09.01.2016

Việt Nam tố cáo phi cơ “lạ” đe dọa an toàn các chuyến bay trong vùng

Việt Nam tố cáo phi cơ “lạ” đe dọa an toàn các chuyến bay trong vùng
Phi đạo đang xây trên Đá Chữ Thập theo ảnh vệ tinh đăng trên trang web của CSIS.Reuters
Nhà cầm quyền Việt Nam vừa có một phương cách mới để phản đối việc Trung cộng thử nghiệm sân bay trên Đá Chữ Thập, vùng quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Theo báo chí trong nước vào hôm nay, 08/01/2016, ngành Hàng không Việt Nam đã chính thức khiếu nại trước Tổ chức Hàng không Dân dụng thế giới về việc một số máy bay“không xác định” mới đây đã đe dọa sự an toàn của các hoạt động bay trong khu vực thuộc trách nhiệm của Việt Nam.

Theo văn thư đề ngày 06/01/2016 gửi đến Văn phòng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Hàng không Dân dụng Thế giới ICAO, Cục Hàng không Việt Nam báo động về việc từ ngày 01 đến 06/11, đã có một số máy bay không xác định hoạt động trong vùng Thông báo Bay (FIR) Sài Gòn, nhưng lại không liên lạc với cơ quan không lưu phụ trách theo quy định quốc tế về an toàn bay.
Trên nguyên tắc, các máy bay trên phải nộp kế hoạch bay cho cơ quan không lưu của Việt Nam, và phải thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Sài Gòn. Tuy nhiên, theo Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 28/12/2015 đến nay, các cơ quan quản lý bay của Việt Nam không hề nhận được bất kỳ thông báo bay nào của phía Trung cộng liên quan đến hoạt động bay đến Đá Chữ Thập.
Cục Hàng không Việt Nam tố cáo: hoạt động của các máy bay Trung cộng đã vi phạm các quy định của ICAO, ảnh hưởng nghiêm trọng và uy hiếp an toàn đến các hoạt động bay trong khu vực.
Hôm thứ Bảy 02/01, Trung cộng đã cho một phi cơ dân sự đáp xuống phi đạo trên Đá Chữ Thập, và qua thứ Tư 06/01, Bắc Kinh lại cho hai phi cơ khác hạ cánh xuống hòn đảo nhân tạo này. Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post số ra hôm nay, hai phi cơ bay đến Đá Chữ Thập hôm thứ Tư là một chiếc Airbus 319 của hãng China Southern Airlines, và một chiếc Boeing 737 của hãng Hàng không Hải Nam.
Ngoài Cục Hàng không Việt Nam, các hành vi của Trung cộng tại Trường Sa dĩ nhiên đã bị Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối, lần đầu tiên hôm 02/01, và lần thứ hai hôm 07/01.
Hoa Kỳ cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Vào hôm qua, đến lượt Lầu Năm Góc Mỹ tố cáo Trung cộng làm tình hình Biển Đông căng thẳng thêm lên với việc cho máy bay liên tiếp đáp xuống đảo nhân tạo mà họ vừa bồi đắp trong khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Peter Cook, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xác định rằng Hoa Kỳ « thật sự rất quan ngại về những chuyến bay đó… rất quan ngại trước tất cả các hoạt động mà Trung cộng tiến hành trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông ». 
Đối với phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ : « Bất kỳ điều gì, do bất kỳ nước nào tiến hành, nhằm tạo ra căng thẳng ở khu vực các đảo tranh chấp đó, và tìm cách quân sự hóa hay bồi đắp các đảo đó… đều chỉ có tác dụng làm gia tăng bất ổn định ở Biển Đông ».
Thái độ quan ngại của Mỹ trước khả năng Bắc Kinh quân sự hóa vùng Trường Sa như đã được một viên tướng Trung cộng đã hồi hưu xác nhận. Theo nhật báo South China Morning Post hôm nay, Tướng Từ Quang Dụ (Xu Guangyu) khẳng định rằng sau các phi cơ dân sự, nội trong vài tháng tới đây, có thể là ngay trong nửa đầu năm 2016, sân bay tại Đá Chữ Thập sẽ được sử dụng cho máy bay quân sự, với mục tiêu tuần tra Biển Đông.