06.05.2016

Lưu vực sông Mekong trong chính sách Hoa Kỳ - Long P. Pham

Lưu vực sông Mekong trong chính sách Hoa Kỳ
Long P. Pham, Chủ tịch Viet Ecology Foundation
Một người phụ nữ chèo thuyền trên sông Mekong, gần Mỹ Tho, Việt Nam.
RFA PHOTO

Viet Ecology Foundation, một tổ chức NGO tại Hoa Kỳ quan tâm về sự lành mạnh của môi trường, cũng như an ninh nguồn nước và lương thực cho Miến Điện, Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Thái Lan nhận định rằng năm quốc gia này nằm ở hạ du sông Lancang-Mekong, và sự an nguy của họ phải phụ thuộc vào lòng nhân từ của Trung cộng.
Khi đến Việt Nam, Tổng thống sẽ được chứng kiến một thảm cảnh, hậu quả tổng hợp của biến đổi khí hậu và các công trình nhân tạo vô trách nhiệm hiển hiện rõ ràng. Đó là vùng hạ du sông Mekong, chốn dung thân của sáu mươi lăm triệu dân cư: Ở đó, Biển Hồ Tonle Sap, được UNESCO công nhận là Kho Sinh quyển Quốc tế, chính là trái tim của lưu vực mà nhịp lũ về hồ này có chức năng sinh tử cho hệ sinh thái, vì nhờ nó mà giảm thiểu được lụt lội  vào mùa lũ và bù đắp nước ngọt cho hạ du vào mùa khô.
Biển Hồ Tonle Sap đã bị hủy hoại nặng vì biến đổi khí hậu, đánh bắt ngư sản, phá rừng và trích nước quá độ ở thượng du, nhưng tác động to lớn nhất là hoạt động của các hồ thủy điện khổng lồ của Trung cộng, Lào, Thái và Việt Nam. Hàng năm chúng lấy đi 30 tỉ mét khối nước. Năm 2015, khi trận bão El Niño tệ hại nhất lịch sử đã về trên lưu vực và gây nên khô hạn, các hồ ấy vẫn tích lũy nước suốt mùa lũ và tiếp tục kéo dài thêm hai tháng lấn cả vào mùa khô cùng lúc với El Niño. Hành động vô trách nhiệm này gây hạn hán thêm thảm khốc, mất an ninh nước trên toàn lưu vực Tonle Sap và Châu thổ Cửu Long. El Niño tự nó đã không gây ra tang thương nặng nề đến thế. Biển Hồ Tonle Sap của Cam Bốt và Châu thổ sông Cửu Long của Việt Nam sẽ cùng chết nếu nhịp lũ này biến mất.
Bản đồ đồ họa dự án đập thủy điện Xayaburi xây trên dòng sông Mekong được lên kế hoạch bởi Lào. AFP PHOTO

Tháng 11 năm ngoái, Lễ hội Nước hàng năm của Cam Bốt với cả triệu người dân tụ tập về Nam Vang vui mừng tham dự, đã bị hủy bỏ vì mực nước Tonle Sap bị hạ xuống quá thấp. Quỹ General Nature Fund đã chọn Tonle Sap là Hồ bị Lâm nguy của năm 2016.
Châu thổ sông Cửu Long cũng thế, dựa hoàn toàn vào nước sông Mekong và Biển Hồ để sinh tồn. Bất cứ mối đe dọa nào giáng xuống Cam Bốt cũng sẽ gia tăng bội phần khi xuống Châu thổ Cửu Long vì nó cần  nước Tonle Sap để chống hạn hán, chống phèn và nước mặn xâm nhập. Năm 2015, mùa nước nổi đã không về nên cả mùa đánh cá năm ấy đã mất. Ngoài ra, Châu thổ Cửu Long còn bị hồ thủy điện giam giữ phù sa dinh dưỡng không cho xuống hạ du nên bờ lở, đất lún và duyên hải bị sóng biển nuốt dần đi.
Trong khi đó, Trung cộng giữ bí mật việc điều hành các hồ thủy điện trên Lancang và thao diễn kịch bản “chia để trị”. Trung cộng mua chuộc Thái Lan, một nước khát điện bằng những khế ước điện thuận lợi cho họ. Lào và Cam Bốt, những nước kém ngân sách, được Trung cộng cho vay những món nợ to lớn với rất ít lãi, yểm trợ kỹ thuật và lá chắn địa chính trị cho họ. Dựa vào đó, Lào bất chấp Hiệp Định Mekong 1995, phản đối của Cam Bốt và Việt Nam, đơn phương tiến hành xây chuỗi đập thủy điện trên dòng chính.
Sáu mươi lăm triệu dân cư Mekong đã trở thành nạn nhân của cơn điên thủy điện và sự xoay chuyển địa chính trị do Trung cộng khởi xướng và chỉ đạo. Không những thế, họ lại đang sống trên một lưu vực phải hứng chịu tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu toàn cầu, một tình trạng không phải do họ gây ra. Vào tháng 11, 2015 dân cư Mekong và 10 tổ chức phi chính phủ đã kết hợp thành lập United Mekong Communities Network và đệ trình các chính phủ Mekong một kiến nghị chưa từng có trong lịch sử: “Các Chính phủ Mekong: Hãy lắng nghe tiếng Dân!” Nhưng tiếc thay kiến nghị của họ đã bị bỏ ngoài tai.
Tổng thống Obama đã ban hành Sáng kiến Biến đổi Khí hậu Toàn cầu cho toàn thế giới và chỉ thị cho Chính phủ Hoa Kỳ tập trung ngân sách đối phó cải tiến phổ biến thông tin để nhận diện những vùng phải gánh chịu tổn thương nhất về biến đổi khí hậu, lập ra một cơ chế quản trị toàn diện, trong suốt, đáp ứng nhu cầu của dân chúng và thực hiện các giải pháp cho khí hậu, thích hợp với địa phương, gia tăng khả năng hồi phục cho nơi các dân cư phải gánh chịu tổn thương nhiều nhất.”
Tonle Sap của Cam Bốt và châu thổ Cửu Long của Việt Nam đúng là nơi nghịch cảnh mà chính sách trên của Tổng thống (TT) Hoa Kỳ đặc biệt nhắm vào. Không những thế TT Obama còn có thẩm quyền theo Dự Luật S.Res.227 để hành động cứu vãn dân cư Mekong đối phó với thảm trạng thiên nhiên này.
TT Obama sẽ có một cơ hội trình bày về các chương trình Hoa Kỳ đang yểm trợ Việt Nam, các hoạt động của USAID, và cho họ thấy tiếng kêu của họ không bị bỏ qua, và khuyến cáo: Các Chính phủ Mekong: Hãy lắng nghe tiếng Dân và hãy trả lời Dân!, hãy bảo vệ Biển Hồ Tonle Sap và châu thổ Cửu Long trước tác động nguy hại của các đập thủy điện và các cơ sở phát triển hạ tầng không bền vững.
Chuyến đi này của Tổng thống sẽ đi vào lịch sử ở cấp toàn cầu, một cơ hội để mở ra sinh lộ cứu lấy kế sinh nhai của hàng chục triệu dân cư Mekong. Họ đang cần một cứu tinh và tôi mong Tổng thống sẽ là vị cứu tinh đó.