03.05.2016

Ngày Hội Feast Asia tại Melbourne

Ngày Hội Feast Asia tại Melbourne


Ngày hội Feast Asia được Bảo Tàng Viện Di Dân (Immigration Museum) tổ chức tạo cơ hội cho các cộng đồng Á Châu phổ biến và đóng góp những sắc thái đặc thù vào nền văn hóa đa dạng của Úc Châu. Khách viếng có dịp thưởng thức các món ăn đặc sắc, các màn biểu diễn (vũ khúc, nhạc cụ) truyền thống của các sắc tộc Thái Lan, Nam Dương, Phi Luật Tân, Nhật Bản, Đại Hàn, Trung Hoa và Việt Nam.

Tham gia ngày hội, cộng đồng Người Việt có những đóng góp văn hóa về ẩm thực, văn nghệ, nghệ thuật và hai buổi nói chuyện mang tính cách giáo dục do Dominic Golding và Nguyễn Đan Thanh trình bày.


Về thức ăn, nước uống, Jacky Ngô, một thương gia trẻ nhiều hứa hẹn, có một quầy bán gỏi cuốn và cà phê pha theo lối Việt Nam.


Về nghệ thuật, James Nguyễn trình bày những câu chuyện về người di dân và sự hội nhập vào xã hội Úc bằng những hình thức được sử dụng trong giới đa truyền thông.


Về văn nghệ, nhóm múa cao niên Hương Quê qua vũ khúc "Chiếc nón lá bài thơ" không chỉ tiểu biểu cho những nét rất Việt Nam mà còn nói lên tính chất yêu đời của những vị lớn tuổi.


Với đề tài "Bản sắc và Nguồn Gốc (Identity and Belonging)" Dominic Golding (Khoá Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc năm 2015) đã cho biết về sự bở ngỡ và khó khăn khi tìm về nguồn gốc Việt Nam lúc ban đầu. Điều này thật dễ hiểu vì em đã rời Việt Nam theo chương trình Operation Baby Lift rồi được nuôi nấng và lớn lên trong môt nền văn hóa tây phương. Theo thời gian, sự gần gũi với cộng đồng Người Việt, những thức ăn Việt đã giúp em dễ dàng tìm đến với bản sắc dân tộc và tỏ ra rất thích thú, hãnh diễn về hai nguồn gốc của mình.


Cô Nguyễn Đan Thanh (Khoá Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc năm 2014), từ Vương quốc Bỉ di dân sang Úc cùng gia đình, khi chia sẻ về đề tài "Tham gia và đóng góp trong xã hội (Civic engagement in the Vietnamese Community)" cô đã cho biết là luôn có ý nghĩ mình là Bỉ hơn là Úc. Cho dầu Bỉ hay là Úc, cô vẫn luôn gắn bó với nguồn cội của mình. Cô đã có những đóng góp rất tích cực, đặc biệt là các sinh hoạt về văn hoá, hội chợ Tết trong nhiều năm qua. Không chỉ thế cô còn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và nhận biết được cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc xâm lăng chứ không phải là một cuộc nội chiến như đã bị CSNV bóp méo, tuyên truyền. Và trong buổi nói chuyện, khi được hỏi - Như vậy thì nếu trở về Việt Nam cô có nhận mình là người Việt hay không? Cô Đan Thanh đã trả lời là nếu trở về thì có lẽ cô không dám nhận mình là Người Việt như những Người Việt (đang sinh sống) trong nước vì luôn nghĩ mình là một con dân Việt Nam Cộng Hòa mang một lối sống hài hòa của ba nền văn hóa Việt, Bỉ, Úc.


Viện Bảo Tàng Di Dân (Immigration Museum) cũng là nơi mà CĐNVTD/VIC hiện đang có cuộc triển lãm "40 năm Người Việt định cư tại Úc" với các hình ảnh và lời phát biểu của một số các vị cao niên, các vị thuộc thế hệ thứ nhất, các chức sắc tôn giáo, các bạn trẻ, ... tiêu biểu cho đủ mọi thành phần trong cộng đồng, nói về cuộc hành trình tỵ nạn và hội nhập vào xã hội Úc. Cuộc triển lãm đã được long trọng khai mạc vào tháng 11 năm ngoái (2015) và sẽ kéo dài đến tháng Sáu năm nay (2016).