PTG và Trương Văn Uyển cho triều đình cho biết rõ ràng hơn về cuộc bàn bạc giữa De la Grandiere và PTG lúc đó như là ‘’cuộc bàn bạc giữa hai ngươì điếc’. Tài liệu nầy cũng nêu lên ‘thương thuyết xong, thì tàu chiến Pháp tiến nhanh về phía bờ thành và họ nhanh nhẹn đổ bộ quân lên’. Theo lời khai của viên chỉ huy đồn Vĩnh Long: ‘Khi Phan Thanh Giản và Án sát lên tàu, thì đột nhiên thấy quan và quân Pháp đã bao vây phía trước và phía sau thành…’ Điều nầy chứng tỏ Pháp đã cố ý chiếm thành. Và thật vậy, khi cụ  Phan Thanh Giản vừa trở về đến thành thì quân Pháp cũng tiến theo bốn mặt vào thành Vĩnh Long chiếm cứ. 

Vì các quan chức trong thành chờ phái đoàn về mới có biện pháp, nên trong tình trạng nầy, nghĩ rằng đụng độ tại chỗ với Pháp đầy vũ khí tối tân là vô ích, khác nào như trứng chọi đá, chỉ làm tổn hại thêm quân lính,   cụ Phan Thanh Giản ra lệnh không cho đánh trả, nhưng có dặn kỹ: “Lá cờ tam sắc ( chỉ cờ Pháp) không thể phất phới bay trên một thành lũy ở nơi Phan Thanh Giản còn sống”. Có thể nói đây là  quyết định tối hậu của Phan Thanh Giản, một người  từng trải, đầy kinh nghiệm sống và thấy. Trong các ngày tiếp đó quân Pháp tiến tới thôn tính luôn hai thành An Giang và Hà Tiên cũng dùng mưu chước xảo quyệt tương tợ.

Ngày 4/8/1867, Cụ Phan Thanh Giản kết thúc đời mình bằng chén thuốc độc sau 17 ngày nhịn ăn mà không chết. Theo lời của Thiếu Tá Ansart và cha Marck, đã có mặt ngay lúc Phan Thanh Giản từ trần, Cụ có dặn con cháu “nên về lại làng xưa làm ruộng và đừng bao giờ nhận chức tước gì của Tây”. Trước đó Cụ quay về hướng Bắc, lạy vua và gửi lại 23 đạo sắc phong / ấn tín, áo mão lại cho triều đình. (Nghĩ đến điều nầy, chắc quí vị cũng như MV đều cảm thấy lòng mình xót xa vô hạn). 



5. Phản ứng đương thời: Pháp và Việt và sau đó:

Cái chết đau thương, cay đắng của một đại thần, đã làm De la Grandiere bàng hoàng, xúc động, dù ông Đề đốc này đã xài mưu lược để hoàn tất việc xâm chiếm miền Tây.  Ông gởi liền một lá thơ, phân ưu cùng gia đình cụ Phan Thanh Giản với lời lẽ rất chân thành, trong đó có viết một đoạn như sau:

“Le témoignage officiel de mon estime et de mon amitié que je vous addresse dans cette lettre, doit être conservé dans votre famille comme le gage des sentiments que les Français conserveront pour votre vénérable père et pour sa famille.’’ 

“ Lá thư này của tôi là để bày tỏ lòng trân trọng và thân ái của tôi đối với quý vị. Xin gia đình quý vị hãy giữ lấy đó như là lời minh chứng về những tình cảm tốt đẹp mà dân tộc Pháp sẽ giữ mãi đối với người cha đáng kính của qúy vị cũng như gia đình quý vị. “   

Dù có đầy đủ báo cáo, khẩu cung của tất cả viên quan 3 tỉnh bị mất, không  một ai cả quyết PTG dâng thành cho giặc, nhưng triều đình Huế vẫn xử Cụ Phan Thanh Giản án "trảm quyết" (nhưng vì chết nên được miễn), tước hết mọi chức hàm và cho đục bỏ tên Cụ ở bia Tiến sĩ (tháng 11-1868), chỉ với cái tội ‘không cẩn thận đề phòng để bất ngờ bị tấn công mà không dự tính trước.‘ Đìều nầy thôI cũng đủ chứng tỏ vua Tự Đức và Triều đình Huế thời ấy bất lực, bất nhân, bất công như thế nào. Mãi đến 19 năm sau (1886), Cụ Phan Thanh Giản mới được vua Đồng Khánh khôi phục nguyên hàm Hiệp tá đại học sĩ và cho khắc lại tên ở bia tiến sĩ ở Văn Miếu Huế.

Ngược lại, cũng có nhiều trí thức đương thời đã tỏ lòng thông cảm với Cụ Phan. Như nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã tỏ thái độ thương tiếc, thấu hiểu hoàn cảnh của Cụ như người đơn độc, phải đứng ra đứng mũi chịu sào, trong cơn biến lọan, mà triều đình chẳng giúp được gì, qua bài thơ sau đây:

Điếu Phan Thanh Giản

Non nước tan tành hệ bởi đâu? 
Dàu dàu mây bạc cõi Ngao Châu. 
Ba triều công cán vài hàng sớ, 
Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu. 
Ải bắc ngày trông tin nhạn vắng, 
Thành nam đêm quạnh tiếng quyên sầu. 
Minh tinh chín chữ lòng son tạc, 
Trời đất từ đây mặc gió thu.

6. Phê Phán của hậu thế miền Bắc- cả trăm năm sau

Năm 1962 - 1963, gần cả trăm năm sau, ở  miền Bắc bùng lên cuộc tranh luận về Phan Thanh Giản. Trên tạp chí Nghiên Cứu Lịch sử, số 55 tháng 10/1963, tạp chí này đã công bố bài kết luận của GS Trần Huy Liệu được xem là “anh cả sử gia”, tựa đề ‘Chúng ta đã nhất trí về việc nhận định Phan Thanh Giản’ đã lên án cụ Phan Thanh Giản như sau: " Phan trước sau vẫn rơi vào thất bại chủ nghĩa, phản lại nguyện vọng và quyền lợi tối cao của dân tộc, của nhân dân, là phạm tội "dâng thành hiến đất cho giặc". Từ đó, Trần Huy Liệu đã phủ nhận tất cả "tứ đức" của Cụ Phan như " Liêm, Bình, Cần, Cán” cùng vớí lòng yêu nước, thương dân. Trần Huy Liệu cho rằng " công đức đã bại hoại thì tứ đức còn có gì đáng kể". Đây là một phê phán vô cùng võ đoán.

Xin được nhấn mạnh ở đây để chúng ta thấy liền sự khác biệt giữa 2 miền Nam Bắc: Tại miền Nam, tức Việt Nam Cộng hòa (Republic of Vietnam) vào những năm 1960-1962, để ghi nhớ lại chuyện xưa và Phan Thanh Giản, Tây Hành Nhật Ký được dịch ra Việt ngữ lần đầu tiên, và được đăng trên tạp chí Văn Đàn. Cũng vào năm 1967, nhà xuất bản Trình Bày có phát hành cuốn sách mang tựa đề ‘Kỷ Niệm 100 năm ngày Pháp chiếm Nam Kỳ”. Các sử gia, chính trị gia miền Nam đã có cái nhin rất khách quan và trung thực, dựa vào nhiều tài liệu để mổ xẻ vấn đề, trong đó có phần phán xét Cụ Phan Thanh Giản. 

Ngay khi miền Nam bị rơi vào tay Cộng sản VN (30/4/1975) tượng Phan Thanh Giản dựng tại sân trường Trung Học Phan Thanh Giản, Cần Thơ đã bị đập bỏ. Trường cũng bị xoá tên. Tượng Cụ Phan trong Văn Thánh miếu ở Vĩnh Long bị đạn của cán bộ CSVN bắn xuyên qua tim. (Xem: Đặc san Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm, Cần Thơ, Houston, Texas, 2007, trang 23-24). Tượng bằng đồng của Cụ ở Bến Tre cũng bị phá vỡ… v.v...Buồn hơn nữa là con đường Phan Thanh Giản mà ‘ngày xưa em đi’ bị đổi ra là Điện Biên Phủ.

Dướì chế độ CS độc tài, mãi đến gần 20 năm sau, bắt đầu từ năm 1994, chỉ mới có những thảo luận đại để, để ‘Phục Hồi Danh Dự cụ PTG’. Anh T/S Huỳnh Long Vân có viết 1 bài về đề tài này, đăng trong Tập san nghiên cứu văn hóa Đồng Nai & Cửu Long số 4 (năm 2010).

Rồi mãi đến năm 2008, viện Sử học Việt Nam mới thống nhất kết luận rằng “Phan Thanh Giản là người nổi tiếng về đạo đức, có nhiều đóng góp trong lịch sử dân tộc; nên đề nghị tôn vinh ông, cho khôi phục, tôn tạo những di tích và những gì gắn liền với ông”. Đề nghị trên đã được giới có thẩm quyền chấp thuận.

7.Kết Luận:

Tóm lại, sử sách và tài liệu Pháp Việt về cụ Phan Thanh Giản  vẫn còn đó. Ai muốn nghĩ sao thì tùy họ. Xin miễn bàn nữa.  Nhưng tôi xin phép đưa ra một câu hỏi, nếu chúng ta đặt mình vào cương vị Cụ Phan Thanh Giản thời đó, chúng ta sẽ phải làm gì? Hơn nữa, liệu chúng ta có dám chọn cái chết đau thương như Cụ Phan Thanh Giản đã chọn hay không?

150 năm qua rồi, tất cả đã thuộc về dĩ vãng. Nhưng nhìn lại lịch sửCụ Phan Thanh Giản không có "dâng thành bán nước" và cũng không "phản bội tổ quốc". Trái lại Cụ Phan Thanh Giản là một nhà đại trí thức, một đại thần, đầy tứ đức của một ngươì thấm nhuần Khổng học, đầy nhân bản, nặng lòng yêu nước thương dân. Thương thay đến từng tuổi ấy đã không gặp thời gặp thế. Cụ là nạn nhân của thời cuộc gây ra bởi dã tâm sâu độc của Pháp muốn bành trướng thuộc địa ở Châu Á.

Sử gia Trần Huy Liệu đã kết án nặng nề, vô lý cụ Phan Thanh Giản.

Ngày hôm nay, trước những bằng chứng:

+ Công hàm của cố Thủ tướng Phạm văn Đồng gửi cho Chu Ân Lai (14/9/1958) công nhận chủ quyền của Trung cộng đối với 2 đảo Trường Sa – Hoàng Sa, mà sao không thấy nhà sử gia lỗi lạc Trần Huy Liệu mạnh mẽ lên tiếng kết án Cộng sản Việt Nam phản lại nguyện vọng và quyền lợi tối cao của dân tộc, của nhân dân".

+ Qua Hiệp định biên giới ký ngày 30/12/1999 và Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ (25/12/2000), Trần Đức Lương trong vai trò chủ tịch nước đã dâng thác Bản Giốc, Ải Nam Quan đầy lịch sử, và hàng trăm hải lý cho đàn anh Trung Quốc, mà sao vẫn chưa thấy đàn em Trần Huy Liệu dám kết án Cộng sản Việt Nam là phạm tội "dâng hải đảo, hiến đất đai nước nhà cho giặc’?
Một sự im lặng lạnh lùng làm nhức nhối con tim dân tộc Việt!

Một thái độ “siêu” vô cảm, coi nhẹ xương máu của tổ tiên đã dày công hy sinh để giữ từng tấc đất cho con cháu mình!

Một sự hững hờ quay lưng lại với bao người đã bỏ thây nơi Hoàng Sa, Trường Sa trong trận hải chiến khốc liệt năm 1979.

Và còn nữa, biết đến bao giờ những cái tên đường Phan Thanh Giản, trường nữ trung học Gia Long, trường Petrus Ký, Thủ đô Sàigòn, v.v... được trả lại cho dân tộc Việt Nam và cho lịch sử Việt Nam ?

Xin chân thành cám ơn quí vị.

Tiến sĩ Trần Mỹ-Vân AM


**************************
Tài Liệu Tham Khảo

A.Delvaux, l’ambassade de phan-thanh-gian en 1863 d’apres les documents francais file:///C:/Users/Tran/Downloads/26_1BAVH_Phan+Thanh+Gian+ambassadeur.pdf
Bulletin Officiel de l’Expédition de Cochinchine. 1863, pt 5, 310-313.
Châu Bản Triều Nguyễn. Tự Đức Nhị Thập Niên.
Đặc San Phan Thanh Giản & Đoàn Thi Điểm, Cần Thơ, Houston, Texas, 2007, trang 23-24.
Paulin Vial, Les Premières Années de la Cochinchine Francaise, 2 vols. Paris, 1873-1874
Phillippe Potteau data.bnf.fr/12452615/thanh_giản_phan/
Pierre Ph. Chanfreau, Phan Thị Minh Lê Phan Thanh Gian, patriote et précurseur du Vietnam modern ses dernières années, 1862-1867, Paris l'Harmattan, 2002
Pierre Daudin en collab avec Lê-Van-Phu, ’Phan-Thanh-Gian 1796-1867 et sa famille d'après quelques documents annamites’ BSEI, No,2, 1941
Phan -Khoang, Việt- Nam Pháp Thuộc Sử 1852-1945. Saigòn, 1971


Buổi Hội thảo

Phan Thanh Giản (1796-1867):   150  năm nhìn lại

do nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai & Cửu Long Úc châu tổ chức tại Sydney.

 Nguyễn Văn Chấn 

Từ 11 năm nay, hàng năm nhóm Nghiên cứu văn hóa Đồng Nai & Cửu Long Úc châu đều phát hành đều đặn tập san thường niên của nhóm, đồng thời tổ chức các buổi Hội thảo rất hữu ích cho người tham dự, vì các đề tài thuyết trình đều do các diễn giả là những người có uy tín trong lãnh vực chuyên môn trình bày.

Năm nay, ngày 9/4/2017 vừa quabuổi hội thảo về một nhân vật lịch sử Việt nam với chủ đề: “Phan Thanh Giản (1796-1867): 150 năm nhìn lại” do nhóm tổ chức tại Cabramatta Bowling & Recreation Club, nhân buổi ra mắt tập san 11, đã thành công mỹ mãn, thu hút gần 150 khách tham dự.

MC điều khiển chương trình là cô Ngọc Hân, thông tín viên đài VOA  và ông Nguyễn văn Chấn, hiện là Phó chủ bút tập san nghiên cứu văn hóa Đồng Nai & Cửu long Úc châu.

Diễn giả được mời là Tiến sĩ Trần Mỹ-Vân AM, một Giáo sư uy tín, chuyên gia Sử học và bang giao quốc tế của Đại học Nam Úc. Tiến sĩ Trần Mỹ-Vân từng nhận được nhiều huân chương cao quí cũng như bằng khen thưởng từ chính phủ Úc do những thành tích đóng góp trong lãnh vực Á châu học, đa văn hóa và phục vụ cộng đồng. 

Phần trình bày của Tiến sĩ Trần Mỹ Vân xoay quanh các điểm then chốt cần đề cập ( như bối cảnh lịch sử, trách nhiệm được giao phó, thái độ của triều đình nhà Nguyễn …) trong  việc tìm hiểu nguyên nhân vì sao Cụ Phan Thanh Giản, vị Tiến sĩ đầu tiên của miền Nam, 1 Đại thần của triều Nguyễn đã để Nam kỳ lọt vào tay Pháp, để cuối cùng phải dùng cái chết  kết liễu đời mình. Qua đó, chúng ta có thể nhận định, đánh giá cho công bằng về cuộc đời và sự nghiệp của Cụ đối với non sông, đất nước .

 Sau phần trình bày thật sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn người nghe, với nội dung vô cùng súc tích và những hình ảnh, tài liệu minh chứng rất quí giá của diễn giả , buổi hội thảo đã diễn ra hào hứng qua sự điều hợp của chủ toạ đoàn gồm Luật sư Lưu tường Quang, Tiến sĩ diễn giả Trần Mỹ-Vân và Tiến sĩ Huỳnh Long Vân. Các câu hỏi đặt ra đã được trả lời thỏa đáng.

Buôỉ hội thảo kết thúc đúng giờ trong niềm lưu luyến của người tham dự. Đây là một buổi hội thảo thành công và hữu ích.

Nhận thấy bài thuyết trình của diễn giả Tiến sĩ Trần Mỹ -Vân rất có giá trị, chúng tôi đã xin phép tác giả, được đăng lại nguyên văn dưới đây để độc giả cùng thưởng lãm.                                                                                                                                                 
 Nguyễn Văn Chấn