21.04.2016

Trước chuyến đi VN của TT Obama

Trước chuyến đi VN của TT Obama

13 Dân Biểu Hoa Kỳ Đòi TT Obama Gây Áp Lực Việt Nam về Nhân Quyền

Image caption Phần hỏi đáp giữa ông Blinken với sinh viên diễn ra trong khoảng 20 phút.

Ngày 20.04.2016 Phó Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến Việt Nam để thương thảo các vấn đề chính sách nhằm dọn đường cho chuyến viếng thăm của Tổng Thống Obama 4 tuần sau đó. Nhân dịp này, 13 Dân Biểu Hoa Kỳ cùng gởi văn thư đến Tổng Thống Barack Obama để nhấn mạnh các vấn đề nhân quyền cần quan tâm. Văn thư mang chữ ký 13 dân biểu liên bang gồm có Christopher Smith, Dana Rohrabacher, Ileana Ros-Lehtinen, Randy Weber, Joseph R. Pitts, Bill Posey, Steve Russell, Zoe Lofgren, Loretta Sanchez, Mike Honda, David N. Cicilline, Alan S. Lowenthal, Norma J. Torres.


Ngoài ra một số dân biểu gởi văn thư riêng cho tổng thống thay vì ký tên chung.

Văn thư được gởi ra đúng một ngày trước khi Phó Ngoại Trưởng Blinken đặt chân đến Việt Nam trong chuyến công du 4 quốc gia Á Châu: Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam và Indonesia. Theo thông báo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trong 2 ngày 20 và 21 tháng 4, Ông Blinken tiếp xúc với các doanh gia, thành viên xã hội dân sự, sinh viên và các giới chức cao cấp trong chính quyền Việt Nam.

Tuần sau đó, ngày 25 tháng 4, chính quyền Việt Nam sẽ cử phái đoàn đến Hoa Thịnh Đốn cho cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm.

Ngoại giao Mỹ nói gì với sinh viên VN?
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã phát biểu tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và trả lời các câu hỏi của sinh viên tại đây.
Đây là một trong những điểm dừng chân của ông và phái đoàn Hoa Kỳ được tổ chức trước chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Obama đến Việt Nam dự kiến trong tháng 5/2016 này.

Một sinh viên năm thứ ba tại trường này hỏi rằng chính sách châu Á của Tổng thống Obama có phải là kiềm chế Trung Hoa cộng sản hay không?
Ông Blinken trả lời: "Không, chúng tôi không có chính sách kiềm chế Trung cộng. Chúng tôi hoanh nghênh sự trỗi dậy của Trung cộng như một quốc gia hùng mạnh và một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
"Khi một nước trỗi dậy như vậy thì có các quốc gia khác lo sợ trước sự trỗi dậy của một cường quốc và họ có thể phối hợp với nhau để ngăn chặn sự trỗi dậy của cường quốc kia. Và cường quốc kia có thể ứng xử trái với các chuẩn mực.
"Điều đó đã không xảy ra với Hoa Kỳ, Hoa Kỳ đã xây dựng một hệ thống để thực hiện trách nhiệm của mình và tôi hy vọng Trung cộng cũng sẽ làm như vậy.
"Hoa Kỳ và Trung cộng đã có hợp tác trong nhiều năm trên nhiều lĩnh vực. Hoa Kỳ tuân thủ các qui tắc và chuẩn mực quốc tế và Hoa Kỳ hy vọng các nước cũng tuân thủ các qui tắc và chuẩn mực đó.
"Chẳng hạn như tôn trọng quyền tự do đi lại về hàng hải và hàng không và nếu Trung cộng làm được như vậy thì các nước sẽ hoan nghênh sự trỗi dậy đó.
"Còn nếu Trung cộng cứ đơn phương thực hiện các lợi ích của mình mà quay lưng lại thì sẽ không có lợi cho Trung cộng và cho thế giới".

Image caption Có nhiều câu hỏi của sinh viên liên quan tới chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Một sinh viên khác hỏi về chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ tại khu vực ra sao khi Hoa Kỳ sẽ có bầu cử với chính quyền mới trong năm nay.
Ông Blinken nói: "Ngay cả khi có sự thay đổi thì vẫn cần có tính nhất quán trong chiến lược bất kể ai là người thắng cử và bởi vì chúng tôi có lợi ích trong khu vực này."
Trước đó ông Blinken cũng nhấn mạnh về việc Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường các chính sách trong chiến lược tái cân bằng của Washington tại châu Á Thái Bình Dương.
"Chúng tôi tăng cường với các đối tác đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Phi Luật Tân và hợp tác với các đối tác mới nổi lên như Việt Nam.
"Chúng tôi hợp tác với các nước Asean và thông qua cơ chế đa phương để thực hiện chiến lược tái cân bằng của chúng tôi.
"Ngày mai tôi sẽ tới Nam Dương và sẽ gặp đại sứ các nước trong khu vực để bàn thảo một số thách thức trong khu vực," Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nói.
Năm ngoái, trong bài phát biểu tại Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn, ông Blinken nói: "Chúng tôi thường xuyên thảo luận về chủ đề nhân quyền với các quan chức cao cấp của Việt Nam. Chúng tôi nhận ra rằng đã có một số bước tiến quan trọng, tích cực trong lĩnh vực này, và điều quan trọng là thừa nhận chúng".
"Dù vậy, chúng tôi tiếp tục có mối quan tâm thực sự về một số trường hợp nhà hoạt động bị giam giữ, đe dọa, đánh đập vì bày tỏ quan điểm chính trị. Đó là một vấn đề thực sự. Chúng tôi trao đổi trực tiếp với những người trong chính phủ Việt Nam để bày tỏ những quan ngại".


Theo tin BBC Tiếng Việt