29.09.2016

WHO: Ô nhiễm ở Việt Nam thuộc hàng nặng nhất thế giới

WHO: Ô nhiễm ở Việt Nam thuộc hàng nặng nhất thế giới

92% dân số toàn cầu đang phải hít thở không khí ô nhiễm để sống. Cùng với Trung cộng, Mã Lai, ô nhiễm không khí ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới.

Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, trong đó có Trung cộng, Mã Lai, Việt Nam là khu vực ô nhiễm thuộc hàng nặng nhất thế giới. Ảnh: REUTERS

92% dân số toàn cầu đang phải hít thở không khí ô nhiễm để sống, hãng tin AFP (Pháp) dẫn số liệu từ một báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 27-9.

Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, trong đó các nước Trung Hoa cộng sản, Mã Lai, Việt Nam – là các khu vực ô nhiễm nặng nhất thế giới. Ngoài ra, khu vực trung Địa Trung Hải cũng là một khu vực ô nhiễm nặng, vượt quá giới hạn cho phép mà WHO đề ra.


Số liệu của WHO được thống kê dựa vào các dữ liệu đo lường ô nhiễm bằng vệ tinh và cả bằng các cách thức truyền thống ở khoảng 3.000 địa điểm trên toàn cầu, chủ yếu ở các TP.

Báo cáo tập trung nghiên cứu về mức ô nhiễm ngoài trời, đo lường mật độ hạt vật chất nguy hiểm PM2.5 – có bán kính dưới 2,5 micrometres (1/1.000 mm). Không khí có mật độ hơn 10 microgram hạt PM2.5/m3 bị xem là vượt quá mức cho phép. Hạt vật chất PM2.5 chứa các độc chất như sulfate, carbon đen, có thể thâm nhập vào phổi hoặc hệ thống tim mạch.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến tất cả nước trên thế giới, đến tất cả mọi thành phần của xã hội. Tuy nhiên, không khí tại các nước nghèo ô nhiễm, nhiều bụi bặm hơn các nước phát triển.

Các TP là nơi hứng ô nhiễm nặng nhất, tuy nhiên không khí ở các vùng nông thôn cũng không thật sự trong lành như mọi người vẫn tưởng, theo báo cáo.

Ô nhiễm là nguyên nhân giết chết khoảng 6 triệu người mỗi năm. Gần 90% trường hợp tử vong là ở các nước đang phát triển.

Ô nhiễm ngoài trời được đánh giá là nghiêm trọng hơn, là nguyên nhân của hơn 3 triệu cái chết mỗi năm. Tuy nhiên, ô nhiễm trong nhà cũng không ít nghiêm trọng hơn, đặc biệt trong nhà ở các nước đang phát triển chủ yếu dùng than trong nấu nướng.

Theo Maria Neira, Giám đốc Cơ quan Sức khỏe công cộng và môi trường của WHO, ô nhiễm đã là một tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Bà kêu gọi các nước hành động quyết liệt chống ô nhiễm, như cắt giảm lượng xe cộ, cải tiến quy trình quản lý chất thải, tăng sử dụng nhiên liệu sạch.

Theo điều phối viên Carlos Dora tại Cơ quan Sức khỏe công cộng và môi trường của WHO, nhiều chiến lược mà các nước áp dụng để ngăn chặn ô nhiễm có rất ít hiệu quả. Chẳng hạn, biện pháp cảnh báo chất lượng không khí hằng ngày – mà Trung cộng đã và đang áp dụng đã không mang lại nhiều hiệu quả. Ngoài ra theo WHO, đeo khẩu trang cũng không giúp cản hiệu quả bụi bẩn trong không khí.