11.01.2016

Quốc hội chỉ là chậu kiểng trước sân Bắc Bộ Phủ - Phạm Nhật Bình

"Từ năm 1945, Quốc hội Việt Nam hoạt động như là một cơ quan "gật đầu" (rubber stamp) mọi quyết định được đưa ra trước từ các ban cao nhất thuộc đảng hợp pháp độc nhất (Đảng Cộng sản Việt Nam)."                                                                                       Gerry Ferguson, đại học Victoria, Canada

Quốc hội chỉ là chậu kiểng trước sân Bắc Bộ Phủ
Phạm Nhật Bình

Cứ 5 năm một lần, Quốc hội lại được đảng chỉ đạo, tổ chức cho nhân dân đi bầu 500 đại biểu. Trong cơ chế đảng lãnh đạo toàn diện và triệt để, quốc hội luôn được đề cao là “cơ quan quyền lực cao nhất nước”. Nhưng màu mè dân chủ ấy chỉ nhằm tô son trét phấn cho chế độ độc tài mà thôi.

Quốc hội Việt Nam quả thật là một loại rất đặc biệt, không giống bất cứ quốc hội của nước nào trên thế giới, ngoài một vài quốc gia cộng sản như Trung Cộng, Bắc Hàn, Cuba.


Sắp tới đây, cơ quan “quyền lực cao ngất ngưởng” ấy sẽ được bầu lại cho khóa 14 vào ngày 22 Tháng 5, 2016. Nó đặc biệt ở chỗ, ngay từ ngày 4 Tháng Giêng, 2016 vừa qua, Nguyễn Phú Trọng đã nhân danh Bộ chính trị chỉ thị 8 điểm về việc các cấp tỉnh thành, các cơ quan lãnh đạo cuộc bầu cử này để đạt thành công sao cho thật… rực rỡ. 

Không phải đợi đến lúc này mà đã từ lâu, những ai quan tâm tới tình hình đất nước đều nhận ra quyền lực cao nhất nước này thật ra là con đẻ của đảng. Nếu tính từ khóa 1 năm 1946 đến khóa 13 hiện nay, tất cả đều do đảng nhào nặn từ đầu đến cuối.

Mặc dầu trên danh nghĩa, các đại biểu quốc hội do dân bầu ra theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu không khác các nước dân chủ; nhưng tuyệt đại đa số ứng cử viên đều là đảng viên và do đảng giới thiệu. Công dân bình thường không có quyền ứng cử, họa hoằn mới có một vài người ứng cử độc lập. Tuy nhiên, nếu những ứng cử viên độc lập đó là người không nằm dưới sự sai khiến của đảng thì sẽ bị Mặt Trận Tổ Quốc, cánh tay nối dài của đảng, tìm đủ cách để loại trừ qua những vòng hiệp thương mang đầy màu sắc đấu tố tại địa phương hay nơi làm việc. Điển hình như Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, hay Luật sư Lê Quốc Quân đã trải qua. Một vài người tuân phục đảng sẽ được cho “ứng cử độc lập” để làm cảnh cho đảng diễn tuồng dân chủ giả hiệu.


Do đó, 500 đại biểu là 500 đảng viên do đảng chỉ định nằm trong cơ quan lập pháp, nhưng đồng thời vẫn nắm giữ hết mọi chức vụ trong các cơ quan chính phủ. Chẳng hạn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn là đại biểu quốc hội của Tỉnh Hải Phòng suốt 4 khóa, hay ông Trương Tấn Sang lâu nay là đại biểu của Tp. HCM, hoặc tướng công an Trương Hoà Bình được đảng đưa sang nắm giữ chức Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và đồng thời cũng là đại biểu quốc hội. Đó là tình trạng hành pháp, lập pháp, tư pháp hổ lốn trong một cơ quan được gọi là “tam quyền thống nhất dưới sự lãnh đạo của đảng”. Một tình trạng chỉ có trong các chế độ cộng sản, nhằm mục đích dán nhãn hiệu “là đại biểu do nhân dân bầu lên” một cách dân chủ.

Bởi vậy nên mới có tình trạng luật biểu tình lại do bộ công an soạn thảo, mà bộ công an soạn thảo thì luật đó sẽ phục vụ cho ai là điều mọi người đều đã biết.

Trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày tuyển cử đầu tiên bầu ra quốc hội khóa 1 vào ngày 6 Tháng Giêng vừa qua, báo chí quốc doanh ca tụng không tiếc lời “Quốc hội là thành quả đấu tranh cách mạng của nhân dân ta.” Nhưng không quên câu kinh nhật tụng “dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch HCM.”

Nhân dân được đề cao bằng giọng điệu tâng bốc tối đa, nhưng trong các cuộc bầu cử quốc hội, nhân dân vẫn mỉa mai đó chỉ là thứ quốc hội “đảng cử dân bầu.” Quyền công dân của họ bị đơn giản hóa tối đa trong hành động cầm lá phiếu bỏ vào thùng để lấy con dấu màu đỏ chứng minh rằng đã đi bầu, để khỏi bị làm khó dễ trong sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài ra, người công dân không còn được hành xử bất cứ thứ quyền căn bản nào dù những quyền đó đều có ghi đầy đủ trong hiến pháp hiện hành. Rốt cuộc thành quả mà đảng gán cho nhân dân chẳng qua là thành quả bị chiếm đoạt một cách tinh vi.

Dịp này Nguyễn Phú Trọng cũng tuyên bố:“Trải qua 70 năm, với 13 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội không ngừng lớn mạnh…”. Sự lớn mạnh ấy được chứng minh bởi nhận định của Giáo sư Gerry Ferguson, đại học Victoria, Canada: "Từ năm 1945, Quốc hội Việt Nam hoạt động như là một cơ quan "gật đầu" (rubber stamp) mọi quyết định được đưa ra trước từ các ban cao nhất thuộc đảng hợp pháp độc nhất (Đảng Cộng sản Việt Nam)." (1)

Quốc hội Việt Nam trong suốt quá trình hoạt động của mình tính tới khóa 13 đã gật đầu nhiều đến nỗi trong nhân dân cứ lưu truyền câu: “Đảng chỉ tay, Quốc hội giơ tay, Mặt trận vỗ tay, Chính phủ ra tay, Nhân dân trắng tay”…

Trong nhiệm vụ chính của cơ quan lập pháp, như ông Nguyễn Minh Tuấn, một giáo sư đại học trong nước nhận xét, tuy quốc hội nắm quyền lập pháp, nhưng trên thực tế phần lớn các dự thảo luật là do Chính phủ và các Bộ ngành soạn thảo, đệ trình. Chẳng hạn Bộ Công an lại được chính phủ giao soạn thảo Luật biểu tình mà cho đến nay vẫn bị trì hoãn bởi các nhà lập pháp công an. 

Điều này cho thấy, đảng đánh giá quốc hội không có khả năng soạn một dự thảo luật và mặt khác quốc hội cũng không dám làm khi chưa có lệnh đảng ban ra. Trong cơ chế tam quyền thống nhất đó, rõ ràng quốc hội được tạo ra như một trong nhiều chậu cây cảnh vây quanh chế độ. Nó góp sức tô điểm cho bộ mặt chế độ bớt lem luốc vì vô số thành tích chống lại nhân quyền, chà đạp dân chủ. Thế nên nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai mới gọi những cơ quan như vậy là thứ chậu cảnh vô duyên.

Trong thân phận làm cảnh, nếu nhìn suốt nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, quốc hội khóa 13 thể hiện một thái độ thụ động hiếm có trong vấn đề Biển Đông. Điển hình nhất ngày 2 Tháng 5, 2014 khi Trung Cộng ngang nhiên kéo giàn khoan HD 981 đến một vị trí thuộc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 170 hải lý. Mãi đến 20 ngày sau, quốc hội mới đưa ra được một thông cáo báo chí “bày tỏ lo ngại” và yêu cầu Trung Cộng rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.


Thái độ gần như bình chân như vại ấy chẳng khác con bù nhìn đang chờ lệnh đảng. Trong lúc ấy không ít người chờ đợi và muốn thấy những đại biểu quốc hội tỏ rõ một thái độ nói lên tiếng nói bảo vệ chủ quyền đất nước. Nhưng vốn là một cơ quan làm râu ria trang trí, quốc hội cứ ngoan ngoãn giữ im lặng đáng sợ, không dám đưa ra một nghị quyết nào về Biển Đông.
Như vậy, trong cả hai nhiệm vụ làm luật và giám sát chính quyền, cũng như vai trò đại diện toàn dân như hiến pháp 2013 rêu rao, quốc hội Việt Nam xứng đáng là cơ quan quyền lực bù nhìn cao nhất của đảng. Hay nói khác đi chỉ là nơi tập trung những đảng viên chỉ biết ngậm miệng ăn tiền, đảng chỉ bảo sao thì chấp hành làm y như thế.

Dù mấy tháng nữa mới bầu tân quốc hội, nhưng vị tân chủ tịch quốc lại được dựng lên sẵn vào hạ tuần tháng này, khi những bầu bán trong đại hội đảng được an bài.

Thế mà sắp tới đây, món hàng quốc hội đảng cử dân bầu khóa 14 sẽ lại được đảng rầm rộ quảng cáo cho chậu kiểng trang trí sẵn có được tươi hơn, hấp dẫn hơn dù chẳng được ai quan tâm.

Bất hạnh thay cho người dân Việt oằn lưng đóng thuế, vừa nuôi bộ máy đảng vừa nuôi 500 kẻ vô tích sự.

Phạm Nhật Bình
---

(1) Wikipedia