12.06.2016

Thảm cảnh miền Trung sau thảm họa môi trường

Thảm cảnh miền Trung sau thảm họa môi trường 
„Ra khơi thì nó phá, giết, vào bờ thì nó xả độc làm cá chết như rạ vậy mà còn nói chi nữa đất sống!”

Ở đây không ai dám nhận gia đình mình có con bỏ học sang Lào làm ăn đâu. Phải giữ kín hết, nói vậy bị người ta phạt sao!“

Những phiên chợ lạnh

Miền Trung, nói cho cùng thì hai nghề nông nghiệp và ngư nghiệp vẫn là cái phao cứu sinh và là phương kế sinh tồn chủ yếu của xứ sở mưa chang nắng cháy này. Trong vòng chưa đầy ba tháng kể từ Tết Nguyên đán đến nay, khúc ruột của đất nước hình chữ S này nhận chịu hết tai họa này đến tai họa khác, mà họa nào cũng lớn. Vì đối với người miền Trung, có họa nào lớn hơn mất mùa và không đi đánh bắt được. Chợ miền Trung trở nên lạnh lẽo vô cùng…

 Chợ cá đìu hiu ở Huế, các gian hàng cá vắng hoe


Mất mùa, không còn cá để đánh bắt

Cũng giống như miền Tây, miền Trung mất mùa. Nhưng khác ở chỗ miền Tây mất mùa vì hạn, vì nước mặn thì miền Trung mất mùa vì sâu bọ. Nhiều loại bọ rầy lạ mà quen xuất hiện, quen vì vẫn những con bọ trĩ, rầy nâu, rầy đen bâu đầy bông lúa, thân lúa. Nhưng lạ ở chỗ càng bơm thuốc diệt rầy thì chúng càng sinh sôi nhanh, những cánh đồng cháy đen, trơ gốc rạ… Một mùa thiếu, đói đang đến với người nông dân

Cá đánh bắt xa bờ cũng không ai mua

Những đoàn tàu trước đây đi đánh bắt xa bờ đang lùi dần vào gần bờ vì sợ tàu Trung cộng rượt đuổi, đâm phá, giết chóc. Ngư trường xa bờ, cụ thể là Hoàng Sa và Trường Sa đang hẹp dần. Nhưng đánh bắt gần bờ không những không an toàn hơn mà còn gặp thêm đại nạn. Hàng triệu xác cá trôi nổi dọc bờ biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế đã làm cho các ngư dân đánh bắt gần bờ phải treo lưới. Thêm một mũi nhọn kinh tế chủ lực bị bẻ. Hay nói cách khác là người Tàu cộng đã bẻ cần câu cơm của người Việt Nam từ ngoài khơi vào đến sát bờ biển và cả trên đất liền.

Như lời của ông Vận, một ngư dân Quảng Bình, vừa nghỉ đánh cá nửa tháng nay:
Người miền Trung hết đất sống chứ không đùa đâu!”.

“Đất mình còn rộng, sao lại hết đất sống hả bác?” Tôi khích ông.

Người xin ăn bắt đầu nhiều lên

Nghĩ sao mà cậu hỏi vậy?! Người mình chủ yếu làm ruộng và đánh cá, bây giờ ruộng thì chết khô, mấy miếng ruộng ngon thì nhà nước trưng thu cho tụi Trung cộng nó thuê làm nhà máy, xí nghiệp. Cứ chỗ nào ngon thì nó thuê. Ra khơi thì nó phá, giết, vào bờ thì nó xả độc làm cá chết như rạ vậy mà còn nói chi nữa đất sống!”

“Không lẽ nào…?”

“Lẽ với phải chi nữa. Đất nước mạnh nhờ vào tuổi trẻ, chỗ nào có Trung cộng tới thì thanh niên hư hỏng sạch. Trai thì chích choác, đâm thuê chém mướn, gái thì mắt xanh mỏ đỏ bán dâm. Miền Trung này nghèo chứ phải chi giàu có. Vậy mà giờ thanh niên ăn chơi sa đọa. Tương lai thật là khó lường!

“Nhưng đâu phải ai cũng ăn chơi? Vẫn có người học hành, làm ăn lương thiện mà bác?”

“Cậu phải nhớ là nuôi một thằng xã hội đen trong nhà bằng nuôi ba thằng đi học đại học nếu nói về mức độ tiêu phá của nó. Một xóm mà có vài thằng xã hội đen, vài thằng mất dạy thì xem như hỏng. Mà bây giờ thì quá nhiều. Không đâu nhiều bằng cái dải đất miền Trung này. Nói luôn, có bắt tui chịu. Xã hội này cứ ba thằng sinh viên thì tốn kém bằng một thằng giang hồ, ba thằng giang hồ thì tốn kém bằng một thằng xã hội đỏ.”

Gà vịt trở thành món hot

“Xã hội đỏ? Là gì thưa bác?”

“Tui nói vậy anh hiểu gì mặc anh, tui không giải thích đâu! Chỉ biết là xã hội đen nó ăn hại, còn xã hội đỏ nó tàn hại.”

“Bác đánh cá trên sông được mấy ngày rồi?”

“À, tui đánh được ba ngày rồi. Chủ yếu là đánh lưới chụp rồi lặn xuống đáy mà bắt thôi. Nghĩa là mình tìm những cái hang, cái hốc dưới đáy sông hoặc những cái hờm dựa vào bờ. Mình chụp lưới lại và bắt đầu lặn, thò tay vào mò, đụng cá thì bắt.”

Quán xá trên bãi biển không một bóng người

“Trước đây bác đánh cá ở đâu? Cá chết trong những ngày vừa qua ảnh hưởng như thế nào hả bác?”

“Trước đây hai năm tui đánh bắt xa bờ, chủ yếu là ngư trường Hoàng Sa. Sau đó thì mệt mỏi vì rủi ro quá cao, nên tui bán tàu lớn, mua một cái tàu nhỏ đánh bắt gần bờ. Bữa nay đang định bán cái tàu nhỏ vì không dùng nữa. Cá mắm kiểu đó thì đánh bắt xa hay gần bờ chi cũng chết. Tui đã lùi vào sông để đánh bắt.”

“Bác thấy đánh bắt trên sông ra sao?”

“Ui chao, trên sông thì không gọi là đánh bắt được. Cá làm gì còn mà đánh bắt! Chẳng qua là đi vớt vát vậy thôi. Bây giờ người ta đánh lưới cào, lưới giã, thậm chí đánh mìn, đánh điện thì cá con cũng không có mà ăn. Gần đây cá sông trở nên đắt đỏ. Người ta xúm nhau nuôi nhưng thức ăn cho cá thì cũng của Trung cộng cả đấy!”

Bên cạnh con sông ông Vận bắt cá là những cánh đồng trơ rạ không phải do thiếu nước mà do sâu bọ. Người nông dân sẽ làm gì để sống khi không còn nghề đánh bắt để tựa lưng? Và sắp tới đây, vừa mất mùa, vừa ô nhiễm môi trường, lại vừa không còn cá để đánh bắt… Liệu người ta sống dựa vào gì? Hay là chỉ cần ăn thép khi phải lựa chọn hoặc là thép, hoặc là tôm tép, như lời của ông Chu Xuân Phàm, giám đốc đại diện Formosa vừa phán vào ngày 25 tháng 4 vừa qua?

Ghe thuyền đánh cá gần bờ

Những khu chợ lạnh…

Dạo một vòng quanh các chợ từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị… Có thể nói là đi đâu cũng gặp cảnh chợ búa đìu hiu, lạnh lẽo. Gian hàng bán cá gần như không có người bán. Họa hoằn thì gặp lèo tèo vài người bán nhưng không thấy người mua. Cá đồng luôn bị cháy hàng, người ta mua từ con cá lóc lớn cho đến con cá trê chưa được nửa lạng.

Bà Thúy, nông dân ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế, chuyên  đánh cá trên sông Bồ, chảy ngang qua Quảng Điền. Bà đi bán cá ở chợ Tây Ba, trên tay cầm một xấp tiền lẻ dày cộm mà mặt bà buồn rười rượi.

“Bán cá được mà sao buồn vậy cô ơi?” Tôi hỏi bà Thúy.

“Ừ, thì bán được giá hơn mọi khi. Nhưng cả đời cô sống với con sông, cái chợ. Nhưng thấy sông ngày càng hiếm cá, người bắt thì nhiều hơn mà chợ thì vắng vẻ như chùa bà Đanh kiểu này thì buồn nẫu ruột. Mình kiếm được nhiều tiền nhưng mọi người chung quanh đều khóc lên khóc xuống vì mất mùa, không đánh bắt được, không có cá để bán, không có tiền nộp học phí cho con, không có tiền trả tiền điện hằng tháng… Hỏi như vậy thì mình biết sống với ai đây! Mình có tiền mà người khác cũng có tiền mới thấy vui được chứ. Chưa bao giờ cô bán ít cá được nhiều tiền mà muốn khóc như mấy ngày nay.” Nói đến đây bà Thúy buồn thiu, im lặng. Sự im lặng của một người đang cố giấu thứ gì đó tựa như tiếng khóc…

Tự dưng, thấy bà Thúy buồn mà tôi lại thấy ấm lòng. Bởi giữa xã hội đầy rẫy sự vô cảm, man trá này vẫn còn một người mẹ quê biết nghĩ đến người khác. Thì thật đáng quý biết nhường nào!

Đánh cá trên sông La, Hà Tĩnh

Một lúc sau, bà Thúy cho biết thêm là mấy ngày nay, không riêng gì chợ Tây Ba mà chợ Đông Ba, chợ Sịa, chợ Cầu Hai, chợ Phú Lộc, chợ Tây Lộc và nhiều chợ khác ở Huế cũng cháy hàng cá đồng nhưng không ai dám đụng đến cá biển. Những người buôn cá biển và làm nghề đánh bắt cá biển đều phải nghỉ việc.

Tội nghiệp nhất vẫn là những người đánh bắt xa bờ. Một chuyến đi của họ tốn kém hàng trăm triệu đồng, chạy lên chạy xuống vì bị hải cảnh và các “tàu lạ” của Trung cộng rượt bắt, đâm húc, bắn phá. Nhưng chuyến đi này thật là ê chề với họ, bởi khi mang cá về đến bồ thì cá rớt giá thê thảm, không ai dám ăn cá biển. Những ngư dân đánh bắt xa bờ cũng chịu chung thiệt hại với ngư dân đánh bắt gần bờ.

Chung hoàn cảnh, các bãi biển miền Trung hầu như vắng khách du lịch. Các chủ kinh doanh khách sạn và nhà hàng chuyên bán hải sản đều xếp vó, ngáp ruồi. Chưa bao giờ tình hình kinh tế miền Trung lại phải ảm đạm đến mức như đang thấy. Không biết tình trạng này rồi sẽ kéo dài đến bao lâu? Bởi miền Trung vốn là xứ nghèo. Giờ lại thêm những phiên chợ lạnh!


Nhiều trẻ em ở Huế băng rừng sang Lào làm thuê

(NV) - Sau vụ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung và do thiếu thốn, nghèo đói, nhiều trẻ em ở Thừa Thiên-Huế bỏ học, theo người lớn sang Lào làm thuê. Cái giá mà các em phải trả cho việc kiếm tiền lúc tuổi còn nhỏ chính là tương lai mù mịt bởi không được học hành và thiếu sự kèm cặp, dẫn dắt của cha mẹ, gia đình.

Một bé trai đang bán bánh bột lọc tại cây xăng thuộc huyện Phú Lộc - Huế. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Mặc dù đã ba lần liên lạc với cán bộ Sở Lao Động và thương binh xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế để tìm hiểu vấn đề trẻ em ở các xã Lộc Trì, Lộc An, Lộc Sơn, Lộc Bổn... huyện Phú Lộc bỏ học sang Lào làm thuê thì chỉ nhận đúng một câu trả lời là “hoàn toàn không có.”

Phú Lộc là một huyện nằm bên cạnh dãy núi Bạch Mã và biển Lăng Cô, có thể nói đây cũng là một trong các huyện có bề ngang hẹp nhất và chịu thiên tai nhiều nhất Việt Nam. Theo các giới chức thì “tỷ lệ trẻ em đến trường 100%,” nhưng trên thực tế thì mọi chuyện lại khác.

Cá chết thì kiếm cơm chỗ khác

Bởi
chỉ trong một xã nhỏ, đã có đến ba em học sinh bỏ học theo cha sang Lào làm thuê cùng với người thân.Khi hỏi những người trong xóm cũng như hỏi cán bộ xã thì nhận được chung một câu trả lời là “mấy đứa đó nó học không nổi bỏ học để học nghề chứ có làm thuê gì đâu.” Và với cái kiểu lý luận “học không nổi thì bỏ trường đi học nghề, tốt thôi, không có gì là sai.”  

Trong khi đó, nguyên nhân để dẫn đến tình trạng các em bé bỏ học theo người thân sang Lào làm ăn đều là do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, mùa màng thất bát và nhiều em trong số này có cha mẹ làm nghề đánh cá gần bờ trên biển Thuận An, phá Tam Giang. Và trong suốt hai tháng qua, nhiều gia đình rơi vào tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng nhưng lại không được nhà nước cứu trợ bởi họ không được xếp vào diện làng chài và họ cũng không sống ở khu vực sát biển.


Những ngôi nhà trở nên buồn bã sau khi trẻ em băng rừng sang Lào làm thuê. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Chúng tôi tìm đến nhà ông Sự, gia đình có sáu người thì hết bốn người đã sang Lào làm thuê, đến nhà chỉ gặp được một cụ già và một phụ nữ ở nhà. Cụ già chính là bà nội của ba đứa trẻ đã sang Lào làm thuê, còn người phụ nữ là mẹ của ba đứa trẻ kia. Khi nghe chúng tôi hỏi thăm tình hình gia đình. Người mẹ của ba đứa trẻ chép miệng: “Khó khăn quá nên phải để ổng dắt mấy đứa đi chứ không muốn như vậy đâu!”

Ở đây người ta sang Lào làm thuê nhiều lắm. Bởi chỉ cần bắt xe lên A Lưới rồi đi đường rừng băng sang Lào, ở đó sẽ có vài người đã có kinh nghiệm đón đến chỗ làm việc. Thường thì trước khi đi làm, người bên Việt Nam sẽ liên lạc thông qua một trung gian và trả phí cho trung gian đó chừng một triệu đồng (tương đương $45).”

“Nhà tui trước giờ chưa sang bên đó làm bao giờ. Ông nhà là dân đánh bắt gần bờ, còn tui ra ngoài chợ bán cá, buôn thêm rau hành. Nhưng
hai tháng nay không có cá để bán mà nếu có thì bán cũng không ai mua. Mấy đứa nhỏ lo không có tiền nộp thầy cô dạy thêm nên bỏ học. Tụi nó đi cùng ông nhà tui sang Lào làm ăn rồi. Bốn người đi nộp hết ba triệu đồng môi giới, vì bốn người nên họ giảm cho một triệu đồng. Nói là tiền môi giới nhưng trong đó gồm cả tiền xe nữa nên cũng hợp lý thôi!”

“Ở đây cũng không có nhiều gia đình có con bỏ học đi làm bên Lào lắm đâu,
mấy xã Lộc Trì, Lộc An, Lộc Bổn kia mới có nhiều người đưa con sang bên Lào làm thuê. Ở bên đó chủ yếu là đi phụ hồ, trồng rau, bốc phân bò và thồ hàng. Nói chung có việc là làm, việc nào kiếm được nhiều tiền thì làm thôi. Vì làm chui nên khó nói lắm! Mấy gia đình có con đi làm thuê đều là dân chài cả, đói quá thì phải kiếm cơm thôi, có ai thương mình hơn mình đâu!”
Xúc vỏ hàu về làm vôi, một kiểu kiếm cơm qua ngày của người Phú Lộc. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Nói đến đây, người phụ nữ mẹ của ba đứa con trai và vợ của một người chồng, cả bốn người họ đang làm thuê trên đất khách... rơm rớm nước mắt.

Kiếp lao động chui

Một buổi trưa chậm chạp trôi, chúng tôi lại lòng vòng, quay xe trở ra, băng qua hầm chui Phước Tượng và Phú Gia mà trước đây là hai con đèo khá hiểm trở có độ dài bằng nửa đèo Hải Vân trên tuyến Đà Nẵng - Huế. Đến xã Lộc Trì, chúng tôi lại tiếp tục tìm hiểu về đời sống và chuyện trẻ em bỏ học sang Lào làm thuê.

Một không gian vắng lặng hiện ra trước mắt. Khi chúng tôi hỏi thăm về các gia đình có con bỏ học sang Lào làm thuê thì ai cũng lắc đầu, nói rằng làm chi có chuyện đó. Nhưng chúng tôi lại hỏi tiếp, gặp một người ngồi uống bia bên quán ven đường. Ông này ngoắc chúng tôi vào, khi chúng tôi ngồi vào bàn, ông nói: “Muốn nghe chuyện phải tốn một thùng Huda (bia Huế sản xuất)!

Sau khi chúng tôi làm quen và mời ông một thùng Huda, ông nói: “
Ở đây không ai dám nhận gia đình mình có con bỏ học sang Lào làm ăn đâu. Phải giữ kín hết, nói vậy bị người ta phạt sao! Chỉ có mọi người thông cảm cho cái nghèo của nhau mà giấu kín.

Một ngôi nhà có trẻ em sang Lào làm thuê. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Chuyện bỏ học sang Lào làm ăn ở đây nhiều lắm. Có đứa báo đau ốm xin nghỉ một tháng rồi xin cả giấy tờ khám sức khỏe hoặc nhập viện gì đó để mà đi làm, xong tháng lại về, dư cũng được hai ba triệu đồng. Cứ như vậy mà đi. Có đứa đi riết thành quen, về học hành chi được nữa vì mất hết căn bản, cuối cùng bỏ học đi làm luôn!”

“Thường thì làm bên Lào, nếu người lớn kiếm cũng được từ bảy triệu đồng đến mười triệu đồng, trẻ em kiếm cũng được từ ba triệu đến năm triệu. Tụi nó kháo nhau là có đi học lên tới đại học rồi cũng thất nghiệp, đi làm thuê tứ xứ. Chi bằng bây giờ làm thuê trước, tới tuổi tốt nghiệp đại học thì cũng có số vốn mà tiếp tục làm thuê. À, ở đây có nhiều đứa học xong đại học lại sang Lào làm thuê nhiều lắm!”


Câu chuyện của người đàn ông trong quán rượu này vô hình trung lại chạm đến một vấn đề khác về giáo dục.
Dường như khi người ta không còn tin vào tương lai thông qua con đường học tập nữa thì chuyện trẻ em bỏ học đi làm thuê cũng không có gì là xa lạ hay đáng ngạc nhiên nữa chăng?

(Người Việt)