17.06.2016

Một nhu cầu sống còn khẩn cấp của đất nước

Một nhu cầu sống còn khẩn cấp của đất nước

(Báo Tổ Quốc  -  Số 229)  

Các cuộc biểu tình bày tỏ sự súc động vì biển bị nhiễm độc đã hụt hơi sau khi bị giải tán không nương tay. Số người tham gia giảm dần dù chưa bao giờ thực sự đông đảo. Cùng với lòng kính mến và biết ơn những người đã biểu tình chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng phản ứng của nhân dân Việt Nam đã quá yếu trước một thảm họa quá lớn.

Giải thích đầu tiên là sự hung bạo của chính quyền cộng sản. Điều này chúng ta đều đã biết. Chính quyền này không cho phép người dân bày tỏ quan tâm dù là một cách rất ôn hòa trên một vấn đề rất nghiêm trọng.

Tuy vậy còn một lý do khác. Đó là ý thức về môi trường của chúng ta chưa đủ mạnh. Ở một quốc gia bình thường một thảm kịch như vụ biển bị nhiễm độc vừa xảy ra đã phải động viên toàn dân. Hàng triệu người tại khắp nơi trên đất nước đã phải xuống đường bày tỏ sự lo âu và phẫn nộ. Thảm hỏa này không chỉ làm mất hay đe dọa phương tiện sinh sống của hàng triệu gia đình, nó còn đe dọa sinh mệnh của mọi người Việt Nam. Nó đã xảy ra do cách quản lý đất nước cực kỳ vô trách nhiệm của một chính quyền độc tài tham nhũng.

Nhưng tại sao ý thức về môi trường của chúng ta lại yếu đến thế? Đó là vì văn hóa truyền thống của nước ta không quan tâm tới môi trường mặc dù chúng ta là một nước đất hẹp người đông và do đó môi trường lành sạch đáng lẽ phải được dành quan tâm lớn nhất. Mặt khác chúng ta luôn luôn bị cuốn hút vào những quan tâm cấp bách hơn như làm thế nào để sống sót trong những cuộc chiến thảm khốc, để tránh né nanh vuốt của một chính quyền hung bạo, để có miếng ăn cho ngày mai, v.v.

Sự thiếu văn hóa môi trường đó đưa đến một hậu quả cụ thể là cho tới nay chúng ta vẫn chưa nhìn thấy sự cần thiết của một tổ chức xã hội dân sự đúng nghĩa với mục tiêu duy nhất là bảo vệ môi trường. Các cuộc biểu tình vừa qua sẽ có tầm vóc và sức mạnh khác hẳn nếu được phát động bởi một tổ chức như thế.

Với thảm họa Formosa Vũng Áng toàn dân Việt Nam vừa nhận ra rằng sự hủy hoại môi trường đã trở thành mối nguy trực tiếp và trước mắt cho sức khỏe và ngay cả tính mạng của mọi người. Thảm họa này cũng cho thấy là với cách quản lý kém cỏi và vô trách nhiệm như hiện nay một thảm hỏa bùn đỏ gần như chắc chắc sẽ xảy ra tại miền Trung nếu dự án Bôxit Tây Nguyên vẫn tiếp tục và một đại nạn nguyên tử làm chết nhiều triệu người và cắt đất nước làm hai cũng khó tránh khỏi nếu dự án xây 14 lò điện hạt nhân không bị đình chỉ. Đất nước đang đứng trước một họa diệt vong và một đồng thuận dân tộc đang thành hình.

Đã đến lúc chúng ta cần và có thể có một tổ chức xã hội dân sự hoàn toàn chỉ nhắm bảo vệ môi trường với ba mục tiêu cụ thể ban đầu là đòi bãi bỏ nhà máy thép Formosa Vũng Áng, dự án Bôxit Tây Nguyên và dự án xây các lò điện nguyên tử. Tổ chức này sẽ điều nghiên tình trạng môi trường trên cả nước, phát hiện và báo động về những tác hại và, nếu cần, phát động và điều hợp những cuộc đấu tranh để đòi hỏi những biện pháp khắc phục cần thiết. Nó cũng sẽ nghiên cứu những kinh nghiệm bảo vệ và phục hồi môi trường trên thế giới để rút ra những bài học cho nước ta. Nó sẽ kêu gọi và hoan nghênh sự tham gia của tất cả mọi người dù dân chủ hay không dân chủ, đối lập hay trung thành với chính quyền. Nó sẽ hoàn toàn phi chính trị.

Nó đáp ứng một nhu cầu sống còn khẩn cấp của đất nước.
Nó đáp ứng một nhu cầu sống còn khẩn cấp của đất nước.

Ban biên tập
Bán Nguyệt San Tổ Quốc