27.03.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 27.03.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 27.03.2016)

Mỹ-Phi hợp tác chống giữ Biển Đông

Xe lội nước của Hải Quân Mỹ trong một cuộc tập trận với Phi Luật Tân năm 2014.Reuters
Với tựa « Mỹ trở lại Phi Luật Tân. Manila và Washington lên án Bắc Kinh quân sự hóa biển Nam hải » và tấm bản đồ « đường lưỡi bò » của Trung cộng « liếm » gần hết biển Đông, thông tín viên của Le Monde từ Hoa lục nhấn mạnh, tại Biển Đông « liên tục xảy ra những vụ va chạm » giữa Trung cộng và các nước láng giềng, trong bối cảnh Hoa Kỳ can dự nhiều hơn vào khu vực bị Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Ngày 19/03, cảnh sát biển Trung cộng dùng bạo lực giải thoát một chiếc tàu đánh cá bị Nam Dương áp giải, gây rắc rối ngoại giao với Jakarta . Tổng thống Joko Widodo của Nam Dương không để cho Bắc Kinh tự tung tự tác. Tuần duyên Nam Dương đã bắt tàu đánh cá lậu Trung cộng, một chiếc bị đánh chìm để làm gương vào năm 2015.

Trung cộng bồi đắp đảo đá ngầm Scarborough sau khi lấn chiếm của Manila năm 2012. Hàng chục bãi đá ngầm khác ở biển Đông đã bị Trung cộng lấn chiếm và biến thành đảo nhân tạo. Chiếm Scarborough, đổi tên là Hoàng Nham, Bắc Kinh đã gây thương tổn cho danh dự Phi Luật Tân. Về mặt quân sự, chiếm được Scarborough , Trung cộng hoàn tất thế « chân vạc » với các căn cứ ở Hoàng Sa và Trường Sa . Hoa Kỳ lo ngại Bắc Kinh sẽ tuyên bố « vùng nhận dạng phòng không » như ở Hoa Đông năm 2013.
Trước mục tiêu gần như không cần che giấu của Trung cộng, Hoa Kỳ tăng cường tuần tra và kêu gọi Ấn Độ tham gia vào nỗ lực chung với Nhật và Úc. Manila cho phép Mỹ sử dụng năm căn cứ quân sự trong khuôn khổ hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường mở đường cho quân đội Mỹ trở lại quần đảo từng là tiền đồn của Mỹ trong thời chiến tranh Việt Nam. Tư lệnh lực lượng Mỹ lên án Trung cộng « quân sự hóa » biển Đông nhưng Bắc Kinh đáp trả bằng lập luận chính Hoa Kỳ thiết lập một mạng lưới liên minh quân sự trong Thái Bình dương.
Trên thực tế, giới lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng chiến thuật gây hấn sẽ thắng. Chuyên gia Mỹ gốc Trung cộng Tôn Vân (Sun Yun) thuộc viện nghiên cứu Stimson, giải thích : Trung cộng đã tạo ra một vòng đai rộng hơn trong vùng tranh chấp và tăng cường kiểm soát trên thực tế. Họ vẽ lại lằn ranh, thực tế hay biểu tượng, giới hạn hoạt động quân sự của Mỹ tại biển Đông.
Quản trị biển khơi : Cao vọng của Liên Hiệp Quốc
Vào lúc châu Á chật vật đối phó với tham vọng biển đảo của Bắc Kinh, bắt đầu từ thứ hai 28/03, Liên Hiệp Quốc tổ chức đàm phán về biển khơi với hy vọng đi đến một thỏa thuận quốc tế quản lý 50% diện tích Trái đất nằm ngoài thẩm quyền của từng quốc gia.
Cho đến nay, thẩm quyền quản lý biển khơi chia ra cho ba cơ quan khác nhau mà không có phối hợp : tổ chức biển quốc tế, cơ quan quyền lực đáy biển và các cơ quan cấp vùng quản lý ngư nghiệp.
Tin RFI (Tú Anh)

TC  Đặt Phi Đạn Chống Hạm Đội Tại Hoàng Sa 

Không phải chỉ có hỏa tiễn phòng không, Trung cộng còn đưa cả hỏa tiễn chống hạm tầm xa tới đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, trang mạng Weibo khoe mới đây.

Hình ảnh phóng hỏa tiễn chống hạm tầm xa YJ-62 trên mạng xã hội Weibo được mô tả là phóng từ đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. (Hình: Jane's Defense)

Trang mạng Trung cộng Weibo, ngày 20 tháng 3, 2016, đăng tải lại hình ảnh phóng hỏa tiễn chống hạm YJ-62 do một tạp chí quân sự của Trung cộng đưa ra. Hình ảnh phóng hỏa tiễn chống hạm vừa kể có vòm radar nhìn thấy đằng xa mà những người viết blog nói đó là tại đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung cộng cướp của Việt Nam từ năm 1974.

Theo những gì thấy tường thuật, hỏa tiễn chống hạm tầm xa YJ-62 đã được Bắc Kinh đưa tới Phú Lâm cùng một khoảng thời gian với hỏa tiễn phòng không HQ-9. Trước đây, hãng truyền hình Mỹ Fox News ngày 16 tháng 2, 2016 loan tin Trung cộng đã đưa 2 khẩu đội hỏa tiễn phòng không HQ-9 cùng 1 hệ thống radar đến đảo Phú Lâm.

Đảo này được Bắc Kinh đặt làm bản doanh quân sự kiểm soát toàn bộ khu vực mà họ ngang ngược tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, bao gồm luôn các quần đảo cướp của Việt Nam.

Bây giờ, tin tức mới thấy báo chí Trung cộng xì ra là còn cả hỏa tiễn chống hạm tầm xa YJ-62 với tầm tấn công lên đến 400km cũng có mặt tại quần đảo Hoàng Sa.

Trên tờ South China Morning Post ngày Thứ Sáu, 25 tháng 3, Antony Wong Dong, một chuyên viên phân tích cư trú ở Macau cho rằng phạm vi bao trùm tấn công của HQ-9 trùng với các vùng đặc quyền kinh tế mà cả Việt Nam lẫn Trung cộng đều tuyên bố trong khi hỏa tiễn YJ-62 lại có phạm vi tấn công bao trùm xa hơn nữa. “Chúng đe dọa nghiêm trọng đến an ninh đường biển của Việt Nam và hoàn toàn vi phạm luật lệ quốc tế,” ông Wong Dong nói.

Tin tức truyền thông về việc này thì  tương đối dè dặt. Theo bản tin hôm Thứ Sáu của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp Tiếng Việt (RFI) cho biết TC “rất có thể đã khai triển hỏa tiễn chống hạm YJ-62, có tầm bắn 400 km, tại đảo Phú Lâm (Woody Island), quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.” Theo chi tiết bản tin: “Trang mạng Janes.com (IHS Janes 360) của Anh Quốc, chuyên về các tin tức an ninh, quốc phòng, ngày 23/03/2015, ghi nhận có sự trùng khớp giữa hình ảnh vụ bắn thử hỏa tiễn YJ-62 chống hạm, được công bố ngày 20/03 trên mạng Weibo Trung cộng với các ảnh chụp trên một tạp chí quân sự Trung cộng. Radar xuất hiện trong ảnh giống hệt với chiếc radar đặt tại đảo Phú Lâm. Các hình ảnh so sánh được đăng tải trên trang mạng chuyên về quân sự châu Á Alert5.com.”

Bản tin RFI nói thêm rằng, “Vẫn theo Janes.com, tên lửa chống hạm nói trên rất có thể đã được dàn dựng cùng đợt với hệ thống phi đạn phòng không HQ9 được phát hiện cũng tại đảo Phú Lâm hồi tháng 2/2016. Loại hỏa tiễn YJ-62 với phiên bản trên bộ đã được các lực lượng bảo vệ bờ biển Trung cộng sử dụng từ năm 2008.”


Mã Lai tố cáo 100 tàu, thuyền Trung cộng xâm phạm lãnh hải

Các tàu cá Trung cộng. Ảnh minh họa: SCMP


Giới chức Mã Lai cho hay, họ phát hiện khoảng 100 tàu, thuyền Trung cộng xâm phạm vùng lãnh hải Mã Lai Beting Patinggi Ali gần cụm bãi cạn Luconia trên Biển Đông ngày 24/3.

Hãng thông tấn Bernama dẫn lời Bộ trưởng An ninh Quốc gia Mã Lai Datuk Seri Shahidan Kassim cho hay, lực lượng thuộc Cơ quan Thực thi Hàng Hải Mã Lai và hải quân nước này đã được huy động tới khu vực gần cụm bãi cạn Luconia để giám sát tình hình.

Ông Shahidan khẳng định, Mã Lai sẽ có hành động pháp lý nếu họ phát hiện các tàu Trung cộng đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này trên Biển Đông.

Cụm bãi cạn Luconia hiện do Mã Lai cai quản nằm gần điểm cực nam của cái gọi là “đường 9 đoạn” do Trung cộng đơn phương vạch ra nhằm tuyên bố chủ quyền phi lý đối với hầu hết diện tích Biển Đông.

Mã Lai vốn được xem là quốc gia có “quan hệ đặc biệt” với Trung cộng và các bộ trưởng nước này thường tỏ ra thận trọng khi đề cập đến vai trò của Trung cộng trên vùng biển này. Tuy nhiên tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mã Lai Datuk Seri Hishammuddin Hussein khiến dư luận xôn xao khi tuyên bố: nếu các báo cáo của Bộ Quốc phòng về hoạt động xây dựng và triển khai thiết bị quân sự của Bắc Kinh tại quần đảo Trường Sa là đúng sự thật, “chúng ta sẽ buộc phải phản kháng lại Trung cộng”.
Theo Zing


Hạ Viện Nam Dương : Xây thêm căn cứ quân sự để chống Trung cộng

Quần đảo Natuna (hai khung vuông phía dưới)Ảnh : Wikipédia

Sau vụ tàu tuần duyên Trung cộng dùng sức mạnh đánh tháo cho một tàu cá Trung cộng bị Hải Quân Nam Dương bắt giữ tại vùng biển Natuna sát Biển Đông, Hạ Viện Nam Dương hôm 24/03/2016 đã kêu gọi chính quyền Jakarta xây dựng một căn cứ quân sự mới trên quần đảo Natuna. Căn cứ này sẽ là một bức tường thành chống lại sự bành trướng của Trung cộng ở Biển Đông.

Theo trang mạng của chuyên san Mỹ về hàng hải The Maritime Executive, ông Mahfud Siddiq, chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng và Ngoại Giao của Hạ Viện Nam Dương đã cho rằng : « Việc tăng cường một căn cứ quân sự trên đảo Natuna là một yếu tố quan trọng đối với hệ thống phòng thủ khu vực miền Trung Nam Dương, nơi có đường biên giới với nhiều quốc gia ở Biển Đông ».

Lời kêu gọi tăng cường sự hiện diện quân sự của Nam Dương tại vùng Natana được đưa ra vài hôm sau sự cố ngày 19/03, khi môt tàu tuần tra của Nam Dương đã cố bắt giữ một tàu đánh cá Trung cộng bị cho là đã hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Nam Dương ngoài khơi quần đảo Natuna, nhưng đã bị tàu hải giám Trung cộng đâm vào cản trở, và đánh tháo cho tàu cá này.

Dù không tranh chấp chủ quyền quần đảo Natuna với Nam Dương, nhưng Trung cộng đã mặc nhiên gặm nhắm một phần vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna với đường lưỡi bò mà Bắc Kinh dùng để khẳng định chủ quyền rộng khắp của Trung cộng trên Biển Đông.

Bắc Kinh đã viện dẫn một lập luận mới : tàu cá Trung cộng đã hoạt động hợp lệ tại « ngư trường truyền thống », một khái niệm không hề được Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển công nhận.

Ngay từ năm ngoái, tổng thống Nam Dương Joko Widodo đã ra lệnh tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng Natuna khi cho cho chiến đấu cơ và phi cơ tuần thám trên biển P3-C Orion trong khu vực. Lực lượng đồn trú tại chỗ cũng được tăng cường về mặt quân số cũng như vũ khí, với loại trực thăng tấn công Apache do Mỹ cung cấp được bố trí tại chỗ.

Liên quan đến tình hình Biển Đông, một bản tin khác của báo The Economic Times hôm Thứ Năm cho biết Chủ Tịch Trung cộng Tập Cận Bình sẽ họp riêng với người đồng nhiệm là Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama bên lề hội nghị Thượng Đỉnh An Ninh Nguyên Tử lần thứ 4 tại Hoa Thịnh Đốn trong tuần tới để thảo luận về nhiều vấn đề bao gồm sự xung đột giữa hai nước trên Biển Đông tranh chấp.

Cuộc họp này được xem là có ý nghĩa vì nó cung cấp cơ hội cho 2 nhà lãnh đạo thảo luận các căng thẳng song phương qua vấn đề Biển Đông, nơi mà Hoa Kỳ đang thách thức sự tuyên bố chủ quyền của Trung cộng bằng việc gửi tàu chiến hải quân và phi cơ chiến đấu tới khu vực Biển Đông.

Tổng Thống Obama đã mời Chủ Tịch Tập Cận Bình tham dự Thượng Đỉnh An Ninh Nguyên Tử lần thứ 4 được tổ chức tại Hoa Thịnh Đốn từ ngày 31 tháng 3 tới ngày 1 tháng 4 sắp tới đây.

Theo tin RFI (Trọng Nghĩa)