20.03.2016

Công đoàn của CSVN không thể 'sống ký sinh' vì TPP

Công đoàn của CSVN không thể 'sống ký sinh' vì TPP
Với Hiệp Định Hợp Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hệ thống công đoàn của nhà cầm quyền CSVN khó có thể sống ký sinh trên ngân sách và trên lưng doanh nghiệp, công nhân nữa.
Ngoài việc đóng thuế nuôi nhà nước, công nhân Việt Nam phải nộp phí nuôi hệ thống công đoàn nhà nước. (Hình: TBKTSG)

Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam là tổ chức chính trị duy nhất cho người lao động tại Việt Nam. Tổ chức này do Đảng CSVN thành lập và điều hành, tự động gom toàn bộ người lao động thuộc các ngành, các giới tại Việt Nam về một mối và phân cấp theo một hệ thống trải dài từ trung ương (Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam) đến địa phương (Liên Đoàn Lao Động các tỉnh, thành phố, công đoàn cơ sở tại tất cả các nơi có người lao động).


Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam hoạt động bằng ngân sách (lấy từ thuế do dân chúng đóng góp) và bằng phí công đoàn (cưỡng bức doanh giới và người lao động nộp). Trước đây, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam không sợ cạnh tranh nhưng tình hình đã khác.

Tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn vừa vạch ra viễn cảnh tăm tối của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam khi TPP có hiệu lực.

Trong một bài viết có tựa là “Sau TPP, công đoàn sẽ đi về đâu?”, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn nhấn mạnh, TPP đòi buộc Việt Nam phải chấp nhận sự bình đẳng giữa các tổ chức đại diện cho người lao động, bất kể tổ chức đó có thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam hay không?

Tờ báo nhận định, đó sẽ là “thách thức không nhỏ” đối với Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam vì trước nay nhiều người lao động vẫn cho rằng, tổ chức này không bảo vệ quyền lợi của họ. Tác giả bài viết dẫn ý kiến một số công nhân, nêu lại một số vấn nạn mà nhiều người lao động đã bất bình từ lâu. Đó là chủ tịch công đoàn cơ sở thường là những người có chức vụ trong các cơ sở nên thay vì tranh đấu cho quyền lợi của người lao động thì công đoàn cơ sở luôn đứng về phía giới chủ. Hoạt động của các công đoàn cơ sở chỉ xoay quanh chuyện hiếu, hỉ.

Có một điểm đáng lưu ý khác là dù được hệ thống công đoàn nhà nước hỗ trợ, có thể “khiển” được hệ thống này nhưng giới chủ doanh nghiệp cũng không hài lòng về hệ thống này.

Ông Nguyễn Xuân Dương, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của tổng công ty may Hưng Yên kiêm chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp tỉnh Hưng Yên, kể với tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn rằng, công ty của ông ta có hơn 10,000 công nhân. Theo quy định hiện hành, mỗi tháng, công ty phải trích 2% quỹ lương nộp cho hệ thống công đoàn nhà nước, khoản tiền này khoảng 700 triệu đồng/tháng. Nếu tính cả khoản 1% lương của cái gọi là “công đoàn phí” mà mỗi công nhân phải nộp hàng tháng thì số tiền mà cả công ty lẫn công nhân đóng góp cho hệ thống công đoàn nhà nước lên tới gần... một tỷ đồng.

Ông Dương nhận định, đó là điều bất hợp lý. Các khoản đóng góp cho hệ thống công đoàn nhà nước vừa là gánh nặng cho doanh giới, vừa là gánh nặng cho công nhân vốn chẳng dư dả gì. Chưa kể cả doanh giới lẫn công nhân đều không biết những khoản mà họ bị buộc phải đóng góp theo qui định hiện hành được hệ thống công đoàn nhà nước dùng vào việc gì.
Chẳng riêng ông Dương hay Hiệp Hội Doanh Nghiệp tỉnh Hưng Yên mà các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp các ngành dệt may, da giày, thủy sản, (vốn sử dụng nhiều công nhân nên các khoản phải đóng góp cho hệ thống công đoàn nhà nước rất lớn) cũng đã liên tục phản ứng chuyện bị buộc phải gánh trách nhiệm không liên quan đến họ (nuôi hệ thống công đoàn nhà nước) song không thành công.

Trên toàn thế giới, chỉ còn Trung cộng và Việt Nam buộc doanh giới phải đóng góp nuôi hệ thống công đoàn.

Cũng vì vậy, nhiều người nhận định hệ thống công đoàn nhà nước tại Việt Nam đang “lung lay” do TPP đòi buộc Việt Nam phải chấp nhận để người lao động tự liên kết, thành lập tổ chức bảo vệ quyền lợi của họ và những tổ chức này có thể tự liên kết với nhau mà không cần phải nhìn ngó đến Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.

Theo một thỏa thuận đã được lập thành văn bản giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, từ nay tới khi TPP có hiệu lực, Việt Nam phải cải cách thể chế, sửa đổi luật lệ để minh định về “quyền tự do liên kết.” Ngay vào lúc TPP có hiệu lực, người lao động có thể liên kết để thành lập tổ chức bảo vệ quyền lợi cho họ ngay lập tức. Trong vòng năm năm kể từ ngày TPP có hiệu lực, Việt Nam phải thực thi đầy đủ các cam kết về “quyền tự do liên kết,” bao gồm liên kết theo vùng và theo ngành.

Mặt khác, các tổ chức công đoàn độc lập có thể tự tổ chức những hoạt động cần thiết để bảo vệ cho quyền lợi của người lao động như thương lượng với giới chủ về lương và phúc lợi, tổ chức đình công...

Hoa Kỳ khẳng định sẽ giám sát việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về quyền tự do liên kết. Nếu sau bảy năm kể từ ngày TPP có hiệu lực, Việt Nam vẫn chưa thực hiện được những cam kết về quyền tự do liên kết thì Hoa Kỳ có thể đơn phương dừng thực hiện các cam kết về thuế quan (giảm thuế đối với những hàng hóa Việt Nam xuất cảng sang Hoa Kỳ). (G.Đ)


Báo Người Việt