22.09.2016

Bỏ Rơi Biển Đông? - Trần Khải

Bỏ Rơi Biển Đông?   

Trần Khải

Chào thua ở Biển Đông trước áp lực của Trung cộng (TC)? Có vẻ như nhà nước Bắc Kinh khong chịu lùi tham vọng, trong khi Mỹ và nhiều nước Đông Nam Á cứ mãi chần chừ...

Báo Times of Oman hôm 19/9/2016 có bài phân tích của Albert R. Hunt, bình luận gia của Bloomberg View, nói rằng không ai rõ chính sách ngoại giao của Donald Trump là gì.


Bài báo nói rằng giả sử khi vị tổng thống kế tiếp gặp hoàn cảnh, Hải quân TC chiếm bãi cạn Scarborough Shoal của Philippines ở Biển Đông, Tổng Thống Trump sẽ làm gì?

Trump sẽ họp các tướng lãnh, vẽ kế hoạch 30 ngày tấn công TC?

Hay Trumps sẽ nói, rằng chẳng sao cả, rằng "tớ cũng ghét thằng cha đó," vì Trump sẽ nhầm bãi này với Joe Scarborough, một nhà bình luận TV buổi sáng mà Trump ghét cay ghét đắng.

Bài này nói, Trump không lộ ra chính sách ngoaị giao nào, chỉ trừ cảm tình với Tổng Thống Nga Vladimir Putin, người đưa quân chiếm nhiều vùng đất láng giềng và thủ tiêu đối lập chính trị.

Trong khi đó, báo Đất Việt ghi rằng theo bình luận viên đài Trung cộng, Biển Đông sẽ không thành vấn đề nếu ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

Hãng tin Sputnik của Nga mới đây dẫn lời của Tom McGregor, bình luận viên và biên tập của đài truyền hình online CNTV có trụ sở ở Bắc Kinh cho rằng hiện nay, ứng cử viên đảng Cộng hòa dường như có nhiều khả năng trở thành Tổng thống kế tiếp của nước Mỹ.

Bản tin ĐV nói:

Nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, Tom McGregor nhận định Washington có thể xem lại chiến lược đối với Bắc Kinh và Moscow, quan tâm nhiều hơn đến việc thúc đẩy thương mại công bằng và tạo công ăn việc làm cho nước Mỹ thay vì can dự vào các tranh chấp lãnh thổ tốn kém và khi đó, Biển Đông sẽ không thành vấn đề, ít nhất là so với hiện nay."

Nghĩa là, Trump không bận tâm gì chuyện Biển Đông.

Trong khi đó, bản tin VOA ghi rằng nhà nước Trung cộng hôm thứ Hai, 19/9, cáo buộc Nhật Bản tìm cách "gây rối" tình hình ở Biển Đông, sau khi Tokyo cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động trong vùng biển tranh chấp này, thông qua những cuộc tuần tra huấn luyện chung với Mỹ.

Trong một chuyến công du tới Washington vào tuần trước, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản cho biết nước này cũng sẽ giúp xây dựng năng lực của những quốc gia ven biển trong tuyến đường thủy nhộn nhịp này.

VOA ghi lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Lục Khảng nói rằng các nước trong khu vực đã đạt đồng thuận rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên trực tiếp có liên quan, và rằng Trung cộng và các nước Đông Nam Á nên cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định tại đó.

Trong cuộc họp báo hàng ngày, khi được hỏi về phát biểu của quan chức Nhật Bản, ông Lục nói: "Hãy nhìn vào kết quả của việc Nhật Bản làm mọi việc lộn xộn trong cùng khoảng thời gian đó... tìm cách gây rối tình hình Biển Đông dưới chiêu bài hành động thay cho cộng đồng quốc tế."

Ông nói thêm rằng hành động của Nhật Bản đã đẩy các nước khác tránh xa họ, và Nhật Bản đã thất bại trong việc bắt những nước khác nhìn theo quan điểm của họ.

VOA ghi thêm:

"Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung cộng, hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á, lâu nay đã bị phủ bóng vì tranh cãi về lịch sử chiến tranh đau đớn và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông, cùng những vấn đề khác.

Trung cộng đã nhiều lần lên án điều mà họ xem là sự can thiệp của Mỹ và đồng minh Nhật Bản ở Biển Đông.
"

Trong khi đó, bản tin RFI ghi nhận về "Tranh chấp Biển Đông: Vai trò các tập đoàn nhà nước Trung cộng"...

RFI ghi rằng hoạt động của các tập đoàn nhà nước Trung cộng góp phần vào việc khẳng định chủ quyền, đòi hỏi lãnh thổ, nhưng đồng thời cũng dồn Bắc Kinh vào thế không thể lùi được trong hồ sơ Biển Đông.

RFI ghi rằng theo bài viết đề tựa «Chào mừng quý vị đến với du lịch xung đột: Các tập đoàn nhà nước Trung cộng đang tận dụng tranh chấp Biển Đông ra sao?» trên tờ South China Morning Post ngày 19/09/2016, hai lĩnh vực đang được hưởng lợi nhiều nhất trong các tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông là công nghiệp quốc phòng và du lịch.

Tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông đã làm cho giá cổ phiếu các tập đoàn nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng thời gian gần đây tăng đáng kể. Nhất là ngay trong tuần lễ Tòa Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết, giá cổ phiếu cũng như lượng giao dịch của một số tập đoàn như Beifang Daohang Technological Corporation (một nhánh của China North Industries Group), China RACO (chuyên về vệ tinh viễn thông) và State China Shipping Corporation đã tăng lên 8,6%; 6,6% và 19,6% trong khoảng thời gian 24/6-12/7/2016.

Nhưng điểm đặc biệt gây chú ý cho tác giả bài viết là sự tham gia tích cực của các tập đoàn lữ hành nhà nước trong việc chào mời các chuyến tham quan yêu nước bằng thuyền trên Biển Đông theo mô hình Sun, Surf và Patriotism (tạm dịch Tắm nắng, Lướt ván và Tinh thần Yêu nước), với các hoạt động tham quan bao gồm cả lễ chào cờ và tuyên thệ. Đây là một mô hình du lịch đang được nhiều học giả Trung cộng khuyến khích. Họ kêu gọi chính phủ nên tận dụng các nguồn lực du lịch tại những đảo nhân tạo mới được Bắc Kinh bồi đắp tại Biển Đông.

Loại hình du lịch này đã được Trung cộng tiến hành khai thác vào năm 2012, tại quần đảo Hoàng Sa, với Hanan Strait Shipping, một công ty lữ hành địa phương, tổ chức đưa khách đến thăm các đảo như Toàn Phú Đảo (All Wealth Island) và Áp Công Đảo (Việt Nam gọi là đảo Ba Ba - Male Duck Island).

Ước tính đến nay đã có hơn 10.000 du khách, đã đến thăm quần đảo Hoàng Sa. Và mô hình du lịch này đang được đại bộ phận công luận Trung cộng đón nhận và ủng hộ, nhất là sau khi có phán quyết của Tòa Trọng Tài. Đây là một hình thức giúp cho chính phủ Trung cộng khẳng định chủ quyền lãnh thổ và các quyền của họ tại Biển Đông.

RFI ghi rằng theo tác giả bài viết, các tập đoàn nhà nước Trung cộng là những tác nhân hưởng lợi nhiều nhất trong việc khai thác các nguồn lực du lịch tại Biển Đông. Một số tập đoàn lớn như Cosco (China Cosco Shipping Corporation) còn đang tìm kiếm cơ hội mở rộng các hoạt động du lịch từ quần đảo Hoàng Sa đến Đài Loan và nhiều đảo khác của các nước láng giềng, xem đấy như là một phần của chương trình du lịch văn hóa «Con Đường Tơ Lụa Hàng Hải».

Câu hỏi bây giờ là, các doanh nghiệp VN ở đâu, làm gì? Phải chăng, chỉ muốn gom tiền để theo các cán bộ gộc chạy ra nước ngoài?