08.02.2016

Cái nắm tay đúng lúc…

Cái nắm tay đúng lúc…
Phan

Chiều thứ bảy đi làm ra, ngoài parking gió lạnh và thưa người vì làm thứ bảy nên không phải toàn hãng cùng làm việc mà chỉ một, hai phân xưởng làm overtime, con nhỏ Mễ Maria và thằng thằng nhóc Mỹ đen Johnathan hai đứa nó đan bốn bàn tay vào nhau, cứ đứng lặng thinh nhìn nhau trong gió lạnh. Tôi đi ngang qua hai đứa để đến xe tôi, thoáng thấy nước mắt con Maria đã chảy xuống tới bờ môi, nhưng nó chẳng buồn quệt đi, hai bàn tay của nó còn đan trong hai bàn tay của thằng Johnathan với nỗi chia buồn sâu xa đến vai nó run lên…


Tôi bỏ xâu chìa khóa vào túi áo lạnh, hai tay tôi chen vào bốn bàn tay thành sáu bàn tay chia chung nỗi bất hạnh của thằng Johnathan. Tôi với con Maria và nó là ba con người đến từ ba xứ sở khác nhau nhưng không cần nói thêm lời gì nữa, chỉ nắm tay nhau đã đủ vơi đi được phần nào cho Johnathan trước tin mẹ mất mà không có tiền về nhà để chịu tang.

Chuyện từ sáng sớm vô làm đã thấy mắt Johnathan đỏ hoe, người bạn thân nhất của nó là con Maria không cười nói luyên thuyên, chia cho nó nửa cái bánh ăn sáng, hay rượt đuổi Johnathan để đánh vào lưng nó thùm thụp vì bị nó chọc phá gì đó. Hai người bạn trẻ nhất nơi phân xưởng tôi làm, nhiều khi họ giỡn với nhau như hai người bạn còn trong trung học, nhưng sáng nay mắt thằng Johnathan đỏ hoe không lâu thì đến con Maria cũng giọt vắn giọt dài, những người ít nói chuyện với hai đứa thì cứ nghĩ là chúng nó bồ bịch với nhau – chắc có chuyện buồn! Nhưng tôi biết rõ hai đứa chỉ coi nhau như bạn bè và chúng chơi thân với nhau chỉ vì trong phân xưởng toàn người có gia đình và người lớn tuổi, hai người bạn trẻ không chơi thân với nhau thì chơi với ai!

Không lâu sau, bà Kim Chi (người Đại Hàn) đến nói với tôi mà trên tay bà đã sẵn giấy viết, một ít tiền mặt được xếp ngay ngắn. Tôi biết chuyện gì xảy ra rồi! Bà quyên góp từ mọi người trong phân xưởng để chia buồn với Johnathan – mẹ nó vừa mất. Thường thì mỗi lần như thế diễn ra trong phân xưởng, tôi đóng góp mười đồng, nếu là một người đồng nghiệp mà lại đồng hương nữa thì tôi sẽ đi gặp người đó để nói lời chia buồn và hỏi thăm nhà quàn để đi viếng tang…

Nhưng sáng nay khác, sau bà Kim Chi đi làm công việc mà bà thường làm khi một đồng nghiệp trong phân xưởng có người thân vừa qua đời hay đau bệnh nặng hoặc tai nạn gì đó, thì đến lượt con Maria đi thu hụi chết một lần nữa! Dĩ nhiên là nó không hỏi hết mọi người mà chỉ một ít người – theo phán đoán của nó là có thể giúp thêm cho Johnathan có đủ tiền mua cái vé máy bay bay về New York để kịp dự tang mẹ của anh ta.

Tôi rất cảm kích việc làm của Maria, nó thể hiện tình bạn chân thành lúc khó khăn bằng những giọt nước mắt của nó cứ ứa ra khi nó nói về cái chết cô đơn sau nhiều năm bạo bệnh của mẹ Johnathan bên New York như cái chết của chính mẹ nó vậy!

Nhưng sau khi Maria quyên góp lần hai, nó nói riêng với tôi, “Bây giờ tôi cần ba trăm đô la nữa thì Johnathan đủ tiền mua vé máy bay về New York ngay tối hôm nay. Tôi đã gọi ba mẹ tôi để nhờ giúp đỡ cho Johnathan, nhưng ba mẹ tôi trả lời, họ chỉ có thể giúp cho Johnathan một trăm đô la và giúp chở nó ra phi trường tối nay – mấy giờ cũng được.”

Tôi nói với Maria, “Để tôi nói với mấy người quen giúp cho Johnathan hai trăm đô la, cho nó được về nhà, gặp mẹ nó lần cuối.”

Nước mắt con Maria giàn giụa như người vừa qua đời là chính mẹ nó vậy! Nó cảm ơn tôi hết lời. Nhưng cô bé thật đáng nể, “…Ông à! Tôi đã thấy ông đóng mười đồng trong danh sách của bà Kim Chi. Đến lượt tôi đi xin thêm, ông biết rõ hơn về hoàn cảnh của Johnathan nên ông đã vét sạch tiền mặt trong bóp của ông để cho nó rồi! Tôi không muốn làm phiền ông phải cho thêm nữa, chỉ là tôi đã cầu cứu ba mẹ tôi, nhưng ba mẹ tôi không có! Tôi đến nói với ông, không phải là xin thêm ông, tôi chỉ mong ông có thể cho tôi mượn hai trăm đô la được không? Tôi xin hứa với ông là tôi sẽ trả hai trăm và cả tiền lời cho ông vào kỳ lương tới của tôi. Tôi muốn chính tôi giúp Johnathan – hai trăm còn thiếu.

Tôi đành phải đi gặp anh bạn Việt nam là tay chơi cá độ football chuyên nghiệp nên lúc nào cũng có tiền mặt trong túi. Hỏi mượn anh ta hai trăm không khó, chỉ khó là nói dối cách nào đó chứ anh ta biết tôi mượn cho ai thì anh ấy sẽ từ chối ngay! Mỗi người mỗi tính tình, biết làm sao đươc…

Và giờ đây ngoài parking, hai đứa nó đứng đợi cha của con Maria đến để đưa thằng Johnathan ra phi trường. Bốn bàn tay đan chặt vào nhau để chia chung đau buồn của một người bạn – cô gái Mễ thật đáng nhớ trong đời sống hôm nay. Hai bàn tay đã già của tôi được thu về túi áo lạnh của mình, nói lời chia buồn thật nhất trong lòng tôi với Johnathan, tôi lững thững đi về phía xe tôi. Nhớ cú điện thoại giữa trưa từ Sài gòn, tuy đã nhiều năm, lần đó anh tôi gọi qua Mỹ cho tôi hay: Mẹ tôi vừa qua đời! Tôi thèm một bàn tay người thân, bạn bè… đỡ giúp tôi tấm thân không còn sinh lực, đổ gục xuống cái ghế bành cũ ngoài patio nhà tôi, ngay sau cú điện thoại trời giáng đó!

Hầu như ai cũng công nhận cuộc sống ở hải ngoại, cụ thể là nước Mỹ, có tự do, dân chủ, nhưng vì đời sống cao nên con người chạy theo cũng hụt hơi. Với người có thu nhập cao thì áp lực công việc cũng cao; người lao động bình dân thì hầu như tay làm hàm nhai, hễ ngưng làm việc một tuần là tháng đó khó khăn ngay với chi phí hàng tháng. Nhưng ngoài những khó khăn chung của đời sống đè nặng lên vai mọi người, chúng ta vẫn có những lúc được vui với tình người đa sắc tộc nơi này; vẫn thấy mọi dân tộc đều muốn thể hiện lòng tốt của mình với người khác, không nhất thiết phải cùng màu da, tiếng nói, người ta cho nhau cái nắm tay lúc cần thiết còn qúy hơn đồng tiền. Có thể từ tâm lý một người đã từng hụt hẫng khi hay tin mẹ mất, thèm một bàn tay người thân, bạn bè, nâng đỡ tinh thần suy sụp đến tận cùng nên tôi rất thông cảm cho Johnathan, dù sao cũng chỉ là một đứa trẻ mới ngoài hai mươi, nhưng đã sống tự thân trôi nổi qua nhiều tiểu bang vì hoàn cảnh gia đình. Cái nắm tay trọn vẹn của Maria mới thật sự là chia sẻ nỗi đau buồn cho nó nhiều hơn số tiền quyên góp được cho nó vì số tiền chỉ giúp được nó nhìn thấy mẹ mình một lần sau cùng, trong khi nỗi đau mất mẹ sẽ còn lâu dài về sau; và mỗi lần nhớ tới nỗi đau ấy, Johnathan đều không thể nào quên sự chia sẻ tinh thần của Maria. Đó là những khởi điểm cho một Johnathan sống tha nhân hơn tới hết đời…

Tôi nhớ một câu chuyện diễn ra ngay trên đất nước này, chuyện cũng chỉ là một cái nắm tay lúc cần thiết của người bản xứ, nhưng làm cho người di dân tôi vơi đi những muộn phiền về áp lực cuộc sống, hoàn cảnh xa quê đã coi như vĩnh viễn… Một người lính trẻ tuy biết không phải cha mình nhưng anh vẫn ngồi bên giường bệnh suốt đêm, bàn tay nắm lấy tay ông già để ông có thể yên tâm rằng trong phút cuối đời, người con trai đã trở về với ông.

Con trai của ông đến rồi”, cô y tá nói nhỏ với người đàn ông già, cô ta phải lặp đi lặp lại nhiều lần câu nói đó thì ông cụ mới từ từ mở được đôi mắt ra. Ông cụ đang trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê vì ảnh hưởng của thuốc an thần sau cơn suy tim xảy ra từ hôm qua. Trước mặt ông cụ bây giờ chập chờn bóng dáng của một người đàn ông trẻ trong y phục thủy thủ, đứng bên cạnh giường, ông cụ xoải dài cánh tay và người lính thủy trẻ lồng bàn tay mình vào bóp nhẹ bàn tay èo uột của ông cụ. Cô y tá đem chiếc ghế đến, người lính thủy mệt mỏi ngồi xuống bên cạnh giường.

Suốt đêm dài, chàng thủy thủ trẻ ngồi trong căn phòng cô tịch đó, tiếp tục nắm bàn tay của ông cụ và thì thào những lời khuyến khích, ông cụ nằm yên bất động nhưng vẫn yếu ớt cố bám lấy bàn tay của người lính thủy.

Mặc kệ những tiếng động nhỏ của bình oxygen, tiếng rên rỉ của những bệnh nhân nằm chung phòng, và những lao xao của đoàn y tá làm ca đêm, người lính thủy ngồi trực bên cạnh ông bệnh nhân già.

Thỉnh thoảng khi cô y tá đến thăm chừng bệnh nhân thì cô ta lại nghe anh lính thầm thì những lời an ủi, vỗ về ông cụ. Trong đêm dài đăng đẳng, cô y tá nhiều lần trở lại và khuyên chàng thủy thủ nên về nhà nghỉ ngơi đôi chút cho đỡ mệt, nhưng lần nào anh ta cũng từ chối.

Ông cụ chết vào rạng bình minh. Chàng lính thủy nhẹ nhàng đặt bàn tay không còn sinh khí của ông lên giường và đến báo tin cho cô y tá, trong khi cô y tá làm thủ tục để đưa xác ông cụ đi nơi khác thì chàng lính thủy vẫn kiên nhẫn đợi chờ, khi cô y tá trở lại và ngỏ lời chia buồn, chàng lính thủy ngắt lời cô ta và hỏi, “Ông ấy là ai?”

Cô y tá giật mình, sững sờ nói, “Ông ta là cha của ông mà.”

Người lính trẻ trả lời, “Không phải là cha của tôi đâu, tôi chưa bao giờ biết ông ta là ai.”

“Như vậy sao ông không cho tôi hay khi tôi đưa ông đến gặp người đàn ông đó?”

Người lính trẻ giải thích, “Khi Sếp của tôi ra lệnh cho tôi đi phép tức tốc vì một lý do khẩn cấp trong gia đình, tôi đã có linh tính đó là một lầm lẫn. Câu chuyện như thế này, có lẽ tôi và một người lính khác có trùng tên và ở cùng một tỉnh, và có thể số thẻ bài của hai đứa tôi cũng hơi giống nhau, cho nên họ đã nhầm lẫn gửi tôi về. Tuy nhiên khi đến nơi, nhìn thấy cụ già đang bệnh trầm trọng và tôi biết ông ta đang mòn mỏi, mong ngóng gặp lại đứa con trai của ông, nhưng anh ta lại không có mặt nơi đây. Trong trạng thái mê man ông cụ không thể nào phân biệt được giữa tôi và người con của ông. Tôi lại nhận thức rằng hơn bao giờ hết, người đàn ông đang hấp hối kia mong mỏi và ước ao có một người thân bên cạnh, do đó mà tôi quyết định ở lại cho đến khi ông cụ trút hơi thở cuối cùng”.

…Như vậy đó! Cuộc đời như một cuốn tiểu thuyết, những tình tiết trong truyện cũng như ngoài đời. Tiếc gì một cái nắm tay thật chặt với người (thậm chí) không quen biết, chỉ cần đúng lúc một đồng loại khổ đau tới hết sức, thì giúp anh ta gượng dậy để anh ta còn đi giúp người khác với những lúc suy sụp như anh ta hiện tại, vì làm người thì ai chả có những lúc sức cùng lực kiệt, tinh thần suy sụp đến để rồi rất cần một bàn tay của thân nhân, bè bạn…


Phan