04.06.2016

Nơi đây tôi chờ, nơi kia em chờ… - VietTuSaiGon

„…nỗi mong chờ về một ngày bình yên của người Việt Nam vẫn chưa hề nguôi, nếu không muốn nói rằng nỗi mong chờ ấy ngày càng trở nên tha thiết hơn, mãnh liệt hơn. Mong chờ một ngày có tự do, mong chờ một ngày ấm no, hạnh phúc, mong chờ thoát khỏi sự kìm kẹp, mong chờ thoát khỏi bóng tối u mê và tao loạn, mong chờ một chính phủ, nhà nước minh bạch, do dân, vì dân…!“

Nơi đây tôi chờ, nơi kia em chờ…
VietTuSaiGon

Xin mượn mấy ca từ này của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để diễn ta nỗi niềm của người Việt Nam bây giờ. Nếu như trước đây hơn nửa thế kỷ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết những ca từ này để diễn ta nỗi trông chờ, hoài mong của dân tộc về một ngày bình yên không đạn bom, không máu chảy và nước mắt rơi… Thì sau đó hơn nửa thế kỷ, nỗi mong chờ về một ngày bình yên của người Việt Nam vẫn chưa hề nguôi, nếu không muốn nói rằng nỗi mong chờ ấy ngày càng trở nên tha thiết hơn, mãnh liệt hơn. Mong chờ một ngày có tự do, mong chờ một ngày ấm no, hạnh phúc, mong chờ thoát khỏi sự kìm kẹp, mong chờ thoát khỏi bóng tối u mê và tao loạn, mong chờ một chính phủ, nhà nước minh bạch, do dân, vì dân…!


Nói về nỗi mong chờ của người Việt Nam bây giờ, có cả một ngàn lẻ một nỗi mong chờ. Và nếu như trước đây hơn nửa thế kỷ, trong nỗi mong chờ của người Việt Nam, có cả mong chờ Nam Bắc một nhà, thoát khỏi chia ly, thì đến bây giờ, nỗi mong chờ thoát khỏi chia ly ngay trong một mái nhà, mong chờ được bình yên, được thoát những bất an của thời đại không cần tiếng súng mà người ta vẫn luôn nơm nớp.

Sự nơm nớp, bất an này đến từ nhiều hướng, trong đó, hướng quản lý nhà nước vẫn là hướng chủ yếu. Bởi chưa bao giờ nhà nước Cộng sản Việt Nam mang lại cho người dân cảm giác bình an, tin tưởng hay cảm thấy họ không nguy hiểm. Đây là sự thật sau 41 năm gọi là thống nhất hai miền Nam – Bắc, điều mà người dân Việt Nam cảm nhận được để rút ra cho mình một bài học kinh nghiệm chính là không nên nói thật, không nên phát biểu thật và không nên tin tưởng những gì nhà nước nói. Những ai lỡ tin vào những thứ đó thì cái giá phải trả hoàn toàn không nhỏ.

Cái thời xếp hàng để nhận từng ký gạo, ký sắn, lát thịt đã qua rồi, cái thời hé môi nói đụng đến chính quyền là bị kêu lên trụ sở ủy bàn xã để đánh đến không còn răng ăn cơm cũng qua rồi. Nhưng, thay vào đó, thay vào cái thời người ta phải xếp hàng nhận từng miếng ăn là cái thời hàng triệu người trẻ phải xếp hàng, phải trả giá bằng cả phẩm hạnh để chờ cái chỗ đào ra miếng ăn, còn gọi là việc làm, thay vào cái thời hống hách của ông thuế vụ, bà lương thực là cái thời của những ông hiệu trưởng, bà giám đốc, ông chủ tịch sẵn sàng mở miệng đòi tiền, đòi tình với những người cần việc.

Và thay vào cái thời chỉ cần hé môi nói động đến chính quyền thì bị gọi lên trụ sở ủy ban đập đến gãy răng là cái thời người ta cắt cử công an chìm nổi đến vây nhà, giả bộ ngồi chơi, nhậu nhẹt ngay trước nhà và nếu lỡ lên tiếng thì nhất định sẽ có chuyện. Cái thời của bưng bít, giấu nhẹm mọi thứ, kể cả nguyên nhân dẫn đến sự diệt vong của dân tộc cũng được giấu nhẹm.

Thông tin về cá chết trên khắp biển miền Trung bị giấu nhẹm trong nhiều ngày, mãi đến lúc các báo không thuộc nhà nước đưa tin rộng rãi và rầm rộ thì các hãng tin nhà nước mới vào cuộc, đưa vài tin lêu bêu cho có đưa và trong đó vẫn cố bẻ lái cho câu chuyện trở nên nhẹ đi. Đặc biệt là suốt hai tháng trời, cả đất nước nháo nhào, đảo lộn từ kinh tế đến đời sống, văn hóa, thậm chí  bữa ăn của người dân cũng trở nên èo ọp, bèo nhèo vì thiếu lương thực cơ bản, đó là hải sản. Vì suy cho cùng, người Việt Nam đã sống dựa vào biển quá lâu, mất hải sản cũng cò nghĩa là mất đi hơn một nửa lương thực hằng ngày.

mối nghi Trung cộng thải độc xuống biển, Formosa xả độc ra biển không phải là vô căn cứ. Điều này từ giới khoa học cho đến người dân lao động đều nhìn thấy. Chỉ có nhà nước, chỉ có đảng Cộng sản Việt Nam là không nhìn thấy. Và chỉ riêng việc trả lời một cách minh bạch, công khai nguyên nhân cá chết hàng loạt ở biển miền Trung cũng như nhiều nơi khác trên toàn cõi Việt Nam, người dân  cũng phải hóng tin đến dài cổ trước sự mập mờ, dấm dúi của nhà nước.

Vài cuộc họp kín của các bộ ngành, vài lần trả lời mập mờ. Vì sao phải họp kín? Vì sao phải trả lời mập mờ? Chuyện cá chết là chuyện công khai, chuyện khoa học là chuyện minh bạch. Khoa học càng công khai càng có sức thuyết phục. Lẽ ra nhà nước, các bộ ngành phải có những cuộc họp được truyền hình trực tiếp, các tham luận cũng như các kết quả nghiên cứu khoa học phải được công khai để từ đó người dân có thể nhìn rõ trắng đen, sáng tối. Và khoa học mãi mãi là khoa học, nó không thể là chính trị, nó phải được minh bạch về kết quả. Đằng này nhà nước đã biến câu chuyện khoa học, câu chuyện liên quan đến sinh quyển tồn tại của nhân dân trở thành câu chuyện quyền lợi chính trị nội bộ của nhà cầm quyền. Đã biến câu chuyện công khai về kết quả xét nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học thành câu chuyện bí mật chính trị.

Tại sao nhà nước phải làm một việc hết sức kỳ quặc và vô lý như vậy? Rõ ràng đằng sau sự vô lý này có sự hợp lý của nó, chí ít cũng là hợp lý trong mối quan hệ giữa Cộng sản Việt Nam và Cộng sản Trung Hoa hoặc giả là sự hợp lý của thói quen nhận đút lót, hối lộ và biến trắng thành đen của giới quan chức Cộng sản Việt Nam từ nhiều năm nay. Đến đây, mối nghi vấn về việc lót tay của Fomorsa đối với giới lãnh đạo chóp bu Cộng sản không phải là không có cơ sở. Rất có thể vì mối dây mơ rễ má về những khoản tiền đen mà người ta đã trắng trợn đẩy câu chuyện từ chỗ tội lỗi sang chỗ thuận tình hợp lý, từ chỗ là tác nhân gây tội lỗi trở thành nạn nhân chịu búa rìu dư luận oan uổng!?.

Và người dân chờ vẫn cứ chờ, những ai đưa tin gần với sự thật một chút thì bị đấu tố. Câu chuyện đấu tố truyền hình của VTV do Tạ Bích Loan và Hồng Thanh Quang cùng với một đám khoa học gia mũ cối trên chương trình 60 phút mở vẫn còn sờ sờ ra đó, chẳng có gì đáng xấu hổ và nhục nhã hơn. Nhà nước hứa vẫn cứ hứa, thông tin, câu trả lời về nguyên nhân cá chết vẫn cứ mịt mùng xa lắc xa lơ… Không chừng, đến một lúc nào đó, khi mà độc tố đã đủ tan đều trên biển Đông, trở thành biển chết và mọi người, mọi quốc gia trở nên chán nản, hết muốn bàn đến biển nữa, người Tàu cộng cũng đã cắm đầy trên biển thì nhà nước lại trả lời một cách minh bạch về nguyên nhân cá chết hàng loạt. Lúc đó trả lời để làm gì?

Phải chăng kiểu câu giờ câu trả lời, kiểu làm việc ì ạch và mờ ám của nhà nước là có một chủ ý, để người dân đi từ sự chờ đợi này sang sự chờ đợi khác. Hiện tại thì chờ đợi câu trả lời về nguyên nhân cá chết, nhưng sau này lại chờ đợi đến phiên thần chết gọi tên mình, gọi tên xã mình, phường mình, thị trấn mình, huyện mình, tỉnh mình và cuối cùng là đất nước mình. Một đất nước mãi sống trong sự chờ đợi cùng những lời hứa có cánh. Đã nhiều năm, nhiều lắm rồi những năm tháng như vậy!


RFA