05.01.2017

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 05.01.207)

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung Cộng 
(ngày 05.01.207)

Thượng đỉnh ASEAN sẽ đề cập đến tranh chấp Biển Đông
Các viên chức ASEAN trong buổi khai mạc cuộc họp bộ trưởng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thường niên lần thứ 49 tại Vientiane vào ngày 24 Tháng Bảy năm 2016.  AFP PHOTO

Những căng thẳng leo thang tại khu vực tranh chấp Biển Đông sẽ là đề tài ưu tiên được đề cập đến trong chương trình nghị sự Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Phi Luật Tân vào tháng 11 năm nay.

Thứ trưởng Ngoại giao Phi Luật Tân Enrique Manalo cho biết như vừa nêu vào hôm nay thứ Năm 5/1/2017. Ông này đồng thời cho biết tiếp tục mọi công tác liên quan xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC).


Thứ trưởng Enrique Manalo nói rằng một trong những mục tiêu chính của Phi Luật Tân năm nay trong vấn đề hợp tác với Trung cộng là nỗ lực tiến đến hình thành bộ khung cho COC vào cuối năm nay.

Khi được hỏi về việc Phi Luật Tân có đưa phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế PCA về đường đứt khúc 9 đoạn của Trung cộng tại Biển Đông hay không, thì Thứ trưởng Enrique Manalo cho rằng không cần thiết vì trong thực tế phán quyết đã hiện hữu.

Theo ông Enrique Manalo thì phán quyết đó nay là một phần của luật pháp quốc tế rồi nên không thực sự cần thiết bàn đến nữa.


Biển Đông : Cuộc hải chiến không cân sức giữa Hà Nội và Bắc Kinh

Một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung cộng đâm chìm được kéo về đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi ngày 29/05/2014.REUTERS/Stringer

Tại quần đảo Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh chiếm của Việt Nam từ năm 1974, ngư dân Việt Nam trên tuyến đầu trước những hành động hung hăng của Trung cộng: tầu bị đánh đắm, lưới đánh bắt bị cướp, thủy thủ đoàn bị hành hung, thậm chí bị giết chết. Nhưng Hà Nội phải cắn răng giảm nhẹ tình huống, do e sợ các hành động trả đũa.

Đây là nội dung bài phóng sự đề tựa « Trận thủy chiến trên Biển Đông » đăng trên tờ Libération ngày 03/01/2017. Bài phóng sự do đặc phái viên Arnaud Vaulerin và phóng viên ảnh Ben Bohane thực hiện nhân một chuyến tác nghiệp báo chí do bộ Ngoại Giao Việt Nam tổ chức.

Gương mặt chai sạm vì nắng và gió biển, giọng nghẹn ngào anh Vi, một ngư dân đảo Lý Sơn, kể lại vụ việc ngày 01/11/2016 : « Bọn chúng cướp hết mọi thứ, cắt hết cáp điện và ăng-ten, nhổ cờ Việt Nam và ném hết xuống biển, chỉ để lại cho chúng tôi đủ những gì để đi về ». Rồi anh mô tả lại cảnh bị nhóm lính Trung cộng làm nhục ra sao : từ việc bắt quỳ gối, tay chắp sau gáy, bị đánh đập, mắng chửi, cho đến bị đe dọa giết chết…

Có lẽ, không ai hiểu được cảm giác ngư dân Lý Sơn « căm ghét và chống Trung cộng đến dường nào » như lời tâm sự của ông Nguyễn Quốc Chính, chủ tịch Hiệp Hội Nghề Cá Việt Nam. Tính từ năm 2014 đến nay, con số vụ Trung cộng tấn công và hành hung các ngư dân Việt Nam ngày càng tăng : đánh chìm tầu cá (ít nhất là 18 chiếc), tịch thu lưới đánh bắt và số hải sản đánh bắt được, phá hủy các trang thiết bị như cáp điện, ăng-ten, và hành hung thô bạo ngư dân Việt…

Một điểm khác biệt lớn nữa là trong những năm gần đây, tầu của Trung cộng xuất hiện ngày một đông đảo và ngang dọc khắp vùng Biển Đông nhưng không phải là để đánh cá như lời khẳng định của anh Vi với phóng viên, nhất là kể từ khi Bắc Kinh cho  bồi đắp các rạn san hô và bãi đá ngầm thành những đảo nhân tạo.

Theo ông Nguyễn Quốc Chính, Trung cộng sử dụng một lực lượng hùng hậu không và hải quân đến trấn giữ Biển Đông : « Khi chúng tôi đến quần đảo Hoàng Sa, đầu tiên hết là các chiếc máy bay trinh sát bay lượn trên đầu chúng tôi. Hai giờ sau, mấy chiếc tầu chiến đổ ập đến. Chính những ngư dân giả này tấn công chúng tôi bằng đầu tầu bọc vỏ thép và tầu được trang bị kỹ lưỡng, đó là những dân quân biển bán vũ trang. Họ đâm thẳng vào chúng tôi, cắt lưới, bao vây chúng tôi và phá hủy tất cả khi họ lên tầu chúng tôi. Cuối cùng, họ dí súng tiểu liên vào đầu chúng tôi đe dọa những ai không muốn bị quay phim ».

Đôi khi điều tồi tệ nhất cũng đã xảy ra. Ngày 28/11/2016, một ngư dân Việt Nam đã bị bắn chết trên biển. Thế nhưng, chính quyền Việt Nam buộc phải im lặng, giảm thiếu tối đa tình hình, lo sợ một khi « chạm phải nọc ong » thì không có phương cách cứu chữa.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Libération, ông Trần Anh Sơn, sử gia và là giám đốc Viện Phát Triển Kinh Tế - Xã Hội tại Đà Nẵng khẳng định « Việt Nam có đủ bằng chứng để xác quyết chủ quyền và đã từng chuẩn bị kiện Trung cộng. Nhưng vì Việt Nam duy trì một mối quan hệ quá chặt chẽ trên phương diện hệ tư tưởng và chính quyền Hà Nội e sợ phản ứng thái quá từ Bắc Kinh, trả đũa kinh tế chẳng hạn. Việt Nam lệ thuộc quá nhiều Trung cộng ».

Nhưng sự nhẫn nhịn đó liệu sẽ kéo dài được bao lâu, khi ngư dân là những người phải hứng mũi chịu sào, những người trên tuyến đầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia như khuyến khích của nhà nước Việt Nam ? Ông André Menras, một tình nguyện viên mang hai quốc tịch Pháp-Việt, luôn sát cánh cùng với ngư dân Lý Sơn, e sợ rằng « Một ngày nào đó, một trong số họ sẽ ném trái pháo vào lính Trung cộng ».

Không được hỗ trợ mạnh về tài chính và sự bảo vệ mạnh mẽ từ chính phủ, ngư dân Việt Nam đôi khi như có cảm giác bị bỏ rơi trong cuộc thủy chiến âm thầm lặng lẽ này. Tiền bồi thường cho ngư dân quá ít ỏi (khoảng 11300 euro), không đủ mua thuyền mới và trả lương cho thủy thủ đoàn.

Không dám nêu đích danh Trung cộng, tuần duyên Việt Nam khẳng định đã làm hết mọi khả năng bảo vệ ngư dân trước những " thách thức do các tầu "nước ngoài" gây ra, những chiếc tầu vi phạm luật quốc tế và đến xâm phạm lãnh hải Việt Nam ». Đối với họ, « ngư dân là những người lính biển, họ phải bám biển để khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất nước ».

« Châu chấu đá voi »

Nhưng với chỉ có 20 chiếc tầu chiến, tuần duyên Việt Nam phải vất vả bao quát cả một vùng biển rộng lớn từ Hoàng Sa cho đến Trường Sa. Theo thuyền trưởng Ngô Công Quý, «Để đảm bảo nhiệm vụ, chúng tôi cần ít nhất là 60 chiếc tầu. Ngư dân có lý khi chỉ trích việc chúng tôi thiếu thốn các phương tiện. Khi xảy ra sự cố trên biển, chúng tôi điều hai tầu chiến và phải đối mặt với 35 chiếc tầu dân quân biển Trung cộng ». Với một hạm đội như thế, rõ ràng Bắc Kinh đã bỏ xa Hà Nội trong cuộc thủy chiến không chút thương tiếc này, bài viết kết luận.

 Minh Anh (RFI)


Tàu sân bay TC thị uy ở Biển Đông, hàng không mẫu hạm Mỹ vắng mặt trên biển
Một chiến đấu cơ J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh (Liaoning), Biển Đông, ngày 02/01/2017.Ảnh : REUTERS/Stringer

Trong những ngày đầu năm 2017, Trung cộng đã phô trương đợt tập huấn trên Biển Đông của chiếc tàu sân bay Liêu Ninh (Liaoning), với bài tập quan trọng nhất là cho chiến đấu cơ sử dụng con tàu làm cơ sở hạ cánh và cất cánh. Theo các chuyên gia phân tích, nhóm tác chiến của tàu sân bay Trung cộng còn lâu mới đạt được trình độ điêu luyện của hạm đội hàng không mẫu hạm Mỹ. Có điều là không biết có phải là trùng hợp ngẫu nhiên hay không mà đúng vào lúc Bắc Kinh mang tàu sân bay ra thị uy với các láng giềng, thì các hàng không mẫu hạm Mỹ đều vắng bóng trên đại dương.

Cuộc diễn tập cất cánh và hạ cánh của phi đội chiến đấu cơ J-15 trên chiếc Liêu Ninh ngày 02/01 vừa qua tại một địa điểm không xác định ngoài Biển Đông đã được guồng máy tuyên truyền Trung cộng hết lời ca ngợi khi nhấn mạnh rằng : « So sánh với các vùng biển khác như Bột Hải, Hoàng Hải và Đông Hải (Biển Hoa Đông) thì Nam Hải (tức Biển Đông) là nơi có điều kiện khó khăn hơn ».

Yêu tố quan trọng nhất được các chuyên gia quân sự ghi nhận là chiếc Liêu Ninh đã thành công trong việc tiến ra đại dương : Ngày 25/12/2016 vừa qua, lần đầu tiên con tàu đã vượt qua chuỗi đảo thứ nhất, băng qua eo biển Miyako cắt ngang Nhật Bản để ra Tây Thái Bình Dương, từ đó đi xuống phía nam, rẽ qua eo biển Ba Sĩ (Bashi) sát Đài Loan để vào Biển Đông.

Chuyến hải hành suôn sẻ này cho thấy là về mặt động cơ, chiếc Liêu Ninh đã khắc phục được các điểm yếu kém của loại tàu sân bay Nga cùng loại như chiếc Đô Đốc Kouznetsov, mà vận tốc không thể vượt quá 18 hải lý/giờ, để hệ thống máy tàu không bị quá tải.

Về mặt năng lực tác chiến, theo các chuyên gia, với các « bài tập cuối khóa » lần này, Trung cộng đã thành công trong việc biến một tàu sân bay huấn luyện thành một phương tiện tấn công, cho dù hỏa lực cũng như kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Trước đó, khi còn ở Bột Hải, chiếc tàu cũng lần đầu tiên tập trận bắn đạn thật, kèm theo các bài khóa như không đối không, không đối hạm, hạm đối hạm.

Ngay từ ngày 15/11 năm ngoái, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng chiếc tàu sân bay duy nhất của họ đã sẵn sàng chiến đấu.

Hãng truyền thông Mỹ Fox News ngày 30/12/2016 đã nêu bật một sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng : Đó là vào lúc Bắc Kinh « khoe » tàu sân bay, thì cường quốc Hải Quân số một hành tinh là Mỹ, lại không có bất kỳ một hàng không mẫu hạm nào đang hoạt động, điều được hãng Fox News ghi nhận là chưa từng thấy từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay.

Theo nguồn tin trên, chiếc USS Dwight D. Eisenhower chịu trách nhiệm vùng Trung Đông chẳng hạn, đã quay trở lại cảng Norfolk (bang Virginia) ngày 30/12, nhưng không có chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ nào khác thay thế. Còn tại châu Á, phải chờ đến cuối tháng Giêng này thì chiếc USS Carl Vinson mới trở lại nhận nhiệm vụ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương.

Đối với các chuyên gia phân tích, trong bối cảnh hàng không mẫu hạm luôn được xem là biểu tượng của sức mạnh Mỹ, với khả năng chuyển lực lượng hùng hậu đến mọi chiến trường một cách nhanh chóng, việc không một chiếc tàu sân bay Mỹ nào đảm trách một chiến dịch nào đó trên đại dương đã làm dấy lên những suy nghĩ không hay về sự « suy yếu » của tiềm lực quân sự Hoa Kỳ.

Tại châu Á, điều đó đã bắn đi một tín hiệu xấu về phía các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực, vốn kỳ vọng rất nhiều vào Washington để ngăn chặn đà bành trướng của Bắc Kinh.

Trọng Nghĩa (RFI)


Biển Đông sôi động ngay trong những ngày đầu năm 2017
Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung cộng đưa vũ khí ra Trường Sa hôm 29/11/2016.  Courtesy of amti.csis.org

Cả 3 cường quốc trên thế giới là Hoa Kỳ, Nga và Trung cộng đều có các hoạt động và kế hoạch quân sự tại Biển Đông, khiến cho tình hình tại vùng biển nhiều tranh chấp này trở nên sôi động ngay trong những ngày đầu năm 2017.

Trung cộng tập trận qui mô

Quân đội Trung cộng hôm 2/1/2017 lên tiếng xác nhận tàu sân bay Liêu Ninh của nước này lần đầu tiên tiến hành cuộc tập trận tại khu vực Biển Đông cùng với các chiến đấu cơ và các loại tàu chiến khác.

Bộ Quốc Phòng Trung cộng cho biết hồi chiều thứ Hai rằng một số chiến đấu cơ J-15 đã cất và hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh vào cùng ngày.
Việc xác nhận như vừa nêu được đưa ra vào chiều tối hôm qua, chỉ vài ngày sau khi Bộ Quốc Phòng Đài Loan lên tiếng rằng tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên và duy nhất của Trung cộng và 5 tàu chiến khác đã di chuyển vào khu vực Biển Đông hồi tuần trước, băng qua vùng biển phía Nam của Đài Loan, nơi đảo quốc này triển khai các chiến đấu cơ để giám sát hạm đội.

Trung cộng gọi cuộc diễn tập vừa nêu là một phần trong chương trình diễn tập trên biển.

Tuy nhiên cuộc diễn tập này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc cũng như khiến các quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, thêm phần quan ngại.

Nga lên kế hoạch tập trận với nhiều nước

Sau khi Trung cộng lên tiếng xác nhận lần đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh tiến hành cuộc tập trận tại Biển Đông, Nga hôm nay thông báo đang lên kế hoạch tổ chức tập trận chung với Phi Luật Tân, khi mà 2 tàu chiến của Nga đến thăm Manila.

Bản đồ hình lưỡi bò do Trung cộng tự công bố nhằm chiếm trọn biền Đông. AFP

Hãng thông tấn AFP dẫn lời Phó Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga, Chuẩn Đô đốc Eduard Mikhailov về thông tin vừa nêu, cho biết thêm đôi bên sẽ thảo luận về vấn đề này và mục tiêu của hoạt động tập trận chung giữa hải quân đôi bên là nhằm tập trung vào hai mối quan ngại an ninh hàng đầu trong khu vực là cướp biển và khủng bố.

Chuẩn Đô đốc Eduard Mikhailov nói thêm rằng Nga có khả năng sẽ tập trận chung với Trung cộng và Malaysia ở khu vực Biển Đông. Ông này cho báo giới biết Nga đã tiến hành tập trận chung với hải quân Indonesia rồi.
Chuyến thăm của hai tàu hải quân Nga đến Phi Luật Tân kéo dài trong 4 ngày.

Hoa Kỳ có thể khai triển vũ khí hạng nặng ở Biển Đông

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Scott H. Swift.  AFP photo

Các chiến lược gia, giới hoạch định chính sách cũng như quan chức quân đội cao cấp của Hoa Kỳ được cho biết đang xem xét cách thức triển khai những loại vũ khí của nước này tại những nơi khác nhau trên thế giới, trong đó có khu vực Biển Đông.

Mạng báo National Interest loan tin này hôm đầu năm 2017 cho rằng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung cộng vừa mang tính cạnh tranh vừa hợp tác rất phức tạp; và động thái gần đây của Bắc Kinh cho bố trí hệ thống tên lửa phòng không tại những đảo nhân tạo ở Biển Đông gây gia tăng căng thẳng buộc phía quốc phòng Hoa Kỳ phải xem xét đến những giải pháp khác nhau.
Dù chưa có những quyết định nào đưa ra vào lúc này, nhưng biện pháp bố trí vũ khí ở Biển Đông vẫn được xem xét.

Giới chức quốc phòng Hoa Kỳ công khai nhắc lại Washington tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải; tức cho tàu đi vào khu vực 12 hải lý của những đảo đá mà Trung cộng chiếm đóng. Ngoài hoạt động này thì Hoa Kỳ hoàn toàn có thể tìm cách bố trí thêm những vũ khí phòng vệ và phản công tại khu vực Biển Đông.


Tin (RFI, RFA)