07.06.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 07.06.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng 
(ngày 07.06.2016)
Đài Loan không công nhận vùng ADIZ của Trung cộng ở Biển Đông 
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Feng Shih-kuan.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan hôm nay (6/6) tuyên bố Đài Loan sẽ không công nhận bất kỳ vùng nhận dạng phòng không nào của Trung cộng ở Biển Đông giữa lúc cơ quan an ninh hàng đầu của Đài Loan cảnh báo động thái này có thể gây ra một làn sóng căng thẳng mới tại khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Feng Shih-kuan quả quyết trước Quốc hội rằng ‘Chúng ta sẽ không công nhận bất kỳ vùng ADIZ nào của Trung cộng’.


Trong báo cáo trình Quốc hội, Cục An ninh Quốc gia Đài Loan nhận định: ‘Trong tương lai không thể loại trừ khả năng Trung cộng vạch ra vùng nhận dạng phòng không [trên biển Đông]. Nếu Trung cộng quả đúng sẽ công bố việc này thì sẽ tạo ra một làn sóng căng thẳng mới trong khu vực.’

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho hay sẽ tăng cường công tác quốc phòng trên đảo Đông Sa phía Bắc Biển Đông và trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.
Bộ trưởng Feng Shih-kuan loan báo tháng tới Đài Loan sẽ đưa thêm đạn dược ra đảo Ba Bình bổ sung cho hệ thống súng phòng không tại đây.

Đáp câu hỏi liệu Bắc Kinh có lập vùng ADIZ ở Biển Đông hay không, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung cộng, Hồng Lỗi, nói cần cân nhắc nhiều yếu tố đặc biệt là mức độ đe dọa mà Trung cộng phải đối mặt trên không.

Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry, ngày 5/6 tuyên bố Hoa Kỳ sẽ coi vùng nhận dạng phòng không của Trung cộng ở Biển Đông, nếu có, là một hành động ‘khiêu khích và gây bất ổn.’

Theo Reuters.

Chuyên gia Hoa Kỳ: Việt Nam hoàn toàn có thể chặn đứng ADIZ của Trung cộng 

Chuyên gia Vuving: Việt Nam có thể thiết lập ADIZ trên Hoàng Sa để ngăn cản Trung cộng. Ảnh: WikiMedia

Theo nhận định của giới chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung thì động thái chú ý tiếp theo của Trung cộng trên Biển Đông sẽ là thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ).

Nhận xét về chuyển biến nói trên trong một bài viết đăng trên tạp chí National Interest (Mỹ) ngày 06.06.2016,  giáo sư Alexander L. Vuving, thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á –Thái Bình Dương, Daniel K. Inouye (DKI-APCSS) cho rằng, việc Trung cộng thiết lập trái phép ADIZ chỉ là vấn đề thời gian, và Bắc Kinh sẽ chọn thời điểm thích hợp để tối đa hóa những cái lợi cũng như tối thiểu hóa những cái hại của nước cờ này.

Giới chuyên gia đã dựa trên một nguồn tin trong nội bộ Quân đội Trung cộng (PLA) tiết lộ với báo SCMP (Hong Kong) rằng, Bắc Kinh đang rục rịch chuẩn bị thiết lập ADIZ trên Biển Đông.

Hành động này, nếu xảy ra, sẽ gặp phản ứng của các quốc gia khác, theo chuyên gia Alexander Vulving nhận định:

Về phía Hoa Kỳ: Nếu so sánh tương quan quân sự, thì rõ ràng Washington là đối trọng mà Bắc Kinh ngại nhất trên Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ không có chủ quyền trên vùng biển này, do đó điều duy nhất họ có thể làm, tương tự như khi Bắc Kinh thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, là điều chiến đấu cơ và máy bay ném bom tới thách thức.

Riêng về Phi Luật Tân:  Nếu Bắc Kinh thiết lập ADIZ, thì Phi Luật Tân nhiều khả năng sẽ "nâng cấp" Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) giữa hai nước lên một nấc, và cho phép Mỹ sử dụng thêm 3 căn cứ khác, trong đó căn cứ hải quân San Miguel gần Bãi cạn Scarborough sẽ giúp Mỹ cải thiện đáng kể tốc độ phản ứng trước biến cố trên Biển Đông. 

Sơ đồ căn cứ hải quân San Miguel của Phi Luật Tân. Ảnh: WikiMedia


 Còn về Mã Lai: Có thể học theo Phi Luật Tân, kiện Trung cộng ra tòa, cũng như cho phép Mỹ sử dụng căn cứ Labuan và Bintulu ở phía nam để ứng phó với các động thái của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Tất cả những phương án trên đều có tác dụng nhất định trong việc ngăn chặn Trung cộng thiết lập ADIZ, song theo chuyên gia Vuving, với vị trí chiến lược của cảng Cam Ranh, thì Việt Nam mới là nước có thể khiến Trung cộng "chùn tay" nhất trong số các bên liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

"Ngoài ra, với sự cứng rắn đã thể hiện từ trước đến nay đối với sự hung hăng của Trung cộng trên Biển Đông, Việt Nam có thể gây áp lực rất lớn lên Bắc Kinh nếu nước này quyết định đưa người láng giềng phương Bắc ra tòa" - ông Vuving nhận xét.

Cũng theo ông Vuving, các nước Phi Luật Tân, Mã Lai, và Việt Nam cũng có thể thiết lập ADIZ của riêng mình để đối chọi lại Trung cộng.

Đặc biệt Việt Nam có chủ quyền hợp pháp và không thể chối cãi trên quần đảo Hoàng Sa, nhưng kể từ năm 1974, Trung cộng vẫn ngang ngược phủ nhận điều đó và chiếm đóng phi pháp. Nhưng với việc thiết lập ADIZ trên Hoàng Sa, ông Vuving cho rằng đây sẽ là một tiền đề pháp lý để Việt Nam thực thi những tuyên bố chủ quyền hợp pháp của mình trên quần đảo này.

"Dù diễn biến có thế nào, thì những lựa chọn của Hà Nội cũng có khả năng thay đổi những quyết định được đưa ra ở Bắc Kinh" - ông Vuving kết luận.

Theo tin RFI


Pháp muốn EU tuần tra biển Đông

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian

Phát biểu ngày 5/6 tại diễn đàn an ninh Shangri-La ở Tân Gia Ba, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết: Chính phủ Pháp xem việc bảo vệ tự do hàng hải là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trên phương diện kinh tế, và Paris lo ngại rằng việc để mất tự do hàng hải trên biển Đông có thể dẫn tới tình trạng tương tự ở Bắc Băng Dương và Địa Trung Hải.

“Nếu chúng ta muốn kiềm chế nguy cơ xung đột, chúng ta phải bảo vệ quyền tự do hàng hải, và tự mình bảo vệ quyền này”, ông Le Drian nói.

Ông Le Drian cũng nói rằng từ đầu năm đến nay, hải quân Pháp đã ba lần triển khai tuần tra ở một số khu vực của biển Đông. “Mỗi năm vài lần, tàu hải quân Pháp đi qua khu vực này, và chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành công việc đó”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp phát biểu.

“Đây là một thông điệp: Pháp sẽ tiếp tục có mặt tại các diễn đàn quốc tế. Pháp sẽ tiếp tục hành động bằng cách đưa tàu và máy bay của mình tới bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, ông Le Drian phát biểu.

Ông Le Drian cũng nói rằng ông cảm thấy tiếc khi Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung cộng chưa đạt được bước tiến lớn tới một bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC).

Đến nay, các nước châu Âu vẫn hối thúc các bên tuyên bố chủ quyền trên biển Đông giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, đồng thời kêu gọi duy trì tự do hàng hải tại một trong những tuyến đường biển đông đúc nhất thế giới này. Tuy nhiên, châu Âu vẫn chưa có tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện quân sự trên biển Đông.

Một quan chức cấp cao Pháp tiết lộ rằng nước này sẽ đàm phán với các đối tác EU trong tuần tới về vấn đề biển Đông, và trọng tâm là đảm bảo rằng hải quân các nước EU sẽ thường xuyên đi qua vùng biển này.

Một số nước như Anh và Hà Lan đã thường xuyên cử tàu hải quân đi qua biển Đông, nên Pháp hiện đang quan tâm tới việc phối hợp tuần tra để đảm bảo không có khoảng trống lớn nào trong sự hiện diện của EU trên vùng biển - vị quan chức đề nghị giấu tên nói.

Theo hãng tin Bloomberg, đây được xem là tín hiệu mới nhất cho thấy sự phản đối của cộng đồng quốc tế đối với việc Trung cộng bành trướng quân sự trên biển Đông.



Tân Tây Lan : Trung cộng cần giải thích các chương trình xây đảo ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Tân Tây Lan Gerry Brownlee (T) bên cạnh đồng nhiệm Pháp Jean-Yves Le Drian, tại Hội nghị Shangri-La, Tân Gia Ba. Ảnh ngày 04/06/2016.Reuters
Theo nhật báo The Star của Mã Lai, số ra ngày hôm nay, 06/06/2016, bộ trưởng Quốc Phòng Tân Tây Lan Gerry Brownlee muốn Trung cộng giải thích các kế hoạch xây dựng đảo ở Biển Đông.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm thứ Sáu tuần trước bên lề diễn đàn Shangri-La tại Tân Gia Ba, bộ trưởng Quốc Phòng Tân Tây Lan cho biết, Trung cộng cần giải thích các chương trình xây đảo của mình, nếu không thì sẽ làm tăng sự bất an của các nước phụ thuộc vào tự do thương mại, bao gồm cả các nước nhỏ ở xa vùng tranh chấp.
Theo ông Gerry Brownlee, việc Trung cộng xây các đảo từ những bãi đá, mà hiện giờ đã hơn 3,000 hecta, là nhằm mục đích khẳng định chủ quyền và thậm chí vùng đặc quyền kinh tế xung quanh các đảo này.
Tại diễn đàn Shangri-La năm ngoái, khi một tướng Trung cộng nói rằng căng thẳng ở Biển Đông không phải là vấn đề của Tân Tây Lan, bộ trưởng Quốc Phòng Tân Tây Lan đã trả lời ngay rằng mặc dù Tân Tây Lan là nước có kim ngạch thương mại nhỏ, nhưng vấn đề Biển Đông cũng là mối bận tâm của họ.
Hàng năm, có khoảng 80% các giao thương của Tân Tây Lan đi qua Biển Đông.
Khánh Bình (RFI) 



Mỹ, Trung: Ai chiếm thế thượng phong ở Biển Đông?
Mỹ đã phái khu trục hạm USS Lassen tiến gần khu vực trong phạm vi 12 hải lý cách một bãi đá mà Trung cộng chiếm đóng và tuyên bố chủ quyền ngày 27/10/2015.

Trong lúc các giới chức cấp cao của Mỹ và Trung cộng họp tại Bắc Kinh để tìm cách giải quyết những nguồn gây căng thẳng giữa hai nước, một cuộc tranh luận đã bùng ra về vấn đề nước nào chiếm thế thượng phong trong vụ tranh chấp ở Biển Đông hiện nay. Thông tín viên Michael Lipin của đài VOA tường thuật.
Trung cộng đang chiếm đóng nhiều đảo nhỏ và bãi đá ở Biển Đông, nơi có tuyến vận chuyển then chốt của thương mại thế giới. Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với hầu như toàn bộ vùng biển này, mặc dù năm chính phủ khác trong khu vực: (là) Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam cũng có những yêu sách chủ quyền chống lấn nhau và cũng chiếm đóng một số hòn đảo ở đây.
Hoa Kỳ bày tỏ lập trường trung lập đối với những vụ tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, Washington thỉnh thoảng phái máy bay và tàu chiến tiến vào khu vực gần những hòn đảo do Trung cộng kiểm soát và nói rằng họ muốn bảo vệ tự do hàng hải ở hải phận quốc tế.
Ông Philip Reynolds là một nhà nghiên cứu về những vụ xung đột toàn cầu và là nghiên cứu sinh ban tiến sĩ của Đại học Hawaii. Ông cho rằng Trung cộng đang chiếm thế thượng phong.
Trung cộng đang nói rằng ‘Chúng tôi đang có mặt ở đây và các ông chẳng làm gì được cả.’ Đó chính là cơ sở của lập luận của tôi là Trung cộng đang thắng, hoặc quả thật là họ đã thắng.
Ảnh tư liệu: Tàu nạo vét Trung cộng hoạt động trong vòng biển quanh Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. 

Ông Reynolds cho rằng cách thức duy nhất mà Mỹ có thể đảo ngược những vụ cải tạo, bồi đắp của Trung cộng ở quần đảo Trường Sa là phát động một cuộc chiến tranh rất tốn kém mà người dân nước Mỹ không muốn. Ông nói rằng Bắc Kinh biết rõ điều đó và đó chính là lý do vì sao những hoạt động tự do hàng hải của Mỹ không khiến cho Trung cộng phải làm điều gì khác hơn ngoài việc lớn tiếng phản đối.
Ông Bill Hayton, một chuyên gia Á châu của Viện Chatam House ở London, có một cái nhìn khác về những hành động của Mỹ và Trung cộng ở Biển Đông.
Ông Hayton, tác giả cuốn “Biển Đông: Cuộc tranh giành Quyền lực ở Á châu”, tin rằng Bắc Kinh chưa “thắng” trong trận chiến với Mỹ, nhất là khi xét tới tình hình ở Bãi cạn Scarborough, nơi mà Trung cộng và Phi Luật Tân đều có yêu sách chủ quyền.
Ông Hayton cho biết Bắc Kinh đã không chiếm đóng hay khai thác bất kỳ một hòn đảo nhỏ nào ở Biển Đông trong hơn 20 năm bởi vì các nhà lãnh đạo Trung cộng lo ngại về những hậu quả.
Họ biết là sẽ có một hậu quả rất lớn về mặt ngoại giao, làm cho vị thế của một bên có trách nhiệm của họ bị huỷ hoại hoàn toàn, và một hành động như vậy sẽ mâu thuẫn rất nhiều với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 1982, nhiều đến độ nó sẽ phá huỷ uy tín của Trung cộng và gây bất mãn cho toàn thể khu vực Đông Nam Á.
Uy tín của Trung cộng sắp đối mặt với một mối đe dọa khác trong những tháng sắp tới.
Một tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc ở La Haye sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Phi Luật Tân chống lại “đường lưỡi bò” của Trung cộng, một yêu sách mà Manila cho là không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Ông Hayton cho biết ông dự kiến toà án Liên Hiệp Quốc sẽ đưa ra phán quyết có lợi cho Phi Luật Tân qua việc xác định là Trung cộng không có đặc quyền kinh tế tại một số vùng ở Biển Đông. Nhưng ông nói rằng tác động của một phán quyết như vậy đối với lập trường của Trung cộng ở Biển Đông sẽ tuỳ thuộc vào phản ứng của họ. Một sự thất bại tại toà án sẽ cho thấy rằng Trung cộng đang bị cô lập trên trường ngoại giao.
Nhà nghiên cứu Reynolds của Đại học Hawaii cho biết Bắc Kinh cũng đang tranh thủ sự hậu thuẫn của các nước đồng minh.
Ủy viên Quốc vụ Viện Trung cộng Dương Khiết Trì tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong tại Bắc Kinh, ngày 4/2/2016.

Hôm thứ hai, hãng tin Tân Hoa của nhà nước Trung cộng trích lời Phó Thủ tướng Campuchia Hor Nam Hong nói với một giới chức Trung cộng đang đi thăm Phnom Penh rằng ông ủng hộ lập trường của Trung cộng. Tân Hoa Xã cũng cho biết Bắc Kinh đã tranh thủ được sự ủng hộ của các nước Phi châu như Tanzania, Uganda, Eritrea và Comoros.
Ông Reynolds cho rằng Trung cộng đang tìm kiếm một giải thưởng lớn hơn trên trường ngoại giao. Ông nói “Cần phải lưu ý xem Liên bang Nga làm những việc gì. Nga và Trung cộng đã cùng nhau thực hiện những cuộc diễn tập hải quân. Và tôi nghĩ rằng đó là một khối thế lực mà chúng ta cần lưu ý.”
Tin VOA

Tin tổng hợp từ VOA, RFI, Reuter