10.04.2016

Học sinh đánh nhau : Phương pháp giúp tuổi trẻ năng động - Sức sống cho người già

Học sinh đánh nhau : Phương pháp giúp tuổi trẻ năng động - Sức sống cho người già (lời một hiệu trưởng VC)
GS David Tran

Những dòng chữ muộn màng này đáng ra tôi không viết và cũng đã nghĩ là không viết. Bởi thêm một viên đá ném xuống ao bèo thì cũng chẳng gây thêm con sóng lớn để nhận chìm bèo và bèo kia vẫn bập bềnh ngang nhiên nổi. Thế nhưng trong thời gian qua nhất là trong những ngày tháng tết Bính Thân, với nhịp sống xô bồ, hỗn độn mà tôi chưa nói là "hỗn man" của cái gọi là "thiên đường xã nghĩa VN" mà tôi đã về "mục sở thị" và sau đó là một chuỗi dài "nao lòng, quặn ruột". Cái XH mà nó hỗn độn, ô hợp, băng hoại trên mọi hình thức lẫn nội dung từ tinh thần đến vật chất, từ đạo đức đến bạo cường, từ phố phường đến ngõ ngách, đến rẻo cao nương rẫy, thửa ruộng bờ tre…

Cái "thiên đường mù"* đó nó đã lao xuống chạm đáy nơi cửa thứ 12 của tầng địa ngục mà không một phép màu nào cải tử hoàn sinh cho được ngoại trừ cáo chung, thiêu hủy và hóa kiếp. Nơi đây tôi không nói nhiều về những nguyên nhân vì có quá nhiều nguyên nhân ( và tôi cũng đã có quá nhiều bài viết cho lĩnh vực này ) để đưa thiên đường biến thành bãi tha ma…

Cái nền móng của một xã hội, một dân tộc, một Quốc Gia là VĂN HÓA , con thuyền chở VĂN HÓA đi gieo hạt ươm mầm là con thuyền mang tên GIÁO DỤC. Thế nhưng con thuyền chở VH của VN thời cộng sản là con thuyền mục, chưa nói là con thuyền giấy, hàng mã của đám mục đồng thả trôi trên sông trong mùa lễ Vu Lan tháng bảy mưa ngâu.

Câu chuyện bà Phạm thị ngọc Tâm hiệu trưởng trường THPT Bùi thị Xuân Tp Huế phát biểu trước báo giới khi phóng viên hay tin nữ sinh của trường bà đánh nhau rằng:"
Đây là lứa tuổi mới lớn, nếu các em không đánh nhau, không xích mích nhau thì không bao giờ các em năng động được…" tôi không có lời nào hơn để nói về câu phát ngôn hay và đầy ấn tượng của giới đỉnh cao trí tệ này vì đã có quá nhiều "lời khen" và nhiều chuyên gia giỏi đã "mổ xẻ" cái khối u thơm khắp trời mây…

Tuy nhiên trong một chiều đầu xuân đi bách phố…vẫn cảnh náo nhiệt, xô bồ, hỗn độn từ lòng đường lên vỉa hè như mọi khi nhưng lần này gây chú ý hơn là cảnhcác nữ sinh bỏ cặp bên hè xắn tay áo lao vào nhau túm tóc, cấu xé…như bầy hổ đói gặp mồi, có khác nào bầy nhền nhện tinh bắt được Đường Tam Tạng! trong lúc đó thì mọi người đứng xem và cỗ vũ… trong đó có các nam sinh và những người lớn tuổi. Thấy cảnh tượng hiếm hoi này tôi có ý can thiệp. Thế nhưng, biết được ý định của tôi, một bác xích lô vô tư ngồi trên xe chờ khách lên tiếng ngăn rằng :" Đừng…đừng chú! Để cho chúng đánh nhau…có đánh nhau như thế chúng nó mới năng động…vì chúng là tuổi mới lớn cơ mà! Bọn già chúng tôi chắc cũng phải thế mới rèn được sức khỏe mong tăng thêm tuổi thọ chú ạ!"-tôi buông một tiếng thở dài…thườn thượt và nghĩ rằng nếu bác xích lô kia có đọc báo và biết được câu "ranh ngôn" của bà hiệu trưởng Phạm thị ngọc Tâm nên mới thấm nhuần và cả xh thấm nhuần đạo đức cách mạng, đạo đức hcm nên mới vô tư đứng xem phim hành động miễn phí và cỗ vũ cho các diễn viên. Còn nếu bác ta không đọc báo và chưa hề nghe được lời vàng ngọc của nhà mô phạm trên thì rõ ràng ý tưởng của bà ta là khuôn vàng thước ngọc…là chân lý và đượm chất nhân văn đồng thời ý tưởng "trăm năm trồng người" của Hồ tập Chương đã thành hiện thực.

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến cô giáo Hà thu Thủy GV dạy văn ở trường THCS Lomonoxop Hà Nội mấy năm trước, giảng cho học sinh ý nghĩa của câu ca dao :

"Gió đưa cành trúc la đà.
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương…"

trong đó ý nghĩa "canh gà Thọ Xương" là món canh đặc sản của Tây Hồ Hà Nội và cho các em làm bài kiểm tra.

Thế là cả lớp các em đều trả bài như theo lời cô giảng. Phụ huynh phát hiện và phơi bày ra cái đỉnh cao trí tệ của cô giáo "tốt nghiệp sư phạm văn loại giỏi, thạc sĩ có năng lực?!" (lời của ông hiệu trưởng). việc này tôi có một bài viết khá thú vị với tiêu đề : Chữ "Dũng" trong nghề giáo** -đã đăng trên Dân Làm Báo.Thế nhưng thay vì có lời xin lỗi và xin tiếp thu sửa chữa thì ban giám hiệu, hiệu trưởng Nguyễn quang Tùng lại lấp liếm rằng lỗi đó chỉ là " sai sót nghiệp vụ" và cho rằng bài thơ trên không nằm trong chương trình giảng dạy chính khóa?!. Một thạc sĩ văn chương mà giảng thế thì đúng là "thạc sĩ thiên đường mù" không sai.

Trở lại câu chuyện của bà hiệu trưởng Phạm thị ngọc Tâm. Sau khi phát ngôn với báo chí về sự nhận định và tư duy của mình và sau đó bị phơi bày trên nhiều trang mạng…thế là bà ta bảo rằng "
chỉ trao đổi với phóng viên bên lề vui vẻ chứ không là phát ngôn chính thức?!" và bà ta thức trắng một đêm đầm đìa suối lệ đẫm cả gối mền….

Nghe những lời lấp liếm của nhà MÔ PHẠM trên nhưng thiếu tầm SƯ PHẠM tôi thiết nghĩ ai cũng phải "Ghìm cơn mửa"***.Tư cách của một vị hiệu trưởng, quản lý một cơ quan giáo dục mà phát ngôn phản giáo dục đến thế sao? Thay vì sau khi nghe nữ sinh của mình đánh nhau ngay trước cổng trường, đạo đức học sinh xuống cấp, băng hoại như thế thì bà ta tự soi lấy mình và nhìn sâu xa hơn về các thầy cô do mình quản lý và đưa ra biện pháp giáo dục tối ưu mới phải. Đồng thời những giọt nước mắt kia đáng ra phải dành cho sự xót thương một thế hệ học sinh hư hèn mà bản thân mình bất lực mặc dù cái "Tâm sư phạm" có sẵn như cái tên Tâm sẵn có của mình. Tiếc thay những giọt nước mắt kia lại dành cho sự tồn vong của chiếc ghế lẫn son phấn sẽ nhạt nhòa trên mặt bà hiệu trưởng. Đồng thời những dòng lệ kia cũng chảy ra vì những viên đá ném đúng vào TÂM. Buồn thay.

GS David Tran
* chữ của nhà văn Dương thu Hương
**
https://sites.google.com/site/thienducpoet/chu-dung-trong-nghe-giao
***chữ của nhà thơ Bùi minh Quốc


Tôi muốn biết!

Tôi muốn biết vì đâu dân tôi khổ?
Khi giang san rừng bạc, biển muôn trùng.
Bao thành quách dựng xây từ Tiên Tổ.
Máu xương Người nhuộm thắm Bắc-Nam-Trung.
Nhớ bao thuở thăng trầm trang hùng sử.
Từ non cao, rừng thẳm đến đảo xa…
Từng nắm đất, bìa rừng cùng sông suối.
Cha ông ta quyết tử giữ sơn hà.
Xưa nắng ấm trời trong và mây tạnh.
Ngư dân mình dong ruổi ngập trong sương.
Ánh lửa chài vợ hiền nhen ấp lạnh.
Cho đàn con an giấc mộng bình thường.
Giữa trùng khơi đàn hải âu vỗ cánh.
Xa ngàn xa…sóng nước một màu xanh.
Đêm trăng tỏ sáng soi đường giăng lưới.
Cá tôm tươi…cuộc sống thật an lành.
Trên đồng nội thỏang thơm mùi lúa chin.
Đôi vai thon thiếu nữ quảy hương vàng…
Cánh cò lã… chiều trôi về nẻo quạnh.
Thôn nữ ơi…ai vớt ánh trăng tàn?
"Hỡi cô tát nước bên đàng.
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi!"*
Để giờ vương nỗi sầu bi.
Trăng vàng còn đó đã phai ít nhiều…
Trên rẻo cao đường lên buôn lắm nỗi…
Hương hoa rừng, suối hát thác ngàn reo.
Bước bước tới núi đồi chân không mỏi.
Sơn nữ ca…mây khói thấp hơn đèo.
Trường Sơn ơi gió ngàn cùng sương núi.
Nhịp chày khuya hòa với tiếng chiêng vui.
Đêm sử thi giọng ai luồn theo gió!
Hồn "Đam San" quyện lấy bóng "Hơ Nhi".
Đất nước tôi điệp trùng rừng, sông, biển…
Núi ôm sông òa ra đảo tìm thương.
Ngàn năm trước Mẹ về nơi rừng thẳm.
Gốc "Kơ-Nia" đêm ngóng biển nao lòng…
Cha nhớ núi tóc nhòa con sóng bạc…
Đàn hải âu nương gió vượt đồng xanh.
Gom nỗi nhớ kết thành muôn nốt nhạc.
Mây trắng bay…mây trắng cũng xây thành.
Đất nước tôi thanh bình và an lạc.
Cảnh núi sông, đồng ruộng với trùng dương.
Bốn mùa vui, gái trai vang câu hát
Trẻ già yêu, chồng vợ ngập tình thương.
Sau cơn mộng ba phần tư thế kỷ.
Giờ đổi thay sông núi thuộc quân Tàu.
Trên biển cả ngư dân làm "cột mốc".
Cả dân mình mang một mối sầu đau.
Về nông thôn còn đâu đêm trăng tỏ.
Vớt trăng vàng…cổ tích với trò chơi.
Còn đâu nữa đêm hẹn hò "hát đối"!
Để men tình bén lửa…thả chơi vơi.
Nông dân khóc, ruộng vườn cùng mồ mả.
Thành sân "gôn", biệt thự lẫn phố Tàu.
Không mái ấm, dân oan đành lang bạt…
Đêm phơi thân bờ bãi…ngút ngàn lau…
Rừng núi cạn hổ voi bừng cơn nộ.
"Rừng vàng" xưa giờ giặc đã giăng đầy.
Cồng, chiêng, trống lửa bập bùng…dĩ vãng.
Tiếng chày khuya "phum, sóc" rượu ngà say?
Ai gieo rắc kinh hoàng và mộng mị!
Ai bán sông, dâng biển nước non nhà?
Ai trói còng, tù tội nhân dân ta?
Ai phủ phục đớn hèn hàng quân giặc?
Ai đi đêm, lết bò qua phương Bắc?
Làm tay sai sửa túi với nâng khăn.
Ai hèn giặc, ác dân và cướp bóc…
Để dân tôi đói khát không miếng ăn?
Tôi muốn biết! Muôn lần tôi phải biết!
Ai thù nhà? Ai mạo phạm quyền dân.
Ký mật ước bán giang san Tổ Quốc.
Để nhà tan, nước mất-Chúng vinh thân!
Phải phơi bày, bạch hóa trước muôn dân!


GS David Tran
* Ca dao