26.09.2016

Ai đã khiến người dân mất lòng tin vào chế độ? - Minh Tâm

Ai đã khiến người dân mất lòng tin vào chế độ?

Ngày 22-9 đã diễn ra phiên phúc thẩm vụ án Blog Anh Ba Sàm - bị cáo Nguyễn Hữu Vinh (tức blogger Anh Ba Sàm) và đồng phạm Nguyễn Thị Minh Thúy. Cũng trong ngày 22-9, trên trang báo điện tử Tuần Việt Nam, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó trưởng ban thường trực Tuyên giáo Trung ương, có bài viết được trang Tuần Việt Nam rút tựa đề mang nhiều ẩn ý: “Có những người bán rẻ Tổ quốc vì quyền lợi cá nhân”.


Ở Việt Nam người ta có thể “giám định tư tưởng”

Được biết để đưa ra truy tố ông Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã trưng cầu giám định đối với các bài viết trên hai blog Chép sử Việt và Dân quyền.

Kết quả giám định của Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định trên blog có 24 bài viết sai sự thật, không có căn cứ, gây ảnh hưởng đối với lòng tin của nhân dân vào các chính sách của Đảng và Nhà nước.


Như vậy, có thể thấy Anh Ba Sàm bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phạt tù là vì đã có 24 bài viết sai sự thật, không có căn cứ. Và việc xác định “sai sự thật, không có căn cứ”, là do sự “giám định” của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Qua đó, giới luật sư ở Việt Nam giờ đây được biết rằng một tác phẩm viết (bài báo, hay ý kiến phát biểu...) tại Việt Nam có thể giám định được. Lâu nay, các luật sư thường hiểu việc giám định là mang tính khoa học, đối với một vật chứng nào đó. Chẳng hạn là xác định dấu vân tay, nhóm máu, hay về gen, hay chữ ký giả,... vv và thường sử dụng các biện pháp, công cụ khoa học kỹ thuật cao, do các chuyên viên (giám định viên) thực hiện. Nhưng hiểu như vậy giờ đây là chưa đầy đủ.

Đáng tiếc là không hiểu vì lý do gì, mà mặc dù xét xử công khai, dư luận nói chung không thể biết 24 bài viết mà Anh Ba Sàm bị kết tội là những bài viết nào? Những thông tin nào là “sai sự thật, không có căn cứ”? Những thông tin nào là “gây ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào các chính sách của Đảng và Nhà nước”?

Trong bài viết trên trang Tuần Việt Nam, ông Vũ Ngọc Hoàng nói: “Nhiều người đã giải thích rằng do địch phá bằng “diễn biến hòa bình”... Không phải như thế đâu! Đấy là cách giải thích miễn cưỡng, không có cơ sở khoa học, tự trấn an mình. Địch thì lúc nào mà chả phá ta? Do phá ta nên nó mới là địch. Địch mà không phá ta mới là chuyện lạ.

Phá là việc của địch, còn ngã đổ là chuyện của ta. Nếu cử đổ lỗi cho địch thì rồi chẳng biết cách nào mà sửa”.

Ông Vũ Ngọc Hoàng chỉ mới rời ghế phó trưởng ban thường trực Tuyên giáo Trung ương cách đây vài tháng, khi ấy đã có cái gọi là “kết quả giám định” của Bộ Thông tin và Truyền thông về 24 bài viết của blogger Anh Ba Sàm.

Kết quả phiên phúc thẩm vụ án Blog Anh Ba Sàm, cho thấy đúng như chia sẻ trong bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng, tham nhũng và lợi ích nhóm đã “lan rộng dần vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của công việc quản lý và quản trị quốc gia, vào ngay trong các lĩnh vực mà trước đến nay thường được cho là trong sạch, thiêng liêng - như lĩnh vực dạy người, cứu người, an ninh quốc gia, nắm cán cân công lý để bảo vệ sự nghiêm minh, kể cả cơ quan ở cấp cao, cả nhà thờ, chùa chiền, cả lĩnh vực làm từ thiện, nhân đạo, chính sách đền ơn đáp nghĩa...”.

Cũng qua vụ án này, qua việc có hàng triệu lượt xem trên Blog Anh Ba Sàm, cho thấy nhu cầu của công dân về thông tin đa dạng, toàn diện trong xã hội là có thật. Thực ra đây là quyền công dân - quyền được tiếp cận thông tin mà. Tuy nhiên quyền này trên thực tế chỉ được bảo hộ bằng luật từ ngày 01-07-2018, ngày mà Luật Tiếp cận thông tin bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Minh Tâm

(VNTB)