02.01.2017

Giới hoạt động dân chủ bị tấn công ra sao?

Giới hoạt động dân chủ bị tấn công ra sao?

Anh Lê Sỹ Bình, gốc Nghệ An, hiện sinh sống tại Sài Gòn. RFA photo

Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội biểu tình là quyền công dân được qui định tại điều 25, Hiến Pháp năm 2013 của nước Việt Nam hiện nay. Thế nhưng một khi những người dân có ý thức lên tiếng và bày tỏ quan điểm của họ qua hành động biểu tình thì họ bị cơ quan chức năng trấn áp mạnh tay.

Bị đánh đập dã man


Sau khi xảy ra thảm họa môi trường do nhà máy gang thép Formosa ở Hà Tĩnh xả thải hóa chất độc hại trực tiếp ra biển, người dân tại hai thành phố lớn của Việt Nam gồm Hà Nội và Sài Gòn xuống đường phản đối.

Một trong những người đó là anh Lê Sỹ Bình, gốc Nghệ An, hiện sinh sống tại Sài Gòn. Tuy nhiên khi tham gia cuộc biểu tình hôm ngày 8 tháng 5, anh bị bắt trước hết về đồn Công an Bến Nghé và rồi sau đó di lý về công an Bình Chánh. Tại cả hai nơi anh bị còng tay và bị đánh đập như lời thuật lại của anh:
Gặp toàn những tay đao phủ, không có mặc sắc phục công an gì cả. Họ hỏi cung mà kiểu như không cho mình giải thích. Cái xương sống họ cứ nhảy lên nện, lên gối vào đầu và vai. Khi chịu đòn mình cảm giác như chết rồi.”

Một nhà hoạt động xã hội độc lập khác là anh Đỗ Đức Hợp kể lại những lần anh bị bắt và đánh đập mà theo anh là vô cớ chỉ vì anh công khai lên tiếng về những vấn đề xã hội hiện nay:
Lần đầu tiên bị đánh là ngày 1 tháng 5 ở đường Bà Huyện Thanh Quan và sau đó về đồn công an phường 15 quận Tân Bình họ đánh tiếp và còng tay tôi suốt 13 tiếng đồng hồ. Lần thứ 2 là ngày 8 tháng 5 tại đường Hồ Tùng Mậu và họ lôi vào công an phường Bến Nghé và đánh liên tục. Lần thứ 3 là ngày 25 tháng 6 trên đường tôi đi đám cưới một người anh, họ đánh tôi trên đường Hoàng Sa. Những người mang danh luật pháp của chế độ cộng sản họ còn tồi tệ hơn những người dân anh chị, xã hội đen.

Theo anh Đỗ Đức Hợp thì những người ra tay đánh anh hành xử còn tồi tệ hơn những thành phần thuộc giới giang hồ; vì dù sao những tay anh chị trong giới này không xuống tay tàn độc như những người hành hung anh và những nhà hoạt động xã hội khác.

Mới hôm 20 tháng 12 vừa qua, khi các thành viên của nhóm xã hội dân sự độc lập có tên Hội Anh Em Dân Chủ tiến hành hội nghị thì tư gia của nhiều thành viên tại khắc ba miền đều bị canh giữ, bao vây, cắt Internet.

Cựu tù nhân chính trị Phạm Văn Trội, một thành viên của hội này, trình bày lại sự việc xảy ra đối với gia đình ông hôm 20 tháng 12:
Đêm hôm đó tầm khoảng 8 giờ 30, tôi thấy một đoàn người bao vây xung quanh nhà tôi. Đồng thời lúc đó điện nhà tôi đã bị mất và internet không thu hay phát sóng được, hệ thống điện thoại cũng bị tê liệt không dùng được. Cũng thời điểm đó thì nhà tôi thấy hàng loạt những tiếng kêu xung quanh nhà. Sau đó tôi ra mới phát hiện rằng họ ném đá vào cửa kính và mái nhà nhà tôi.”

Tác dụng ngược

Hành xử của lực lượng chức năng mặc sắc phục cũng như thường phục đối với những nhà bất đồng chính kiến và hoạt động như vừa nêu theo ông Phạm Văn Trội là cách hành xử theo luật ‘rừng’ dù rằng ở Việt Nam có không biết cơ man nào là luật.
Tôi khẳng định ở Việt Nam không có khái niệm thượng tôn pháp luật mà áp dụng luật ‘rừng’ để áp dụng cho những người bất đồng chính kiến, những người có quan điểm trái chiều với chế độ.

Những nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập từng phải ra vào đồn công an và bị hành hung như lời kể của hai anh Lê Sỹ Bình và Đỗ Đức Hợp đều cho rằng biện pháp của lực lượng an ninh chìm- nổi đối với họ là phản tác dụng.
Anh Lê Sỹ Bình khẳng định:
Không làm nhụt chí được. Nếu nhụt chí thì cả năm nay tôi không tham gia một cái gì cả. Tiếp tục sau đó tôi vẫn cứ đi để mà ủng hộ cho anh em. Miễn sao mà mình làm việc đúng là được, còn hành động của công an dùng bạo lực để đàn áp một người như tôi thì tôi cho đó là một hành động nhỏ nhặt.”

Cũng như tuyên bố của anh Đỗ Đức Hợp:
Quyền con người đã khiến tôi mạnh mẽ hơn khi nhận những đòn thù vô cớ, sai trái hiếp pháp và pháp luật. Những cách hành xử của họ đáng phải lên án.”

Có thể nói kịch bản ứng xử của chính quyền Hà Nội các cấp từ trung ương đến địa phương đối với các nhà bất đồng chính kiến, giới hoạt động xã hội dân sự dường như không có gì thay đổi. Khẩu hiệu mà chính những người cộng sản dùng để tuyên truyền trong cuộc đấu tranh giai cấp của họ ‘nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh’ không hề được thấm nhuần.

Thông tín viên Việt Nam (RFA)