06.07.2016

Những người biểu tình, nhà báo nói gì sau vụ Formosa

Những người biểu tình, nhà báo  nói gì sau vụ Formosa
Người dân biểu tình tại Hà Nội chống tập đoàn Đài Loan Formosa ngày 01 tháng 5 năm 2016.      AFP photo

Hiện tượng cá chết lần đầu tiên xuất hiện ở Vũng Áng, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 06 tháng 04 năm 2016, sau đó lan xuống Quảng Bình, Quảng Trị, rồi đến Thừa Thiên Huế. Nhận thấy đây là hiện tượng bất ổn, trên nhiều trang mạng xã hội nhiều người đã bày tỏ ý nguyện được biết nguyên nhân gây ra hiện tượng trên là gì, tuy nhiên chính quyền lại chậm trễ, tắc trách trong việc truy tìm nguyên nhân, thủ phạm và báo chí, các đài truyền thông nhà nước lại câm lặng trong vụ này.

Gần 1 tháng sau từ hiện tượng cá chết, thì vào ngày 01 tháng 05 năm 2016 thì người dân cả nước mới xuống đường biểu tình yêu cầu chính phủ minh bạch nguyên nhân cá chết, với số lượng người biểu tình đông nhất từ trước đến nay, tập trung chủ yếu ở thành phố Hà Nội và sài Gòn và lẻ tẻ ở Nghệ An. Nhà cầm quyền cs lại lại huy động một lực lượng lớn công an, dân phòng, cảnh sát giao thông…để đàn áp, đánh đập và bắt bớ những người biểu tình cũng như các phóng viên độc lập đi điều tra tìm hiểu sự việc.
Những người biểu tình nói gì?
Anh Lê Sỹ Bình người Nghệ An nhưng tham gia biểu tình trong Sài Gòn, thì yêu cầu chính phủ phải đóng cửa khu công nghiệp Formosa ngay lập tức và truy tố những người đã đồng ý ký cho khu công nghiệp Formosa xây dựng ở Việt Nam.
“Phải nên đóng cửa Formosa vĩnh viễn, chính quyền phải làm như vậy, nhưng hiện tại Formosa và chính quyền đang thông đồng cho nhau, để mà chạy án, họ dùng 500 triệu USD đó để tìm mọi cách để chạy án, đúng ra đúng pháp luật thì phải khởi tố Formosa và bắt khẩn cấp đưa ra xét xử một cách công minh. Tìm ra những kẻ nào đứng sau hậu thuẫn cho Formosa gây thiệt hại môi trường, yêu cầu nhà nước làm rõ ra những cái đó, nếu chúng ta không đứng lên thì chính quyền Việt Nam và Formosa sẽ bỏ qua vụ này luôn.”
Theo anh Dương Lâm ở Sài Gòn chia sẻ, sống trong một đất nước dưới sự cai trị độc tài của đảng cộng sản thì mọi chuyện có thể xảy ra:
“Cần phải đóng cửa Formosa, cái thứ nhất là bởi vì những gì mà họ đã tạo ra, cái thứ hai là vì môi trường an toàn cho người Việt Nam sau này.”
Anh Huỳnh An Lộc ở tỉnh Sóc Trăng thì cho rằng qua sự việc lần này thì càng chứng tỏ đảng cộng sản không quan tâm, không lo cho người dân mà họ chỉ biết bảo vệ quyền lợi cho họ.
“Đảng cộng sản không có quan tâm đến môi trường, đảng cộng sản quan tâm nhất là để bảo vệ đảng cộng sản, đảng cộng sản quay lưng 360 độ để chống lại chính nhân dân Việt Nam.”
Phóng viên độc lập Chu Mạnh Sơn thì cho rằng phải đóng cửa Formosa không những là sự việc vừa xảy ra ở Vũng Áng, Kỳ Anh mà Formosa có lịch sử họ không tuân thủ những biện pháp để xử lý nước và nhiều nước đã tẩy chay rồi, cớ sao Việt Nam lại rước vào.
“Tất cả mọi người trên đất nước Việt Nam đều lên án Formasa và yêu cầu Formosa đóng cửa và cuốn gói về nước. Tất cả mọi người đều biết rằng là quá trình lịch sử hình thành của Formosa, không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác và họ cũng đã gây ra các thảm họa và tôi nghĩ rằng cái này ho dọ yếu kém.” 

Nhà báo, các nhà hoạt động xã hội trẻ tại Việt nói gì về điều này? 
Các chức sắc Việt Nam và video xin lỗi của Chủ tịch Tập đoàn Formosa Hà Tĩnh trong một cuộc họp báo công bố lý do cá chết hàng loạt ở miền trung Việt Nam, tại Hà Nội vào ngày 30 Tháng Sáu năm 2016.    AFP PHOTO

Sau khi Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm về việc gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển, rất nhiều người không đồng tình về việc chính quyền Việt Nam để yên cho nhà máy Formosa Hà Tĩnh tiếp tục hoạt động. Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, giới luật sư cho rằng ‘cần có một vụ án hình sự’ đối với thủ phạm.
Việc chính quyền Việt Nam (VN) nhận 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ đồng từ Formosa Hà Tĩnh để khắc phục thảm họa ô nhiễm môi trường đã khiến cho trí thức, các nhà hoạt động xã hội và người dân VN bất bình.
Thay vì đóng cửa, rút giấy phép đầu tư vĩnh viễn đối với Formosa, chính quyền VN lại đứng ra xin nhân dân VN tha thứ cho họ. Hành động đó khiến rất nhiều nhà hoạt động xã hội trẻ tại VN bức xúc, họ không thể đứng nhìn môi trường biển của VN tiếp tục bị phá hoại bởi Formosa và những thủ phạm liên quan.
Cần khởi tố điều tra Formosa
Từ Hà Nội, người nghiên cứu luật, nhà báo trẻ Nguyễn Đình Hà cho rằng, bằng chứng đã đưa ra là quá rõ ràng, kết luận điều tra của bộ tài nguyên môi trường và tất cả các bộ ngành liên quan đều chứng minh Formosa là thủ phạm và họ cũng đã nhận trách nhiệm. Anh Hà tiếp lời:
“Formosa đáng phải bị khởi tố điều tra. Đây là một vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về tội gây ô nhiễm môi trường và hủy hoại nguồn thủy sản, cũng như hủy hoại nguồn nước.”
Anh Hà nói thêm, việc các cơ quan thanh tra đã phát hiện ra 53 lỗi sai phạm của doanh nghiệp Formosa là một thí dụ điển hình về sự tắc trách và vô trách nhiệm của họ, cũng như việc làm sai các quy định của pháp luật của những người liên quan.
Từ Lâm Đồng, nhà báo trẻ Trần Minh Nhật thấy rằng, nên có những biện pháp pháp lý để đòi lại quyền lợi chính đáng cho ngư dân vùng thảm họa. Đồng thời răn đe những công ty khác và cũng đòi hỏi sự thượng tôn pháp luật, chứ không thể để thủ phạm muốn làm gì là làm. Theo anh Nhật, ngoài việc truy tố hình sự đối với Formosa, còn phải truy tố trách nhiệm hình sự đối với những bên liên quan, những người đã tiếp tay cho Formosa Hà Tĩnh đầu độc biển Đông và người dân VN. Anh phân tích:
“Các nhà chức trách có một cái tội rất nặng. Tội mà mình không thể bỏ qua được. Đó là họ từ công đoạn kiểm duyệt dự án, từ công đoạn thông qua dự án, rồi kiểm tra mức độ vệ sinh môi trường, kiểm tra công nghệ xử lý rác thải hay cả quy trình hoạt động của Formosa. Thì các cơ quan nhà nước đã chấp nhận, đã có công văn nói rằng công ty này hoạt động an toàn.
Khu chính nhà máy thép Formosa Đài Loan ở tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh chụp ngày 3 Tháng 12 năm 2015. AFP PHOTO

Nhưng bây giờ kết quả mọi người nhìn thấy cá chết hàng trăm tấn ở biển miền Trung thì chúng ta không phải chỉ có vấn đề quy trách nhiệm cho Formosa nữa. Đồng thời phải hỏi xem ai là kẻ gián tiếp tiếp tay cho Formosa. Ở đây là bộ tài nguyên và môi trường, đặc biệt là ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trong việc cấp phép cho Formosa 70 năm hoạt động.”
Từ Sài Gòn, nhà hoạt động xã hội Lê Văn Sơn thấy rằng, sở dĩ có thảm họa này là vì các cơ quan chức năng đã lạm quyền, tham nhũng, bao che cho Formosa trong thời gian dài. Theo anh Sơn, việc chính quyền Việt truy tố trách nhiệm hình sự đối với Formosa, và những thủ phạm liên quan là điều khó có thể xảy ra. Anh Sơn bày tỏ:
“Tôi không bao giờ tin tưởng vào nền pháp luật do đảng cộng sản cai trị. Nên việc để các bên liên quan liên đới có trách nhiệm trong vụ việc này khó xảy ra, rất khó xảy ra.”
Cần đóng cửa Formosa
Anh Lê Văn Sơn thấy rằng, nếu Việt Nam là một quốc gia có lòng tự tôn dân tộc, hệ thống lãnh đạo đặt con người lên trên hết, thì những việc mà công ty Formosa đã làm đối với con người, đất nước Việt Nam phải được chấm dứt. Anh nói:
“Cần phải chấm dứt ngay, cần phải đình chỉ ngay và chấm dứt hoạt động ngay tức khắc trên lãnh thổ Việt Nam.”
Anh Trần Minh Nhật lại cho rằng, việc đóng cửa hoàn toàn đối với Formosa trong thời điểm này cần phải được cân nhắc thật kỹ, cần bắt buộc Formosa trả lại môi trường trong sạch, khắc phục thảm họa ô nhiễm biển, trong thời gian khắc phục thảm họa, Formosa Hà Tĩnh phải ngừng hoạt động. Anh Nhật nói:
“Mình phải xác định được cái giá bồi thường cho người dân. Đồng thời chúng ta phải bắt buộc Formosa làm sạch lại môi trường. Khi xong rồi chúng ta có thể nói rút giấy phép, cấm Formosa đầu tư vĩnh viễn vào Việt Nam như một số nước đã từng làm với Formosa.”
Về nguyên nhân sâu xa của vấn nạn ô nhiễm môi trường tại VN được anh Nhật phân tích, trong chiến lược phát triển, cạnh tranh của VN đang có vấn đề lớn, Formosa chỉ là hiện tượng mà thôi, trước đó đã có rất nhiều dự án như Vedan, Boxit Tây Nguyên… đã xả thải làm ô nhiễm môi trường cách trầm trọng. Việc xảy ra những thảm họa môi trường như thế là do chính sách của nhà nước chỉ chú trọng đến lợi nhuận, những hứa hẹn kinh tế trước mắt mà phớt lờ những lợi ích lâu dài như lợi ích cộng đồng, vấn đề môi sinh, môi trường.
Anh Nguyễn Đình Hà cho rằng, những tiếng nói trên các trang mạng xã hội, truyền thông độc lập ở trong và ngoài nước đã tác động rất lớn đến người dân trong nước, do đó anh Hà mong đợi:
“Tôi mong đợi tiếng nói người dân cũng như sự phản biện của giới khoa học, tri thức đánh động đến chính quyền. Buộc chính quyền phải làm theo những gì người dân mong đợi, và buộc họ phải thực hiện theo đúng pháp luật mà họ đề ra.” 

Theo tường thuật của thông tín viên RFA