24.05.2016

TT Obama quan tâm đến nhân quyền tại VN

TT Obama quan tâm đến nhân quyền tại VN

Bài diễn văn Tổng thống Obama gửi người dân Việt Nam
Người dân Sài Gòn chào đón Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm 24/05/2016.
Courtesy of Tuoitre Online
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã hoàn tất ngày thứ nhì của ông ở Việt Nam, với nhiều hoạt động kéo dài từ buổi sáng sớm ở Hà Nội cho đến chiều tối ở Sài Gòn, từ cuộc gặp gỡ với đại diện những tổ chức xã hội dân sự, bài diễn văn gửi nhân dân Việt Nam, cho đến bài nói chuyện trước các doanh nghiệp để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.

Trong bài diễn văn gửi nhân dân Việt Nam đọc trước 2,000 người ngồi chật cứng Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Hà Nội, Tổng Thống Hoa Kỳ đã thu hút sự chú ý của cử tọa khi ông mở đầu bài phát biểu bằng hai câu “Xin Chào, Xin Chào Việt Nam”, trước khi cho hay sự thân thiện mà người dân Việt dành cho ông đã tạo niềm xúc động đến trái tim của ông và của phái đoàn.
Sau những lời mở đầu duyên dáng, Tổng Thống Obama đi thẳng vào vấn đề, cho biết ông không phải là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, nhưng cũng như đa số người dân Việt, ông là vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên trưởng thành sau cuộc chiến, và ông cho hay những người trẻ bây giờ chỉ biết đến hòa bình, đến bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước, bảo thêm rằng mọi người đều ý thức về quá khứ, ý thức về một lịch sử khó khăn, nhưng tất cả đều hướng về tương lai, hướng tới thịnh vượng, an ninh và ổn định, vì hòa bình bao giờ cũng tốt đẹp hơn chiến tranh.
Tổng Thống Hoa Kỳ cũng khiến cho mọi người xúc động khi ông mời mọi người cùng ông đi theo chiều dài của lịch sử, cho hay cá nhân ông trân quý quá khứ lịch sử huy hoàng của Việt Nam, lịch sử mà ông nói rằng “đã được viết lên những chiếc trống đồng Đông Sơn, Hà Nội đã đứng vững trên dòng sông Hồng hơn một nghìn năm, thế giới đều biết đến lụa và những bức tranh của Việt Nam và Văn Miếu là bằng chứng kiến thức của Việt Nam.
Với lịch sử huy hoàng đáng kính trọng đó, nhà lãnh đạo nước Mỹ không quên nói đến chuyện từng có thời kỳ kéo dài nhiều thế kỷ, vận mệnh của người dân Việt Nam lại bị quyết định bởi người khác, đất nước thân yêu của người Việt có lúc không nằm trong tay của người Việt, ý muốn nói đến thời kỳ Việt Nam bị đô hộ bởi người Trung Hoa. Nhưng, ông bảo thêm rằng như những cây tre đứng thẳng ở các ngôi làng, “tinh thần bất khuất của người Việt Nam như Lý Thường Kiệt đã ghi lại: Sông núi nước Nam vua Nam ở-Rành rành đã định tại sách trời”.
Ông nói rằng với vai trò của người đang lãnh đạo nước Mỹ, ông muốn tiếp tục những sự tiến bộ này của quan hệ hai nước và với quan hệ đối tác toàn diện, nhấn mạnh mục tiêu của ông trong chuyến viếng thăm Việt Nam là 2 nước cùng nhau xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới vì ngày hôm nay, hai nước đã trở thành bạn bè, đối tác của nhau.
Theo lời Tổng Thống Hoa Kỳ, quan hệ đối tác giữa Mỹ với Việt Nam dựa trên những điều căn bản: Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền ấy, ông nói tiếp “do người dân Việt Nam quyết định”.
Tổng Thống Obama cũng nhắc lại hôm qua (23/5/2016), ông đã tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh hoàn toàn cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, không chỉ để thể hiện Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ toàn diện với Việt Nam, mà còn nhằm mục đích đảm bảo Việt Nam có thể có vũ khí cần thiết để đảm bảo an ninh.
Bài diễn văn gửi nhân dân Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ cũng nhắc đến nhân quyền, điều được ông gọi là một trong những điểm quan trọng trong việc xây dựng quan hệ giữa 2 nước, thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những khác biệt cần phải giải quyết”.
Theo lời Tổng Thống Obama, không một quốc gia nào hoàn hảo, ngay chính nước Mỹ cũng đang nỗ lực để đi đến hoàn hảo bằng cách chấp nhận, lắng nghe những lời phê bình của người dân, vì những lời phê phán đó giúp dất nước tiến bộ hơn về mọi mặt.
Vì thế, Tổng Thống Obama nói thêm rằng Hoa Kỳ không bao giờ áp đặt với Việt Nam, nhưng ông nhấn mạnh ở điểm những giá trị căn bản, quyền căn bản của con người phải được thể hiện, đặc biệt những quyền căn bản, giá trị căn bản đó được nêu trong hiến pháp của Việt Nam, như người dân có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do bày tỏ tư tưởng hay quyền được lập hội, nhấn mạnh ở điểm quốc gia sẽ tiến bộ hơn khi nhân quyền được tôn trọng.
Theo lời Tổng Thống Hoa Kỳ : “Khi có quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do ngôn luận, và khi mọi người có thể chia sẻ ý tưởng qua internet và mạng xã hội mà không gặp một cấm đoán nào thì điều đó sẽ thúc đẩy sự sáng tạo mà mọi nền kinh tế đều cần để phát triển. Chính như vậy mới có những ý tưởng mới. Chính như vậy mà Facebook đã bắt đầu. Những công ty lớn của chúng tôi đã ra đời như thế, bởi vì một ai đó đã có một ý tưởng mới mẻ. Ý tưởng này rất khác biệt. Và họ đã có thể chia sẻ những ý tưởng đó với nhau”.
Khi có tự do báo chí, khi các nhà báo và bloggers có thể đưa ra ánh sáng những nỗi bất công, những sự lạm quyền, điều đó bắt các giới chức có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm, và điều đó làm cho công chúng tin rằng chúng ta đang có một chế độ tốt.
Tổng thống Hoa Kỳ nói tiếp: “Khi mọi người có thể ra ứng cử, và vận động tranh cử một cách tự do, khi mà cử tri có thể lựa chọn người lãnh đạo của mình trong những cuộc bầu cử công bằng, thì điều đó làm cho đất nước ổn định, bởi vì dân chúng biết rằng tiếng nói của họ được lắng nghe, và những thay đổi hòa bình có thể xảy ra. Và xã hội sẽ giang rộng vòng tay đón những người mới”.
Khi có tự do tín ngưỡng thì không chỉ giúp con người có điều kiệu biểu đạt tình yêu của họ đối với các tôn giáo lớn, mà các nhóm tinh thần khác nhau có thể phục vụ cộng đồng bằng các hoạt động giáo dục, giúp đỡ bệnh viện, những người nghèo, và những người dễ bị tổn thương của xã hội. Và khi người dân có quyền tự do tụ họp thì họ được tự do tổ chức trong xã hội dân sự. Điều đó sẽ giúp chính quyền giải quyết các thách thức mà đôi khi họ không thể một mình làm được. Vì thế nhân quyền không làm tổn hại sự ổn định mà giúp nền tảng xã hội ổn định hơn, và tiến bộ hơn”.
Ông bảo thêm: “Nói cho cùng, những điều đó đã làm cho mọi người khắp nơi trên thế giới lật đổ chế độ thuộc địa. Và tôi tin rằng tôn trọng nhân quyền là cách diễn đạt đầy đủ nhất nền độc lập, của một dân tộc tuyên bố tuyên bố rằng chính quyền của mình là của dân, do dân và vì dân”.
Bài diễn văn dài nửa giờ đồng hồ Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama gửi người dân Việt Nam kết thúc với lời nhắn gửi của ông là chính người Việt quyết định tương lai cho người Việt, nước Mỹ luôn luôn là đối tác và cũng là người bạn tốt của Việt Nam. 

Tổng thống Mỹ cổ vũ cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam

 Cảnh thanh niên chờ vào Trung Tâm Hội Nghị Mỹ Đình (Hà Nội) để nghe tổng thống Mỹ Obama nói chuyện ngày 24/05/2016.  Reuters

Nhân ngày thứ hai trong chuyến công du Việt Nam, một nước cựu thù do một đảng duy nhất cầm quyền, tổng thống Mỹ Barack Obama vào hôm nay, 24/05/2016, đã nhiệt thành cổ vũ cho mối quan hệ Mỹ-Việt, một nền dân chủ và tự do cho Việt Nam. Theo hãng tin Pháp  AFP, thông điệp của ông Obama đã được đón nhận nồng nhiệt với từng tràng pháo tay vang vội hội trường.

Sau khi gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam và tiếp xúc với một nhóm nhà hoạt động nhân quyền, tổng thống Mỹ Barack Obama đã dành thời giờ để cổ vũ cho giá trị của tự do, dân chủ trước cử tọa 2000 người trong đó có các nhà lãnh đạo Việt Nam.Trong thông điệp ứng khẩu tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, và được trực tiếp truyền hình vào sáng nay trước khi lên đường vào Sài Gòn, tổng thống Barack Obama thẳng thắn đề cập đến một số vấn đề vẫn bị chính quyền Việt Nam xem là điều nhạy cảm hay cấm kỵ.

Trong bối cảnh hàng loạt ứng cử viên độc lập bị ngăn chận không được tham gia cuộc bầu cử quốc hội hai ngày trước, tổng thống siêu cường số một bằng giọng nói nhiệt thành khẳng định « Bảo đảm các quyền (tự do dân chủ) không phải là mối đe dọa cho đất nước. Khi các ứng cử viên được tranh cử tự do thì đất nước được ổn định hơn, vì tiếng nói của người dân được tôn trọng ».

Tại một nước mà báo chí bị kiểm duyệt và chỉ đạo chặt chẽ, tổng thống Barack Obama nhấn mạnh đến quyền tự do báo chí : báo chí đuợc tự do, dân sẽ tin vào chế độ. Khi báo chí tự do, phóng viên và blogger mới có thể tố cáo những vụ tham ô hay lạm quyền. Những người cầm quyền buộc phải trả lời về trách nhiệm của họ và như thế tạo ra niềm tin nơi dân chúng.

Do một sự trớ trêu của lịch sử, tổng thống Mỹ biết rõ Việt Nam kỳ vọng vào sức mạnh và ủng hộ của kẻ thù cũ trước tham vọng bá quyền của láng giềng « liền núi liền sông ». Không gọi tên Trung Hoa cộng sản nhưng tổng thống Barack Obama cảnh cáo thái độ « nước lớn hiếp đáp nước nhỏ » tại Biển Đông.

Ông nhấn mạnh đến mối quan hệ mỗi ngày mỗi tốt đẹp với Việt Nam, ông ý thức những khó khăn do quá khứ để lại nhưng bây giờ hai nước cùng nhìn về tương lai. Khen ngợi thành quả « phi thường » chống nạn nghèo đói, tổng thống Mỹ kêu gọi thanh niên Việt Nam « tự mình quyết định tương lai của mình ».

Theo nhận xét của AFP, thông điệp nhiệt thành của tổng thống Mỹ đã được giới trẻ Việt Nam nhiệt tình ủng hộ. Một sinh viên đại học ngoại thương bày tỏ : "Tôi rất có ấn tượng. Tôi sung sướng được thấy tận mắt tổng thống Mỹ. Một giấc mơ đã thành hiện thực. Từ trước đến nay, tôi không bỏ sót thông điệp nào của tổng thống Obama…qua YouTube. Tôi đồng ý với tổng thống Mỹ về nhân quyền, tôi có quyền nói lên những gì tôi nghĩ."

Cũng theo AFP, trước đó, tổng thống Obama đã gặp một số đại diện của xã hội công dân và than phiền là có một số nhà họat động được mời nhưng « không đến được ». Luật sư Hà Huy Sơn, thường biện hộ cho các thành viên bảo vệ nhân quyền, cho biết ông bị công an ngăn chận. Họ nói ông đi đâu cũng được trừ đến Sứ Quán Mỹ. Mạng xã hội loan tin tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà báo Đoan Trang bị câu lưu. AFP cũng không liên lạc được với hai nhà họat động này.

Trong khi đó, nữ ca sĩ Mai Khôi, một trong những nhà hoạt động dân chủ tiếp xúc được với tổng thống Mỹ cho rằng « đây là sự kiện quan trọng, chứng tỏ sự hiện hữu của phong trào vì xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam đã được chính thức công nhận ».

Khoảng một trăm ứng cử viên độc lập, cũng như ca sĩ Mai Khôi, bị chế độ dùng hình thức hiệp thương dàn dựng để gạt ra khỏi danh sách ứng cử viên và tiếp tục gây khó dễ.

Tuy nhiên, có một dấu hiệu cho thấy Hà Nội đã tiến bộ hơn Bắc Kinh: diễn văn của tổng thống Mỹ được truyền hình trực tiếp chứ không bị cắt xén như ở Trung cộng. 

Mỹ phản đối Việt Nam ‘ngăn cản’ các nhà hoạt động gặp Tổng thống Obama 

Chính quyền Mỹ hôm nay chính thức lên tiếng phản đối việc Việt Nam cản trở một số nhà hoạt động tới gặp Tổng thống Obama ở Hà Nội.
Trước đó, người đứng đầu Tòa Bạch Ốc chỉ có thể gặp 6 nhà hoạt động, và tin cho hay, một số người được mời đã vắng mặt. 

Trao đổi với báo giới, ông Obama sau đó nói: “Tôi phải nêu ra rằng có nhiều nhà hoạt động khác được mời mà bị ngăn không được đến vì những lý do khác nhau”. Tổng thống Mỹ nói thêm rằng “dù đã có tiến bộ khiêm tốn, chúng tôi hy vọng rằng các cải cách pháp luật đang được soạn thảo rồi được thông qua sẽ dẫn tới nhiều tiến bộ hơn. Vẫn có những người cảm thấy khó khăn hội họp một cách ôn hòa để nói lên những vấn đề mà họ thực sự quan tâm”.

Phó Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông Ben Rhodes, hôm nay nói rằng chính quyền của ông Obama và đích thân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nêu vấn đề này với phía Việt Nam.

Ông Rhodes cho biết thêm rằng ông sẽ tiếp tục theo dõi để bảo đảm rằng các nhà hoạt động được tự do và không bị trừng phạt. 

Trong số bị bắt  có TS Nguyễn Quang A đã bị 10 cảnh sát đến tận nhà bắt ông lên xe đưa ra khỏi thành phố, LS Hà Huy Sơn cũng bị cảnh sát chặn không được gặp Obama và một nhà báo cũng bị bắt dù được mời tham gia.

Trước đó, trả lời VOA Việt Ngữ, blogger Đoan Trang kể lại rằng một số người mặc thường phục, tự xưng là từ "Cục Bảo vệ An ninh Chính trị, Tổng cục an ninh của Bộ Công an", đã giữ bà lại tại một nhà khách ở tỉnh Ninh Bình gần một ngày trời trong khi bà đang trên đường từ Sài Gòn trở về Hà Nội để tới gặp Tổng thống Mỹ.

Cũng có một số nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam gặp gỡ được TT Obama.  Cô Đỗ Nguyễn Mai Khôi  là một trong những người này. Ca sĩ nhạc trẻ Đỗ Nguyễn Mai Khôi là người đã gửi thư mời tổng thống Obama gặp gỡ để thảo luận về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.


Tin tổng hợp RFA, RFI