21.03.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 21.03.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung Cộng
(ngày 21.03.2016)
Mã Lai chuyển hướng cứng rắn với Trung cộng trên Biển Đông
Mã Lai vốn được xem là quốc gia có "quan hệ đặc biệt" với Trung cộng, do đó, việc Kuala Lumpur tỏ thái độ cứng rắn với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông đã gây nhiều ngạc nhiên.
Bãi cạn Luconia, nơi tàu Trung cộng đang neo đậu trái phép, tháng 6/2015. Ảnh: The Asian forum
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mã Lai Datuk Seri Hishammuddin Hussein khiến dư luận xôn xao khi tuyên bố: nếu các báo cáo của Bộ Quốc phòng về hoạt động xây dựng và triển khai thiết bị quân sự của Bắc Kinh tại quần đảo Trường Sa là đúng sự thật, “chúng ta sẽ buộc phải phản kháng lại Trung cộng”.

Ông Hishammuddin Hussein còn tiết lộ các nỗ lực của ông nhằm gặp gỡ với những người đồng cấp từ úc, Phi Luật Tân và Việt Nam để thảo luận về các hành vi quân sự hóa của Trung cộng trên Biển Đông.
Phát biểu của bộ trưởngQuốc phòng Mã Lai gây chấn động bởi trước đó, các bộ trưởng nước này thường tỏ ra thận trọng khi đề cập đến vai trò của Trung cộng trên vùng biển này.
Trên thực tế, sự thay đổi đã bắt đầu từ tháng6/2015, khi nghị sĩ kiêm Bộ trưởng An ninh Quốc gia Shahidan bin Kassim, người đứng đầu Cơ quan Thực thi pháp luật hàng hải Mã Lai (MMEA), lên tiếng cảnh báo về việc tàu hải cảnh Trung cộng xâm nhập cụm bãi cạn South Luconia. Ông cũng cho biết MMEA đã triển khai các tàu tới bãi cạn này để bảo vệ an ninh.
Tháng 11/2015, Phó thủ tướng Mã Lai Ahmad Zahid Hamidi cũng khẳng định Mã Lai “sẽ không im lặng khi một cường quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi”.
Những phản ứng của Mã Lai khiến cho nhiều chuyên gia khu vực nhận định rằng Kuala Lumpur đang thay đổi lập trường, trở nên ngày càng cứng rắn hơn đối với Trung cộng, thậm chí là “quyết đoán một cách bất thường”.
Trung cộng ngày càng hung hăng
Báo Malay Mail Online dẫn lời chuyên gia Scott Bentley từ Học viện Quốc phòng Úc và Tang Siew Mun của Viện nghiên cứu IEAS-Yusof Ishak của Mã Lai nhận định nguyên nhân đầu tiên chính là việc Trung cộng ngày càng hung hăng trên Biển Đông.
Thời gian qua, Bắc Kinh liên tục triển khai tàu cá và tàu bán quân sự hoạt động gần bờ biển Mã Lai, đặc biệt tại khu vực bãi cạn Nam Luconia (cách bờ biển Sarawak của Mã Lai 84 hải lý).
Tháng 8/2012, 2 tàu hải giám Trung cộng chạm trán với các tàu khảo sát của Mã Lai ở khu vực bãi cạn James và cụm bãi cạn South Luconia. Tình báo Mỹ bắt đầu mô tả tình hình ở cụm bãi cạn South Luconia là “một thách thức mới trong khu vực”.
Truyền thông Mã Lai cũng cáo buộc tàu bán quân sự Trung cộng dùng vũ lực để đuổi các tàu cá Mã Lai ra khỏi bãi cạn South Luconia, khiến cuộc sống của ngư dân địa phương trở nên vô cùng khó khăn.
Ông Jamali Basri, chủ tịch một hiệp hội ngư dân địa phương, lên án chính sách “ngoại giao tàu chiến” của Trung cộng đã dẫn tới kết quả là chỉ có các tàu cá Trung cộng mới có thể hoạt động ở khu vực bãi cạn South Luconia.
Cuối tháng 12/2015, người dân Mã Lai đã biểu tình trước cửa Lãnh sự quán Trung cộng ở Kuching để phản đối hành vi “hiếu chiến” của Bắc Kinh.
Nhà phân tích cao cấp Shahriman Lockman mô tả về một “hiện thực mới”, theo đó các động thái cải tạo của Trung cộng trên Biển Đông “chắc chắn sẽ đưa hoạt động của các lực lượng trên biển của Trung cộng tới gần Mã Lai hơn bao giờ hết”.
“Phản kháng” như thế nào?
Giới quan sát nhận định rõ ràng việc Mã Lai tỏ ra “hiền lành” với Trung cộng không đem lại kết quả tích cực nào về vấn đề Biển Đông. Thậm chí, sự nhượng bộ của Kuala Lumpur dường như càng tạo điều kiện cho Bắc Kinh được thể lấn tới. Sức ép của dư luận khiến chính quyền Mã Lai khó có thể bưng mắt bịt tai trước những hành vi gây hấn của Trung cộng.
Các nhà quan sát cho rằng sự “phản kháng” mà Bộ trưởng Hishammuddin Hussein nhắc đến cho thấy Kuala Lumpur quyết tâm gửi thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng Mã Lai sẽ quyết bảo vệ lợi ích hàng hải quốc gia.
Bằng chứng là mới đây, Bộ Quốc phòng Mã Lai đã tuyên bố thành lập một căn cứ hải quân mới ở Bintulu, Sarawak, và một đơn vị lính thủy đánh bộ. Mục tiêu là củng cố khả năng bảo vệ chủ quyền của Mã Lai ở Biển Đông.
Ngoài ra, có nhiều khả năng Mã Lai sẽ chú trọng nhiều hơn vào các thỏa thuận an ninh và quốc phòng bên ngoài ASEAN, bao gồm cả Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (FPDA) với các nước như Úc, đồng thời tăng cường quan hệ song phương với Mỹ.
Tuy nhiên, xét theo góc độ địa chiến lược, có thể thấy Mã Lai vẫn khó có thể thực thi một chiến lược đối đầu dài hạn đối với Trung cộng.
Chuyên gia Tang Siew Mun cho rằng Kuala Lumpur cũng không muốn làm điều đó. Bởi Trung cộng vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và quốc gia Đông Nam Á sẽ thiệt hại nặng nề nếu quan hệ thương mại song phương chao đảo.
Mặc dù vậy, các phản ứng mới đây cho thấy Mã Lai đã bắt đầu xem xét lại việc có nên đánh đổi lợi ích chính trị và chiến lược vì lợi ích kinh tế hay không. Tuyên bố “phản kháng” thể hiện rằng Kuala Lumpur đã bắt đầu coi trọng lợi ích chiến lược hơn.

Úc sẽ tiếp tục đưa tàu và máy bay đến Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne hôm 21/3 nói Canberra sẽ tiếp tục cử tàu và máy bay đến Biển Đông nơi có nhiều tranh chấp để bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển.
“Chúng tôi hết sức nhất quán khi nói các hoạt động của chúng tôi sẽ tiếp tục với việc đưa các tàu và máy bay của chúng tôi đến khu vực đó trên thế giới, phù hợp với pháp quyền. Chúng tôi chưa hề thay đổi quan điểm”, bà Payne phát biểu sau khi họp với người đồng nhiệm Malaysia Hishammuddin Hussein ở Kuala Lumpur.
Ông Hishammuddin nói ông dự định sẽ gặp các bộ trưởng quốc phòng của Việt Nam và Phi  để thảo luận về sự củng cố quân sự của Trung cộng ở Biển Đông. Ông cho hay: “Mã Lai không thể tự mình đối mặt với tính phức tạp của vấn đề Biển Đông. Chúng tôi nhìn vào tính nhất quán và các sự việc thực tế… nhưng trước khi chúng tôi xác định có chuyện gì không ổn, chúng tôi cần biết chính xác về các sự việc trên thực tế”.
Tuy nhiên, ông nói các cuộc gặp phải chờ cho đến khi Việt Nam bổ nhiệm bộ trưởng quốc phòng mới cũng như sau khi Phi Luật Tân tiến hành bầu cử tổng thống.
Gần đây, Mã lai đã có quan điểm cứng rắn hơn về vấn đề Biển Đông sau khi các tàu của Trung cộng xâm nhập ngày càng thường xuyên vào vùng đặc quyền kinh tế của Mã Lai. Các nhà quan sát cho rằng việc Mã Lai nhẫn nhịn với Trung cộng không đem lại các kết quả tốt đẹp ở Biển Đông. Họ chỉ ra rằng có những bằng chứng cho thấy sự kiên nhẫn của Mã Lai dường như chỉ khuyến khích Trung cộng lấn tới hơn nữa.
Theo Channel News Asia, todayonline.com (VOA)

 

Nam Dương có thể đưa vấn đề chủ quyền lãnh hải ra tòa án quốc tế

RFA 
Bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Bộ hàng hải và thủy sản Nam Dương tại Singapore vào ngày 16 tháng 11 năm 2015.  AFP photo


Một viên chức cao cấp của chính phủ Nam Dương nói rằng những nỗ lực xây dựng hòa bình ở Biển Đông mà quốc gia này đã thực hiện trong những năm qua đã bị can thiệp và phá hoại, có thể sẽ phải đưa vấn đề chủ quyền lãnh hải ra tòa án quốc tế để nhờ phân xử.
Điều này được bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Bộ hàng hải và thủy sản Nam Dương nói với báo chí hồi sáng nay, ngay sau cuộc gặp với đại diện của tòa Đại sứ Trung cộng tại Jakarta, để giải quyết vụ tầu hải cảnh Trung cộng ngăn cản, không cho tuần duyên Nam Dương bắt giữ một tầu đánh cá Trung cộng hành nghề trong hải phận của Nam Dương.
Sự việc xảy ra từ hôm thứ Bảy tuần trước, khi các binh sĩ tuần duyên Nam Dương đuổi bắt một tầu cá Trung cộng đang hành nghề ở quần đảo Natuna thuộc hải phận Nam Dương mà không có giấy phép.
Trích dẫn tin từ các giới chức chính phủ, truyền thông Nam Dương đưa tin nói rằng khi tầu tuần duyên nước họ bắt giữ 8 ngư phủ Trung cộng và chiếc tầu đánh cá thì một tầu hải cảnh mang cờ hiệu Trung cộng xuất hiện, cố ý can thiệp bằng cách lôi chiếc tầu cá từ hải phận Nam Dương trở lại hải phận quốc tế.
Vẫn theo truyền thông Nam Dương, các binh sĩ tuần duyên nước họ phải bỏ cuộc vì tầu Trung cộng mạnh hơn, chưa kể đến thái độ hung hăng.
Các bản tin cũng trích dẫn lời phụ tá tư lệnh Hải quân Nam Dương nói rằng sau vụ này, hải quân quyết định sẽ đưa tầu lớn hơn để giúp lực lượng tuần duyên bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh hải.
Vụ việc gây tranh cãi về mặt ngoại giao giữa Jakarta và Bắc Kinh.
Theo lời bà Bộ trưởng Bộ hàng hải và thủy sản Nam Dương, trong cuộc gặp với đại diện sứ quán Trung cộng, chính phủ Nam Dương đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối hành động của phía Trung cộng.
Trong cuộc họp báo, bà Bộ trưởng của Nam Dương còn nói rằng Jakarta luôn luôn tôn trọng Trung cộng, và trách nhiệm của Trung cộng là cũng tôn trọng chủ quyền của Nam Dương, cũng như phải hiểu rằng Nam Dương đang phải đối phó với nạn đánh cá bất hợp pháp.
Nam Dương không nằm trong danh sách những nước đang tranh chấp chủ quyền với Trung cộng ở Biển Đông, và xưa nay, chính phủ Jakarta luôn luôn đóng vai trò sứ giả hòa bình, giúp các bên tranh chấp cơ hội giải quyết vấn đề, tranh gây bất ổn cho khu vực.
Chính vì thế nên bà Bộ trưởng mới nói rằng bà có cảm tưởng thiện chí của Nam Dương đã không được đáp ứng, bảo thêm là có thể sẽ phải đưa vấn đề chủ quyền lãnh hải ra tòa án quốc tế để nhờ phân xử.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh cho hay Bắc Kinh công nhận quần đảo Natuna thuộc hải phận của Nam Dương, nhưng nói thêm rằng tầu cá Trung cộng hoạt động ở ngư trường truyền thống của Hoa Lục, tức không hề có chuyện đánh bắt hải sản bất hợp pháp trong hải phận của Nam Dương.
Phía Trung cộng cũng yêu cầu Jakarta trả tự do cho 8 ngư dân đang bị Nam Dương cầm giữ, cho hay sẵn sàng thảo luận với Jakarta để giải quyết những vấn đề có thể gây ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương.
Về số phận của 8 ngư phủ Trung cộng đang bị bắt giữ, tin mới nhất cho hay chính phủ Nam Dương sẽ truy tố những người này ra tòa về tội xâm nhập và đánh cá trong hải phận Nam Dương bất hợp pháp.

Thỏa thuận mới Hoa Kỳ-Phi Luật Tân giúp Manila giữ biển


Tú Anh (RFI)
Ảnh vệ tinh ngày 12/03/2016 cho thấy tàu bè Trung cộng hoạt động tấp nập tại bãi cạn Scarborough.REUTERS/Planet Labs
Hai ngày sau khi đạt thỏa thuận song phương cho phép quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ hải lục không quân để luân chuyển quân, chính phủ Phi Luật Tân hôm nay 20/03/2016 tuyên bố hài lòng. Sự hiện diện của Hoa Kỳ sẽ giúp cho Phi Luật Tân cải tiến khả năng phòng thủ và bảo vệ biển đảo bị Trung cộng xâm lấn.
Trong ngày Chủ nhật 20/03/2016, từ Bộ Quốc phòng cho đến Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân đều ra thông cáo hoan nghênh thỏa thuận Mỹ-Phi vừa đạt được hôm 18/03, trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược thường niên. Theo hiệp định hợp tác mới này, Phi Luật Tân mở 5 căn cứ quân sự đón tiếp máy bay, tàu chiến và Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trong đó có một căn cứ nhìn ra Biển Đông, nơi Trung cộng tranh chấp bằng sức mạnh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân, Charles Jose nhận định: "Năm căn cứ được lựa chọn tái xác định hai nước đồng minh Mỹ-Phi cùng chia sẻ trách nhiệm phòng thủ và bảo vệ an ninh chung một cách mạnh mẽ hơn". 

Trong một bản thông cáo riêng, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Peter Galvez nhấn mạnh điều mà ông gọi là sự hiện diện của Mỹ sẽ giúp quân đội Phi Luật Tân « phát huy khả năng bảo vệ an ninh trên biển và cứu trợ nạn nhân thiên tai ».
Thỏa thuận cho Hoa Kỳ sử dụng năm căn cứ quân sự nằm trong khuôn khổ Hiệp Định Hợp Tác Quốc Phòng Tăng Cường đạt được từ năm 2014, có hiệu lực kể từ tháng 01/2016.
Căn cứ không quân Antonio Bautista ở đảo Palawan trang bị radar nhìn ra biển Đông chỉ cách đảo đá ngầm Mischief (Vành Khăn) có 300 km trong khi căn cứ thứ nhì là Basa ở phía bắc Manila nằm cách Scaborough 330 cây số, bị Trung cộng chiếm đoạt năm 2012.
Các căn cứ còn lại là những trung tâm huấn luyện có phi đạo riêng. Theo nguồn tin ngoại giao từ Washington, nhân viên và trang thiết bị sẽ đến Phi Luật Tân « trong nay mai ».