14.02.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 14.02.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng
(ngày 14.02.2016) 
Biển Đông : Manila đàm phán với Bắc Kinh nếu thắng kiện ở La Haye

Trọng Thành  (RFI)
Ngoại trưởng Phi Luật Tân Albert del Rosario (phải) và ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị tại Manila ngày 10/11/2015.AFP PHOTO / TED ALJIBE
Ít ngày trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại California-Hoa Kỳ, mà trọng tâm là hồ sơ Biển Đông, ngoại trưởng Phi Luật Tân có một phát biểu quan trọng. Ông Albert del Rosario khẳng định Manila cần xem xét khả năng đàm phán song phương với Bắc Kinh, nếu Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết có lợi cho Phi Luật Tân trong vụ kiện các yêu sách chủ quyền của Trung cộng trên gần như toàn bộ Biển Đông.

Hãng tin Reuters dẫn lại cuộc phỏng vấn của đài truyền hình ABS-CBN, hôm qua, 12/02/2016, theo đó ngoại trưởng mãn nhiệm Phi Luật Tân del Rosario khẳng định : « Một tiếp cận song phương là tốt », và « khi Tòa ra phán quyết và nếu phán quyết này nghiêng về phía chúng ta, tôi cho rằng chúng ta cần khởi sự một đối thoại song phương, bởi vì chúng ta có sẵn một cơ sở, dựa trên đó, chúng ta sẽ có thể tiến hành thương thuyết một cách vững chắc. Nếu phán quyết không có lợi cho chúng ta, thì chính họ sẽ tìm đến chúng ta ».
Vụ Phi Luật Tân kiện Trung cộng lên Tòa Trọng Tài Thường Trực được khởi sự từ năm 2013. Trung cộng không thừa nhận thẩm quyền của tòa án này, và cho rằng mọi tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông phải được giải quyết theo con đường đàm phán song phương. Theo ngoại trưởng del Rosario, tòa có thể ra phán quyết vào tháng Năm tới.
Ngoại trưởng Albert del Rosario rất tin tưởng vào chiến thắng của Phi Luật Tân trong vụ kiện này. Ông del Rosario được coi là người kiến tạo chính sách kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên biển của Manila dựa trên luật pháp quốc tế. Yêu sách đường 9 đoạn (còn gọi là «đường lưỡi bò ») của Trung cộng tại Biển Đông (cũng được gọi là Biển Tây Phi Luật Tân) bị nhiều quốc gia láng giềng, như Việt Nam, coi là một đòi hỏi hết sức phi lý, nhưng Phi là quốc gia đầu tiên kiện Trung cộng ra tòa án quốc tế.
Vẫn trong cuộc trả lời phỏng vấn nói trên, ngoại trưởng Phi khẳng định : « Lập trường của Trung cộng về Biển Đông là hoàn toàn phi pháp. Chúng tôi (người Phi Luật Tân) bị ngăn cản thực hành các quyền của chúng tôi trên chính lãnh thổ nước mình ». Vị lãnh đạo ngoại giao Phi nhấn mạnh, nếu Trung cộng muốn trở thành « một thế lực toàn cầu », « họ phải tôn trọng các quốc gia khác », và « tuân thủ luật pháp quốc tế ».
Ngoại trưởng Phi Luật Tân, 76 tuổi, sẽ chính thức từ nhiệm vào ngày 07/03 tới, vì lý do sức khỏe. Ông Albert del Rosario hy vọng tân tổng thống (được bầu lên với cuộc bỏ phiếu tháng 5 tới) sẽ tiếp tục chính sách về Biển Đông, mà ông là người đặt nền móng.

Trung cộng đang xây dựng căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa thuộc Hoàng Sa
Hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động của Trung cộng trên đảo Quang Hòa, bề mặt đã được mở rộng đáng kể

Tạp chí Diplomat hôm 13.02 có bài viết về vấn đề này. Đây là lần đầu tiên hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động đó.
Bài viết cho hay Trung cộng đang cải tạo và xây căn cứ trực thăng ở quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Vị trí nạo vét, bồi đắp và xây dựng mới trên hai đảo thuộc nhóm An Vĩnh của quần đảo Hoàng Sa, cách căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất của Hoàng Sa chừng 15km về phía bắc-tây bắc.

Ảnh vệ tinh cũng cho thấy Trung Quốc đang xây một căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa (Trung Quốc gọi là Sâm Hàng đảo) thuộc nhóm Lưỡi Liềm.

Bài của tác giả Victor Robert Lee đi kèm nhiều hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hoạt động cải tạo cơi nới đảo cũng được Trung cộng thực hiện ở Hoàng Sa chứ không chỉ tại Trường Sa.

Các hoạt động nạo vét bồi đắp mới nhất đã được thực hiện từ đầu tháng 12/2015 trên một bãi san hô gần đảo Bắc mà Trung cộng chiếm từ năm 1950; và trên đảo Cây, một trong các đảo chính của Hoàng Sa từ tháng 10/2015.

Đảo Bắc và đảo Cây đều khá rộng và nông, mở ra tới 8km, thuận tiện cho việc cơi nới khai thác.

Đặc biệt trên đảo Quang Hòa, Trung cộng đã hút cát bồi đắp, mở rộng tới 50% diện tích bề mặt, phát triển một cảng biển và căn cứ trực thăng với tám bến đỗ đã được xây dựng và bốn bến đỗ khác sắp hoàn tất.

The Diplomat nhận xét rằng dự án này chỉ dấu rằng Bắc Kinh "có thể phát triển một hệ thống căn cứ ở Biển Đông để hỗ trợ trực thăng săn ngầm như loại Z-18F" mà nước này tự sản xuất.

Bài báo nhận xét với căn cứ trực thăng này, khả năng săn lùng tàu ngầm của Trung cộng ở Biển Đông sẽ tăng lên đáng kể.

"Hệ thống căn cứ trực thăng và điểm tiếp nhiên liệu rải khắp Biển Đông sẽ khiến cho bất cứ vị trí nào cũng có thể tiếp cận được bằng trực thăng như loại Z-18F trong thời gian hai tiếng đồng hồ."

Các căn cứ trực thăng không chỉ nâng cao khả năng trinh sát và phản ứng của quân đội Trung Quốc mà còn có thể thay đổi chiến lược tác chiến trên biển và trên không của cả khu vực.

Khác với Trường Sa là nơi nhiều quốc gia tham gia tranh chấp, quần đảo Hoàng Sa chỉ có ba nước tuyên bố chủ quyền là Trung cộng, Đài Loan  và Việt Nam, tuy nằm hoàn toàn dưới kiểm soát của Trung cộng.

Trung cộng hoàn tất việc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 19 tháng giêng năm 1974 trong trận hải chiến khiến hơn 70 chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng hòa tử trận.