27.07.2016

Học viện Phật giáo Tây Tạng Larung Gar bị Trung cộng dỡ bỏ

Học viện Phật giáo Tây Tạng Larung Gar 

bị Trung cộng dỡ bỏ

 GNO  
Học viện Larung Gar - Ảnh: Getty Images
Nhóm hoạt động mang tên Tây Tạng Tự do (The Free Tibet) có trụ sở tại Luân Đôn (Anh quốc) cho biết, Trung cộng đã và đang bắt đầu phá dỡ các nơi lưu trú của Học viện Phật giáo Larung Gar, một trong những trung tâm đào tạo Phật học lớn nhất ở Tây Tạng.
Cũng theo nguồn tin này, việc phá dỡ tại học viện đã bắt đầu từ hôm thứ Tư  (ngày 20-7) và nhiều Tăng Ni đang sống trong khuôn viên học viện bị trục xuất ra khỏi đây. Việc phá dỡ này là theo lệnh của chính quyền địa phương được ban hành hồi tháng rồi “nhằm mục đích cắt giảm số lượng Tăng Ni lưu trú trong học viện xuống còn khoảng 5.000 người”.

Các quan ch
ức Trung cộng cho biết họ quan ngại về việc tập trung quá đông đúc của Tăng Ni tại đây.


Larung Gar được xem là viện Phật học Tây Tạng lớn nhất trên thế giới. Học viện và tu viện này được thành lập năm 1980 trên một sườn núi ở vùng Sertar, phía đông Tây Tạng và là nơi thu hút hàng ngàn tu sĩ Phật giáo có mong muốn đến học Phật tại đây.

Học viên của học viện sống trong các gian cabin và các phóng viên cho biết khu học viện đã tăng triển đáng kể trong những năm gần đây.

Nhóm hoạt động The Free Tibet đã đăng tải nhiều hình ảnh trên trang cộng đồng Twitter và các đoạn video ngắn trên YouTube cho thấy các gian nhà bằng gỗ bị san bằng nằm rạp trên mặt đất. Các thiết bị nặng cũng được sử dụng để thực hiện việc dỡ bỏ này, có thể thấy qua một số hình ảnh mà nhóm này chia sẻ.

Nhóm hoạt động nói trên cũng cho biết nhóm người đảm trách việc phá dỡ các dãy nhà lưu trú là cảnh sát và lực lượng vũ trang Trung cộng mặc thường phục. Cho đến giờ, vẫn chưa có bình luận chính thức nào của giới cầm quyền Trung cộng về việc này.

Một quan chức của quận Sertar liên hệ với AP, nói rằng mục đích của hoạt động này là để cải tạo hơn là phá bỏ các nơi lưu trú này.

“Nếu cách duy nhất để giải quyết vấn đề quá tải dân số là phá hủy các ngôi nhà thì tại sao chính sách này không được áp dụng cho các thành phố và thị trấn của Trung cộng, vốn đang có rất đông người sinh sống? Và công lý nằm ở đâu, luật pháp ở đâu và an sinh xã hội, tự do tôn giáo và quyền bình đẳng của các quốc gia nằm ở đâu nếu ta đi giật sập nơi ở của những người thực hành tôn giáo trong sáng, vốn chỉ sống cuộc sống thật bình dị?” - một học viên ở Larung Gar chia sẻ với nhóm The Free Tibet.
Chính quyền Trung cộng nói rằng dân số của Larung Gar phải giảm từ 10.000 người xuống còn không quá 3.500 Ni và 1.500 Tăng - thời hạn đến tháng 10 năm nay.

Giám đốc của The Free Tibet, Eleanor Byrne-Rosengren khẳng định: Sự phá bỏ diễn ra ở Larung Gar rõ ràng không có liên quan gì đến sự quá tải dân số mà chỉ là một chiêu thức trong nỗ lực phá hủy sự ảnh hưởng của Phật giáo tại Tây Tạng của Trung cộng mà thôi”.



Nhà cầm quyền Trung cộng đã ra lệnh dỡ bỏ các khu vực trong Học viện với lý do không thuyết phục: là giảm bớt lượng Tăng Ni theo học tại đây khiến dư luận hoài nghi về sự tự do tôn giáo ở đất nước này - Ảnh: The Free Tibet

Chính quyền Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền từ nhiều thế kỷ đối với vùng Himalaya. Lịch sử Tây Tạng đã ghi nhận sự hiện diện của quốc gia này như một chủ thể độc lập vào các thời kỳ bị cai trị bởi Trung Hoa hay các triều đại Mông Cổ.

Trung cộng đã phái hàng ngàn toán quân đến để tuyên bố lãnh thổ vào năm 1950. Một số khu vực trở thành vùng tự trị Tây Tạng và một số khu vực khác được sáp nhập vào các tỉnh lân cận của Trung cộng.

Bắc Kinh cho rằng Tây Tạng đã phát triển đáng kể dưới sự cầm quyền của mình. Các nhóm hoạt động cho rằng Trung cộng vẫn tiếp tục xâm phạm nhân quyền và trấn áp chính trị, tôn giáo nhưng chính quyền Bắc Kinh đều không thừa nhận những cáo buộc này.


Tổ chức nhân quyền thế giới: TC nên dừng phá bỏ học viện Phật giáo Larung Gar

Theo tin RFA thì nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới lên tiếng kêu gọi chính quyền Trung cộng dừng lại việc phá bỏ một phần học viện Phật giáo Tây Tạng Larung Gar tại tỉnh Tứ Xuyên.
Giới chức Trung cộng tại địa phương cho biết dỡ bỏ này là nhằm để mở đường trong khu ký túc xá của Tăng Ni, cho phép lính cứu hỏa có thể tiến vào trong học viện phòng trường hợp có hỏa hoạn.
Nhưng các tổ chức của người Tây Tạng lưu vong thì nói rằng đây là một hành động nữa để đàn áp tôn giáo, cụ thể là đạo Phật của người Tây Tạng. Tổ chức quốc tế tranh đấu cho Tây Tạng cho biết là từ hồi tháng sáu, nhà cầm quyền Hoa Lục đã ra lệnh là phải giảm số lượng tăng nhân ở Học viện từ 10.000 xuống còn 5.000 người.
Học viện Phật giáo Larung Gar được xây dựng năm 1980 trong một thung lũng hoang vắng rất xa các thành phố của tỉnh Tứ Xuyên. Từ đó đến nay, Học viện đã trở thành một trung tâm Phật giáo Tây Tạng có tầm vóc quốc tế.
Người sáng lập là ông Khenpo Jigme Phuntsok giữ những mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền Trung cộng lẫn Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện đang sống lưu vong.
Học viện đã bị đàn áp một lần bởi nhà cầm quyền Hoa Lục vào năm 2001, khi cảnh sát Trung cộng đã bắt buộc hàng trăm tăng ni phải rời bỏ Học viện và phá hủy 1000 ngôi nhà.
Theo các tổ chức của người Tây Tạng tại hải ngoại, lúc đó Trung cộng buộc các tăng ni của học viện phải ký những giấy tờ tố cáo đức Đạt Lai Lạt Ma. Bản thân người sáng lập bị cầm tù trong 1 năm.

Bài đọc thêm:

Thời hoàng kim của học viện Phật giáo lớn nhất thế giới

Trước khi bị phá dỡ một phần với lí do “dân số phát triển không kiểm soát” và phòng cháy, Larung Gar là học viện Phật giáo Tây Tạng lớn nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới với hơn 40.000 sư sãi, tăng ni Phật tử.



Nằm giữa thung lũng Larung trên cao nguyên Tây Tạng ở độ cao 4.000 m so với mặt nước biển, cách thị trấn Sertar, Tây Tạng 15 km, Học viện Phật giáo Larung Gar được coi là trung tâm Phật giáo lớn nhất.


Còn được gọi là Học viện Phật giáo Serthar, đây là “ngôi nhà chung” của 40.000 sư sãi, tăng ni Phật tử đến tu tập bộ môn Phật giáo Tây Tạng.


Những ngôi nhà gỗ màu nâu và đỏ giống hệt nhau tạo thành một khối khổng lồ, tựa vào sườn đồi. Mỗi ngôi nhà có 3 phòng, không hề có toilet hay nước nóng.


Điều kiện sống ở Học viện Phật giáo Larung Gar chỉ ở mức cơ bản. Tăng ni Phật tử phải dùng chung toilet. Điện thoại được sử dụng, nhưng TV thì không. Các sư sãi sống gần các Phật tử đến tu tập, phân chia phòng theo tuổi tác và giới tính. Một bức tường lớn ngăn cách khu tu thiền của sư sãi và ni cô. Giới luật ở đây vô cùng nghiêm ngặt.


Học viện được Jigme Phuntsok, một Lạt ma có ảnh hưởng về truyền thống Nyingma (phái Nyingma thuộc Phật giáo Tây Tạng), thành lập vào năm 1980 trong một thung lũng xa xôi hẻo lánh không có người ở. Ngày nay, Larung Gar trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng lớn nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới.

Nhiếp ảnh gia 34 tuổi Wanson Luk đến Larung Gar qua hành trình 20 tiếng đồng hồ từ Thành Đô (Trung Quốc). Anh cho biết, ở đây có 2 nhà khách nhỏ nhưng đã kín chỗ, vì vậy anh phải ở gần cổng vào. Luk cho biết, học viện mở cửa cho mọi người, và duy trì cuộc sống bằng tiền quyên góp và các mối làm ăn nhỏ như nhà khách hoặc cửa hàng tạp hóa.


Luk chia sẻ: “Tôi ngạc nhiên nhất là cách mọi người đối diện với cái chết. Tôi tham gia vào một lễ điểu táng ở đây. Hôm đó có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con kền kền đợi ăn 7 xác chết. Một nhà sư cầu nguyện trong buổi lễ, sau đó người chủ lễ bắt đầu cắt những xác chết ra. Khi ông làm xong, tất cả lũ kền kền lao vào. Họ cho rằng càng có nhiều kền kền càng tốt vì kền kền không ăn những xác không tốt”.

Tu viện là trung tâm của Học viện Phật giáo.

Các nhà sư cầu nguyện ở ngôi đền lớn nhất học viện. Người lớn và trẻ em tụ tập hát.

Tuyết rơi trắng trên các sườn đồi vào mùa đông.

Cảnh tượng lung linh về đêm.