30.03.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 30.03.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung Cộng
(ngày 30.03.2016)
Trung cộng " khuyên " Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng song phương
Một tàu hải cảnh Trung cộng trên Biển Đông REUTERS/Nguyen Minh/Files

Quân đội Việt Nam và Trung cộng nên tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhau. Đây là nội dung thông điệp do Bộ trưởng Quốc Phòng Trung cộng Thường Vạn Toàn gởi đến giới lãnh đạo Việt Nam nhân chuyến công du từ 27/03 đến 31/03/2016. "Lời khuyên" này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Việt Trung vẫn căng thẳng trên vấn đề Biển Đông, trong lúc hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ càng lúc càng được tăng cường.


Theo hãng tin Anh Reuters, trong một bản thông cáo được bộ Quốc Phòng Trung cộng công bố hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Trung cộng đã nhấn mạnh rằng quân đội hai nước nên « tăng cường các chuyến thăm cấp cao và trao đổi chiến lược, nâng cao tình hữu nghị, củng cố hoạt động giao lưu quốc phòng biên giới và hợp tác thiết thực trên vấn đề tham gia chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, nghiên cứu khoa học quân sự và công nghiệp quốc phòng ».

Theo ghi nhận của Reuters, bản thông cáo không đề cập trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông giữa hai bên, nhưng cho biết là tư lệnh Hạm Đội Nam Hải của Trung cộng có mặt trong cuộc gặp giữa phái đoàn Trung cộng và Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngày 27/03.

Nhân cuộc gặp, bộ trưởng Quốc Phòng Trung cộng đã cho rằng hai nước cần phấn đấu để duy trì mối quan hệ hữu nghị từng được hai cố lãnh đạo Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh xây dựng.

Theo giới phân tích, những lời lẽ đầy tình hữu nghị trên đây là nhằm xoa dịu Việt Nam vào lúc Hà Nội tiếp tục đả kích các hành động của Bắc Kinh nhằm quân sự hóa Biển Đông, cụ thể là đưa chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm, vùng quần đảo Hoàng Sa, và đặt cả tên lửa phòng không và chống hạm trên đó, đồng thời liên tục sách nhiễu ngư dân Việt Nam.

Báo chí Việt Nam đã nêu bật nội dung Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam của bộ trưởng Quốc Phòng Trung cộng, cho biết là quân đội hai bên đã đồng ý tự kiềm chế để tránh xung đột trên Biển Đông. Vấn đề là trên Biển Đông, cho đến nay, chủ yếu các hành vi sách nhiễu lại do lực lượng Hải Cảnh Trung cộng tiến hành.

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post khi đưa tin về chuyến công du Việt Nam của bộ trưởng Quốc Phòng Trung cộng đã nêu bật nhận định của một chuyên gia Trung cộng tại trường Đại Học Tế Nam, cho rằng chuyến thăm là một động thái chính trị quan trọng, vì cả hai bên cần duy trì liên lạc chặt chẽ giữa các quan chức cấp cao để giúp ổn định tình hình ở Biển Đông.

Còn theo một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn cho thấy là Trung cộng muốn giữ quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, một quốc gia không phải là đồng minh của Mỹ như Phi Luật Tân.

Mỹ tố cáo Bắc Kinh nói sai khi tuyên bố không quân sự hóa Biển Đông
Trọng Nghĩa (RFI)
Ảnh vệ tinh chụp các công trình của Trung cộng trên Đá Châu Viên (Trường Sa). Ảnh công bố 23/02/ 2016.  REUTERS/CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe/

Một viên chức Mỹ cao cấp ngày 29/03/2016 lại xác định một lần nữa rằng lập luận của Bắc Kinh theo đó Trung cộng không quân sự hóa Biển Đông hoàn toàn không đứng vững. Việc bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng cơ sở, và bố trí tên lửa và chiến đấu cơ trên đó không khớp với những lời tuyên bố cho rằng hoạt động của Trung cộng nhằm mục tiêu dân sự.

Từ Washington, phát biểu với một nhóm nhà báo Đông Nam Á qua đường video, bà Colin Willett, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề chiến lược và đa phương thuộc vụ Đông Á và Thái Bình Dương bộ Ngoại Giao Mỹ, nhận định rằng trong lúc những nước tranh chấp khác cũng bố trí binh lính và vũ khí ở các tiền đồn của họ trên Biển Đông, các hoạt động đó « không bì kịp » sự tăng cường quân đội của Trung cộng trong khu vực trong hai năm vừa qua.

Bà Willett khẳng định : « Điều mà Trung cộng đang làm đã vượt xa những gì mà các nước tranh chấp khác đã làm trong nhiều thập niên. Trung cộng lập luận là những tiền đồn đó là những công trình dân sự, dùng vào mục tiêu dân sự, điều này không thể được coi là đúng ».

Tháng Hai vừa qua, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã báo động rằng các đảo mà Trung cộng bồi đắp ở Biển Đông, và các công trình xây dựng trên đó đã tạo thành hạ tầng cơ sở cần thiết cho việc « tung lực lượng quân sự xuống Biển Đông », vượt xa nhu cầu phòng thủ của chính các tiền đồn đó.

Trung cộng luôn luôn khẳng định rằng hoạt động của họ trong khu vực mang tính dân sự, trong đó có việc xây dựng hải đăng, căn cứ tìm kiếm và cứu hộ, những trạm nghiên cứu môi trường…

Tuy nhiên, bà Willett cho rằng công việc bảo vệ thường dân, cứu trợ ngư dân hay theo dõi môi trường, hoàn toàn không cần đến những công trình quy mô như phi đạo dài chẳng hạn.

Bà Willett đã ám chỉ đến những phi đạo xây cho chiến đấu cơ ở Phú Lâm (Hoàng Sa) và ở Trường Sa khi nhấn mạnh : « Phi đạo mà Trung cộng xây dựng là kiểu để dùng cho oanh tạc cơ chiến lược chứ không phải cho máy bay chở hàng cứu trợ nhân đạo hay thiên tai ».

Trong vụ Phi Luật Tân kiện Trung cộng ra trước Tòa Án Trọng Tài La Haye – mà phán quyết sắp được đưa ra - bà Willett cho là Trung cộng không nên phớt lờ luật pháp, vì làm như thế sẽ có một cuộc đọ sức với các láng giềng.

Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ khẳng định : « Nếu Trung cộng phớt lờ phán quyết và không thực hiện nghĩa vụ của mình theo luật biển, thì sẽ đi đến đối đầu với các láng giềng. Theo quan điểm của Hoa Kỳ, không nên xem phán quyết là một mối đe dọa, mà là một cơ hội cho một giải pháp ngoại giao thực thụ. »

Trung cộng dàn dựng hỏa tiễn chống hạm YJ-62 trên đảo Phú Lâm
VOA
Hình ảnh về việc lắp đặt hỏa tiễn YJ-62 được đăng trên trang web Weibo của Trung cộng hôm 20/3/2016. Nguồn: Weibo.

Một bức ảnh mới đây cho thấy Trung cộng đã triển khai hỏa tiễn hành trình chống hạm cận âm tốc YJ-62 ở đảo Phú Lâm trên Biển Đông, nơi có nhiều tranh chấp.
Đảo Phú Lâm là một phần của quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung cộng kiểm soát phần lớn. Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố đòi chủ quyền toàn bộ hoặc một phần quần đảo này.
Việc dàn dựng hỏa tiễn có tầm bắn 400 kilomet được xem là một động thái tăng cường đáng kể năng lực quân sự của Trung cộng ở Biển Đông.
Hình ảnh về việc lắp đặt hỏa tiễn YJ-62 được đăng trên trang web Weibo của Trung cộng hôm 20/3. Bức ảnh cũng cho thấy một vỏ bọc radar hình cầu, chỉ ra rằng hỏa tiễn đang ở trên đảo Phú Lâm.
Theo HIS Jane’s 360, một công ty xuất bản Anh quốc chuyên lưu giữ hồ sơ về thiết bị quân sự, có phần chắc là hỏa tiễn này đã được triển khai gần như cùng thời điểm hệ thống hỏa tiễn địa đối không HQ-9 của Trung cộng bị phát hiện trên đảo hồi tháng 2.
Phiên bản YJ-62 trên bộ đã được Hải quân Trung cộng khai triển từ khoảng năm 2008. Một phiên bản khác được lắp trên khu trục hạm lớp Type 052C hạ thủy vào năm 2003.
Phiên bản YJ-62 chống hạm được dẫn đường nhờ radar tầm xa hay dữ liệu từ phi cơ hoặc vệ tinh, sau đó sử dụng radar lắp ở đầu hỏa tiễn để dẫn đường giai đoạn cuối.
Theo International Business Times, janes.com


Tổng thống Obama thảo luận về Biển Đông với Tập Cận Bình 

Tổng thống Barack Obama (trái) gặp Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, ở Le Bourget, ngoại ô Paris, ngày 30/11/2015.


Tổng thống Barack Obama sẽ có cuộc họp với các nhà lãnh đạo châu Á tại Washington trong tuần này giữa lúc gia tăng lo ngại rằng căng thẳng kéo dài âm ỉ trên bán đảo Triều Tiên và nguy cơ Biển Đông bùng lên thành một cuộc xung đột.

Các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Trung cộng, Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ tới thủ đô của Mỹ để giam dự hội nghị thượng đỉnh được tổ chức bởi Tổng thống Obama về an ninh hạt nhân. Đây là vòng cuối cùng trong chiến dịch của Tổng thống Obama nhằm vận động quốc tế ngăn chặn các nguyên liệu có thể sử dụng cho vũ khí nguyên tử hay bom bẩn rơi vào tay những kẻ khủng bố.

Ông Obama sẽ thúc giục Trung cộng thực hiện các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên, một đồng minh truyền thống của quốc gia này.

Về phần mình, ông Tập sẽ muốn Hoa Kỳ khởi động lại các cuộc đàm phán với chính phủ độc đoán của Kim Jong Un, hiện đang đạt tiến bộ về công nghệ hạt nhân và tên lửa có thể trực tiếp đe dọa Hoa Kỳ.


Tuy nhiên, những vấn đề an ninh cấp bách này sẽ được thảo luận bên lề của cuộc họp bắt đầu vào ngày thứ Năm tới.

Nhưng chủ đề nóng nhất và gây chia rẽ nhất khi hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung cộng gặp gỡ là việc Trung cộng mạnh mẽ tuyên bố nhận chủ quyền lãnh thổ rộng lớn ở Biển Đông.

Các nhà quan sát chính trị tại Washington cho hay đây là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất, vì Hoa Kỳ đòi hỏi Trung cộng phải tôn trọng luật pháp quốc tế, không được ỷ thế cường quốc để đe dọa, ép buộc những nước nhỏ trong vùng Đông Nam Á.
Mặc dù có mâu thuẫn chủ quyền lãnh thổ với 5 quốc gia châu Á khác, Trung cộng cho rằng quốc gia này có chủ quyền lịch sử đối với hầu hết Biển Đông và giữ ý kiến cho rằng Hoa Kỳ không có liên quan gì ở đây. Trung cộng cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng bằng cách đưa tàu quân sự và máy bay qua vùng tự do hàng hải.

Các nhà quan sát cũng tin là lập luận mà ông Tập Cận Bình đưa ra sẽ không thay đổi và Hoa Kỳ không có lý do gì để can dự vào chuyện Biển Đông.
Trước khi cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung diễn ra, ông Jeffrey Bader, cựu cố vấn an ninh Đông Á-Thái Bình Dương của Tổng Thống Obama, có viết một bài bình luận, trong đó cho hay điều Hoa Kỳ quan tâm là phản ứng của Bắc Kinh đối với phán quyết mà Tòa Trọng Tài Quốc Tế sẽ đưa ra trong những ngày tới, để giải quyết đơn kiện của chính phủ Phi Luật Tân cho rằng Trung cộng vi phạm chủ quyền của họ ở biển Đông.
Bài viết cảnh báo rằng dưới những hình thức khác nhau, Trung cộng có thể làm áp lực quân sự với Phi Luật Tân, do đó, Tổng Thống Hoa Kỳ sẽ nhắc cho Chủ Tịch Tập Cận Bình biết rằng Phi là một đồng minh chiến lược của Mỹ, tất cả mọi hành động mà Trung cộng có thể làm để tạo căng thẳng với Phi đều là những hành động không có lợi.
Các viên chức cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ, kể cả Ngoại Trưởng John Kerry và ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Ash Carter đều lên tiếng nói việc làm của Trung cộng khiến tình hình khu vực biển Đông trở nên căng thẳng hơn.
Hôm qua, một bài bình luận được đăng tải trên tờ Trung cộng Nhật Báo xuất bản tại Bắc Kinh viết rằng chính sách quay trục về Châu Á và tăng cường sự hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ cho thực hiện là nguyên nhân gây nên căng thẳng ở Biển Đông. Bài bình luận mang tựa đề “Biển Đông Không Phải Là Sân Chơi Của Mỹ” của chuyên gia Lưu Hải Dương có đoạn rằng viết trong thời gian gần đây, Washington cố tình chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa ở Biển Đông cũng như bày tỏ quan ngại về quyền tự do hàng hải ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung cộng với một số nước Đông Nam Á, trong khi chính Hoa Kỳ liên tục đưa tàu chiến và phi cơ vào khu vực tranh chấp để tạo thêm căng thẳng.
Bài bình luận còn viết rằng điều Washington cần phải biết là nước Mỹ càng có những thái độ gây hấn với Trung cộng nhiều bao nhiêu thì Trung cộng sẽ có phản ứng mạnh mẽ bấy nhiêu.

Tờ China Daily số phát hành tại Hoa Kỳ trong một bài xã luận gần đây viết:  “Washington nên biết rằng những động thái càng khiêu khích chống lại Trung cộng, Bắc Kinh sẽ càng có nhiều biện pháp đối phó. Một vòng xoáy không mong muốn như vậy có thể đẩy cả hai bên đến đối đầu và khiến cho cả hai bên chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất, có khả năng trở thành sự thật”.

Tháng Chín năm ngoái khi đến thăm Washington và thảo luận với Tổng Thống Obama, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung cộng không có ý định quân sự hóa ở Biển Đông,
Trong cuộc gặp hồi tháng 9 năm ngoái tại Washington, ông Tập Cận Bình đã cố gắng dùng lời lẽ ôn hòa và phân bua rằng hoạt động cải tạo đảo phi pháp của Trung cộng ở Biển Đông “không nhằm và không gây ảnh hưởng đến bất cứ nước nào” và “Trung cộng không có ý định theo đuổi việc quân sự hóa khu vực này”. Nhưng những sự kiện và tin tức trong thời gian gần đây lại cho thấy Bắc Kinh đang làm điều ngược lại.

Theo ABCNews, RFA


Ấn Độ chi tiết hóa việc thiết lập trạm xử lý dữ liệu vệ tinh ở Việt Nam
Hỏa tiễn Ấn Độ phóng vệ tinh lên quỹ đạo từ trung tâm không gian Satish Dhawan ở Sriharikota (Ấn Độ). Ảnh tư liệu ngày 27/08/2015.Reuters

Theo báo Nhật Bản Asahi Shimbun ngày 29/03/2016, các viên chức bộ Ngoại Giao Ấn Độ vừa tiết lộ thông tin cụ thể hơn về dự án xây dựng tại Việt Nam một trạm thu và xử lý tín hiệu vệ tinh. Theo tờ báo Nhật Bản, đây là một hành động phối hợp hành động cụ thể giữa Ấn Độ và Việt Nam trong việc đối phó với đà bành trướng của Trung cộng tại Biển Đông.

Theo các nguồn tin trên, cơ sở xử lý dữ liệu vệ tinh của Ấn Độ sẽ bao gồm một trung tâm xử lý tín hiệu vệ tinh ở thành phố Sài Gòn, và cơ sở thu phát tín hiệu vệ tinh đặt ở ngoại thành thủ phủ miền Nam Việt Nam. Ấn Độ sẽ chịu tất cả kinh phí xây dựng và chi phí vận hành trong 5 năm đầu (khoảng 22 triệu đô la).

Cũng theo các viên chức ngoại giao Ấn Độ, công trình xây dựng trung tâm này sẽ bắt đầu vào khoảng giữa tháng Tư và tháng Sáu 2016, và sẽ do Ấn Độ cùng các quốc gia ASEAN hợp tác vận hành. Trạm xử lý đặt tại Việt Nam sẽ cung cấp cho các nước Đông Nam Á các dữ liệu thu được từ các vệ tinh quan sát trái đất của Ấn Độ.

Ấn Độ là quốc gia có khả năng cung cấp cho Việt Nam và các láng giềng Đông Nam Á những thông tin quý giá, vì phải nói là Ấn Độ hiện có một chương trình không gian khá phát triển, đã phóng được 57 vệ tinh cho 20 nước, và từng đưa tàu thăm dò không người lái vào quỹ đạo sao Hỏa vào năm 2014.

Mặc dù giới chức Ấn Độ luôn nhấn mạnh trạm xử lý tín hiệu vệ tinh của Ấn đặt tại Việt Nam không nhằm vào bất kỳ ai, nhưng theo báo Asahi, đó là một động thái tăng cường hợp tác với Việt Nam và các nước ASEAN đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung cộng, tương tự như Ấn Độ.

Theo báo Asahi Shimbun, một nguồn tin thân cận với bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết là trạm xử lý tín hiệu vệ tinh Ấn Độ tại Việt Nam là một phần nỗ lực của chính phủ Việt Nàm nhằm « tăng cường năng lực thu thập thông tin tình báo ở Biển Đông ».

Nguồn tin trên còn nói thêm là Việt Nam đã cố tăng tốc độ nâng cao khả năng thu thập thông tin tình báo, từ khi bị thất bại trong việc thu thập nhanh chóng thông tin về vụ Trung cộng đơn phương khoan dò dầu khí Hoàng Sa và bồi đắp đảo nhân tạo tại Trường Sa.
Hà Nội rất muốn thắt chặt thêm quan hệ quân sự với New Delhi để đối phó với Hải Quân Trung cộng, vì không thể dựa hẳn vào Mỹ như Phi Luật Tân.


Phi Luật Tân xem xét lập hạm đội tàu ngầm đối phó Trung cộng ở Biển Đông
Phi Luật Tân có thể đầu tư để sở hữu hạm đội tàu ngầm đầu tiên trong lịch sử nhằm bảo vệ lãnh thổ ở Biển Đông, Tổng thống Phi Luật Tân Benigno Aquino hôm nay cho biết, trong bối cảnh Trung cộng ngày càng bành trướng trong khu vực. 
Tàu ngầm USS Ohio của Mỹ thăm vịnh Subic của Phi Luật Tân hồi tháng này (Ảnh: InterAksyon/Philstar)
Chúng tôi nằm ở vị trí quá cảnh sang Thái Bình Dương và giờ đây chúng tôi đang nghiên cứu xem liệu có cần một lực lượng tàu ngầm hay không”, ông Aquino phát biểu trước báo giới tại thủ đô Manila ngày 30/3.
Phi Luật Tân, vốn chưa bao giờ sở hữu tàu ngầm và cho tới tận bây giờ vẫn phải phụ thuộc vào các tàu chiến do Mỹ cung cấp, gần đây đã gia tăng ngân sách quốc phòng để đối phó với sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trung cộng đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường lưỡi bò” phi pháp, chồng lấn lên các vùng biển của Phi Luật Tân, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Tổng thống Aquino cảnh báo rằng Phi Luật Tân có thể mất toàn bộ bờ biển phía tây nước này nếu Trung cộng thành công trong việc áp đặt các tuyên bố chủ quyền.
Chúng tôi phải đẩy nhanh việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang vì nhu cầu phòng vệ”, ông Aquino nhấn mạnh.
Bắc Kinh đã bồi đắp 1.173 héc-ta đất ở Biển Đông chỉ trong 2 năm qua trong một chiến dịch xây đảo nhân tạo quy mô lớn và đã triển khai các tên lửa đất đối không tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngân sách quốc phòng của Trung cộng lớn hơn nhiều so với của Phi Luật Tân, bất chấp chấp các nỗ lực của Tổng thống Aquino nhằm đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng lên mức kỷ lục và mua sắm các máy bay, tàu chiến mới.
Năm nay, ngân sách quốc phòng được đề xuất cho quân đội Trung cộng tăng lên 147 tỷ USD, cao hơn gần 59 lần so với của Phi Luật Tân, hiện ở mức 2,5 tỷ USD.
Phi Luật Tân đã nhờ cậy vào Mỹ, một đồng minh lâu đời, và Nhật Bản để gia tăng thiết bị quốc phòng nhằm đối phó với Trung cộng.
Manila cũng kiện Trung cộng ra tòa án quốc tế về “đường lưỡi bò” phi pháp, với phán quyết dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng 5 tới. Bắc Kinh khẳng định không tham gia phiên tòa và cũng tuyên bố sẽ không chấp nhận phán quyết của tòa về vụ kiện.
Tổng thống Aquino cho rằng tranh chấp Biển Đông gây quan ngại cho tất cả quốc gia, vì nó có thể làm gián đoạn thương mại tại vùng biển đông đúc của thế giới, nơi 1/3 số lượng dầu thô toàn cầu đi qua.
Sự bấp bênh gây ra tình trạng mất ổn định. Tình trạng mất ổn định không thúc đẩy sự thịnh vượng”, ông Aquino nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Aquino, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 6 tới, cũng nhấn mạnh rằng mặc dù Phi Luật Tân tăng cường phòng thủ nhưng là một quốc gia còn nghèo, chính phủ sẽ ưu tiên cho “bơ hơn là súng ống”.
“Chúng tôi không có ý định cố gắng bắt kịp, chạy đua với ai trong một cuộc đua vũ trang hay trong một cuộc đua tăng cường quân sự”, nhà lãnh đạo Phi Luật Tân nói.