25.11.2016

Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) và Người Việt Hải Ngoại

Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) và Người Việt Hải Ngoại

Lễ Tạ Ơn là một ngày lễ lớn, dài ngày được tổ chức hàng năm tại Hoa Kỳ và Canada.

Đây là một ngày lễ quan trọng, người ở xa đều cố gắng để về với gia đình,  sau đó mọi gia đình sum họp với nhau cùng mừng sự tốt lành và tạ ơn Thiên Chúa đã cho mình một cuộc sống no đủ và an lành.

Năm nay, Lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào ngày 24 tháng 11 năm 2016.

Sinh hoạt của người Mỹ gốc Việt trong Lễ Tạ Ơn

Một đầu bếp ở California đang chuẩn bị món gà tây nhân ngày Lễ Tạ Ơn, ảnh minh họa chụp trước đây.  AFP

Dân chúng Mỹ đang hân hoan chào đón Lễ Tạ Ơn-Thanksgiving năm 2016. Sinh hoạt của những người Mỹ gốc Việt trong dịp lễ đặc biệt năm nay như thế nào?

Tôn vinh ý nghĩa tạ ơn


Lễ Tạ Ơn-Thanksgiving vào ngày thứ Năm và thứ Sáu trong tuần thứ tư của tháng 11 có thể nói là dịp lễ mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với người dân Hoa Kỳ. Lịch sử Mỹ ghi chép Lễ Tạ Ơn bắt nguồn từ tiệc ăn mừng được nhóm di dân đầu tiên, thuộc hệ phái Thanh giáo ở Anh, tổ chức vào mùa Thu năm 1621 để cảm tạ Thượng đế và những thổ dân da đỏ giúp họ có cuộc sống mới tại vùng đất mà họ đặt tên là “Tân Thế giới”. Và kể từ bữa tiệc Thanksgiving của quốc gia chưa được hình thành cách nay hơn 400 năm cho đến hiện tại, người dân của một nước Mỹ hùng cường vẫn duy trì những sinh hoạt truyền thống nhằm tôn vinh ý nghĩa tạ ơn trong ngày lễ lịch sử này.

Đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, nhiều người chia sẻ với RFA rằng ngày lễ Tạ Ơn rất lạ lẫm trong những ngày đầu định cư ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, dần dà số đông những gia đình đến từ Việt Nam lại xem ngày lễ Thanksgiving là dịp nghỉ lễ quan trọng nhất của họ. Ông Hòa Tâm, ở Maryland cho biết vì sao như vậy:

“Đối với người bản xứ, người Mỹ sống lâu năm ở đây thì ngày lễ đó là ngày trọng đại của họ rồi. Nhưng đối với thành phần di dân người Việt mình thì đó là ngày sum họp gia đình. Năm nào cũng vậy, lễ Thanksgiving là con cháu quy tụ về đầy đủ hết dù gặp gỡ nhau trong thời gian tương đối không lâu lắm. Ăn uống, trao quà cáp với nhau, xong rồi thì giải tán, ai về nhà nấy. Thanksgiving là thời điểm để gia đình sum họp. Còn Tết Nguyên đán, Âm lịch của Việt Nam qua bên đây bị lu mờ rồi. Đôi khi ngay cả đi làm ngày đó, đâu được nghỉ, mà có nghỉ thì cũng giống ngày thường thôi.”

Theo như chia sẻ của ông Hòa Tâm thì ngẫm ra cũng phải. Thời gian nghỉ lễ Tạ Ơn thường được 4 ngày liên tiếp, kết hợp 2 ngày lễ với 2 ngày cuối tuần. Đây là thời điểm những người Việt ở Mỹ bày tỏ tình yêu thương và lòng biết ơn đối với gia đình và người thân. Họ có nhiều sinh hoạt cùng nhau như nấu ăn, vui chơi, giải trí và mua sắm chuẩn bị cho những ngày lễ lạc trong mùa Giáng sinh và năm mới.

Mặc dù vậy, Hòa Ái cũng ghi nhận có các gia đình đón Lễ Tạ Ơn trong nỗi nhớ quay quắt những người thân yêu xa nhà vì đang phải thực hiện trách nhiệm với non sông đất nước. Chúng tôi liên lạc với Hội Quân nhân Mỹ gốc Việt-VAUSA để hỏi thăm tâm tư của những người lính mang dòng máu Lạc Hồng, đón Lễ Tạ Ơn ở các căn cứ quân sự khắp nơi trên thế giới. Đại tá Mimi Phan, Hội trưởng Hội VAUSA nói với Đài Á Châu Tự Do rằng năm nào Hội cũng cố gắng gửi những thùng quà đến các quân nhân đang làm nhiệm vụ. Đại tá Mimi Phan cho biết thêm:

Năm nay VAUSA có tổ chức gửi những món quà nho nhỏ cho các anh chị em. Thứ Bảy và Chủ Nhật này, anh chị em tụ lại để gói bánh chưng, làm mứt, dưa kiệu để bỏ vào thùng và tuần sau gửi đi. Hy vọng những thùng quà này sẽ đến tay các anh chị em vào thời điểm Giáng sinh, vì Tết Âm lịch vào cuối tháng Giêng nên Hội VAUSA cũng muốn chút xíu mùa xuân ở Mỹ đến các anh chị em ở xa.

Lễ trao học bổng “Fallen Heroes Scholarship 2016” của hội VAUSA tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster. Courtesy Linh Nguyễn/Người Việt

Sinh hoạt vì cộng đồng

Không chỉ những việc làm bày tỏ tình thương yêu và biết ơn đến với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp mà nhiều người Việt còn tham gia vào các sinh hoạt vì cộng đồng trong dịp lễ Tạ Ơn. Cô Trâm, một cư dân ở Virginia dành thời gian mang thức ăn đến phân phát cho người vô gia cư được no lòng trong những ngày nghỉ lễ. Cô Trâm chia sẻ vì sao cô làm công việc này trong suốt mười mấy năm qua:

“Em nghĩ đời sống rất ngắn ngủi. Mình rất có phước và có nhiều người không được phước giống như mình. Cho nên khi mình cho người đang đói một miếng ăn thì người ta rất vui vẻ, hạnh phúc và ấm cúng. Đó là quan điểm của em. Em nghĩ hồi xưa nước Mỹ mở vòng tay đón nhận mình thì bây giờ mình phải làm những việc để đền ơn lòng tốt của họ dành cho mình.”

Cũng giống như những người di dân đầu tiên đến Mỹ với bữa tiệc Thanksgiving hồi năm 1621, nhiều người Việt luôn tri ân đất nước và người dân Hoa Kỳ bằng những việc làm thiết thực, điển hình như việc làm của cô Trâm trong dịp Lễ Tạ Ơn. Và Hòa Ái cũng gửi đến quý thính giả lời bộc bạch của Blogger Uyên Vũ, một người tị nạn chính trị mới nhập cư đến từ Việt Nam trong dịp Lễ Thanksgiving thứ nhì trên đất nước Hoa Kỳ:

“Nói thật là từ lúc bắt đầu bước chân qua Mỹ là mình đã nhìn thấy, cảm nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người, từ những người bạn hồi xưa tới nay chỉ quen biết qua trên internet, qua Facebook, qua Blog…Rồi tổ chức Catholic Charity, họ tới nhà chở đi làm giấy tờ và giúp đỡ gần như mọi mặt khiến cho mình hết sức ngỡ ngàng vì chưa bao giờ nhận được sự giúp đỡ nhiều như vậy. Từ lúc đó trong bụng mình đã có ý nghĩ tạ ơn rồi, chứ không cần chờ đến Thanksgiving mới nhớ đến đâu. Thực ra mình mang một tâm trạng hết sức cảm ơn đủ mọi điều ở đất nước Mỹ và những con người đang sống ở Mỹ giúp cho mình. Rồi mình sẽ cố gắng giúp những người khác đến Mỹ sau này hoặc còn đang ở Việt Nam. Đó là một trong những hành động vừa cảm ơn nước Mỹ mà vừa để lưu truyền lại truyền thống, tập tục cảm ơn nhau.”

Thưa quý vị, thêm một mùa Lễ Tạ Ơn đến với dân chúng Hoa Kỳ cũng như cộng đồng người Mỹ gốc Việt với các sinh hoạt và những cung bậc tình cảm khác nhau. Nhưng tựu trung, ai ai cũng thầm tạ ơn được là một nhân tố góp phần tạo nên nước Mỹ hiệp chủng quốc tự do và nhân bản với những tấm lòng đầy ấp yêu thương.

Hòa Ái (RFA)


Cảm nhận của người Việt Nam tại Thái Lan trong dịp Lễ Tạ Ơn

Người Việt Nam tại Thái Lan. Courtesy photo

Nhân dịp Lễ Tạ Ơn, những người Việt đang làm ăn sinh sống ở Thái Lan, nói gì về lòng biết ơn đối với đất nước, con người và chính quyền Thái Lan nơi họ đang làm ăn sinh sống và học tập?

Biết ơn đối với Trời, Phật, Đức Vua

Ở Thái Lan xa xôi, là một đất nước mà đa số người dân là những Phật tử, song đối với con người người ở đây sự biết ơn đối với Trời, Phật, Đức Vua… luôn nằm trong tâm khảm và đức tin của mỗi người.

Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc hay học tập tại Thái Lan cũng như thế. Dù rằng mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi tâm thế và đến Thái Lan bằng nhiều con đường khác nhau. Song một cái chung của họ luôn luôn, là những cảm nhận tốt đẹp và biết ơn đất nước, người dân cũng như chính quyền ở quốc gia này đã tạo điều kiện giúp đỡ cho họ.

Chị Thủy Tiên, một chuyên gia đang làm việc tại một trường Đại học ở Thái Lan cho biết cảm nhận về đất nước Thái, một nơi chị gắn bó và coi là quê hương thứ 2 của mình. Chị nói với chúng tôi:

Tôi đã từng làm việc từ lâu tại đây, tôi thấy đất nước Thái Lan rất đáng sống, đây là một hình mẫu cho sự phát triển cho Việt Nam chúng ta. Xã hội Thái có luật pháp nghiêm minh và rõ ràng, mọi người về cơ bản được tôn trọng và bình đẳng. Họ có một nền giáo dục tốt và các chế độ an sinh xã hội tuyệt vời.”

Anh Bắc, một sinh viên đang theo học Đại học tại Băng cốc, đã thổ lộ những suy nghĩ của anh về nền giáo dục ở Thái Lan, điều mà anh rất khâm phục. Anh cho biết:

Được học tập trong môi trường giáo dục của Thái Lan đã giúp tôi nâng cao kiến thức và sự hiểu biết. Tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các giảng viên và bạn bè và tôi nhận thấy, nền giáo dục ở đây khắc hẳn với ở VN, không có sự ép buộc, học thuộc lòng hay nhồi nhét. Có lẽ đấy là lý do khiến giáo dục của Thái Lan đã hơn giáo dục của nước mình rất nhiều lần.”

Người Việt Nam tại Thái Lan chuẩn bị gói bánh chưng đón Tết, ảnh minh họa. Courtesy photo

Một người làm công nhân đang làm việc chui ở tỉnh Pathumthani, đề nghị dấu danh tính, chia sẻ về lý do vì sao anh đã bỏ quê hương xứ sở để sang Thái Lan bán sức lao động. Anh nói:

“Tôi sang Thái làm ăn vì tiền để đi vừa rẻ, và ở đây công việc rất nhiều, dễ chọn cho mình một cái nghề phù hợp với mình và đồng lương cao hơn khi làm việc ở các nước khác. Bây giờ sang đây trung bình mỗi ngày thu nhập khoảng 400.000 – 500.000 VND, còn ở Việt Nam có thể chỉ được 200.000 – 300.000 VND là cao nhất.”

Hài lòng với sự giúp đỡ của chính quyền Thái Lan

Anh Đặng Yên, một người đang tỵ nạn chính trị ở Thái Lan bày tỏ sự hài lòng với sự giúp đỡ của chính quyền Thái Lan, đã tạo điều kiện và giúp đỡ hết lòng cho những người có hoàn cảnh như anh và bạn bè. Anh thổ lộ:
“Tôi là một người tỵ nạn CS chạy sang đây, tôi đã sống trên đất nước Thái đã lâu. Tôi thấy không phải nói phóng đại rằng, đất nước Thái nó hơn VN hàng trăm lần, cả về kinh tế và con người Thái đều rất tốt. Đó là cảm nhận của riêng tôi.”

Khi được hỏi về cảm nhận của cá nhân mình thế nào đối với đất nước Thái Lan trong dịp Lễ Tạ Ơn năm 2016?

Anh Đặng Yên chia sẻ:
“Đó là điều đương nhiên. Trong cuộc sống không phải vì ngày mai là ngày Lễ Tạ Ơn mà tôi mới nói ra điều đó, mà thực sự trong cuộc sống hàng ngày tôi vẫn luôn cảm nhận và thầm cảm ơn đất nước Thái nói chung và chính quyền Thái nói riêng. Đặc biệt là những con người Thái vốn rất thân thiện và  tốt bụng.”

Theo chị Thủy Tiên, trước mắt ở Thái Lan còn có một số hạn chế về mặt chính trị, tuy nhiên đó là giai đoạn chuyển tiếp, theo chị mọi việc sẽ được chính quyền mới nhanh chóng đưa vào ổn định. Chị nói:

“Đất nước, con người Thái Lan luôn tạo mọi điều kiện, khuyến khích, kể cả hỗ trợ cho mọi cá nhân có thể vươn lên về mọi mặt. Tôi cảm thấy thanh thản và hứng thú khi sống và làm việc tại đây. Về chính quyền ư, tôi thấy họ rất vì nhân dân và hơn hẳn ở Việt Nam. Tôi biết ơn đất nước và con người ở đây”.

Còn anh Bắc cũng không dấu được vẻ tự hào, anh nói:
“Tôi chưa từng thấy một quốc gia nào mà tôi đã từng có dịp tới, con người ở đây rất thân thiện và rộng lòng giúp đỡ trong mọi khía cạnh. Chính quyền Thái luôn luôn tạo điều kiện giúp đỡ chúng tôi để chúng tôi trở thành một sinh viên tốt, ngày một trưởng thành hơn.”

Cho dù đất nước Thái Lan cũng chỉ là nơi sinh sống, làm việc và học tập tạm thời. Song những người chúng tôi có dịp tiếp xúc đều có một mong muốn chung rằng, lãnh đạo và người dân Việt Nam hãy lấy Thái Lan làm một bài học và là tấm gương trong sự phát triển của Việt Nam trong mọi lĩnh vực.


Anh Vũ (RFA)