10.04.2016

Mất biển, ngư dân Việt bị đẩy vào thế phạm tội để sống

„…ông là hậu duệ của một gia tộc năm đời làm ngư dân nhưng kể từ năm 2000 đến nay, ông phải suy tính đến việc rời khỏi “ngư trường truyền thống” ở Biển Ðông.“
Mất biển, ngư dân Việt bị đẩy vào thế phạm tội để sống 

Số tàu đánh cá và ngư dân Việt bị các quốc gia khác bắt giữ với cáo buộc xâm nhập và đánh bắt trái phép đang tăng rất nhanh. Dường như đó là vì Việt Nam đã mất biển.


Thái Lan lại mới loan báo vừa bắt giữ thêm năm tàu đánh cá với 37 ngư dân Việt Nam. Nếu tính cả những vụ bắt giữ hồi đầu tuần này thì chỉ trong vòng bốn ngày, đã có tổng cộng 11 tàu đánh cá và 102 ngư dân Việt Nam bị Thái Lan bắt giữ. 

Ðưa xác ông Trương Ðình Bảy, Bình Sơn, Quảng Ngãi, ngư dân tàu QNg 95861 bị bắn chết tại Trường Sa hồi cuối năm 2015, lên bờ. (Hình: VOV)

Ngoài Thái Lan, Mã Lai vừa mới lên tiếng cảnh báo rằng, Việt Nam là quốc gia có nhiều tàu đánh cá xâm phạm lãnh hải Mã Lai nhất. Cảnh báo trên được chứng minh bằng một thống kê, theo đó, từ 2010 đến tháng 2 năm nay, Mã Lai đã bắt giữ 273 tàu đánh cá ngoại quốc xâm nhập và đánh bắt trái phép trong lãnh hải Mã Lai và 252/273 tàu đánh cá này là của Việt Nam.

Vụ bắt giữ mới nhất mà Mã Lai thực hiện xảy ra hôm 5 tháng 4. Có bốn tàu đánh cá và 24 ngư dân ngoại quốc bị Mã Lai bắt giữ. Tất cả đều là người Việt.

Nếu tính ngược lại một chút thì riêng trong tháng 3, Mã Lai đã bắt giữ sáu tàu đánh cá và 77 ngư dân. Tất cả các tàu đánh cá và ngư dân đã bị Mã Lai bắt giữ trong tháng 3 đều của Việt Nam.

Trong vài năm gần đây, chuyện ngư dân Việt Nam bị Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Thái Lan rượt đuổi, bắn, bắt, giam giữ, buộc nộp phạt, tịch thu phương tiện sinh nhai với cáo buộc xâm nhập và đánh bắt trái phép trong lãnh hải của những quốc gia đó tăng vọt!

Ða số các tàu đánh cá bị bắt giữ đều bị tịch thu, chỉ có một số rất ít được trả lại nhưng chủ tàu phải đóng tiền phạt rất nặng. Ðể dằn mặt ngư dân ngoại quốc, có những quốc gia như Nam Dương đã tổ chức phá hủy hàng trăm tàu đánh cá xâm nhập và đánh bắt trái phép trong lãnh hải Nam Dương. Khoảng hai phần ba số tàu đánh cá bị Nam Dương bắt giữ là tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam.

Dù Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Thái Lan đã thực hiện nhiều đợt phóng thích những ngư dân ngoại quốc xâm nhập và đánh bắt trái phép trong lãnh hải của họ song người ta ước đoán vẫn còn tới hàng ngàn ngư dân Việt bị các lân bang giam giữ. Trong đó có những người đã bị giam giữ hơn hai năm. Cũng có những ngư dân là thuyền trưởng hoặc thợ máy chính bị phạt tù tới bốn năm.

Gần đây, sự kiện đáng chú ý nhất liên quan tới tình trạng ngư dân Việt Nam xâm nhập và đánh bắt trái phép trong lãnh hải của quốc gia khác xảy ra hôm 27 tháng 3. Tuần duyên của Úc đã phát giác và bắt hai tàu đánh cá cùng với 29 ngư dân Việt vì bắt trộm hải sâm tại bãi Great Barrie.

Bãi Great Barrie nằm gần Lockhart River, một thị trấn ở Ðông Bắc tiểu bang Queensland. Tuy 29 ngư dân vừa kể đã được chuyển giao cho cơ quan di trú của Úc tạm giam và chắc chắn họ sẽ phải hầu Tòa vừa vì xâm nhập hải phận Úc, vừa vì đánh bắt trái phép nhưng sự kiện này vẫn còn làm xôn xao dư luận Úc. Nhiều viên chức và dân chúng Úc chưa hết kinh ngạc khi ngư dân Việt Nam băng qua hàng chục ngàn cây số ở Thái Bình Dương để tìm đến Great Barrie.

Ðáng chú ý là chính quyền Việt Nam thường im lặng, không xác nhận đúng-sai trong tất cả các vụ bắt giữ tàu đánh cá và ngư dân vừa kể, trừ vụ cảnh sát biển Thái Lan xả súng vào sáu tàu đánh cá của Việt Nam ở vịnh Thái Lan hồi tháng 9 năm ngoái, khiến một ngư dân chết, hai trọng thương.

Trong khi báo chí Việt Nam chỉ thông tin một cách lạnh lùng về những vụ tàu đánh cá cũng như ngư dân Việt Nam bị nhiều quốc gia bắt giữ do xâm nhập-đánh bắt trái phép trong lãnh hải của những quốc gia này và một số viên chức bảo rằng, thực trạng vừa kể là do ngư dân Việt Nam “thiếu hiểu biết” thì AP mới phỏng vấn một ngư dân tên là Trần Lân, cư ngụ tại Ðà Nẵng. Ông Lân tâm sự ông là hậu duệ của một gia tộc năm đời làm ngư dân nhưng kể từ năm 2000 đến nay, ông phải suy tính đến việc rời khỏi “ngư trường truyền thống” ở Biển Ðông.

AP chỉ tường thuật ít dòng nhưng tâm sự của ông Lân khiến người ta giật mình. Rõ ràng thời điểm và số vụ tàu đánh cá cũng như ngư dân Việt bị các quốc gia Ðông Nam Á bắt giữ do xâm nhập-đánh bắt trái phép trong lãnh hải của những quốc gia này, tỷ lệ thuận với các vụ, đủ loại lực lượng của Trung cộng, từ kiểm ngư, hải cảnh đến Hải Quân Trung cộng rượt đuổi, bắt giữ-buộc nộp tiền chuộc, đập phá tàu, hủy hoại ngư cụ, thậm chí đâm chìm các tàu đánh cá của Việt Nam, bắn chết ngư dân Việt Nam, suốt từ Vịnh Bắc Bộ đến quần đảo Trường Sa.

Chính quyền Việt Nam vẫn thường bảo rằng, sự hiện diện của tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam trên Biển Ðông là một bằng chứng hùng hồn cho việc minh định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Ðông nhưng bởi chính quyền Việt Nam không làm gì để bảo vệ biển của mình và công dân của mình nên dường như Trung cộng đã thành công trong việc đuổi ngư dân Việt ra khỏi “ngư trường truyền thống.”

Ðể kiếm ra cơm nuôi thân và nuôi gia đình, ngư dân Việt phải chạy sang những vùng biển khác. Họ bị đẩy tới chỗ tự biến mình thành tội phạm dù căn nguyên hoàn toàn không phải là lỗi của họ! (G.Ð)