22.03.2017

Lệ Nến: Ngày 30/04/1975 - Cao Trần

"Trên khắp nước non này, suốt bao nhiêu năm qua, giống như má tôi, nhiều bà mẹ đã khóc. Mỗi giọt nước mắt là một bài học cho những đứa con. Mỗi giọt nước mắt làm bừng sáng một ngọn lửa trong trái tim của những đứa con. "

Lệ Nến: Ngày 30/04/1975

Cao Trần

Một tâm tư của một trong những người con có Cha là Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa sống trong ách Cộng sản sau ngày mất nước.



Hai mươi chín tháng Tư năm 1975, ba tôi đưa cả nhà xuống ở chung với nội. Các cô, chú và anh chị em tôi cũng vậy; tất cả đều về với nội. Ai nấy đều có chung một ý nghĩ: nếu chết, thì cùng chết. Nhưng thật may mắn, đại gia đình chúng tôi không ai chết cả, sau cái ngày gọi là “giải phóng” miền Nam. Dường như lý do duy nhất của việc chúng tôi được sống, giống như triệu triệu đồng bào khác, từ Quảng Trị đến Cà Mau, là để chịu cảnh đọa đày, đói khát sau cuộc “đổi đời”, là để khóc những giọt nước mắt phân ly sau ngày đất nước “thống nhất”, là để trở thành nô lệ sau khi những kẻ nhân danh “độc lập” và “tự do” để gây hấn đã “chiến thắng”.


Ngày đó, tôi còn rất nhỏ, cỡ tuổi đứa con gái tôi hiện nay. Cuộc ly tán đầu tiên mà tôi chứng kiến là hình ảnh ba tôi, tronbộ đồ đen của Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, khăn gói lên đường vô trại giam K4 (Long Khánh) để “học tập cải tạo”. Tôi không nhớ lúc đó má tôi và hai anh em tôi có khóc khi chia tay ba tôi hay không. Nhưng tôi nhớ mãi những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt má tôi một tháng sau đó, vào cái ngày bà chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn chờ ba tôi về. Ba má con chúng tôi ngồi chờ đến khuya. Và ba tôi không về. Và má tôi khóc. Và hai anh em tôi nhìn nhau ngơ ngác. Những giọt nước mắt đêm hôm đó của má tôi đã dạy cho tôi bài học đầu tiên về Cộng sản – bài học về sự dối trá.

Khi người đàn ông của gia đình bị cầm tù, thì người đàn bà phải ra đường để kiếm tiền đi thăm nuôi và kiếm miếng ăn cho những đứa con thơ dại. Vậy là má tôi đi Cần Thơ buôn gạo, mỗi tuần một chuyến, mỗi chuyến vắng nhà khoảng hai, ba ngày. Hai anh em tôi xuống ở với ông bà nội. Vào những ngày má tôi đi Cần Thơ, chiều nào, anh em tôi cũng ra đứng trước cửa nhà ngóng má tôi về, ngóng đến khi nào đường phố không còn một bóng người thì mới thôi, và vô nhà khóc ngất cho đến khi ngủ thiếp đi, giữa giọng ru khàn đục của ông nội tôi. Vậy mà có lần nọ, tôi ngóng má tôi suốt mười lăm ngày mà vẫn không thấy bà về. Tôi chỉ còn biết kêu ba, kêu má và khóc. Ông bà nội tôi cũng khóc. Má tôi, cùng với tất cả những người đi trên chuyến xe đò buôn chuyến, đã bị bắt giam ở Cần Thơ để thẩm tra, vì trên xe có mấy tờ truyền đơn, không biết của ai, kêu gọi mọi người đứng dậy chống lại bạo quyền Cộng sản. Lần này, những giọt nước mắt của chính tôi đã dạy cho tôi bài học thứ hai về Cộng sản – bài học về sự độc ác.

Sau lần đó, má tôi không dám đi buôn chuyến nữa, mà ở nhà vác chảo dầu ra ngã tư đường chiên đậu hủ để bán, sau khi đã bán hết tất cả những tài sản có thể bán được trong nhà. Được một tuần lễ, mấy “bà cán bộ hội phụ nữ” liền đến nhà làm “công tác tư tưởng” với má tôi, không cho má tôi bán đậu hủ kiểu “tư bản tư nhân” như vậy nữa, và buộc má tôi, mỗi sáng, phải khiêng bếp lò và chảo dầu đến “Tổ hợp Đậu hủ” để chiên đậu hủ, rồi giao nộp “sản phẩm” đậu hủ chiên cho “Tổ hợp”, để đổi lấy một khoản tiền công chết đói mỗi cuối tháng. Có lần, vì quá uất ức, má tôi lặng lẽ khóc. Và những giọt nước mắt của má tôi, một lần nữa, đã dạy cho tôi bài học thứ ba về Cộng sản – bài học về sự ngu dốt.

Má tôi chiên đậu hủ cho đến khi ba tôi được ra tù. Sau đó, ba má tôi làm đủ mọi nghề để nuôi anh em tôi ăn học hết trung học, rồi đại học, giữa một xã hội mà sự kỳ thị lúc nào cũng được dành sẵn cho những kẻ như chúng tôi, công dân của chế độ cũ, “ngụy dân” của chế độ mới. Đối với tôi, những giọt nước mắt của má tôi, của ông bà nội tôi, giống như những giọt lệ nến, đã rơi xuống, không phải để vùi tắt, mà để nuôi dưỡng và làm bừng lên ngọn lửa lúc nào cũng hừng cháy trong trái tim tôi.

Trên khắp nước non này, suốt bao nhiêu năm qua, giống như má tôi, nhiều bà mẹ đã khóc. Mỗi giọt nước mắt là một bài học cho những đứa con. Mỗi giọt nước mắt làm bừng sáng một ngọn lửa trong trái tim của những đứa con. Hãy khóc lên đi, hỡi những bà mẹ Việt Nam, cho trí não của những đứa con Việt Nam không còn bị tối ám trước sự lừa mị của bạo quyền Cộng sản, cho thân thể của những đứa con Việt Nam không còn run sợ trước sự cuồng bạo của bạo quyền, và cho trái tim của những đứa con Việt Nam biến thành những ngọn lửa thiêng thiêu cháy bạo quyền Cộng sản Việt Nam!

Cao Trần