28.10.2016

Quyết Nghị của Văn bút Quốc tế: Việt Nam kiểm soát khắc nghiệt quyền tự do của con người

Quyết Nghị của Văn bút Quốc tế: Việt Nam kiểm soát khắc nghiệt quyền tự do của con người

Một buổi họp của Tổ chức Văn bút Quốc tế trước đây. Courtesy photo

Đại hội Thế giới kỳ thứ 82 của Tổ chức Văn Bút Quốc Tế có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ, đã diễn ra tại thành phố Ourense, xứ Galice, nước Tây Ban Nha, từ ngày 26 tháng Chín đến ngày 2 tháng Mười năm 2016. Đại Hội đã ra một quyết nghị nội dung tuyên bố Việt Nam là một quốc gia độc tài, kiểm soát khắc nghiệt các quyền tự do của con người, trong đó có quyền tự do biểu đạt ý kiến.


Liên hội Nhân quyền Việt Nam tại Thụy Sĩ đã phổ biến một thông cáo trích dẫn quyết nghị của Hội đồng Đại biểu Văn bút Quốc tế kỳ 82 cho rằng thay vì cải tiến các điều luật hình sự cho phù hợp với những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, Việt Nam lại chỉnh sửa theo hướng hà khắc hơn, ví dụ như điều luật 88 về tội tuyên truyền chống nhà nước.

Theo Văn bút quốc tế, những người cầm bút, blogger, nhà báo Việt Nam thường xuyên đối mặt với những sách nhiễu của lực lượng công quyền mặc sắc phục cũng như những hung thủ giấu mặt, họ thường bị bắt giữ tùy tiện, bị ngược đãi và tra tấn trong những điều kiện tù đày tệ hại.

Quyết nghị của Hội đồng Đại biểu Văn bút Quốc tế cũng đề cập đến biện pháp đàn áp của cơ quan chức năng Việt Nam đối với những người tuần hành ôn hòa, đấu tranh vì môi trường sau thảm họa môi trường ở 4 tỉnh bắc Trung bộ Việt Nam do Formosa Hà tĩnh gây ra.

Quyết nghị của Hội đồng Đại biểu Văn bút Quốc tế cũng đưa ra một danh sách gồm 19 người bị giam giữ hoặc quản chế vì quyền tự do biểu đạt, thực hành tôn giáo.

Hai trường hợp được đặc biệt nhấn mạnh đến là ông Trần Huỳnh Duy Thức và ông Nguyễn Văn Đài, và yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho hai người này.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức là kỹ sư, năm nay 50 tuổi, bị bắt vào năm 2009 và bị kết án 16 năm tù với tội ‘âm mưu hoạt động lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Đài là luật sư nhân quyền, năm nay 46 tuổi, bị bắt lần thứ hai vào tháng 12 năm ngoái cũng với tội danh tuyên truyền chống nhà nước.
Cũng xin nhắc thêm là vào đầu tháng 10 năm nay, thêm một blogger, nhà hoạt động xã hội nữa bị bắt là bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm. Bà cũng bị bắt theo điều luật 88 của bộ luật hình sự Việt Nam.


Quyết Nghị Đại hội Văn Bút Thế Giới lần thứ 82
Genève ngày 26 tháng Mười năm 2016
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Ligue Vietnamienne des Droits de l'Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland
---------------------------------------

PEN INTERNATIONAL – VĂN BÚT QUỐC TẾ
QUYẾT NGHỊ VỀ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (CHXHCNVN)

do Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại soạn thảo và đề nghị, với sự đồng tán trợ của Trung tâm Văn Bút Pháp, Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Đức thoại và Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Ý thoại và Réto-romanche.

Hội Đồng Đại Biểu Văn Bút Quốc Tế họp Đại Hội Thế Giới kỳ thứ 82 tại thành phố Ourense, xứ Galice, nước Tây Ban Nha, từ ngày 26 tháng Chín đến ngày 2 tháng Mười năm 2016 :

QUYẾT NGHỊ: 

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) là một nhà nước độc tài độc đảng đang duy trì một chế độ kiểm soát khắc nghiệt lên tất cả các quyền tự do phát biểu và diễn đạt quan điểm, quyền tự do hội họp, lập hội và quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Kể từ cuộc Khảo sát Nhân Quyền Định kỳ Phổ thông chu kỳ 2 năm 2014 tới nay, nhà nước CHXHCNVN thực thi rất không đáng kể, nếu như có, các khuyến cáo đã cam kết nhằm cải thiện các quyền tự do có ý nghĩa

sống còn cho tiến bộ quốc gia của nó như vừa nêu. Thay vì tu chính Luật Hình Sự cho phù hợp với các tiêu chuẩn của nhân quyền quốc tế, CHXHCNVN lại chỉnh sửa làm cho luật hà khắc hơn bằng các án tù kéo dài thêm, như Điều 88 (tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN).

Giới chức tiếp tục theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động ôn hòa của những nhà bảo vệ nhân quyền và thường xuyên đàn áp các cuộc biểu tình phản đối ôn hòa. Cuộc đàn áp gần đây nhất được tiến hành vào tháng Năm 2016 nhằm vào các nhà hoạt động môi trường đòi nhà cầm quyền phải minh bạch thông tin trong việc điều tra nguyên nhân dẫn đến thảm họa cá chết hàng loạt tại vùng biển tỉnh Hà Tĩnh (1).

Giới cầm bút, nhà báo, tác giả nhựt ký điện tử và người bảo vệ nhân quyền thường xuyên phải chịu đựng sự hăm dọa, quấy rối và đánh đập của các nhân viên mang sắc phục và những hung thủ giấu mặt. Họ còn luôn phải đối mặt với nhiều thủ đoạn khác như: bắt giữ tùy tiện; tạm giam kéo dài; xét xử bất công; và các án tù nhiều năm luôn chực chờ. Khi vào tù, họ thường bị tra tấn, ngược đãi và bị giam trong các điều kiện tồi tệ, chăm sóc y tế không đầy đủ. Tù nhân lương tâm hiếm khi được trả tự do trước khi mãn án tù và thường xuyên phải chịu thêm án quản chế hoặc bị buộc phải đi sống lưu vong xa quê hương. Được ra tù không đồng nghĩa với hết sách nhiễu, quấy rối; họ vẫn luôn có nguy cơ bị bắt giữ trở lại hoặc bị hăm dọa có hệ thống, điển hình gần đây nhất là trường hợp tác giả nhựt ký điện tử Trần Minh Nhật (2).

Trong năm 2015, Văn Bút Quốc Tế đã có hồ sơ của 20 người cầm bút bị bắt giữ chỉ vì họ đã thực thi quyền tự do phát biểu và diễn đạt quan điểm. Trong số nhiều nạn nhân (danh sách kèm theo trong Phụ lục), Văn Bút Quốc Tế đang hết sức quan ngại về hai trường hợp đang bị giam cầm sau đây chỉ vì thực thi ôn hòa quyền tự do phát biểu và diễn đạt quan điểm, và Văn Bút Quốc Tế kêu gọi trả tự do lập tức và vô điều kiện cho:

1. Ông Trần Huỳnh Duy Thức (sinh năm 1966), nhà thơ, tác giả nhựt ký điện tử, người viết trên Mạng và là doanh nhân. Ông cũng là đồng tác giả cuốn sách Con Đường Việt Nam, là người đã đăng tải nhiều bài thơ, bài báo trên các blog của ông. Bị bắt vào tháng Năm 2009 và bị kết án 16 năm tù kèm 5 năm quản chế cho cáo buộc vào 'tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN' và 'tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân' vào tháng Một 2010. Tháng Ba 2016, có nguồn tin cho biết ông Thức cùng các bạn tù tại trại tù Xuyên Mộc đã làm đơn khiếu nại, bản thân ông đã thực hiện cuộc tuyệt thực kéo dài 13 ngày, nhằm phản đối hành vi sai trái của cai tù, trong đó gồm các qui định trái luật không cho tù nhân trao đổi thư từ với gia đình và bị biệt giam.

Tháng Năm 2016, ông Thức đã bị chuyển đi xa hơn, tới một nhà tù cách nơi gia đình ông cư ngụ khoảng 1.400 cs. Có báo cáo nói rằng sức khỏe của ông Thức đang suy giảm.

2. Ông Nguyễn Văn Đài (sinh năm 1969), nhà báo, tác giả nhựt ký điện tử và là luật sư nhân quyền, cựu thành viên của Đoàn Luật sư Hà Nội, đồng sáng lập Ủy ban Nhân quyền Việt Nam và Hội Anh em Dân chủ (thành lập năm 2013, với Tổng thư ký, cũng là đồng sự của ông Đài, bà Lê Thu Hà (sinh năm 1982). Luật sư Đài đã từng trợ giúp pháp lý cho nhiều thân chủ là các nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động nhân quyền và quyền tôn giáo của các nhóm dân tộc thiểu số. Vào ngày 16 tháng Mười Hai 2015, ông Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà đã bị bắt với cáo buộc 'tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN'. Tới nay mọi yêu cầu của gia đình và giới luật sư đòi thăm gặp ông Đài đều bị từ chối. Ông Đài đã từng bị cầm tù với bản án 4 năm tù vào năm 2007 cũng với cáo buộc 'tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN'. Sau khi ra tù năm 2011, ông Đài tiếp tục bị quấy rối, bị hành hung, và nhiều lần bị đe dọa nghiêm trọng cho tính mạng của ông và gia đình. Theo ghi nhận, vào ngày 6 tháng Mười Hai 2015, ông Đài đã bị nhiều nhân viên an ninh mặc thường phục tấn công, đánh đập tàn nhẫn tại một thị trấn nhỏ ở phía nam Hà Nội. Vụ hành hung được cho là đòn thù của giới chức vì ông đã mở lớp giảng về các nhân quyền cơ bản cho người dân trong dịp kỷ niệm Ngày Nhân Quyền Quốc Tế trước đó. Cuộc hành hung bị Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền lên án trong một thông cáo vào ngày 11 tháng Mười Hai 2015 (3).

Trên cơ sở đó, Hội Đồng Đại Biểu Văn Bút Quốc Tế thúc giục các giới chức của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam:

* Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thu Hà, cũng như những người cầm bút đang bị cầm tù, gồm các tác giả nhựt ký điện tử, nhà thơ, nhà báo, luật sư, nhà bảo vệ nhân quyền và tất cả những người đang bị cầm tù chỉ vì thực thi ôn hòa quyền tự do phát biểu và diễn đạt quan điểm của họ;

* Chấm dứt hành vi đẩy tù nhân ra khỏi trại giam rồi buộc họ phải bỏ quê hương đi sống lưu vong ở nước ngoài;

* Chấm dứt các cuộc tấn công, sách nhiễu, đe dọa nhằm vào những người bất đồng chính kiến hoặc những người đòi hỏi tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tôn giáo và tín ngưỡng;

* Từ bỏ chủ trương tịch thu sổ thông hành và hộ chiếu và cấm đoán các nhà bất đồng chính kiến, ly khai, cựu tù nhân lương tâm xuất cảnh;

* Bảo đảm cho công dân được hưởng nguyên tắc 'đúng thủ tục' và thiết chế 'xét xử công bằng' với các thẩm phán độc lập và luật sư độc lập;

* Cải thiện điều kiện sinh sống trong các trại tù và trại lao động cưỡng
bức cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về giam giữ, và đảm bảo cho tất cả những người bị giam giữ được hưởng các chăm sóc y tế cần thiết;

* Tạo thuận lợi để gia đình thăm gặp tù nhân, gồm cả đảm bảo tù nhân được giam tại những địa điểm gần với nơi gia đình họ, trong một khoảng cách hợp lý;

* Nghiêm cấm mọi hình thức tra tấn và hành hạ ngược đãi, bao gồm cả việc biệt giam hay cách ly kéo dài, phải tiến hành điều tra ngay lập tức, một cách công bằng mọi thông tin, báo cáo về các trường hợp phạm luật để xử phạt thủ phạm và bồi hoàn cho nạn nhân;

* Bãi bỏ hoặc tu chính tất cả các điều luật của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đang hình sự hóa các quan điểm bất đồng và bày tỏ tự do với lý do mơ hồ là 'tội xâm phạm an ninh quốc gia', đặc biệt các Điều 79, 88, 258 Bộ Luật Hình Sự;

* Xóa bỏ mọi hình thức kiểm duyệt, chấm dứt tình trạng theo dõi toàn xã hội và hạn chế các quyền tự do phát biểu và diễn đạt quan điểm, tự do báo chí của công dân;

* Đảm bảo các quyền tự do phát biểu và diễn đạt quan điểm, tự do hội họp ôn hòa và tự do lập hội được thực thi đầy đủ, gồm cả quyền được thông tin bằng mọi phương tiện, cả trên Mạng và ngoài Mạng, tuân thủ đúng theo các Điều 19, 21 và 22 của Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR).

-------------------------------------------------------------------------------------
(1) Human Rights Watch: Vietnam: Crackdown on Peaceful Environmental
Protesters, 18 May 2016,

https://www.hrw.org/news/2016/05/18/vietnam-crackdown-peaceful-environmental-protesters
(2)
http://www.pen-international.org/newsitems/vietnam-blogger-faces-ongoing-harassment/
(3) http://www.un.org/apps/news/story.asp?NewsID=52793#.V6NZzPkrLvg
<
http://www.un.org/apps/news/story.asp?NewsID=52793>

Phụ lục : Danh sách chưa đầy đủ những người cầm bút ở Việt Nam bị giam giữ trong tù chỉ vì thực thi ôn hòa quyền tự do phát biểu và diễn đạt quan điểm của bản thân do Văn Bút Quốc Tế thu thập tổng hợp tới ngày 30 tháng Sáu 2016.

1. Những người đang thi hành án tù giam: bà Bùi Thị Minh Hằng, án 3 năm; ông Đặng Xuân Diệu, 13 năm; ông Đinh Nguyên Kha, 4 năm; ông Hà Huy Hoàng, 6 năm; ông Hồ Đức Hòa, 13 năm; ông Ngô Hào, 15 năm; bà Nguyễn Đặng Minh Mẫn, 9 năm; ông Nguyễn Kim Nhàn, 5 năm 6 tháng tù (đã ra tù ngày 7/10/2016); ông Nguyễn Thành Long (Mục sư Nguyễn Công Chính), 11 năm, ông Phan Ngọc Tuấn, 5 năm; ông Trần Huỳnh Duy Thức, 16 năm; ông Trần Vũ Anh Bình, 6 năm; ông  Nguyễn Hữu Vinh (bút hiệu Anh Ba Sàm), 5 năm; bà Nguyễn Thị Minh Thúy, 3 năm; ông Nguyễn Đình Ngọc (bút hiệu Nguyễn Ngọc Già), 4 năm (phúc thẩm ngày 5/10/2016, án tù giam giảm còn 3 năm).


2. Người bị áp đặt án tù quản chế từ năm 2003: Hòa thượng Thích Quảng Độ (thế danh Đặng Phúc Tuệ), 88 tuổi, Tu sĩ Phật giáo, nhà thơ.


3. Những người bị giam giữ kéo dài chưa xét xử: ông Trần Anh Kim, từ 21 tháng Chín 2015, ông Lê Thanh Tùng từ 14 tháng Mười Hai 2015, ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thu Hà từ 16 tháng Mười Hai 2015.



Đọc thêm:

Trích bài viết của Kiều Phong về
tình trạng Văn Bút Việt Nam sau 1975

...
Sau 75, Hội Văn Bút, như tất cả các hội đoàn khác, tự ý giải tán hoặc bị bức tử. Hội viên thì phần lớn như cá nằm trên thớt, chờ ngày chế độ mới ra tay bắt bớ, giam cầm. Tác phẩm của họ bị đốt, hoặc trưng bày trong những phòng triển lãm tội ác Mỹ Ngụy.  Hội Văn Bút Quốc Tế cũng mặc nhiên coi hội Văn Bút Việt Nam đã chết theo miền đất tự do cuối cùng của nước Việt.

Người nhất định không chịu chấp nhận cái chết ấy là bà Minh Đức Hoài Trinh.

Trong một phiên họp của đại hội Văn Bút Quốc Tế, sau ngày mất nước, bà lên diễn đàn thỉnh cầu Hội chấp nhận là Hội Việt Nam còn sống nhăn, bằng cớ là có nhiều hội viên, cũng như bà, được tị nạn ở các nước tự do. Tất cả những hội viên may mắn này sẽ tiếp tục duy trì hội Văn Bút tạm đặt trụ sở ở Hải Ngoại, sinh hoạt bình thường.

Thế là hội viên những nước thiên tả, hoặc vốn thù ghét Việt Nam Cộng Hòa nhâu nhâu lên tấn công bà. Có tên khẳng định VNCH chết ngày 30 tháng tư bảy lăm, hội Văn Bút Việt Nam cũng tạ thế cùng ngày. Chỗ trống phải dành để chờ Hội Văn Bút Việt Cộng. Có đứa xỏ xiên: Đám nhà văn nhà thơ lưu vong ấy mai mốt sẽ thành công dân nước họ định cư, tha hồ gia nhập hội Văn Bút Tây, Mỹ, Canada, Úc… quên VN đi!

Chủ tịch và ban chấp hành của hội cũng xác định là xưa nay, hội chưa từng chấp nhận một hội Văn Bút nào có kèm hai chữ “hải ngoại”.

Tuy cũng có một số hội viên ủng hộ bà, nhưng không nhiều. Lúc bầu phiếu, phe chống có đa số áp đảo, bà thua, Văn Bút Việt Nam tiếp tục tắt thở.

Không sờn lòng, nản chí, cùng luật sư Trần Thanh Hiệp, nhà thơ Nguyên Sa, nhà báo Trần Tam Tiệp, bà Minh Đức Hoài Trinh bền bỉ tranh đấu.

Đại hội nào bà cũng dự, bài diễn văn nào của bà cũng nhấn mạnh vào truyền thống và chủ trương tốt đẹp của hội: bênh vực và bảo vệ quyền tự do tư tưởng của hội viên và những người cầm bút khắp thế giới. Hội Văn Bút Việt Nam, từ chủ tịch đến đa số hội viên hiện đang là nạn nhân của một chế độ độc tài, sắt máu. Tác phẩm của họ bị đốt, bản thân họ bị cầm tù. Họ không thể kêu cứu với hội quốc tế và tường trình về hoàn cảnh khốn cùng của họ vì liên lạc với nước ngoài là một trọng tội, bị ghép tội danh “làm gián điệp cho ngoại bang” có thể lãnh án tử hình. Chấp nhận “hội Văn Bút VN hải ngoại” là tạo một nhịp cầu. Hội hải ngoại sẽ có những cách riêng để liên lạc với hội viên trong nước và có bản tường trình về hoàn cảnh hiện tại của họ cho hội quốc tế lên tiếng, can thiệp, bênh vực.

Lời bà càng ngày càng thấm khi chính các hội viên thiên tả cũng nhìn thấy sự thật. Và năm 1979, Đại Hội Văn Bút Quốc Tế lần 44 họp ở Rio de Janeiro, Brazil đã chấp nhận Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (Vietnamese Abroad PEN Centre) với số phiếu 25/12.

Người phụ nữ Việt Nam chân yếu tay mềm ấy, năm này qua năm khác, đã giang tay chống đỡ căn nhà Văn Bút, không để cho trận Hồng Thủy cuốn phăng nó đi, như tất cả các kiến trúc chính trị, văn hóa thuộc về miền Nam xưa. Bà thành công. Và Văn Bút VN là hội đoàn duy nhất của miền Nam tự do còn giữ được tư cách pháp nhân quốc tế.

Từ ngày đó, Văn Bút VN tường trình đầy đủ cho Hội Quốc Tế về tình trạng bị tù đầy, đàn áp của các hội viên và giới cầm bút ở VN, đồng thời cũng đưa ra nhiều sáng kiến. Đại Hội nào cũng có ghế trống, chỗ ngồi tượng trưng dành cho những hội viên vắng mặt vì bị cầm tù.

Sau, không còn tượng trưng nữa, hội VN đề nghị Hội Quốc Tế nhận tất cả các hội viên đang bị đầy đọa ở quê nhà là Hội Viên Danh Dự.

Sáng kiến này được hưởng ứng, Hội Viên một số nước Âu Châu nhận luôn nhiều nhà văn, nhà thơ VN là Hội Viên danh dự của chính quốc gia họ. Và vì các quốc gia ấy rất tôn trọng văn giới cho nên họ gửi khi thì nhà báo, khi thì nhân viên ngoại giao tới Việt Nam, tìm đến thăm hỏi, phỏng vấn, và giúp đỡ các “Hội viên Văn Bút Danh Dự” của nước họ. Có nhà văn, nhà thơ đã được đón từ Việt Nam đến định cư tại quốc gia nhận các vị này là hội viên.
Tất cả những chuyện ấy đã không xảy ra nếu không có nhà văn Minh Đức Hoài Trinh, vị Chủ Tịch đầu tiên của Văn Bút VN Hải Ngoại. Và cũng có nhiều chuyện tốt đẹp đã không xảy ra nếu không có ông nhà báo Đạo Cù Trần Tam Tiệp, Tổng thư ký của hội.

Ông Tiệp là Trung Tá Không Quân, gia nhập làng viết phiếm luận với bút hiệu Đạo Cù. Ông không là hội viên trước 75. Nhận chức Tổng thư ký của Văn Bút VN Hải Ngoại, ông phải cáng đáng đủ chuyện thượng vàng hạ cám, vì ban chấp hành của hội trần xì có hai người sinh hoạt thường xuyên: Bà Chủ Tịch và ông Tổng Thư Ký.

Nhưng chu toàn nhiệm vụ Tổng Thư ký chỉ là chuyện nhỏ.

Đại bàng gẫy cánh rơi xuống Paris đành chọn nghề nghiệp mới. Ông Đạo Cù làm trưởng toán sĩ quan an ninh chuyên trách việc bảo vệ các hãng xưởng, các cơ sở thương mại. Sắc phục tề chỉnh, uy nghi, chức tước nghe kêu boong boong, nhưng ông Nguyên Sa lại diễn nôm, dịch huỵch toẹt sang tiếng Việt là “nghề gác dan”. Chủ nhân các cơ sở, hãng xưởng Tây chắc trả công dựa trên bản dịch của Nguyên Sa, nên lương ông Đạo không cao mấy.

Ông cư ngụ trong căn gác xép trên nóc một ngôi nhà cũ. Bề rộng của căn nhà – theo lời mô tả của ông Bồ Đại Kỳ – “Cũng to hơn cái chuồng chim bồ câu một tí. Chỉ tội mái thấp quá. Đến thăm nó, đi đứng mà quên lom khom là bươu đầu sứt trán như chơi!” Gác xép cũng có cửa sổ, là một khung gỗ với miếng gỗ che có gắn bản lề như cánh cửa. Khi cần thưởng thức trời xanh, mây trắng, nắng vàng… ông Đạo chỉ cần dùng một cây gậy đẩy miếng gỗ che lên, chống cho nó mở toang ra là có ngay khung trời thơ mộng. Thỉnh thoảng quên đóng “cửa sổ”, đi làm về thấy gió thu, lá thu và cả… mưa thu tràn vào đầy nhà, chiếu giường ướt nhẹp.

Ông chịu sống cần kiệm, khắc khổ như thế để có tiền gửi về giúp các bạn văn.

Bất cứ nhà văn, nhà thơ nào dù không là hội viên của Trung Tâm Văn Bút, mà ông liên lạc được, ông đều gửi quà. Hồi ấy, dịch vụ gửi quà chưa có. Ông Đạo phải tự mua từng món, tự đóng thùng rồi khuân vác, đáp mấy chuyến metro đưa tới nhà bưu điện.

Chính nhờ ông Tổng thư ký của hội chịu vất vả ngược xuôi trên đường phố Paris, vai vác những thùng quà to tướng mà nhiều nhà văn nhà thơ có thêm chút sinh lực, đồng thời níu được đường giây liên lạc để chuyển những tin tức, những tác phẩm viết chui ra hải ngoại. Và bà Chủ tịch luôn luôn có những bản tường trình phong phú, chính xác về tình trạng của văn giới ở quê nhà để trình cho Hội Văn Bút Quốc Tế.

Ông Đạo Cù xuôi ngược trên đất lạ, quê người, khi tay xách nách mang, khi khiêng trên vai những thùng quà nặng tình văn hữu, giữ liên lạc chặt chẽ, thăm hỏi, giúp đỡ bạn văn còn kẹt ở quê nhà với tất cả khả năng, sức lực của mình.

Bà Minh Đức Hoài Trinh phong thái tha thướt dịu dàng nhưng lời lẽ chém đinh chặt sắt, đăng đàn, phó hội hiên ngang đương đầu với đa số những hội viên đầy trí tuệ nặng lòng thù nghịch Việt Nam Cộng Hòa, ghét luôn văn giới miền Nam. Họ xô bà ngã trong nhiều năm, bà vẫn đứng dậy, cương quyết tiến tới và cuối cùng đã giành được một chỗ đứng trên văn đàn quốc tế cho tập thể người Việt lưu vong.

Mấy thập niên qua rồi, nhớ lại thủa ấy, vẫn thấy cần gửi đến bà nhà văn, ông nhà báo thêm một lời tri ơn.

Văn Bút VN Hải Ngoại vừa được chấp nhận là hoạt động tích cực, đưa ra nhiều sáng kiến vừa đẹp vừa thực tế như chọn những nhà văn nhà thơ đang bị đàn áp, cầm tù là “Hội Viên Danh Dự” để có danh chính ngôn thuận can thiệp, giúp đỡ… Hội ta được từ chủ tịch đến các hội viên quốc tế cảm phục và quý trọng ngay...