26.01.2017

Hiện tượng không cờ ở Đức - BS.Trần Văn Tích

„Tập thể người Việt Nam đang sinh sống tại Đức là một tập thể táp nham, tập thể đó có những nhóm người thuộc nhiều loại, thuộc nhiều thứ và phần lớn các nhóm này ít có giá trị hay không có giá trị…

Tại Đức thoạt đầu phe quốc gia – gồm người tỵ nạn cộng sản – chiếm thượng phong nhưng đến hôm nay thì phe Việt cộng có vẻ chiếm thượng phong, ít nhất là nếu chỉ nhìn vào nhân số.“

Hiện tượng không cờ ở Đức

BS.Trần Văn Tích 


Trên internet có người viết bài nêu chi tiết là ca sĩ tép riu sang hát ở Virginia, Hoa Kỳ thì gặp lôi thôi to nhưng sang Đức hát ở München, Stuttgart, Frankfurt, Berlin thì không sao cả. Một mặt tác giả gọi München là Munich, mặt khác tác giả liệt kê thiếu Köln (nếu nêu tên, chắc tác giả sẽ gọi là Cologne!) nên người đọc biết ngay là đương sự không ở Đức và vì không ở Đức nên đương sự mới có nhận thức sai lầm. Thực ra Đức khác, Mỹ khác. 

Không thể bảo tại sao ở Đức không gặp chống đối còn ở Mỹ thì bị rắc rối để rồi gây ấn tượng là người Việt tỵ nạn cộng sản ở Mỹ hẹp hòi, cố chấp, quá khích, cuồng tín còn người Việt tỵ nạn cộng sản ở Đức thì hiểu biết, khoan dung, đại lượng, khoáng đạt.


Tập thể người Việt Nam đang sinh sống tại Đức là một tập thể táp nham, tập thể đó có những nhóm người thuộc nhiều loại, thuộc nhiều thứ và phần lớn các nhóm này ít có giá trị hay không có giá trị. Tinh thần bầy đoàn qui tụ một đám người cùng lập trường, cùng thị hiếu, thỉnh thoảng tập hợp lại với nhau tại một địa điểm sinh hoạt nào đó.

Ở Stuttgart chẳng hạn, có hai ba người đứng ra thành lập một cái diễn đàn để mời các ông Bùi Tín, Nguyễn Quang A, Đoàn Viết Hoạt tới nói chuyện. Tôi có quen biết chư vị này. Ở Köln có người lâu lâu lại tổ chức trình diễn văn nghệ với những ca sĩ nhạc sĩ chủ trương không công nhận cờ vàng cũng chẳng chịu theo cờ đỏ. Anh bạn này từng đến chơi tôi. Những buổi sinh hoạt như vậy thường không được đông đảo khán thính giả hưởng ứng.

Sở dĩ có tình trạng như thế là vì khác với bên Mỹ, bên Đức này cộng đồng người Việt Nam là một cộng đồng xôi đậu. Người Việt Nam sinh sống ở hải ngoại chia thành hai phe, phe quốc gia và phe cộng sản. Tại Hoa Kỳ, phe quốc gia chiếm thượng phong. Tại Ba Lan, tại Tiệp Khắc, phe cộng sản chiếm thượng phong. Tại Canada, tại Pháp, phe quốc gia và phe cộng sản có vẻ bên tám lạng người nửa cân. Tại Đức thoạt đầu phe quốc gia – gồm người tỵ nạn cộng sản – chiếm thượng phong nhưng đến hôm nay thì phe Việt cộng có vẻ chiếm thượng phong, ít nhất là nếu chỉ nhìn vào nhân số. Lý do vì người tỵ nạn Việt Nam chỉ được Đức tiếp nhận trong một thời gian nhất định và theo một qui số định trước còn số người thuộc phe cộng sản, phe thiên cộng, phe thân cộng thì càng ngày càng tăng thêm do các thành phần thợ khách, du học, đi chui, lấy vợ lấy chồng gốc người Việt Đông Âu v.v.. Các chợ do người Việt Đông Âu thành lập theo kiểu Chợ Đồng Xuân ở Berlin kinh doanh rất phồn thịnh. Ở Dresden, ở Leipzig – cả ba thành phố Berlin, Dresden, Leipzig đều nằm trên lãnh thổ Đông Đức cũ – cũng có các chợ tương tự rất lớn.

Những cán bộ ngoại giao cao cấp của Việt cộng, một là gã Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hoà Liên bang Đức và hai là gã Tổng lãnh sự nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Frankfurt am Main đều ngày đêm tìm trăm phương ngàn kế mở rộng phạm vi hoạt động của ViXi theo đúng tinh thần Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị cộng đảng Việt Nam. Tổ chức do Đại sứ quán Việt cộng lãnh đạo và tự nhận là thay mặt cho toàn thể người Việt tại Đức qua danh xưng Hội Liên Hiệp Người Việt toàn Liên bang Đức (!) được thành lập ngày 22.10.2011 và đã từng nhiều lần trực tiếp nhận chỉ thị từ Đại sứ quán ViXi ở Berlin. Những thiết chế như Hội Hữu nghị Việt Nam-Đức, Quỹ Rosa Luxemburg hoạt động đều khắp tại Đức.

Trong những buổi sinh hoạt đấu tranh chống cộng, đương nhiên tập thể người Việt tỵ nạn cộng sản đều sử dụng quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà và đồng ca bài Tiếng gọi Công dân; cònnếu có sự hiện diện của quan khách Đức thì có thêm quốc kỳ và quốc ca Đức. Khi tổ chức hội họp mang tính chất văn hoá, xã hội, tôn giáo thì người Việt tỵ nạn có thể không giương cao cờ vàng và không hát quốc ca. Cụ thể như vào dịp Tết Đinh Dậu này, cộng đồng Việt Nam tại Bonn tổ chức Tết nhưng không có quốc kỳ quốc ca (mặc dầu nhóm tổ chức vẫn tự xưng là “nhóm người Việt tỵ nạn tại Bonn“). Trong khi đó thì Köln – cách Bonn lối ba mươi cây số – năm nào tổ chức Tết cũng có treo nhiều lá đại kỳ nền vàng ba sọc đỏ.

Trong thực tế, nhiều buổi sinh hoạt của người Việt tại Đức không trang trí cờ vàng ba sọc đỏ lại càng không có cờ đỏ sao vàng. Nhóm Stuttgart hay nhóm Frankfurt1 chẳng hạn. Có dịp là họ tụ tập nhau lại để nghe một người thuyết trình hay xem một buổi trình diễn; thậm chí họ còn tổ chức biểu tình không cờ chỉ có bản đồ chữ S còn tại Hamburg thì có biểu tình với cả hai lá cờ, cờ vàng và cờ máu.

Cũng vì ở Đức tập quán tránh treo cờ đã thành nếp trong đời sống xã hội tại một vài nơi và vào một đôi dịp trong cộng đồng người Việt nên khi Ông Nguyễn Quốc Khải sang khu vực phía đông Berlin nói chuyện với đám sinh viên du học thì trong hội trường mới không có lá cờ nào.

Tôi không muốn nói nhiều về thành phần thân cộng hay theo cộng tham gia các buổi gặp mặt đồng hương ở Đức mà không có cờ nhưng tôi muốn nói nhiều hơn về thành phần các cựu sinh viên du học cũdo chế độ quốc gia gửi sang Đức trước năm 75. Trong số họ có những người từng sử dụng cờ vàng khi biểu tình, tuyệt thực chống cộng sản2. Đã từng sử dụng quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà chống độc tài đảng trị, nay thành phần này thay đổi nhận thức, không giương cao cờ vàng nữa khi tham gia biểu tình không cờ ở München. Tâm tình, nhận thức của họ rất giống nhau. Họ tìm đến với nhau không có gì là lạ. Phải chăng họ mang loại gen đánh mất bản ngã, tự hủy căn cước, phủ nhận gốc nguồn, chà đạp xuất xứ? Hưởng đặc ân do Miền Nam ban phát cho đi du học trong khi hàng hàng lớp lớp những đồng bào cùng lứa tuổi gục ngã trên chiến trường, còn có thêm các thành phần cựu sinh viên gốc tích quốc gia từng “chống Mỹ cứu nước“ để rồi sau 75 sống “ẩn dật“ trước tình cảnh quốc tế náo động vì thảm cảnh boat people, trước số phần oan nghiệt của hàng trăm ngàn chuyên viên như họ đi tù khồ sai hàng loạt; các thành phần vừa phản trắc vừa hèn nhát, vừa vô trách nhiệm vừa mất lương tâm thuộc loại này cũng mon men đến tham dự những buổi họp mặt đồng hương không cờ3.

Hầu như cùng một ngày 24.01.2017, nghị quyết cấm cờ đỏ sao vàng tại San Jose được thông qua còn ở khu Bolsa, Little Saigon thì có nghị quyết chấp thuận treo cờ Việt Nam Cộng Hoà vĩnh viễn. Một tình huống tuơng tự rất khó có thể xảy ra ở nước Đức và chung qui cũng chỉ vì sự cấu thành tập thể đồng bào ở Mỹ và ở Đức hết sức khác nhau. Cho nên những thành phần tự nhận hay được coi là đối kháng do Mỹ mang sang làm cảnh ở Hoa Kỳ mà không chấp nhận cờ vàng thì chỉ có cách hoạt động chính trị trong cô đơn cô độc trong khi ở Đức thì những thành phần “đối kháng“ đó lại có thể có cơ may gặp gỡ một nhóm đồng hương nhỏ nhoi dở dơi dở chuột, phi cầm phi thú.

25.01.2017

 
1 Thực ra buổi ra mắt của cô ca sĩ “đấu tranh phản kháng“ (?!) được tổ chức ở Bad Vilbel, một thị trấn nhỏ cách Frankfurt am Main vài chục cây số.

2 Người tổ chức biểu tình không cờ ở München từng mang cả găng tay có quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ khi tham gia sinh hoạt do tổ chức Cap Anamur triệu tập ở Troisdorf, gần Bonn.

3 Ngoài ra tham dự các buổi sinh hoạt không cờ ở Đức còn có những người chống cộng hay không thích cộng nhưng cũng ghé thăm, tạt vào cho biết sự tình.

__._,_.___