02.03.2016

Việt Nam lần đầu tiên đưa người ứng cử vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế

Việt Nam lần đầu tiên đưa người ứng cử vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế
Khánh An (VOA)
Ứng cử viên của Việt Nam cho vị trí thành viên trong Ủy ban Luật pháp Quốc tế của LHQ là Phó giáo sư – tiến sĩ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao. 

Việt Nam hôm 29/2 cho biết lần đầu tiên đưa người ra ứng cử vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế của Liên Hiệp Quốc, cơ quan chuyên soạn thảo những công ước quốc tế quan trọng, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982. Giữa bối cảnh Biển Đông đang nóng lên trở lại trong những ngày vừa qua vì những hành động ‘quân sự hóa’ của Trung cộng tại các khu vực có tranh chấp, động thái trên của Việt Nam liệu có là một phản ứng hữu hiệu trước sự lấn lướt của Trung cộng? Khánh An tìm hiểu thêm với nhà sử học, đại biểu Quốc hội Việt Nam Dương Trung Quốc.

Ủy ban Luật pháp Quốc tế là một cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc với 34 thành viên. Các thành viên của ủy ban được phân bổ theo khu vực địa lý trên nguyên tắc không được có 2 thành viên mang cùng một quốc tịch. Việc bầu cử được thực hiện mỗi 5 năm 1 lần. Các ứng cử viên thường là những chuyên gia có kinh nghiệm về nghiên cứu, giảng dạy hay thực hành luật pháp quốc tế. 
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được phép bầu 7 thành viên. Hiện tại, có 6 thành viên của khu vực ở trong Ủy ban mang các quốc tịch Nhật Bản, Trung Hoa lục địa, Đại Hàn, Ấn Độ, Nam Dương và Thái Lan.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng sự kiện Việt Nam lần đầu tiên đưa người ra tranh cử vào một trong 7 chiếc ghế thành viên của Ủy ban Luật pháp Quốc tế, nơi có ảnh hưởng trực tiếp đến các công ước quốc tế, chính là một ‘biểu lộ của định hướng phát triển của Việt Nam’ sau một thời gian dài ‘ít quan tâm đến việc xây dựng hệ thống luật pháp, xây dựng tập quán thực thi luật pháp trong đời sống của người dân’. Đây vừa là xu thế chung trên con đường đổi mới và hội nhập, vừa là lợi ích của Việt Nam.
Rõ ràng, công cuộc đổi mới của Việt Nam nó gắn liền với việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, xây dựng một hệ thống luật pháp tương thích ngày càng nhiều với luật pháp quốc tế. Trong quan hệ quốc tế thì chính luật pháp đứng về phía lợi ích của dân tộc mình. Tôi lấy thí dụ rõ và nóng bỏng nhất là vấn đề liên quan đến Biển Đông. Một trong những cơ sở để Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền chính đáng của mình chính là dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Luật Biển”.
Trước những động thái mới đây của Trung cộng như lắp đặt hệ thống phi đạn tối tân ở đảo Phú Lâm, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền, hay việc đưa chiến đấu cơ ra các đảo có tranh chấp, mà các giới chức Hoa Kỳ lên án Bắc Kinh là đang ‘quân sự hóa’ Biển Đông, thì những phản ứng lặp lại của Việt Nam như việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối sau mỗi hành động của Trung cộng đã gặp phải sự chỉ trích vì cho là không đủ và không hiệu quả.
Hồi trung tuần tháng này, lãnh đạo Việt Nam đã cùng với các nước thành viên khác của ASEAN đến tham dự hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN tại Sunnyland, tiểu bang California, Mỹ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị đã kêu gọi Hoa Kỳ có tiếng nói mạnh mẽ và hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn về vấn đề Biển Đông. Giáo sư Tạ Văn Tài của đại học Harvard nói với VOA rằng chính những sự kiện quốc tế như thế này là cơ hội giúp cho Việt Nam ‘thoát Trung’. 
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trước tiên là phải dẹp bỏ ‘ảo tưởng’ dựa vào bất kỳ nước nào, mà phải chuẩn bị cho mình một ‘vị thế’ để có thể chủ động ứng phó trong các tình huống, bên cạnh việc ‘tranh thủ sự ủng hộ’ trên cơ sở lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, của các cường quốc ở Biển Đông như Hoa Kỳ.
Một phương thức mà Việt Nam muốn bảo vệ chủ quyền của mình là ngoài ý chí của dân tộc ra, thì điều hết sức quan trọng là phải gắn kết với thế giới, phải lấy sức mạnh của công lý, của pháp luật thế giới để tạo ra một sức ép đối với Trung cộng. Đương nhiên tất cả những gì đang diễn ra càng ngày càng làm cho người Việt Nam hiểu rõ là không thể ảo tưởng vào Trung cộng, nếu như chúng ta không có một cơ sở pháp lý và không có sự ủng hộ quốc tế”.
Ứng cử viên của Việt Nam cho vị trí thành viên trong Ủy ban Luật pháp Quốc tế của LHQ là Phó giáo sư – tiến sĩ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao. Ông Thao là một chuyên gia về luật tại Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện giữ chức vụ đại sứ Việt Nam tại Kuwait. Trước đó, ông là đại sứ Việt Nam tại Mã Lai, từng giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, làm Trưởng đoàn đàm phán các hiệp định biên giới với các nước láng giềng Việt Nam, làm cố vấn pháp lý cho dự thảo Luật biển Việt Nam năm 2012… Thông tấn xã Việt Nam nói việc giới thiệu ông Nguyễn Hồng Thao vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế “thể hiện mong muốn của Việt Nam đóng góp vào sự phát triển tiến bộ và pháp điển hóa luật pháp quốc tế”.