19.02.2016

Phản ứng thế giới về việc Trung cộng đưa giàn hỏa tiễn ra Hoàng Sa

Phản ứng thế giới về việc Trung cộng đưa giàn hỏa tiễn ra Hoàng Sa
Đảo Phú Lâm Ảnh: KYODO 
Ấn Độ hôm 18-2 cảnh báo Trung cộng không được có bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông.
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi Hoa Kỳ xác nhận Trung cộng triển khai tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Bắc Kinh chiếm giữ trái phép).

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định điều quan trọng là bảo đảm thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) năm 2002. Quan chức này nói thêm rằng việc sớm kết thúc đàm phán về vấn đề soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) sẽ góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
(Theo Time of India) 
  

Tàu chiến của Hải quân Nhật.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đang kêu gọi Mỹ tăng cường tuần tra biển Đông sau khi xuất hiện diễn biến dàn hỏa tiễn nói trên.
Keiichi Katakami, Đại sứ Nhật Bản tại châu Âu, cho biết là Nhật Bản và phần còn lại của thế giới đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do những người muốn sử dụng vũ lực để răn đe vào doạ dẫm những nước khác. Ông nhấn mạnh là Nhật Bản muốn gia tăng vai trò của mình trong cuộc chiến chống lại những thách thức đang xuất hiện, Tokyo muốn nắm vai trò lớn hơn trên quy mô toàn cầu.

Hồi tháng 10 và tháng 11 năm ngoái, quân đội Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận chung trên biển Đông với sự tham gia của các loại phi cơ, chiến hạm hạng nặng của Hải quân Mỹ và tàu hộ tống của Nhật Bản. Được biết là khoảng 80% lượng dầu nhập cảng của Nhật Bản hiện được vận chuyển qua biển Đông và Tokyo coi tuyến hàng hải quan trọng này là hàng lang chiến lược đối với nền kinh tế Nhật Bản.                          (Theo Nikkei)

Thủ tướng Úc và Tân Tây Lan đã lên tiếng thúc giục Trung cộng kiềm chế tránh gây căng thẳng ở Biển Đông sau khi Bắc Kinh xây dựng dàn hỏa tiễn phòng không ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. 

Hai Thủ tướng Úc và New Zealand kêu gọi Trung cộng kiềm chế – Ảnh: AFP
Căng thẳng trở lại ở Biển Đông sau khi giới chức Mỹ và Đài Loan cho hay Bắc Kinh dựng hệ thống hỏa tiễn địa không ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung cộng chiếm đóng.
Chúng tôi thúc giục các bên kiềm chế không tiến hành bất kỳ công trình xây dựng nào, thực hiện bất kỳ hành động quân sự hóa nào và cải tạo đất ở Biển Đông”, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull phát biểu hôm nay 19.2 sau khi có cuộc hội đàm với người đồng cấp Tân Tây Lan John Key ở Sydney, theo Reuters.
Điều quan trọng chúng ta cần bảo đảm bây giờ là một sự xuống thang căng thẳng”, Thủ tướng Turnbull nói tiếp.
Trong khi đó, Thủ tướng Tân Tây Lan cho biết cả Úc và tân Tây Lan sẽ sử dụng mối quan hệ gần gũi của mình với Trung cộng và các nước châu Á khác để giúp giải quyết vấn đề hòa bình và hợp pháp, theo AAP. Tân Tây Lan là nước đầu tiên công nhận Trung cộng là có nền kinh tế thị trường,
Phát biểu của Thủ tướng Úc và người đồng cấp Tân Tây Lan được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Úc Julie Bishop có chuyến công du đến Bắc Kinh và đề cập vấn đề dàn hỏa tiễn khi gặp giới chức của Trung cộng.
Canberra ủng hộ Mỹ tuần tra ở Biển Đông và đã tiến hành tuần tra bằng máy bay quân sự ở khu vực này hồi năm 2015 để khẳng định sự ủng hộ của mình, thực thi quyền tự do hàng hải quốc tế.

Tờ Financial Times ngày 18/2 đưa tin, hôm nay Hoa Kỳ đã lên tiếng quở trách ông Tập Cận Bình “nuốt lời”, phá vỡ cam kết không quân sự hóa Biển Đông sau khi các hình ảnh chụp đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) từ vệ tinh cho thấy, nước này đã kéo 8 bệ phóng hỏa tiễn địa không HQ-9 lên đảo.
Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 14/2 cho thấy các bệ phóng tên lửa, trong khi ngày 3/2 chưa có (Ảnh: Fox News) 
Ngoại trưởng John Kerry cho biết, chính phủ Mỹ sẽ nói chuyện nghiêm túc với Trung cộng về sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng trên Biển Đông.
Sau khi nhắc lại cam kết của ông Tập Cận Bình rằng, Trung cộng không quân sự hóa Biển Đông khi ông thăm Mỹ tháng 9 năm ngoái, Ngoại trưởng John Kerry cho hay: “Chắc chắn chúng tôi sẽ có nhiều điều để nói về việc này trong những ngày tới.”
Riêng về phía Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngày 19/2 đã lên tiếng: “Việt Nam hết sức lo ngại về các hành động nói trên của Trung cộng. Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung cộng chấm dứt ngay các hành động sai trái đó.
Ông Lê Hải Bình cho biết thêm, cũng trong ngày 19/2, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm đến tòa đại sứ Trung cộng tại Hà Nội phản đối các hoạt động của Trung cộng vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.
Cùng ngày, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cũng đã có công hàm gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Đại sứ Trung cộng nói trên.

Các tờ báo Pháp La Croix và Les Echos đánh giá việc Trung Quốc dựng hệ thống hỏa tiễn phòng không hiện đại trên quần đảo Hoàng Sa là « một bước tiến tới âm mưu quân sự hóa khu vực Biển Đông ».

Nhật báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh hành động trên là « một sự leo thang », trái ngược với lời tuyên bố của ngoại trưởng Trung cộng là « hoàn toàn mang tính phòng vệ » nhằm bảo vệ nhân viên sống trên đảo Phú Lâm (Woody), thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Jean-Vincent Brisset, giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IRIS –Pháp nhận định rằng, sau khi tiến hành nhiều công trình bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng đường băng, các cảng nước sâu, hải đăng và nhiều công trình khác, « Trung cộng không còn trong quá trình chiếm đóng, mà thực sự đã làm xong việc này ».  Việc xây dựng hai hệ thống gồm 8 hỏa tiễn địa không chỉ là bước tiếp theo. Song khó mà tin được rằng chúng chỉ nhằm mục đích bảo vệ các vùng lãnh hải trong phạm vi 12 hải lý (22 km). Vì với tầm bắn tới 200 km, các tên lửa Hồng Kỳ HQ-9 do Trung Quốc sản xuất có thể trở thành vũ khí tấn công. Ngoài ra, hệ thống radar của các tên lửa này còn có khả năng phát hiện mục tiêu, như máy bay chẳng hạn.

Nhà nghiên cứu Neil Ashdown, chuyên gia về châu Á tại Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng IHS Jane’s Defense, đánh giá : « Lần đầu tiên một hệ thống có quy mô như vậy được triển khai tại Biển Đông. Đây rõ ràng là hành động quân sự hóa khu vực ».

Về phần Trung cộng, liên quan đến hệ thống hỏa tiễn ở đảo Phú Lâm, nhà nước Trung cộng cho đến nay chỉ đưa ra rất ít thông tin cụ thể về vấn đề này ngoài việc chỉ trích rất gay gắt phương Tây “dựng chuyện”. Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung cộng còn dọa Bắc Kinh sẽ triển khai thêm tên lửa nếu Hoa Kỳ “tiếp tục đe dọa” ở Biển Đông, ám chỉ những cuộc tuần tra trên Biển Đông của tàu chiến Mỹ trong năm 2015 và đầu năm 2016.